Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

LỄ ĐÊM GIÁNG SINH

BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO LOÀI NGƯỜI CHÚA THƯƠNG
Lời Chúa: Is 9,1-6; Tt 2, 11-14; Lc 2, 1-14
         Một lần nọ tôi ở bệnh viện, có một người ngoại giáo gặp tôi và hỏi: “thưa, Linh mục, tôi có một điều tôi ấm ức lắm muốn hỏi nhiều chức sắc tôn giáo những không có cơ hội. Hôm nay gặp Linh mục, tôi muốn hỏi câu này xin Linh mục giải thích giúp tôi. Thưa Linh mục, ông bà ta dạy: “Ở hiền gặp lành”. Ấy thế, tôi thấy thực tế những người hiền thường gặp đau khổ nhiều hơn. Chẳng hạn, Linh mục thấy những bệnh nhân nằm ở đây toàn là người hiền hết chứ có thấy ai dữ đâu mà người này liệt bán thân, người hai hai tay hoặc hai chân. Đứa bé này mới 8 tuổi nó có tội tình gì mà phải mang căn bệnh quái ác: hội chứng teo cơ – liệt tứ chi. Đáng lẽ ra những căn bệnh này dành cho những đứa cướp của giết người, xì ke ma túy hay đâm cha giết chú mới đúng! Như vậy, câu nói ông bà sai rồi có nghĩa gì? Tôi liền nói: Anh ơi, ông bà ta dạy câu đó đúng lắm chứ, Anh chưa theo Đạo Công Giáo nên anh chưa biết ông bà ta lấy cơ sở nào để dạy câu đó thôi. Ông bà ta dạy: “ở hiền gặp lành” và dĩ nhiên cũng dạy: sinh-lão-bệnh-tử đúng không? Cho nên, sinh lão bệnh tử là chuyện đương nhiên là người ai cũng phải kinh qua dù hiền hay dữ. Hiền gặp lành ở chỗ này: (1) khi tôi bệnh hoạn ốm đau nhưng có nhiều người yêu thương thăm viếng, chăm sóc và quan tâm chữa trị; (2) khi tôi bệnh hoạn, có người giúp đỡ tôi vật chất và tinh thần tức cầu nguyện cho tôi. (3)Đặc biệt khi tôi bệnh hoạn đau khổ tột cùng, nhưng tâm hồn tôi bình an, thanh thảnh vui tươi đón nhận, không mặc cảm, than trời trách đất, chán nãn buồn phiền, la lối thóa mạ và cứ muốn tự tử chết cho xong. Tâm hồn bình an khi gặp đau khổ đó là sự lành mà ông bà ta muốn nói. Cho nên, bình an là yếu tố quan trọng nhất làm cho cuộc đời nở hoa chứ không bế tắc. Bình an ấy bên Đạo Công giáo chúng tôi chính là CHÚA GIÊSU THIÊN CHÚA XUỐNG THẾ LÀM NGƯỜI. Ngài chính là nguồn bình an cho muôn người trong cuộc sống này.

Qủa thế, đêm nay, sứ thần Chúa đã hát vang trên cánh đồng Bêlem: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Chúa Giêsu là Thiên Chúa toàn năng phép tắc vô cùng, ấy thế Ngài cũng đâu chữa hết bệnh hoạn tật nguyền trên thế giới này. Ngài cũng đâu xóa hết đau khổ cho con người. Chính Ngài cũng chịu đau khổ trăm bề nữa mà. Điều đáng nói ở đây là Ngài xuống thế làm người để đồng lao cộng khổ với con người sống kiếp con người ba chìm bảy nỗi chín lênh đênh này. Và khi sống lại từ cõi chết, trước khi về trời, Chúa Giêsu đã hiện ra và chào chúc trao ban bình an cho các môn đệ khi xưa và cho chúng ta hôm nay nữa mỗi khi tham dự Thánh lễ: “Bình an cho các con. Thầy ban bình an của Thầy cho các con”.
    Sự bình an trong tâm hồn Chúa ban tặng cho chúng ta đó chính là việc giải thoát chúng ta khỏi sự kìm kẹp của tội lỗi, giao hòa chúng ta với Chúa và với tha nhân. Bao lâu chúng ta còn sống trong tội lỗi, trong sự thù địch với Chúa và với tha nhân thì chúng ta còn băn khoăn, còn lo lắng, còn GATÔ (ghen ăn tức ở), còn mặc cảm, còn than trời trách đất, còn chiếm giết nhau và ngay cả chính mình, chúng ta còn dữ chứ chưa hiền, chưa gặp lành, chưa có bình an. Lão tử dạy “Tâm tịnh thần sáng” tâm mà yên bình thì trí mới minh mẫn sáng suốt không bao giờ làm điều đen tối tội lỗi. Còn Chúa Giêsu dạy: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Anh em đừng để cho tâm hồn mình bị xao xuyến” (Ga 14,27). Sự bình an của Chúa Giêsu là một Con Người, Chúa Thánh Thần! Bình an này được lãnh nhận trong Phép Rửa, các Bí tích và lúc ta Rước Lễ. Vì vậy, có sự bình an của Chúa tâm hồn, cùng với Ngài, chúng ta thanh thản, vui mừng và hạnh phúc dù có gặp phải những túng cực và khổ đau. Cho nên, trong bài đọc 1, Ngôn sứ Isaia nói: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm” (Is 9,1-2).
   Chúa Giêsu hoàng tử bình an và là chính sự bình an nội tâm mà Thiên Chúa tặng cho chúng ta từng giây từng phút trong đời sống chúng ta. Vì thế, chúng ta phải biết trân trọng đón lấy Chúa Giêsu và Lời của Ngài đồng thời nỗ lực cộng tác với Chúa để kiến tạo bình an cho chính bản thân mình và cho mọi người sống chung quanh ta.
   Trước hết là bình an cho mình. Khi cuộc sống mình đầy đủ, mạnh khỏe, thì ta hãy tạ ơn Chúa đồng thời trao ban bình an ấy cho người khác hưởng nhờ vì chưng Chúa dạy: “hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16,9). Còn nếu gặp gian nan khố khó, thì tôi vẫn bình an và trung tín cậy tin vào Chúa, đồng thời vui mừng và hãnh diện mang lấy đau khổ này vì đó là thập giá Chúa Giêsu, có thập giá mới có vinh quang.   
   Rồi đến bình an cho gia đình mình. Gia đình chúng ta ngày nay bất an nhiều hơn bình an, dữ nhiều hơn lành vì đời sống vợ chồng con cái nhường xáo trộn do kinh tế thị trường và hưởng thụ xã hội. Vợ chồng bất an vì tính hư tật xấu của nhau, cha mẹ bất an vì con cái sống buông thả theo xã hội vô cảm này. Gia đình là nơi bình an mà không có nó thì làm sao có yêu thương êm ấm thuận hòa. Không có yêu thương vì không có Chúa và có nhau. Đâu có tình yêu thương ở đó có Đức Chúa Trời mà. Cho nên, hôm nay đến tôn thờ Gia đình Thánh Gia: Thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu hài nhi nằm trong máng cỏ, chúng ta dò xét lại gia đình mình chưa bình an? Nếu chưa thì rõ ràng gia đình mình chưa đón Chúa Giêsu hài đồng vào ở với gia đình mình và sống Lời của Ngài. Vì vậy, Gia đình hãy đón Hoàng Tử bình an vào gia đình mình và để Chúa ngự trị trong tâm hồn mỗi thành viên trong gia đình, chắc mọi thành viên sẽ sẵn sàng tha thứ, nhường nhịn và chịu đựng lẫn nhau khi thịnh vượng cũng như gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe để yêu thương nhau suốt đời. Vì vậy, Thánh Phaolô trong bài đọc 2 khẳng định với chúng ta rằng: “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này”.
 Chúng ta thường chúc nhau trong mùa Chúa giáng sinh rằng: Giáng sinh an bình! Lát nữa đây, trong Thánh lễ bình an của Chúa ở cùng chúng ta. Chúng ta chúc bình an cho nhau. Lễ xong Chúa lại chúc anh chị em đi bình an. Ước chi, Chúa Giêsu Hài Đồng, Ngôi Hai Thiên Chúa, Hoàng Tử Bình An, làm cho chúng ta bình an thật sự và trở thành những hoàng tử bình an của Chúa qua việc sống Lời Chúa, siêng năng tham dự Thánh lễ và kinh nguyện sớm hôm, nhất là phải từ bỏ tính hư tật xấu và tội lỗi, sống yêu thương, tha thứ, cảm thông, chia sẻ và quan tâm nhau khi vui cũng như buồn trong cuộc sống gia đình và giáo xứ đạo này để rồi sự bình an ấy lan rộng ra ngoài xã hội, bằng sự hòa giải, cảm thông yêu thương hết mọi người, đặc biệt những người nghèo khổ, người khuyết tật qua việc bác ái và cầu nguyện hầu mọi người luôn được hưởng sự bình an mà Chúa Hài Giêsu, Con Thiên Chúa đem đến cho mọi người hôm nay. “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Allêluia. 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét