Thưa Cha, trong Thánh Kinh con đọc thấy rất nhiều các
con số, xin Cha cho con biết các con số trong Thánh Kinh và ý nghĩa của chúng?
Là các con số, được viết ra
thành số hay bằng hình vẽ biểu tượng, được liên kết với các mầu nhiệm trong đức
tin Kitô giáo. Con số này được rút ra từ Kinh Thánh, đã đi vào truyền thống của
Hội Thánh và có thể tìm thấy khắp nơi trong phụng vụ, nghệ thuật và văn chương
Hội Thánh. Sau đây là những con số có ý nghĩa tôn giáo thường thấy nhất.
Số 1
Sự duy nhất của Thiên Chúa trong bản tính: Một Thiên Chúa duy nhất; Hội Thánh duy nhất chân
thật do Đức Kitô thiết lập; một cuộc sống đời này, một phép rửa, một cái chết,
một sự phán xét sau khi chết.
Số 2
Hai bản tính nơi Đức Kitô là nhân tính và thiên tính; hai giao ước của Thiên Chúa với nhân loại, Cựu Ước
và Tân Ước; hai loại thực tại tối hậu, còn gọi là trời và đất, xác và hồn, tinh
thần và vật chất; hai giới răn căn bản là mến Chúa và yêu người như chính mình;
hai nhóm người được chia ra trong ngày chung thẩm – nhóm được cứu và nhóm bị
trầm luân.
Số 3
Ba Ngôi Thiên Chúa; 3 ngày Đức Giêsu Kitô nằm trong mồ và sống lại ngày thứ 3.
Số 4
Bốn soạn giả Tin Mừng; thành đô của Thiên Chúa trên trời có hình vuông với
4 cạnh; Bốn nhân đức chủ yếu: khôn ngoan, công bình, tiết độ và dũng cảm.
Số 5
5 vết thương
ngày nay vẫn còn nơi thân xác phục sinh của Đức Kitô: nơi 2 tay, 2 chân và cạnh
sườn Người.
Số 6
6 ngày tạo dựng vũ trụ; 6 ưu phẩm chính của Thiên Chúa: sức mạnh, oai nghiêm, khôn
ngoan, tình yêu, nhân hậu và công bình.
Số 7
Số tượng trưng cho đức ái, ân sủng và Chúa Thánh Thần; cũng là số chỉ sự hoàn
hảo; 7 bí tích ; 7 ơn Chúa Thánh Thần; 7 mối tội đầu ; 7 sự thương khó Đức Mẹ.
Số 8
Số diễn tả niềm vui và sự phục sinh: 8 mối phúc thật; ngày thứ 8 Đức Kitô sống lại, hình
bát giác của những giếng rửa tội là hình ảnh tượng trưng cho điều này.
Số 9
Số của thiên thần, vì Thánh kinh cho biết có 9 phẩm thiên thần. Cũng là số tiêu biểu của
sự cầu nguyện vì tuần cửu nhật đầu tiên của Kitô giáo là 9 ngày trọn mà các
Tông đồ dành để cầu nguyện ở nhà Tiệc Ly từ khi Đức Kitô lên trời cho đến Chúa
Thánh Thần Hiện Xuống.
Số 10
Đạo Đức Chúa Trời có 10 Điều Răn; số diễn tả sự viên mãn, tròn đầy.
Số 11
Số diễn tả tình trạng không đầy đủ như 11 Tông đồ sau khi Giuđa tự vẫn, vì thế đã chọn
Mathia bổ xung trước ngày Lễ Hiện Xuống.
Số 12
Số diễn tả sự chín chắn hay toàn vẹn. 12 Tông đồ tương ứng 12 chi tộc Israel; sách Khải huyền có rất
nhiều hình ảnh xoay quanh con số này. Thành Giêrusalem trên trời dài rộng cao
mỗi bên 12 ngàn dặm, có 12 móng khám đá quý, 12 cửa với 12 viên ngọc. Ngoài ra
còn có 12 hoa qủa của Thánh Thần.
Số 13
Con số chỉ sự lừa đảo, ám chỉ Giuđa, người phản bội, có mặt trong bữa Tiệc ly
bên cạnh Đức Giêsu và 11 Tông đồ khác.
Số 40
Con số Kinh Thánh chỉ sự thử thách hay chờ đợi. Nạn Hồng Thuỷ kéo dài 40 ngày 40 đêm; dân
Israel lang thang trong sa mạc 40 năm; Môsê ở lại trên núi Sinai 40 ngày; Đức
Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa 40 ngày sau khi chịu phép rửa. Trước khi lên
trời, 40 ngày sau khi sống lại, Đức Giêsu thường hiện ra với các Tông đồ. Ngoài
ra còn chỉ 40 ngày Mùa Chay. Con số 40 là số tượng trưng cho Hội Thánh trong
thử thách, chiến đấu với sự dữ, sự ác.
Số 50
Tượng trưng cho việc thực hiện lời hứa của Thiên Chúa. Lễ Ngũ Tuần được cử hành vào ngày thứ
50 sau lễ Vượt Qua để tưởng niệm việc Thiên Chúa trao ban lề luật qua Môsê,
Chúa Thánh Thần mà Đấng Cứu Thế hứa ban đã hiện xuống vào ngày thứ 50 sau Lễ
Phục Sinh.
Số 100
Số Kinh Thánh chỉ sự viên mãn được dùng một mình hay dùng làm số nhân với các số
khác. Đức Kitô đã nói đến một mùa gặt gấp trăm và một phần thưởng gấp trăm.
Số 666
Biểu tượng phản Kitô (Kh 13,18). Số 7 chỉ sự hoàn hảo, thì số 6 lặp lại 3 lần ( quyền lực
quỷ vương chống lại Thiên Chúa. (x. Lm.Hồng Phúc, Điền Ngữ Đức Tin Công
Giáo, tr. 453).
Số 1000
Tượng trưng cho một số lượng vô hạn, không thể đếm được; hay ám chỉ sự vĩnh cửu vì mọi số
lớn hơn đều là do cộng thêm hay nhân với 1000. Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất vĩnh
cửu vì nơi Người không có yếu tố thời gian: “Đối với Chúa, một ngày như thể
ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày” (2Pr 3,8).
(x.John
A.Hardon S.J. Từ Điển Công Giáo Phổ Thông, trg.412-414).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét