CON ĐƯỜNG LƯƠNG THIỆN
Bạn thân mến,
Con người ngay từ gốc đã có tâm thiện, “nhân
chi sơ tính bản thiện”. Chính tâm thiện này được Thiên Chúa đặt để vào
trong lòng con người khi Ngài dựng nên họ, "Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra
quả là rất tốt đẹp!" (St 1,31). Vì vậy, con người có giá trị cao hơn mọi loài
thụ tạo khác, và hơn nữa giá trị đó được đánh đổi bằng cái chết của Chúa Giêsu
– Ngôi Hai nhập thể làm người (Ep 1,3-7). Cho nên, Chúa Giêsu hằng mong muốn rằng:
“Anh em phải có lòng nhân từ như Cha anh
em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét
đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ,
thì Thiên Chúa sẽ thứ tha, anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Quả
thật, người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình” (Lc
6,36-38.44), và “Hễ ‘có’ thì nói có; ‘không’
thì nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37).
Khi nói đến lương thiện, chúng ta nghĩ ngay đến việc
ăn ngay ở lành, làm lành lánh dữ hay nói đúng hơn là làm theo tiếng nói của lương
tâm, mà tiếng lương tâm chính là tiếng nói của Thiên Chúa ở trong lòng ta (Sách
GLTHCG, số 1776). Thế nhưng, ngày nay, có những người lương tâm của họ không còn
chỗ cho Chúa ngự, tiếng nói của Chúa không còn vang dội trong thâm tâm của họ nữa,
tại sao? Vì lương tâm của họ đầy ắp điều xấu, hay chai lì với tội lỗi, đến nỗi
không biết rằng họ đang sống phần “con” mà mất phần “người”, chẳng màng chi tới
việc tốt xấu, hay chẳng cần phân biệt đâu là tiếng nói lương tâm, đâu là tiếng
nói của Chúa. Cho nên, họ chẳng tha thiết gì với chuyện nhân cách con người và
hạnh phúc đời sau. Nếu sinh ra, sớm nở tối tàn như bông hoa và cuối cùng trở về
với cái không vô tận, với sự thù hận hay với một cõi lòng tan nát và đầy bợn nhơ,
thì còn gì là giá trị và ý nghĩa của con người và đời người, Chúa Giêsu nói: “Thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26,24).
Chính nhờ Thiên Chúa mà chúng ta “được
hiện hữu trong Đức Giêsu Kitô, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự
khôn ngoan xuất phát từ Thiên Chúa: Đấng làm cho chúng ta trở nên công chính, đã
thánh hoá và cứu chuộc chúng ta” (1Cr 1,30). Cho nên, Chúa Giêsu dạy: “Anh em phải khôn ngoan như rắn và đơn sơ như
bồ câu” (Mt 10,16). Con rắn có tài tránh nguy hiểm và luôn giữ cái đầu của
nó khỏi bị đánh. Người môn đệ của Chúa Giêsu cũng vậy đừng để mình lọt vào tròng
của thói hư tật xấu: tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng,
ngông cuồng, giả hình giả tạo, ăn hô nói thừa…, đồng thời giữ tâm hồn và thái độ
đơn sơ hiền lành như bồ câu. Vậy, để trưởng thành nhân cách nhờ có tâm thiện như
Chúa Giêsu, chúng ta phải làm gì? Làm như thế nào?
Trước hết, chúng ta phải tin vào Đức Giêsu Kitô và Lời Người chỉ dạy, vì “nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa,
và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn
sẽ được cứu độ” (Rm 10,10). Và rồi chỉ những ai nghe Lời Chúa và đem ra thực
hành thì mới là người khôn ngoan, hiền lành và có hạnh phúc đích thực (Mt 7,24;
Lc 11,28). Cho nên, không thể nói mình là người ăn ngay ở lành, làm theo đúng ý
Chúa, nếu không được chính Lời Chúa soi dẫn và áp dụng Lời Chúa vào ngay trong
cuộc sống đời thường của chúng ta qua việc cầu nguyện, hy sinh, bác ái, yêu thương
hết mọi người trong xã hội bằng cách cống hiến sức lực, tài năng, và vật chất của
mình cho họ, kèm với trái tim thương xót, bao dung, đồng thời tôn trọng nhân phẩm
của họ, bởi vì họ cũng là con người “có hồn
thiêng bất tử là thụ tạo duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa dựng nên cho chính
họ” (Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế
Về Giáo Hội Trong Thế Giới Hôm Nay, Gaudium Et Spes, số 24).
Thứ đến, chúng ta phải yêu quí, gìn
giữ và bảo vệ mạng sống của mình cũng như người khác, vì chúng ta không có quyền
và không được phép huỷ diệt mạng sống của mình cũng như của những người vô tội
khác. Chúng ta nên nhớ rằng sự sống của con người là linh thánh và được Thiên
Chúa ban cho, Ngài là chủ sự sống (Sách GLHTCG, số 2258). Hơn thế nữa, con người
là hình ảnh Thiên Chúa, phẩm giá cao cả ấy được bộc lộ trọn vẹn nơi Đức Giêsu, Con
Thiên Chúa làm người, và trở nên giống chúng ta mọi đàng. Chính vì thế, chúng
ta càng phải trân trọng con người và sự sống của con người dù còn trong trứng nước,
hay tôn trọng mọi người từ trẻ thơ đến ông già bà lão, giàu sang hay nghèo hèn,
mạnh khoẻ hay ốm đau, bạn hay thù… Vì vậy, chúng ta nhớ rằng con người gồm cả xác
lẫn hồn, cho nên chúng ta cần phải coi thân xác con người thật tốt đẹp và đáng
quí trọng biết bao, vì thân xác ấy do Thiên Chúa dựng nên và cho sống lại ngày
sau hết. Vậy, đừng để thân xác ấy nô lệ cho những xu hướng xấu xa của lòng mình,
đừng để nó lún chìm sâu vào vũng bùn tội lỗi, để rồi nó cản ngăn không cho chúng
ta đạt tới sự viên mãn của Thiên Chúa (Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Về Giáo Hội Trong Thế Giới Hôm Nay,
Gaudium Et Spes, số 14).
Cuối cùng, “Ngươi không được ngoại tình,
Ngươi không được trộm cắp. Người không được làm chứng gian” (Mt 19,18). Tại
sao Chúa Giêsu dạy những lời ấy cách đây hơn 2000 năm rồi nhưng ngày nay tình
trạng ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, chứng gian… vẫn còn xảy ra khắp nơi trên thế
gian này? Vì con người chưa thoát khỏi ràng buộc bất chính của của cải trần thế,
lòng tham sân si, tính tự cao và thói lưu manh xảo quyệt. Còn chúng ta là Kitô
hữu, chúng ta sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian (Ga 15,19). Vì
thế, tin tưởng với ơn Chúa trợ giúp, chúng ta phải chiến đấu với tội lỗi cùng với
Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần để chế ngự được dục vọng, chiến thắng được những
quyến rũ của lạc thú, quyền lực tội lỗi và đồng tiền, hầu trở nên những con người
hiền lành và thánh thiện trước mặt Thiên Chúa và loài người; đồng thời chúng ta
sẽ được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa Ba Ngôi, cũng như hưởng đời sống vĩnh
cửu được sắm sẵn cho mọi người. Vậy, “Phúc
thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp, và phúc cho ai có tâm
hồn trong sạch, vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,4.8).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét