Trang

Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

NHÂN ĐỨC CÔNG BẰNG


Bấy giờ những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không? Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế! " Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ: "Hình và danh hiệu này là của ai đây? " Họ đáp: "Của Xê-da." Bấy giờ, Người bảo họ: "Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." Nghe vậy, họ ngạc nhiên và để Người lại đó mà đi” (Mt 22,15-22).
1. Như thế nào là công bằng?
  Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Công bình là đức tính luân lý cốt tại một ý chí liên lỉ và vững chắc, quyết tâm trả lại những gì mình mắc nợ với Thiên Chúa và với người lân cận. Công bình đối với Thiên Chúa được gọi là “nhân đức thờ phượng”. Đối với người ta, công bình là tôn trọng quyền lợi của mỗi người và thiết lập sự hài hòa trong các tương quan nhân loại, sự hài hòa này đưa tới việc không thiên vị đối với các nhân vị và đối với các công ích. Người công bằng thường được nhắc đến trong Kinh Thánh, có nét đặc biệt là sự ngay thẳng thường xuyên trong các ý nghĩ của mình và ngay thẳng trong các hành động đối với người lân cận. Các ngươi  không được thiên vị người  yếu thế, cũng không được nể mặt người quyền quý, nhưng hãy xét xử công minh cho đồng bào” (Lv 19,15). “Người làm chủ hãy đối  xử công bằng và đồng đều  với các nô lệ, vì biết rằng cả anh em nữa cũng có một Chủ trên  trời (Cl 4,1)” (số 1807).

2. Chúa Giêsu dạy về đức công bằng
“Của Xê-da trả lại cho Xê-da, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” (Mt 22, 21). Của Xêda là của ai? Là đức công bằng đối với tha nhân. Còn của Thiên Chúa là gì?  Là đức công bằng đối với Thiên Chúa.
- Đối với Thiên Chúa, đức công bằng đòi ta phải trả về cho Ngài những gì? Thiên Chúa là Đấng dựng nên ta, cứu chuộc ta. Cho nên, chúng ta mắc nợ Thiên Chúa nhiều lắm, biết khi nào trả cho đủ. Bởi vì, chúng ta mắc nợ Thiên Chúa chính hiện hữu, chính sự sống của mình, tất cả đều là quà tặng Thiên Chúa ban. Bởi thế, đức công bằng đòi ta phải biết ơn Thiên Chúa qua việc thờ phượng Ngài,Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi" (Lc 4, 8). Cho nên, đức công bằng đối với Thiên Chúa là đức thờ phượng như: Thờ lạy, tạ ơn, chúc tụng, ngợi khen, suy tôn, thần phục…
- Đối với người khác, đức công bằng đòi ta phải trả về cho họ những gì? Là con người, ai cũng có quyền được sống, quyền có của cải… Đức công bằng đòi buộc ta phải tôn trọng của cải, tiền bạc, danh dự, mạng sống của tha nhân. Bởi thế, ta không được lấy, được giữ, không được làm thiệt hại những gì thuộc về người khác.
Công bình đối với Thiên Chúa được gọi là "nhân đức thờ phượng", còn đối với con người thì công bình là tôn trọng quyền lợi của mỗi người, đối xử công minh với mọi người và thực thi công ích. Dấu hiệu của một đời sống công bằng là không thiên vị, sống ngay thẳng, thật thà, chính trực, thành thật... từ trong ý nghĩ, lời nói và hành động. Vì vậy, Chúa Giêsu dạy "Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-siêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời"  (Mt 5, 20).
Tóm lại, thật sự không ai trong chúng ta dám tự hào mình là tuyệt đối công bằng, chỉ có một mình Thiên Chúa mới là Đấng tuyệt đối công bằng. Và trong cuộc đời trần thế này không ở đâu có sự công bằng tuyệt đối, chỉ có nơi Chúa thôi. Cho nên, chúng ta phải học theo gương Chúa Giêsu thôi.
3. Sống nhân đức công bằng
        Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Để được như vậy, chúng ta phải tập sống các nhân đức trong đó có nhân đức công bằng và khi càng tập sống các nhân đức chúng ta càng trở nên giống Chúa. Vì vậy, muốn tập sống nhân đức công bằng, chúng ta phải:
- Phát triển các năng khiếu Thiên Chúa ban cho bạn và sử dụng các năng khiếu đó để làm lợi cho người khác.
- Luôn chân thật.
- Luôn nói thật.
- Tuân giữ các luật pháp, kể cả luật về việc sử dụng rượu bia và tốc độ đi xe.
- Tôn trọng mọi người – nam, phụ, lão, ấu, sang, hèn.
- Không nói hành, không nói xấu người khác.
- Tôn trọng tài sản của người khác.
- Làm việc chăm chỉ xứng với tiền lương.
- Hãy kiến tạo hòa bình.
- Không có thành kiến với bất cứ ai.
- Quan tâm người nghèo bằng cách hạn chế chi tiêu để chia sẻ với người nghèo.
- Không lãng phí thực phẩm.
- Tham gia các hoạt động chung ở trường học, giáo xứ, hội đoàn, làng xóm, khu phố,…
- Phân phối đồ dư một cách hợp lý, và có trách nhiệm giữ vệ sinh công cộng.
- Cầu nguyện cho hòa bình.
4. Các loại công bằng trong luân lý Kitô giáo           -  Công bằng giao hoán: Tôn trọng quyền sở hữu, trao trả cho người khác những ai thuộc về họ. Chẳng hạn, hợp đồng mua bán giữa hai người, hai công ty... hai bên cần phải tôn trọng thực hành chính xác trong hợp đồng. Ví dụ, tôi mua một cái bánh với giá 100đồng, người bán hàng đưa cái bánh giá trị 100đồng. Ngược lại, cái bánh với giá 100đ, tôi chỉ đưa 95đ thôi thì tôi lỗi đức công bằng được.
 -  Công bằng pháp lý:  Mọi cá nhân hoạt động theo những đòi hỏi của lợi ích chung. Nói cách khác là bổn phận của công dân đối với lợi ích chung xã hội. Ví dụ, vụ “hôi bia” xảy ra ngày 4/12/2013 ở Biên Hòa. 
-  Công bằng phân phối: Phân chia nhiệm vụ và quyền lợi giữa các phần tử trong cộng đoàn cách chính đáng: nhà cửa, ruộng đất, việc làm.
5. Tự vấn và quyết tâm thực hành
1. Tôi có thường xuyên bỏ đọc kinh sáng tối không?
2. Bạn cảm thấy rằng Giáo Hội buộc phải tham dự thánh lễ Chúa Nhật là luật quá khắt khe không?
3. Bạn có hay dùng chiêu trò này không: ai mượn tôi cái gì tôi nhớ kỹ lưỡng, tôi mượn ai cái gì thì hay quên?
4. Tập thói quen: lấy cái gì ở đâu thì sau khi dùng trả lại chỗ đó. Mượn ai cái gì thì trả lại cho khổ chủ cái đó.

            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét