Trang

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

TRƯỞNG THÀNH ĐỨC TIN

NHỮNG HOÀN CẢNH DỄ LÀM TA MẤT ĐỨC TIN
                Lm.Giuse Nguyễn Quốc Quang

Bạn thân mến,
Đức Tin là một hồng ân nhưng không, Thiên Chúa ban tặng cho con người. Chúng ta có thể đánh mất hồng ân vô giá đó. Thánh Phao-lô cảnh giác ông Ti-mô-thê về nguy cơ này: “Đây là chỉ thị tôi trao cho anh… để anh đưa vào đó mà chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp này, với đức tin và lương tâm ngay thẳng. Một số người đã vứt bỏ lương tâm ngay thẳng đó, nên đức tin của họ đã bị chết chìm” (1Tm 1,18-19). Để sống, lớn lên và bền chí đến cùng trong đức tin, chúng ta phải nuôi dưỡng đức tin bằng Lời Thiên Chúa; chúng ta phải cầu xin Chúa gia tăng đức tin cho chúng ta; đức tin phải “hành động nhờ đức mến” (Gl 5,6), được đức cậy nâng đỡ và đâm rễ trong đức tin của Hội Thánh” (GLHTCG, số 162).

          Tại sao Thánh Phaolô dạy trong mọi hoàn cảnh phải giữ vững đức tin cho đến cùng, đừng đánh mất chúng? Vì, Đức tin rất cần cho ơn cứu độ, vì “Tin vào Chúa Giêsu Kitô và Đấng đã sai Người đến cứu độ chúng ta, là điều cần thiết để đạt ơn cứu độ đó. Mà không có đức tin, thì không đẹp lòng Thiên Chúa và cũng không thể đạt tới chức vị làm con cái Thiên Chúa, nên không ai được công chính hóa nếu không có đức tin, và không ai đạt tới cuộc sống muôn đời nếu không bền chí đến cùng trong đức tin” (GLHTCG, số 161).  
          Bạn thân mến,
Chắc chắn đức tin không phải là một mớ giáo lý mà ta đã học, cũng không phải là một sự chinh phục, mà là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Nhờ ân ban ấy, con người có được một lối sống tin tưởng, phó thác và chủ động theo Chúa. Lối sống đó là soi mình dưới bóng Chúa, đặt hành vi luân thường đạo lý dưới Lời Chúa qua từng hoàn cảnh của cuộc đời. Nghĩa là biết đáp ứng bằng đức tin trong mọi hoàn cảnh bằng hành động cụ thể:
1. Khi thành công và giàu có
Bấy giờ có một người đến thưa Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời? " Đức Giê-su đáp: "Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn." Người ấy hỏi: "Điều răn nào? " Đức Giê-su đáp: "Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ", và "Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình." Người thanh niên ấy nói: "Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không? " Đức Giê-su đáp: "Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt 19,16-22).
Bạn thân mến,       
ràng, chàng thanh niên này thành công trong việc đạo đức cũng như công ăn việc làm. Đạo đức lắm mới giữ các giới răn tuyệt vời như thế! Thành công trong việc làm mới có nhiều của cải như thế chứ! Tiếc thay! Anh ta thất bại ngay đời này và đời sau: mất đức tin, mất tha nhân, mất Chúa và mất sự sống đời đời.
Qủa thật, tiền của có thể là một tên đầy tớ tốt, nhưng lại trở thành ông chủ xấu. Tiền có thể xây dựng, nhưng cũng có thể phá đổ. Có thể phát triển nhưng cũng có thể huỷ diệt mọi công trình vật chất cũng như tinh thần. Tiền của có thể biến con người trở nên bất hiếu, đánh mất nhân cách, giảm đi nhân phẩm, bất trung, bất nghĩa và dễ làm mất đức tin. Vì thế, Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta: "Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền bạc được" (Lc 16,13). Ta vẫn nghe nói, có tiền mua tiên cũng được. Nhưng chưa chắc, vì:Tiền có thể mua được mái nhà, nhưng không mua được mái ấm. Tiền có thể mua được đồ dùng, nhưng không mua được niềm vui. Tiền có thể mua được máu, nhưng không mua được sức khoẻ. Tiền có thể mua được kiến thức, nhưng không mua được nhân cách. Tiền có thể mua được bằng cấp, nhưng không mua được tri thức. Tiền có thể mua được hưởng thụ, nhưng không mua được bình an. Tiền có thể mua được phục vụ, nhưng không mua được tình nghĩa. Tiền có thể mua được trái tim, nhưng không mua được tình yêu. Tiền có thể mua được đời này, nhưng không mua được đời sau. Tiền có thể mua được con người, nhưng không mua được Thiên Chúa.
        Cho nên, thành công hay giàu có đều là những ơn huệ Chúa tặng ban. Chúng ta được phép sử dụng trước hết là để bảo đảm một cuộc sống ấm no, xứng đáng với phẩm giá con người, cho chính bản thân, cũng như những người thân yêu. Thế nhưng ngoài mục đích đó ra, chúng ta còn có bổn phận phải chia sẻ và giúp đỡ những người chung quanh, nhất là những kém may mắn, những người túng thiếu, như người xưa đã bảo: Hữu lộc bất khả hưởng tận (có tiền bạc không nên hưởng một mình). Chính những hành vi yêu thương này mới mà cho đức tin ta sống mãi cho nên “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Mặt khác, khi thương giúp đỡ và chia sẻ cho người khác vật chất cũng như tinh thần, chúng ta không chỉ tạo tình liên kết con người với nhau ngay đời đời và còn đời sau nữa, mà còn giúp cho Chúa nữa. Qủa thế, Chúa Giê-su kể cho chúng ta bằng chứng này: "Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: "Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa! Người quản gia liền nghĩ bụng: "Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ! Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” Lc 16.1-4.9). Rồi Chúa Giêsu nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25,40).
Bạn thân mến,
Khi thành công và giàu có, bạn hãy tạ ơn Chúa đồng thời biết chia sẻ với tha nhân vì chưng Lời Chúa dạy “cho thì có phúc hơn là nhận" (Cv 20,35). Cho nên “Phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi" (Mt 19,35). Vì vậy, bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiêu phần đức và phúc để lại cho đời này và đời sau. Đừng bao giờ coi đồng tiền to hơn mạng sống của mình hay tha nhân, “Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,26).  Vì vậy, thành công và giàu có cũng là dịp dễ làm mất đức tin mất Chúa và cả tha nhân nếu chúng ta cứ lo thu tích cho mình mà không biết chia sẻ, cho đi vì chưng Thánh Gio-an tông đồ quả quyết: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1Ga 3,17). Ngược lại, nếu biết cho đi, chia sẻ những gì mình có thì không chỉ được tất cả và còn phong phú hơn nữa. Chẳng hạn, Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh, một trong những các Thánh tử đạo Việt Nam.
Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh sinh năm 1768 tại làng Mỹ Hương, huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình. Cha là Antôn Nguyễn Hữu Hiệp, mẹ là Mađalêna Lộc. Thời niên thiếu, cậu xin làm đệ tử Đức Cha Labartette Bình có ý học làm linh mục, nhưng vì hai người anh trai cũng xin đi tu nên gia đình gọi cậu về để nối dõi tông đường. Năm 1800, theo việc cắt cử của làng xã, anh gia nhập đội quân của Nguyễn Ánh, góp phần chiến thắng quân Cảnh Thịnh và được thăng chức Vệ Uý. Đến khi đất nước đã thống nhất (1802), Gia Long lên ngôi, ông thấy đời quân ngũ không thích hợp, liền xin giải ngũ. Trở về quê nhà, ông mua một thửa đất canh tác và buôn bán thêm để sinh sống. Đồng thời ông dành nhiều giờ đọc thêm nghề thuốc, và dần dần trở thành một lương y nổi tiếng khắp vùng. Nhờ đó kinh tế gia đình ngày càng khá giả hơn. Thế nhưng đối với ông Quỳnh, tài sản khả năng Chúa ban cho là để phục vụ mọi người, nên thay vì thu tích cho bản thân, ông quan tâm phục vụ dân nghèo một cách tận tình. Đối với họ ông chữa bệnh miễn phí, săn sóc và đôi khi còn tặng họ thêm tiền để làm vốn nữa. Khi vợ con lên tiếng kỳ kèo, ông trả lời rằng : "Tôi chưa thấy những ai hay giúp đỡ người nghèo khó mà túng bấn bao giờ. Kinh thánh chẳng dạy chúng ta phải coi họ như chi thể của Chúa đó sao? Chúa đã cho chúng ta sống tất sẽ quan phòng cho ta đủ dùng". Khi các con khôn lớn, ông nói với chúng : "Cha đã nuôi dưỡng các con từ nhỏ, nay đã lớn khôn, các con sẽ lo tất cả cho gia đình. Cha muốn để dành tiền bán thuốc để chia sẻ với bà con nghèo khổ".

 2. Khi thất bại, nghèo khổ

          Thất bại, nghèo khổ là một hiện tượng xã hội gắn chặt với con người trong mỗi thời đại. Cho nên, trong liên khúc “Nghèo”, Trường Vũ ca rằng: “Khi tôi sinh ra mang được ngay tiếng con nhà nghèo. Qua bao nhiêu năm không đổi thay lớn lên còn nghèo. Luôn đi bên tôi như với người tình thân thiết. Công danh trong tay như cát bụi trên phố hè. Tôi chưa yêu ai hay chẳng ai thích yêu người nghèo. Tôi không say mê hay tại tôi thiếu sang mặc đẹp. Tôi khôn tôi ngoan nhưng vẫn nghèo thì ai biết. Ngay khi trong tay không có tiền bảo ai nghe”. Vâng, bạn thấy đó, nói đến nghèo khổ, người ta không chỉ kể đến hiếu thốn vật chất nhưng là sự nghèo đói tinh thần. Quả thật, sống tên đời này, chẳng có ai muốn thất bại mà cũng chẳng ai muốn nghèo, lại càng chẳng có ai muốn chết trong cảnh nghèo nàn, túng thiếu. Thất bại là chuyện thường tình, có thất bại mới có thành công nếu chúng ta biết đứng lên, kiên trì vượt qua. Vì thế, tục ngữ xưa đã có câu: “Thất bại là mẹ thành công”. Nghèo thì khổ nhưng không phải vì khổ mà ta buông xuôi, chán nãn, thất vọng hay ngồi đó mà quyền rủa bóng đêm. Ngược lại, phải biết chấp nhận khổ, để sống có ý nghĩa, sống thanh tao, thanh sạch và lạc quan. Nghèo nhưng luôn luôn vẫn vui tươi, luôn luôn hé môi cười luôn luôn vẫn yêu đời. Cho nên, ông bà dạy: “nghèo cho sạch rách cho thơm”.
          Xét theo khôn ngoan của người đời, nghèo khổ hay thất bại là một sự bất hạnh lớn cho con người vì họ chỉ  biết quí trọng giầu sang về vật chất và thành công trong sự nghiệp. Vì thế, khi gặp thất bại xảy ra và kiếp nghèo kéo đến, họ không chấp nhận nỗi, dễ tuyệt vọng, mất niềm tin và bi quan với đời mình. Còn đối với chúng ta, những người có niềm tin Thiên Chúa, tin có sự giầu sang vĩnh cửu trên Nước Trời, thì khó nghèo lại là một nhân đức cần phải có để xứng đáng là những môn đệ lớn nhỏ của Chúa Kitô, Đấng đã thực sự sống khó nghèo từ khi sinh ra  trong hàng bò lừa cho đến khi chết trần trụi trên thập giá.
Sách Thánh kể Ông Gióp, một người ngoại giáo lắm của, nhiều con và chỉ biết ăn ngay ở lành với một lòng kính sợ Thiên Chúa. Bỗng dưng Thiên Chúa lại cho phép Satan hành hạ ông không nương tay để thử lòng trung kiên của ông. Bao nhiêu tài sản của ông bỗng chốc tan biến hết, các con ông cũng theo nhau chết dần vì tai bay vạ gió (G 1,13-19), bản thân ông lại bị mắc chứng bị lở loét toàn thân thật đau đớn khốn cực (2,7). Nhưng có lẽ đau khổ nhất là trong tình cảnh bi đát như vậy thì chính vợ ông cùng các bạn thân cuả ông không ngớt lời lên án rúc rỉa ông (2,9) và cuối cùng họ cũng bỏ ông. Dẫu vậy, ông vẫn kiên trì chịu đựng tất cả vì ông tin rằng mọi sự đều do Thiên Chúa gửi tới, cho nên ông xác tín rằng: "Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, Tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa ban cho, Đức Chúa lại lấy đi. Xin chúc tụng danh Đức Chúa" (G 1,21). Và ông luôn luôn sẵng sàng đón nhận tất cả dù cái sướng hay cái khổ: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?” (2,10b).
Nhưng với sức chịu dựng có hạn của con người, ông Gióp đã thốt lên những lời ai oán, tiêu biểu cho tiếng kêu của tất cả những ai thất bại, nghèo khổ. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh ấy, ông vẫn trung kiên giữ vững niềm tin, dù cha mẹ, vợ con, bạn bè có bỏ ông nhưng ông vẫn không bỏ Chúa, không đánh mất đức tin. Cuối cùng ông được minh oan và được an ủi; ông được bù cả về sức khoẻ, tài sản, gia đình và danh dự.
Đây là một đức tin “có thể chuyển núi dời non». Đây là đức tin có thể chuyển họa thành phúc. Quả thực, ông Gióp sau những thử thách thì phong ba bão tố cũng yên hàn. Ông đã được Chúa ban lại những gì đã mất. Chúa không bỏ quên những ai tín trung với Ngài. Năm xưa các tông đồ đã từng hoảng loạn, sợ hãi trước sức mạnh của thiên nhiên, của giông bão. Giông bão như muốn nhấn chìm tất cả: con người và tài sản. Con thuyền của họ thật mong manh! Họ đâu nghĩ rằng đêm nay biển dậy sóng trào. Họ đâu lường hết được những rủi ro có thể đến với họ đêm nay. Họ phải đối đầu với nguy nan, với bất trắc, với rủi ro. Một chiếc thuyền nan mong manh trên biển cả biết bám víu vào đâu? Làm sao họ có thể vào bờ an toàn trước cuồng phong lồng lộng. Họ bất lực. Họ muốn buông xuôi cho dòng đời xô đẩy. Nhưng may thay, họ đã nhớ đến Thầy Giêsu. Thầy vẫn hiện diện bên họ. Có Thầy hiện diện tại sao không cầu cứu? Thầy có thể làm cho kẻ chết sống lại. Thầy có thể đẩy lùi sự dữ. Thầy có thể làm mọi sự. Tại sao không kêu cầu Thầy? Dầu sao Thầy cũng là một cái phao duy nhất để các ông bám víu trong lúc nguy nan của dòng đời. Các ông đã chạy đến thưa Thầy: “Thầy ơi, chúng con chết mất!”. Đó là tiếng kêu từ thẳm sâu tâm hồn cần đến sự trợ giúp từ Thầy Chí Thánh. Đó là tiếng cầu cứu nói lên sự bất lực của con người trước thất bại và nghèo khổ.
Đó cũng là tiếng kêu cứu của con người hôm nay khi đứng trước biết bao nghịch cảnh xảy đến trong đời. Biển đời vẫn đưa đẩy những sóng gió nghi nan, những bất trắc đau thương. Thiên tai vẫn ập xuống địa cầu. Sự dữ vẫn đang tung hoành. Có nhiều người như muốn thất vọng buông xuôi vì không tìm được lối thoát. Có nhiều người oán trời oán đất vì quá sức chịu đựng. Có nhiều người ôm phiền muộn trong đau thương một mình vì chẳng tìm được sự an ủi, cảm thông và tin tưởng nơi tha nhân. Còn, chúng ta có Chúa an ủi và đỡ nâng hãy chạy đến với Chúa, tín thác, cầu xin và tin tưởng Ngài, chắc chắn Ngài sẽ làm cho cuộc đời ta bình an và lạc quan dù nghèo vật chất đồng thời giúp đức tin ta vững mạnh và bền đỗ. Qủa thế, Chúa Giêsu đã nói: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Còn Thánh Giacôbê tông đồ dạy: “Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì” (Gc 1,2-4).
Vâng, cuộc đời ba chìm bảy nỗi chín lênh đênh. Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Trong mọi hoàn cảnh, hãy tin rằng Chúa vẫn đang đi trong cuộc đời chúng ta. Hãy đến gặp gỡ Chúa, tin tưởng phó thác vào Chúa và vui sống với Tin Mừng của Ngài. Hãy tin tưởng vào tình thương quan phòng của Chúa, Ngài sẽ luôn làm những điều tốt đẹp nhất cho con cái của Ngài. Vì vậy, Giáo Lý Hội Thánh dạy rằng: Không có gì xảy ra mà không do Chúa muốn, mà tất cả những gì Ngài muốn, dầu có vẻ ác hại đến đâu, cũng là điều tốt nhất cho ta” (GLHTCG 313). Còn ngay lời mở đầu của Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng: “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu. Những người để cho mình được Người cứu độ được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn rầu, trống rỗng nội tâm và cô lập.Với Chúa Giêsu Kitô niềm vui được sinh ra và luôn luôn tái sinh”.










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét