Trang

Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

NHÂN ĐỨC CAN ĐẢM

Trong thế gian, anh em sẽ  phải gian nan khốn khó, nhưng can đảm  lên, Thầy đã thắng thế gian”(Ga 16,33)”
1. Nhân đức can đảm là gì?
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Can đảm là nhân đức luân lý giúp chúng ta kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn trong đời. Nó củng cố sự quyết tâm chống lại các cám dỗ và vượt qua các chướng ngại trong đời sống luân lý. Đức can đảm giúp chúng ta có khả năng chiến thắng sự sợ hãi, thậm chí cả sự chết, đương đầu với sự thử thách và các cuộc bách hại. Nó giúp chúng ta đi đến chỗ từ bỏ và hy sinh mạng sống mình để bảo vệ lẽ phải. “Chúa là  sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca  ngợi” ( Tv 118,14 ). “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó, nhưng can đảm  lên, Thầy đã thắng thế gian”(Ga 16,33)” (số 1008).
Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng can đảm không phải là cứ nhắm mắt làm liều, làm bừa, mà cần phải biết kết hợp với sự khôn ngoan và ơn Chúa Thánh Thần soi sáng để nhận rõ mục đích của hành động. Khi đã biết chắc chắn đó là mục đích tốt đẹp mới dũng cảm và kiên cường vượt thắng.

2. Chúa Giêsu dạy ta can đảm
Chúa Giêsu luôn luôn làm theo ý muốn của Chúa Cha thậm chí Ngài lấy muốn của Cha làm lương thực nuôi sống, “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Tuy nhiên, khi ở thế gian, với bản tính nhân loại việc vâng lời và thi hành ý Chúa Cha không mấy dễ dàng. Từ khi chịu Phép Rửa ở sông Gio-đan, Sa-tan luôn cố thuyết phục, cám dỗ, ép buộc, hay dụ dỗ Ngài bỏ ý định trung thành với ý Chúa Cha (Mt 4,1-11). Có những lúc đau khổ tột bậc, có những lúc cô đơn và đau đớn khi thấy các học trò bà con thân thuộc bỏ rơi, thậm chí tưởng chừng như Chúa Cha bỏ rơi mình, Chúa Giêsu vẫn giữ lòng can đảm để vâng lời và thi hành ý Chúa Cha cho đến chết (Pl 2,8). Vì vậy, trung thành chịu đựng thử thách dù bị đau đớn, dù có chết, Chúa Giêsu đã chứng tỏ lòng can đảm và trung kiên trọn vẹn của Ngài với ý Chúa Cha đồng thời chứng tỏ sự tình yêu khăng khít của Ngài với Chúa Cha. Là người và là Chúa hoàn toàn, thế nhưng Chúa Giê-su đã không dựa vào sức riêng để giữ sự vâng lời trọn vẹn. Ngài cầu xin Chúa Cha giúp đỡ để tiếp tục vâng lời. “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con” (Ga 17,4-8).
3. Sống can đảm
Người môn đệ của Đức Kitô cũng được mời gọi đi vào sự vâng phục thánh ý  của Thiên Chúa bằng con đường Đức Kitô đã đi. Con đường ấy chính là sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, sống giữa thế gian nhưng không theo tinh thần của thế gian, sống giữa thế gian nhưng chỉ vâng phục một mình Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng là một con người hoàn toàn như ta, Ngài biết thế nào là sợ hãi. Ngài sợ cho đến nỗi máu tuôn ra cùng với mồ hôi khi phải đối diện với cái chết. Thế nhưng, Ngài đã chế ngự được sợ hãi nhờ lòng can đảm để vâng lời và yêu thương. Tình yêu và sự vâng phục đối với Thiên Chúa Cha, cũng như tình yêu thương đối với loài người, khiến cho Chúa Giêsu can đảm và bình thản nhận lấy cái chết trên Thập Giá. Ngày nay, người môn đệ sống vâng phục thánh ý Chúa nhiều khi cũng không tránh khỏi những hy sinh mất mát, hay những lời dèm pha, sỉ nhục. Nhưng đó là sứ mệnh của người môn đệ, sứ mệnh nên thánh qua sự vâng phục mỗi ngày. Vì thế, Thánh Libermann nói rằng: “Đừng bao giờ để mình hoảng sợ bởi những vận rủi của con. Đối mặt với đau khổ, con nhận ra mình đang ở trong một trạng huống đến từ thánh ý Thiên Chúa, hãy giữ mình khiêm hạ và thấp bé trước mặt Người và hãy hết sức bình tâm.”
Lo lắng cho ngày mai luôn gắn liền với bản tính của con người. Đối với các tông đồ, hành trình theo Chúa cũng khiến các ông phải lâm vào nhiều khó khăn và lo lắng sợ hãi. Thánh Gioan đã cho ta thấy tâm trạng lo lắng và hoang mang của các tông đồ, khi Đức Giêsu loan báo về tương lai của các ông: “Anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả… và trong thế gian anh sẽ phải gặp những gian nan thử thách” (Ga16,32). Thế nhưng, Đức Giêsu biết được tâm trạng lo lắng và sợ hãi của các tông đồ, Ngài đã trấn tĩnh và an ủi các ông. “Anh em hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga16,33) và hơn thế nữa Ngài đã hứa ban cho các tông đồ sự bình an, khi các ông “Ở lại trong Thầy” (Ga15,19).
Ta tự hỏi: Chúa Giêsu yêu thương các tông đồ của Ngài mà lại để cho họ lâm vào những thử thách gian nan như thế, và nhất là Chúa Cha đã yêu thương Con Một mình mà tại sao để cho Ngài phải trải qua cuộc khổ nạn như thế? Nên nhớ rằng tình yêu đâu có loại trừ đau khổ, ngược lại, tình yêu được ướp mặn bằng thử thách gian nan. Đó là một qui luật. Nhưng cái làm cho ta bình an trong đau khổ là tin vào tình yêu, vì tình yêu là sức mạnh: “Thầy nói với anh em những điều ấy để trong Thầy anh em được bình an” (Ga16,33). Trong đời sống đức tin của chúng ta, nhiều khi ta tưởng rằng đức tin của ta đã vững vàng qua việc hằng ngày tham dự thánh lễ, qua việc đọc kinh cầu nguyện, hay qua những việc đạo đức. Thế nhưng khi ta gặp những thử thách như bệnh tật, thất bại, hay phải hy sinh một quyền lợi nào đó, ta thường lo lắng, sợ hãi, mất can đảm và thậm chí nhiều khi không tin tưởng và cậy trông vào Chúa. Điều này được thể hiện qua những hành vi như sa sút việc đạo đức, buông lỏng những kỷ luật hay gạt bỏ những lời chỉ bảo của những người khôn ngoan hoặc có trách nhiệm với ta. Những lúc ấy, chúng ta hãy chạy đến Chúa Giêsu và xin Ngài ban cho ta lòng can đảm để con vượt qua những gian nan thử thách. Và ban cho ta thêm lòng tin để ta luôn luôn biết tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào Chúa, là Đấng đã chiến thắng sự chết, chiến thắng thế gian và Phục sinh vinh hiển. Đồng thời cũng xin Chúa ban cho ta lòng can đảm để thực thi ý Chúa trong từng phút giây cuộc sống, hầu trưởng thành nhân bản của người môn đệ như lòng Chúa mong ước.
3. Tự vấn và quyết tâm thực hành
1. Có bao giờ bạn cảm thấy Chúa bỏ rơi bạn chưa? Lúc ấy tinh thần bạn thế nào?
2. Khi gặp đau khổ, thử thách bạn thường xin Chúa điều gì trước hết?
3. Khi người ta khinh dễ, chửi mắn, bạn thường làm gì?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét