CON ĐƯỜNG
KHIÊM NHƯỜNG
Bạn thân mến,
Nói đến sự khiêm nhường chúng ta nghĩ ngay đến sự khiêm nhường của Con Một
Thiên Chúa, Đức Giêsu là Đấng Messia khiêm nhường mà Dacaria đã loan báo rằng:
“Hãy báo thiếu nữ Xion: kìa Đức Vua của
ngươi đang đến với ngươi hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của
một con vật chở đồ” (Mt 21,5). Qủa thế, Đức Giêsu Kitô là “Thầy hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29).
Song vị Thầy này không phải chỉ là một người phàm, mà còn là Chúa (Rm 8,3). Ngài
ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã huỷ mình ra không đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta (Ep 2,6tt). Chúa Giêsu chẳng những mạc
khải quyền năng Thiên Chúa nhờ đó chúng ta hiện hữu, mà còn mạc khải cả tình yêu
thương của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta khỏi hư mất (Lc 19,10). Chính vì
thế, Chúa Giêsu mời gọi: “Anh em hãy học
với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).
Lão tử dạy quân tử trong phép xử thế
rằng “Bậc thượng thiện giống như nước; nước
thì hay làm lợi cho vạn vật mà không tranh, ở chỗ nào mà người ta đều ghét, nên
gần với đạo. Ở thì hay lựa chỗ thấp; lòng thì chịu chỗ thâm sâu, xử thế thích dùng
đến lòng nhân”(Đạo Đức Kinh, chương 66), vì vậy, “hãy lấy nhu thắng cương, nhược thấy cường. Lấy cường xử hạ, nhu nhược xử
thượng”(Đạo Đức Kinh, chương 76). Qủa thật, khiêm nhường một đức tính không
thể thiếu trong mọi tương giao và xử thế bởi; nếu tôi kiêu căng sắc xảo, tôi thành
tôi sắc tối; mà huênh hoang huyền hoặc
tôi thành tôi huyền tồi; tự ái tôi nặng
nề tôi thành tôi huyền tội (Cha Quang
Uy, bài hát “đơn giản tôi là”), như thế đời tôi còn ý nghĩa gì? Chẳng đẹp như ước mơ!
Bạn thân mến,
Chúa Giêsu mục tử nhân lành, hiền hậu và khiêm nhường dạy chúng ta: “Hãy trở nên như trẻ nhỏ” (Mt 18,3) và “Hãy làm đầy tớ phục vụ thiên hạ!” (Mt
20,24-27). Ngài nêu gương cho chúng ta trước. Cụ thể, Người là Ngôi Hai Thiên
Chúa, đã hoàn toàn tự hư không hoá bản thân mình, nhờ đó Ngài sống trọn vẹn tình
yêu thương dành cho chúng ta bằng sự vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên
cây thánh giá (Pl 2,6-9). Qủa thật, “Người
để lại mẫu gương cho chúng ta dõi bước theo, vì Người không hề phạm tội, chẳng ai
thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa Người không nguyền rủa lại,
chịu đau khổ mà không hề ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công
minh” (1Pr 2,21-23).
Như vậy, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có lòng khiêm nhường thẳm sâu nhất, đó
là phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, dùng tình yêu mà hạ mình xuống để tôn vinh
Thiên Chúa và cứu vớt mọi người. Cho nên, Đức Thánh Cha Bênêđictô khẳng định
rằng: “Tình yêu trong sự thuần khiết và vô
tư là chứng cớ tốt nhất về Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta tin và thúc đẩy chúng
ta yêu thương” (Thông Điệp, Thiên Chúa là Tình Yêu, số 31).
Qủa vậy, tình thương của Kitô giáo được xây dựng trên nền tảng sự khiêm nhường,
vì chưng Thánh Tôma Aquinô nói: “Kiêu ngạo
là thích được đề cao hơn người khác, và kiêu ngạo là khoe khoang, là cay đắng,
là tàn nhẫn, là chỉ nghĩ đến bản thân, cho nên kiêu ngạo khiến ta đố kỵ nhau. Bởi
vậy, muốn yêu thương phải bắt đầu để cho tâm hồn mình thấm nhuần sự khiêm nhường
và hiền lành”. Cho nên, có khiêm nhường, chúng ta mới nhận được tình yêu của
Chúa Kitô thúc bách chúng ta phục vụ yêu thương, tha thứ cho nhau; vì vậy đâu có
tình yêu thương ở đó có Đức Chúa Trời.
Tóm lại, “Anh em là những người được
Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương, nên anh em hãy có lòng thương
cảm, nhân hậu, khiêm cung, hiền hòa và nhẫn nại để dạy bảo nhau” (Cl 3,12)
và “Hãy biểu lộ cho mọi người biết tình yêu
Thiên Chúa giữa lòng thế giới, nhờ chứng tá đặc biệt trong sứ mạng của Đức Kitô
được hoàn tất khi chúng ta tận hiến hòan tòan cho Chúa; hãy nêu gương sáng cho
mọi người cả Kitô hữu lẫn ngoài Kitô hữu; hãy khiêm tốn, hiền lành và yêu thương
phục vụ, nhất là những người bé nhỏ” (Tông huấn Á Châu, số 44) ngõ hầu tất cả mọi người
trên mặt đất hiệp nhất trong tình yêu Thiên Chúa nhờ giáo huấn của Chúa Giêsu
Kitô, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét