CON ĐƯỜNG THẢO KÍNH
Bạn thân mến,
Tin Mừng Mác-cô kể rằng: “Đức Giêsu vừa
lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa
Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Đức
Giêsu trả lời: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một
mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: chớ giết người, chớ ngoại tình chớ
trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ”. Anh ta nói:
“Thưa Thầy tất cả những điều ấy tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. Đức Giêsu đưa mắt
nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (Mc 10,17-21).
Chúa Giêsu là Chúa toàn năng uy quyền, nhưng cũng hằng tuân phục Thánh
Giuse và Đức Mẹ Maria và càng thêm tuổi càng thêm nhân đức trước mặt người đời
(Lc 2,51-52). Chúa Giêsu dạy chúng ta phải thảo kính cha mẹ đấy không những là điều
răn mà còn là lệnh truyền và một sự biểu hiện tình hiếu tử với Thiên Chúa, nguồn
mạch của mọi tình phụ tử: chính tình phụ tử này làm cho cha mẹ được tôn kính (GHHTCG,
số 2214). Vậy, cội nguồn của việc thảo kính cha mẹ chính là tình yêu phụ tử của
Thiên Chúa đối với nhân loại. Chính vì thế, Chúa Giêsu dạy: “Người hãy yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của
người hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi” (Lc
10,27. Kính mến Thiên Chúa trước hết là khiêm tốn nhìn nhận chúng ta là thụ tạo
hư vô bất lực, nên phải lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa là Đấng sáng tạo và Đấng cứu
chuộc duy nhất, để rồi chúng ta dâng lên cho Người tất cả: con người, phong thái,
cuộc sống thường nhật và lòng cảm mến tri ân cùng với tâm tình sám hối ăn năn tội
đã phạm, ngõ hầu làm đẹp lòng Người (Rm 12,1). Tiếp đến, vâng lời và làm theo Lời
Chúa vì Lời Chúa là động lực thúc bách chúng ta kính yêu Thiên Chúa mỗi ngày một
tha thiết, sống động và chân thành hơn. Và như thế đương nhiên chúng ta được Chúa
Cha và Chúa Giêsu đến ở lại trong chúng ta, yêu mến và cho chúng ta được vào hưởng
hạnh phúc Nước Trời mai sau (Mt 7,21), còn gì hạnh phúc nào bằng! (Ga 14,23).
Cuối cùng, hãy lấy tình yêu đáp trả tình yêu! Vì Thiên Chúa đã yêu chúng ta
trước, Ngài chính là Nguồn Tình Yêu (Ga 4,10). “Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con
Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9).
Quả thế, Chúa Giêsu đã yêu mến Cha mình tha thiết đến nỗi sẵn sàng thi hành ý
Cha dù phải gian nan, khốn khó và thậm chí đến chết (Lc 22,42). Chúng ta là con cái của Thiên Chúa nhờ Thần Khí (Rm
14,15), em của Chúa Giêsu (Rm 8,29), cho nên chúng ta cũng phải hiếu kính với
Chúa Cha như Chúa Giêsu, tức là làm tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm và truyền
dạy chúng ta (Ga 15,31), ngõ hầu chúng ta được ở với Chúa Giêsu mãi mãi trên
thiên đàng (Ga 14,3).
Bạn thân mến,
Thảo kính Thiên Chúa là trách nhiệm và bổn phận hàng đầu của mỗi người chúng
ta; đồng thời chúng ta cũng không quên
nhiệm vụ cao cả đối với cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục và giúp ta trưởng thành
đức tin chân chính, trở thành những người con có nhân cách, ngoan hiền, thành công
và giúp ích cho đời và Giáo Hội. Ca dao Việt Nam có câu:
“Nuôi con cho được vuông tròn,
Mẹ thầy dầu dãi, xương mòn gối
long.
Con ơi, cho trọn hiếu trung,
Thảo ngay một dạ, kẻo luống công mẹ thầy”.
Còn Lời Chúa dạy rằng: “Lệnh của cha
con truyền hãy lo tuân giữ, lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai. Những lời truyền
dạy đó, con hãy khắc trong tim, con hãy đeo vào cổ để ghi nhớ đêm ngày. Vì huấn
lệnh là ngọn đèn, lời dạy dỗ là ánh sáng, và lời quở trách bảo ban là đường dẫn
tới sự sống” (Cn 6,20-21.23).
Ngày nay, cuộc sống thật xô bồ, tràn ngập thông
tin tốt xấu lẫn lộn, trào lưu hưởng thụ bành trướng và nạn bạo hành xảy ra khắp
nơi… làm cho con người gần như đánh mất lòng hiếu thảo đối với cha mẹ và những ân
nhân, ân sư. Cho nên, hiếu thảo là một đức tính luân lý căn bản và cần thiết để
trưởng thành nhân cách Kitô giáo theo gương Chúa Giêsu, để “mẹ cha được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất
này” (Ep 6,4). Vậy, thảo kính cha mẹ, trước hết chúng ta phải vâng lời cha
mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa (Cl 3,24). Thứ đến, phải phụng
dưỡng, chăm sóc cha mẹ lúc còn sống, khi về già yếu đau cũng như khi đã qua đời.
Cho nên, “bao lâu họ còn sống người con
chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con phải cảm thông, chớ cậy mình sung
sức mà khinh dể người. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận
mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa” (Hc 3,12-13.16). Vì vậy, “Đức Chúa làm cho cha mẹ được vẻ vang vì con
cái mình, cho người mẹ thêm uy quyền đối với con cái. Ai tôn kính cha thì bù đắp
lỗi lầm, ai trọng kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì
con cái, khi cầu nguyện họ sẽ được lắng nghe. Ai trọng quí cha sẽ trường thọ, và
ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm mẹ an lòng” (Hc 3,2-6). Còn đối với Thầy Cô,
chúng ta phải yêu quí, kính trọng và nhớ ơn các ngài suốt đời vì “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Đối với nhà
cầm quyền thì coi như cha mẹ, vì “phụ mẫu
chi dân”(Sách Giáo Lý Công Giáo, Biên Soạn dành cho Giáo Dân Việt Nam, 1996, 314).
Tóm lại, lòng hiếu kính đối với Chúa và cha mẹ cũng như những ân nhân, ân sư
là mối dây hiệp nhất giữa Thiên Chúa và con người, và giữa con người với nhau
trong tình yêu. Mối dây này se chặt chúng ta với Chúa và với nhau thành một gia
đình của Thiên Chúa Ba Ngôi nên một trong tình yêu và mến thương nhau như anh
em một nhà “tứ hải giai huynh đệ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét