CON ĐƯỜNG CÔNG CHÍNH
Bạn thân mến,
Công chính là một trong những đức tính luân lý căn bản của Kitô Giáo: khôn
ngoan, công bình, can đảm và tiết độ. Công bình thể hiện qua việc quyết tâm trả
cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và trả cho tha nhân tất cả những gì
của tha nhân. Trong xã hội, công bình là tôn trọng quyền lợi của mỗi người và sống
hài hòa bằng cách đối xử công bình với mọi người và thực thi công ích cho nhau.
Theo Thánh Kinh, người công chính luôn sống ngay thẳng trong tư tưởng, lời
nói và cư xử chính trực với tha nhân, đặc biệt biết sống phù hợp với lề luật của
Thiên Chúa, như một lời đáp trả tiếng mời gọi yêu thương của Thiên Chúa trong
tinh thần vâng phục, thậm chí sẵn sàng hy sinh tính mạng. “Các ngươi không được làm điều bất chính khi xét xử; không được thiên vị
người yếu thế, cũng không được nể mặt người quyền quý, nhưng xét xử công minh
cho người đồng loại” (Lv 19,15); “Người
làm chủ hãy đối xử công bằng và đồng đều với người nô lệ, vì biết rằng cả anh
em nữa cũng chỉ có một Chủ trên trời (Cl 4,1), nhất là “hãy tập làm điều thiện,
tìm kiếm lẽ công chính, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ
cho góa bụa” (Is 1,17).
Đức Giêsu Kitô quả thật là người công chính (Lc 23, 47), Vì sao? Trước mặt
Thiên Chúa Người có tất cả những gì mà Thiên Chúa mong đợi; Người là Tôi tớ, Người
Con yêu dấu của Thiên Chúa và làm cho Chúa Cha hài lòng (Mt 3,17); Người đã thực
hiện trọn vẹn mọi điều công chính (Mt 3,15) và đã chết để cứu chuộc chúng ta,
ngõ hầu Thiên Chúa được vinh danh (Ga 17,4). Chính trong cái chết của một kẻ bị
coi là ruồng bỏ (Mt 27,43-46), Đức Giêsu đã được Thiên Chúa công chính hóa và
tuyên nhận giá trị công trình Người đã hoàn tất (Ga 16,10). Thế nhưng, vì tình
thương bao la hải hà của mình, Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu sống lại để chúng
ta cũng được nên công chính (Rm 4,25).
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu Kitô lập công để chúng
ta được công chính, không phải chỉ muốn nói rằng Ngài yêu quí Con mình nên Ngài
bằng lòng cư xử với chúng ta như những người công chính; mà hơn thế nữa, trong Đức
Giêsu Kitô, Ngài đã làm cho chúng ta có đủ tư cách mà Ngài chờ đợi nơi chúng ta,
và giúp chúng ta cư xử với Ngài một cách xứng hợp đúng theo mức độ công chính mà
Ngài đòi hỏi.
Vì thế, Chúa Giêsu dạy chúng ta là Kitô hữu phải có đức công chính. Để nên
công chính, thứ nhất chúng phải từ bỏ tính vị kỷ và tham danh vọng (Ga 7,18), nếu
không chúng ta cũng giống như những kinh sư thời Chúa Giêsu “ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng,
thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự
trong hội đường, thích ngồi chỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của những
bà góa… những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc” (Mc 12,38-40). Vì vậy, để
trưởng thành nhân cách như Chúa Giêsu,
chúng ta “phải từ bỏ chính mình, vác thập
giá hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Từ bỏ chính mình tức là gạt bỏ đi cái tôi
tự cao tự đại, bỏ đi thói hư tật xấu, lòng tham sân si và dục vọng… để rồi sống
hết mình cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô và buông mình cho Chúa Thánh Thần
ngõ hầu sống khiêm nhường hy sinh, yêu thương, phục vụ và cầu nguyện cho tha nhân.
Vì chưng, tha nhân là anh em với chúng ta nhờ mối dây liên kết là Đức Giêsu Kitô,
Đấng liên kết chúng ta trong thân phận tội lỗi; nhờ đó chúng ta được chia sẻ sự
sống với Người (Rm 6,3-11). Cho nên, Đức
Giáo Hoàng Piô XII nói rằng “Trong suốt
chiều dài lịch sử của Giáo Hội, tình liên đới ấy đã thúc bách biết bao nhiêu Kitô
hữu hy sinh tất cả, hiến dâng cuộc đời nhằm mang lại cho nhân loại cuộc sống tốt
đẹp hơn, con người hơn”.
Đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, noi gương Chúa
Giêsu, chúng ta nỗ lực thể hiện tình liên đới trong sự hiệp thông đức tin: cầu
nguyện, chia sẻ của cải vật chất, cũng như tinh thần, đối xử công bình, chăm sóc
và phục vụ những người cô thế cô thân trong xã hội… họ là hiện thân của Chúa Giêsu
(Mt 25,40); nhất là “chiến đấu chống lại
mọi ích kỷ, hãy chống lại, đừng tự buông thả theo các bản năng hung bạo và hận
thù, là mầm mống gây nên chiến tranh và biết bao điều khốc liệt khác. Xin hãy đại
độ, bao dung, trong sạch, kính cẩn và chân thành. Xin hãy đem nhiệt huyết ra xây
dựng một thế giới tốt đẹp hơn” (Sứ điệp của Vatican II gửi cho toàn thể nhân loại nhân dịp bế mạc 1965, số 30).
Để nên công chính, thứ hai, chúng ta phải sống phù hợp và thực thi thánh ý
của Thiên Chúa trong mọi lúc, mọi nơi, và mọi thời dù có lúc trái ý mình. Chúa
Giêsu được Chúa Cha sai đến trần gian để thi hành ý Cha (Ga 7,29). Người là Chúa,
nhưng không phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Chúa Cha, nhưng mặc lấy
xác phàm, sống như chúng ta mọi đàng trừ tội lỗi (Pl 2,6-7). Người đi khắp nơi
loan báo Tin Mừng cho “kẻ nghèo hèn, cho
kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự
do cho kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19); rồi Ngài
chịu đau khổ, chịu chết trên cây thập giá, sống lại vinh hiển để làm chứng Thiên
Chúa Tình Yêu chân thật; và ai tin vào Người sẽ được sống đời đời (Ga 3,32-36).
Ngày nay, Chúa Giêsu vẫn nói với chúng ta rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy, lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước
Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời
mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Vậy, đâu là ý muốn của Thiên Chúa? Ý muốn
của Chúa là chúng ta tin vào Chúa Giêsu và tuân giữ những điều Người dạy sẽ được
Nước Trời làm gia nghiệp(Ga 14,2-7). Vậy một khi đã “tin trong lòng, thì mới được nên công chính, có tuyên xưng ra ngoài miệng,
mới được ơn cứu độ” (Rm 10,10); đồng thời, đức tin ấy phải đi đôi với hành động
cụ thể; và hành động đó làm cho đức tin nên hoàn hảo, con người trở nên công chính
(Gc 2,14-24).
Cuối cùng, người công chính phải biết kính sợ Thiên Chúa. Lòng kính sợ Thiên
Chúa và yêu mến Người trên hết mọi sự là bằng chứng đức tin đích thực, đồng thời
là động lực mạnh nhất giúp chúng ta thi hành Lời Chúa trong cuộc sống. “Ai kính sợ Thiên Chúa thì tuân lệnh Người,
ai yêu mến Người tuân giữ đường lối Người. Ai kính sợ Chúa sẽ tìm cách làm cho
Người ưng thuận, ai yêu mến Người sẽ no say lề luật. Ai kính sợ Chúa sẽ chuẩn bị
lòng mình và đặt mình khiêm tốn trước mặt Người” (Hc 2,15-17). Qủa thế, chúng
ta phải cúi đầu tỏ lòng thần phục suy tôn và yêu mến Người, vì tất cả mọi sự chúng
ta có đều là do Chúa (Tv 8,6-7). Kính sợ Thiên Chúa không phải theo kiểu Á Đông
“kính nhi viễn chi”, nhưng đến với Người để dâng cho Người mọi ân huệ ta nhận được:
con người và sự nghiệp của ta trong kinh nguyện cũng như Thánh lễ hằng ngày. Vì
vậy, Thánh Tôma Aquinô dạy rằng "Một khi chúng ta lấy một phần của Chúa
ban dâng lên Thiên Chúa với lòng thờ kính tri ân mà đáp lại; rồi Thiên Chúa lại
ban cho dồi dào hơn" (G.B. Nguyễn Văn Đán, Thần Học Bí Tích, tập II, Bí Tích Chuyên Biệt, ĐCV Huế 2007, tr 130).
Nếu ta từ chối dâng cho Người, thì chắc chắn lời nói và hành động của mình “toàn là xảo quyệt dối gian, hết lẽ khôn
ngoan, hết điều lương thiện” (Tv 35,4).
Tóm lại, càng tin Chúa, chúng ta càng kính sợ và yêu mến Người ngõ hầu sống
là hành động theo Lời Người chỉ bảo, thì được nên công chính (Gc 2,14); “Phúc thay ai khao khát nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (Mt 5,6).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét