CON ĐƯỜNG CHIA SẺ
Bạn thân mến,
Người ta thường nói rằng con người
sinh ra là để sống cho, sống với và sống nhờ. Qủa thế, sinh ra đời, con người được
bao bọc bởi những mối dây liên kết và xã hội loài người được phát triển nhờ những
thứ ấy (Xã hội học, ĐCV Huế 2004, trg
5). Như thế, điều gì tạo nên mối dây liên kết, chẳng phải là tình yêu sẻ chia đó
sao? Cha Filipe Gómez quả quyết rằng “con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên
Chúa: Một Thiên Chúa Ba Ngôi; mà dây liên kết Ba Ngôi chính là tình yêu, cho nên
tình yêu là dây kết hợp các phần tử trong loài người thành một xã hội” (Gómez
Filipe, S.J., Giáo Hội Học, NXB Antôn
& Đuốc sáng, tr 75).
Người Kitô hữu sống giữa trần gian, giữa một khối nhân loài khổng lồ, không
thể sống riêng rẽ một mình nhưng liên đới với nhau trong niềm vui cũng như ưu sầu
nên họ có trách nhiệm chia sẻ với nhau tất cả những gì họ có ngay cả tính mạng
ngõ hầu xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, bình an, hạnh phúc và chan chứa tình yêu
hơn, vì “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính
mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Tin Mừng Thánh Mátthêu kể rằng “Bấy
giờ có một người đến thưa Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để
được hưởng sự sống đời đời?” Đức Giêsu đáp: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có
một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn”.
Người ấy hỏi: “Điều răn nào?”. Đức Giêsu đáp: “Ngươi không được giết người. Ngươi
không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng
gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ, và ngươi phải yêu đồng loại như chính mình”.
Người thanh niên ấy nói: “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi cón thiếu điều
gì nữa không?” Đức Giêsu đáp: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán hết
tài sản của anh và đem cho người nghèo, thì anh sẽ được một kho tàng trên trời.
Rồi hãy theo tôi” (Mt 19,16-22). Qủa thế, chúng ta không phải sống trọn hảo các điều răn của Chúa là được lên
thiên đàng cả đâu; Chúa Giêsu còn đòi hỏi chúng ta phải sống đức ái Kitô giáo
triệt để bằng cách chia sẻ tất cả những gì mình có.
Bạn thân mến,
Trước hết, chúng ta nhận được đức tin qua Hội thánh nhờ Bí tích Thanh Tẩy. Đức
tin là điều kiện cần để được cứu độ (Mc 16,16) và đạt được hạnh phúc Nước Trời
(Mt 25,34). Vậy, chúng ta phải tích cực duy trì đức tin, làm cho nó mạnh hơn,
trưởng thành hơn qua việc siêng năng lãnh nhận các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh
Thể. Mặt Khác, chúng ta phải biết chia sẻ và rao truyền đức tin ấy cho những người
chưa biết Chúa, ngõ hầu họ cũng được hạnh phúc như ta hầu khi Chúa đến, Ngài sẽ
nhìn thấy mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ đều phủ phục, thờ lạy Ngài là Chúa duy nhất
(Kh 5,9-10).
Đối với những người mất đức tin, chúng
ta hãy hướng dẫn, chỉ dạy và giúp họ nhận biết tầm quan trọng và sự cần thiết của
đức tin: mất đức tin là mất ơn cứu độ (Mt 16,26), mất ơn cứu độ là mất Thiên Chúa
và mất chính mình, vì chỉ trong Thiên Chúa con người mới có thể tìm gặp được mình
và hoàn tất mình (Thánh Công Ðồng Chung
Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, số 21). Bên cạnh đó,
chúng ta phải cầu nguyện, an ủi, yêu thương chăm sóc họ, vì họ là con cái của
Chúa và Chúa sẽ cứu họ (Mt 9,13).
Còn đối với những ai chưa tin, không tin, chúng ta phải có bổn phận thông
truyền Tình Yêu Thiên Chúa bằng chính đời sống của mình, ngõ hầu họ nhìn thấy mà
tin thật Chúa đang hiện diện trong chúng ta (Ga 14,21); đồng thời chúng ta trình
bày Chân lý Mạc khải và giáo lý của Giáo hội trong sự thật trọn vẹn cho họ bằng
nhiều phương thế khác nhau có thể, vì "vô tri bất mộ", mà bất mộ nên
họ bất tin. Nếu "họ không tin vào
Thiên Chúa là Đấng hoạt động trong thế giới, họ sẽ không biết thế giới và những
biến cố của lịch sử. Chỉ có đức tin làm cho cái nhìn bên trong được sắc sảo, và
giúp cho trí tuệ khám phá ra sự hiện diện sinh động của Đấng An bài trong diễn
tiến của các biến cố" (Đức chân phước Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II, Thông điệp Đức tin và lý trí,
1988, số 99). Điều đáng chú ý rằng chúng ta không ép họ phải nhận đức tin mà không có tự
do, vì việc đón nhận Thiên Chúa mạc khải chỉ có ý nghĩa nếu như nó là một hành động
tự do.
Thứ đến, Chúa Giêsu dạy: “Người ta sống
không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).
Lời Chúa là Chân lý (Tv 119,142), là Ánh sáng (Tv 119,105); cho nên, tin vào Lời
Chúa, chúng ta sẽ không đi trong bóng tối nhưng được Ánh sáng và Chân lý chiếu
soi, ngõ hầu nhờ Ánh sáng chúng ta được sự sống đời đời (Ga 8,12). Trong cuộc sống
hiện đại và hưởng thụ, thú vui và khoái lạc, tiền tài và danh vọng có sức hút rất
mạnh đến nỗi làm cho tâm trí con người chỉ biết hướng đến cái bên ngoài, không
cần cái bên trong. Chính thực trạng này làm cho đời sống đức tin của con người
với Chân lý Mạc khải bị chao đảo và có nguy cơ tàn lụi. Cụ thể, ngày nay người
ta dường như nghe Lời Chúa như nghe một câu chuyện, hiểu cũng được mà không hiểu
cũng chẳng sao. Họ chẳng tha thiết gì với việc tuân giữ hay thi hành Lời ấy. Thậm
chí khi gặp gian nan thử thách, họ dễ dàng chối bỏ Lời Chúa. Tin tưởng vào Lời
Chúa, chúng ta hãy mạnh dạn ra đi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho muôn người,
để chính họ cũng được hiệp thông với chúng ta, gặp và kết hợp với Chúa Cha và với
Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần (1Ga 1,3). Cho nên, rao giảng Lời Chúa cho mọi
người là nhiệm vụ cấp bách của mọi Kitô hữu hôm nay, “thật khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc âm” (1Cr 9,16).
Cuối cùng, Chúa Giêsu bảo: Hãy bán hết tài sản của anh và đem cho người nghèo”
(Mt 19,21). Quả thật, các Kitô hữu thời sơ khai coi việc chia sẻ của cải vật chất
cho những người thiếu thốn trong xã hội là một trách nhiệm và bổn phận của họ
(Cv 2,45); họ thật sự chia sẻ bằng con tim chứ không phải vì luật buộc. Cho nên,
họ không bao giờ “quên lãng các việc làm
từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau vì Thiên Chúa ưa thích những hy tế như thế” (Dt
13,16). Cũng vậy, chúng ta “hãy bán của cải
mình mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng
chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không
đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó” (Lc 12,33-34). “Bán
hết tài sản của anh” chẳng phải là tài năng, sức lực, trí khôn, danh dự, địa vị…
của tôi để đem lại hạnh phúc cho những người bần cùng nhất của xã hội đó sao?
“Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).
Vì vậy chia sẻ là hành vi căn bản để trưởng thành nhân cách Kitô giáo, và xứng
đáng là môn đệ Chúa Giêsu (Mt 19,22). Xã hội chúng ta sẽ ra sao, nếu chúng ta sống
chỉ biết nhận mà không cho đi, keo kiệt, ích kỷ hay lo thu tích thật nhiều của
bằng mọi mưu mô xảo trá gian tà; như thế “được
lời cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích gì và lấy gì đổi mạng sống mình?”
(Mt 16,26).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét