CON ĐƯỜNG THA THỨ
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế
làm người đã không ngừng loan báo sự bao dung, và kêu gọi tha thứ. "Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su
mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải
tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? " Đức Giê-su đáp: "Thầy không
bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy" (Mt 18,21-22). Tiếc
thay, chúng ta rất đỗi nhỏ nhen. Chúng ta thể hiện sự nhỏ nhen ấy ngay trong cách
sống của mình: thù vặt, bất bao dung, giận hờn cay đắng hay từ nhau... Chúa Giêsu
luôn mời gọi chúng ta hãy sống nét độc đáo nhất của luân lý đó là sự tha thứ cho
tất cả mọi người kể cà kẻ thù chúng ta. Nhưng không ai trong chúng ta lại không
cảm nhận nỗi khó khăn khi phải tha thứ cho người khác. Động lực độc đáo nhất của
Kitô giáo thúc đẩy chúng ta dám sống lòng tha thứ cho nhau là gì? Đó là khi chúng
ta cảm nhận chính mình được tha thứ, mình sẽ dễ dàng tha thứ cho người khác.
Chúa Giêsu kể rằng "một ông vua
kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu,
thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để
trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ,
tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho
tôi, tôi sẽ lo trả hết." Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương,
cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một
người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo:
"Trả nợ cho tao! " Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ:
"Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh." Nhưng
y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy
ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi
câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: "Tên đầy tớ độc ác kia,
ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi,
ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?
" Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y
trả hết nợ cho ông" (Mt 18,23-35). Chúa Giêsu dùng câu chuyện ấy để dạy chúng
ta biết lòng bao dung, tha thứ vô điều kiện của Thiên Chúa với con người và sự độc
ác nhỏ nhen của con người với nhau. Chúng ta được Thiên Chúa tha thứ cho món nợ
rất lớn như thế, nhưng ngược lại mình vẫn không chấp nhận tha thứ món nợ nhỏ
cho anh em mình. Tai sao?
Thứ nhất, Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói rằng vì con người ngày hôm
nay đang dần dần đánh mất cảm thức về tội lỗi. Cho nên mình ăn gian nói dối, phá
thai, giết người... mà lương tâm mình bình an, không cần Chúa tha thứ (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, số 63). Thứ hai, con người quá
yêu cái tôi của mình, cho nên những nhân đức của mình thì phóng cho to, còn những
nét xấu giảm đến mức tối thiểu. Ngược lại, với người khác thì phóng đại cái tội
lỗi người ta và giảm thiếu nhân đức của họ. "Sao anh thấy
cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình
thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: "Này anh,
hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra", trong khi chính mình lại
không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra
khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh
em!" ( Lc 6,41-42). Khi có lỗi với anh
em, chúng ta mong họ tha thứ; ngược lại họ lỡ phạm đến mình, chúng ta hậm hực
không thể bỏ qua, “sống để bụng, chết mang theo”, hoặc bằng mặt chứ không bằng
lòng. Hai lý do đó làm cho chúng ta mất cảm giác mình được Chúa tha thứ và cũng
mất cảm giác bao dung tha thứ cho người khác.
Vậy phải làm gì? Chúa Giêsu dạy: “Hãy
vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín
đáo” (Mt 6,6), để trong cõi thinh lặng ta có thể lắng nghe tiếng Đấng đã nói
với ta trước khi ta nói lên lời, đã chữa lành ta trước khi ta có thể giơ tay kêu
cứu, đã giải thoát ta trước khi ta có thể giải thoát kẻ khác và đã yêu thương
ta trước khi ta yêu thương tha nhân. Vì vậy, khi cầu nguyện với Thiên Chúa càng
sâu xa bao nhiêu, chúng ta càng cảm nhận sự thánh thiện của Thiên Chúa bấy nhiêu,
và ngược lại càng thấy mình khiếm khuyết và tội lỗi, như Isaia kêu lên: “khốn cho tôi vì tôi ở giữa một dân tộc ô uế
và đôi môi của tôi ô uế” (Is 6,5). Chính lúc ấy chúng ta mới nhận được sự
tha thứ của Thiên Chúa, để rồi “cũng tha
cho kẻ mắc nợ với chúng con” (Mt 6,12).
Bình thường chúng ta đối xử với nhau bằng sức mạnh: bạo lực, chính trị, đồng
tiền, toan tính thủ đoạn; nếu ai tha thứ thì cho là kẻ hèn nhát. Di sản tinh thần
lớn nhất trên thế gian không phải là sức mạnh của bạo lực, tiền bạc mà là tình
thương, tha thứ, vì tha thứ là chất xi măng xây dựng tình hiệp nhất, “tứ hải
giai huynh đệ”. Hơn thế nữa, “anh em là
những người được Thiên Chúa tuyển chọn, thánh hiến và yêu thương. Vì thế anh em
hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại. Hãy chịu đựng
và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em, người này có chuyện phải trách móc người
kia, Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ
cho nhau” (Cl 3,12-13). Đó chính là chất keo tuyệt vời nhất kết dính mối tình
chúng ta với nhau hiệp nhất với Chúa Cha trên trời, trong Chúa Giêsu Kitô, nhờ
Chúa Thánh Thần. Đó cũng là con đường giúp ta ngày càng trưởng thành nhân cách
giống Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét