Trang

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Tuần IX

Thưa Cha, nếu đứng về phương diện lịch sử, khi đọc chuyện đại hồng thuỷ, người ta có thể nêu ra ba câu hỏi thắc mắc: 1/. Phải chăng đây là câu chuyện lịch sử hay chỉ là một câu chuyện thần thoại hoang đường, hay là một dụ ngôn? 2/ Phải chăng đó là trận lụt tràn lan khắp địa cầu hay chỉ làm ngập một hai địa phương? 3/ Phải chăng tất cả loài người trên toàn diện địa cầu bị chết đuối hay là chỉ một đại số người ở trong những miền đất bị lụt? Xin Cha giải thích cho?

Vấn đề thứ nhất,
Bạn thân mến, 11 chương đầu của sách Sáng Thế bàn đến những vấn đề vượt trên thời gian và lịch sử. Cho nên, chúng ta cần phải vượt lên trên những hình ảnh cụ thể để nắm bắt được nội dung tôn giáo mà các tác giả muốn gửi đến cho người đọc.
      Vậy, trước nhất chúng ta biết rằng những chương này là một suy tư thần học về vũ trụ và định mạng con người. Nhưng hình thức diễn tả này lệ thuộc vào văn hoá của khu vực và thời đại trong đó bản văn được chép ra. Mà khu vực có liên quan nhiều đến lịch sử Cựu Ước là vùng mà ngày nay người ta gọi là Trung đông hay Cận đông. Nơi đây phát xuất những nền văn minh lớn và cổ xưa như Sumer, Akhad, Assyric và Babylon. Và các trình thuật trong Sáng thế 1–11 đã hình thành tại Israel và cho Israel vào một thời đại (thế kỷ X–V TCN) mà lúc đó ý thức tôn giáo đã trưởng thành. Đồng thời khi sống trong khu vực Trung đông hay Cận đông đó, chắc hẳn tác giả sách Sáng Thế cũng đã chịu những ảnh hưởng về tư tưởng của những vùng đó như: Não trạng Ai Cập, Não trạng Lưỡng hà, Não trạng Thánh kinh. Trong đó, não trạng Lưỡng hà có lẽ có ảnh hưởng nhất đến tác giả sách Sáng Thế. Vì sao có thể nói được như vậy? Bởi vì trong những văn kiện bằng tiếng Sumer va Akkad tìm được ở miền Hạ lưỡng hà (gần vịnh Ba tư), người ta đã đọc được những huyền thoại có nhiều điểm tương tự các trình thuật trong Sáng thế 1–11, như Thi ca Enouma Elish, anh hùng ca Astra Hasin giống chuyện sáng thế và anh hùng ca Gilgamesh có nói đến vai con rắn cắn trộm cây trường sinh và có một phần giống chuyện Hồng thuỷ v.v… Ta cũng nên lược sơ qua các câu chuyện thần thoại đó để thấy được điểm giống trong Sáng thế 1 – 11.

     a. Thi ca Enuoma Elish (có lẽ vào khoảng năm 1100 TCN) dài hơn 900 câu thơ bằng tiếng Akkad, ghi trên 7 bản đất sét có kể rằng: Thần nước ngọt Apdou và Thần nước mặn Tianat lấy nhau sinh ra các thần. Các thần gây gỗ nhau rồi giết thần nước mặn làm nên vòm trời, rồi dựng nên loài người từ máu thần nổi loạn.
     b. Anh hùng ca Astra Hasin (tìm được ở Babilon, có từ năm 1600 TCN). Truyện kể các thần làm việc mệt nhọc, nên quyết định dựng loài người để làm cho mình. Các ngài lấy máu một thần bị giết hoà với bùn đất dựng nên hình người, con người sinh sản ra nhiều làm hổn loạn. Các thần giận cho Hồng thuỷ diệt hết. Thần Ê-a thương tình mật báo cho đồ đệ đóng 1 chiếc thuyền lớn để cứu gia đình và gia súc.
      c. Anh hùng ca Gilgamesh xuất xứ từ Sumer, thiên niên kỷ II (trước năm 1000) nói đến việc Gilgamesh đi tìm cây trường sinh. Nhưng khi tìm được rồi thì lại bị con rắn cắn trộm mất.
       Còn Trình thuật Lụt Hồng Thủy (St 6,5-9,29) có nét giống với bài thơ ca tụng Gilgames vị anh hùng của thành Uruk.  Đại lược câu chuyện đại hồng thủy trong bài thư như sau: hội đồng các thần linh quyết định hủy diệt nhân loại. Ea là thần khôn ngoan hiện ra với Utnapishtim và báo cho biết tai hoạ sắp tới, đồng thời dạy phải làm tầu để cứu cả nhà. Utnapshtim làm tầu rồi đem gia đình và cả thú vật lên tầu. Các thần cho cơn bão hoành hành nhưng rồi chính các thần linh cũng không kiểm soát nổi cơn bão, và phải run sợ ẩn nấp trên trời. Khi bão tan, Utnapishtim thả những cánh chim ra để xem xét tình hình. Khi vừa lên bờ, họ dâng lễ tạ ơn thần linh và được các thần thưởng cho sự bất tử. Tuy nhiên giữa truyện thần thoại này và trình thuật Thánh Kinh có những khác biệt căn bản. Trong trình thuật sách Sáng Thế, không hề có bóng dáng đa thần. Thiên Chúa và chỉ một mình Người mà thôi điều khiển tất cả và không có chuyện cơn bão lụt vượt ra ngoài sự kiểm soát của Thiên Chúa. Cơn lụt được trình bày rõ ràng là hình phạt của tội, và sau cơn lụt, Noê bước vào giao ước với Thiên Chúa chứ không để hưởng sự bất tử.
       Tóm lại, câu chuyện Lụt Hồng Thủy trong Sách Sáng Thế và Bài Thơ Gilgames đều kín múc từ nguồn thần thoại chung và tối cổ. Nhưng Sách Sáng Thế đã vận dụng để diễn tả chân lý đức tin đó là chấn lý về Lụt Hồng Thủy là hình phạt tội lỗi cho con người.  
      Vấn đề thứ hai, Phải chăng đó là trận lụt tràn lan khắp địa cầu hay chỉ làm ngập một hai địa phương?
Ngày xưa hầu hết các giáo phụ, các tiến sĩ, các nhà thần học, chú giải Thánh Kinh đề nghị rằng “đại hồng thuỷ đã tràn ngập toàn diện địa cầu”. Sở dĩ người ta hiểu như thế, vì bấy giờ người ta chưa phân tích ý nghĩa những danh từ “Eres (toàn thể) và adamah (toàn thể)” trong văn bản Do thái. Và người ta đã hiểu theo bản dịch phổ thông với những kiểu nói “a facie terrae, mặt đất” (6,7), “de superficie terrae, cao hơn mặt đất” (7,18) và “supre faciem terrae, trên mặt đất” (8,8)... là toàn diện địa cầu. Một lý do khác nữa khiến người ta tin tưởng như thế: vì bấy giờ khoa học tự nhiên, nhất là địa lý học chưa tiến bộ, người ta tin rằng “những đợt đất thô nằm ở giữa những tầng thuộc đệ tam và đệ tứ địa tầng... là phù sa do hồng thuỷ bồi đắp...”
Nhưng ngày nay, người ta phân tích ý nghĩa những danh từ “Eres và adamah” trong văn bản Do thái, và thấy rằng trong Thánh Kinh, danh từ Eres, có khi chỉ toàn diện địa cầu (St 1,10.28 và 18,18), nhưng cũng có khi chỉ một địa phương mà tác giả nhằm nói (St 41,54-57; 1Cv.10,23 và 2Bn.20,29). Danh từ Adamah cũng thế, có khi chỉ toàn thể địa cầu (St 4,11; Ds.16,30) nhưng cũng có khi chỉ một địa phương nhất định (Am.7,17 ; Gb.31,38).
Kết luận: Ngày nay phần đông các nhà chú giải Thánh Kinh đều luận rằng đại hồng thuỷ trong Sáng thế sử đã không tràn ngập khắp mặt địa cầu, nhưng chỉ tràn ngập ở một phần đất địa cầu mà tác giả muốn nói tội lỗi đã lan tràn khắp mặt đất cho nên Thiên Chúa phạt hủy diệt dân tội lỗi để tái sinh một nhân loại mới.

Vấn đề thứ ba, phải chăng đại hồng thuỷ nói trong Sáng thế sử đã dìm chết tất tận loài người trên toàn địa cầu, hay chỉ dìm chết những người trong một địa phương mà tác giả nói ?

Có một số học giả tin rằng đại hồng thuỷ trong Sáng thế sử đã ghìm chết toàn thể nhân loại. Những học giả đó đã đặt lý chứng của họ vào lời Thánh Kinh, vào các Giáo phụ và truyền thuyết của chư dân thiên hạ và khoa nhân chủng học.
Thứ nhất, căn cứ vào Thánh Kinh: Các học giả đó hiểu những câu nói “ha’adam, con người” trong Sáng thế sử 6,1. 6-7 và 17, chương 7,21-23, chương 9,1.19 và Sách Khôn Ngoan 10,4 và 14,6 và trong Huấn Ca 44,17-19... theo nghĩa tuyệt đối, chỉ tất cả nhân loại.
Nhưng các kiểu nói “ha’ adam,omnis homo, omnis caro” ở những đoạn văn Sáng thế sử mà các ông trưng ra, không nhất định phải hiểu theo nghĩa tuyệt đối. Còn những lời trong Khôn ngoan và Huấn Ca thì chỉ có ý nhắc lại sự kiện hồng thuỷ chứ không nhằm giải thích biến cố đã xảy ra như thế nào. Bởi đó, người ta không thể căn cứ vào những lời Thánh Kinh đó để nói rằng đại hồng thuỷ đã tàn phá tất cả loài người, một khi không có đủ lý do minh chứng rằng đại hồng thuỷ đã lan tràn tất cả địa cầu.

(Tham khảo, WILLIAM MACDONALD, Chú giải Thánh Kinh Cựu Ước)
          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét