Thưa cha, trong Giáo Hội của chúng ta
có mấy chức thánh, có ba chức thánh:giám mục, linh mục và phó tế có phải không?
Thứ nhất, con nên nhớ rằng Chúa Giêsu chỉ lập một Bí
tích Truyền Chức. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1536 dạy rằng “Truyền Chức là bí tích qua đó sứ mạng Chúa
Ki-tô ủy thác cho các tông đồ tiếp tục được thực hiện trong Hội Thánh cho đến
tận thế; vì thế, được gọi là bí tích của thừa tác vụ tông đồ. Bí tích này gồm 3
cấp bậc: chức giám mục, chức linh mục và chức phó tế”.
Thứ hai, trong Thánh Kinh, trong Giao Ước Cũ, Thiên
Chúa đã tuyển chọn một dân tộc làm “vương quốc tư tế, và dân thánh” (x. Xh
19,6; x. Is 61,6). Trong dân Ít-ra-en, Người lại chọn một trong 12 chi tộc để
chuyên lo việc tế tự là chi tộc Lê-vi (x. Ds 1,48,53). Chính Chúa là phần sản
nghiệp của họ (x. Gs 13,33). Các tư tế đầu tiên của Giao Ước Cũ được thánh hiến
bằng một nghi thức đặc biệt (x. Xh 29,1-30; Lv.8). Họ “được đặt lên làm đại diện loài người trong các mối tương quan với Thiên
Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội” (Dt 5,1). Tư tế được đặt lên
để loan báo Lời Thiên Chúa (Ml 2,7-9) và để tái lập sự hiệp thông với Thiên
Chúa bằng các hy lễ và lời cầu nguyện. Tuy nhiên, chức tư tế này không đủ khả
năng thực hiện ơn cứu độ. Các hy tế cứ phải dâng mãi mà vẫn không đạt tới sự
thánh hoá dứt khoát (x. Dt 5,3; 7,27; 10,1-4). Chỉ hy lễ của Đức Ki-tô mới thực
hiện được điều này (GLHTCG, số 1539-1540).
Vì vậy, Chúa Ki-tô là Thượng Tế duy nhất. Tất cả tiên
trưng về chức tư tế trong Giao Ước Cũ được hoàn tất trong Đức Ki-tô Giê-su “Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài
người” (1Tm 2,5). Vị vua Men-ki-sê-đê, “Tư
tế của Đấng Tối Cao” (St 14,18), được truyền thống Công Giáo xem như hình
bóng chức tư tế của Chúa Ki-tô là “Thượng
Tế duy nhất theo phẩm trật Men-ki-sê-đê” (Dt 5,10; 6,20). Đức Ki-tô “thánh
thiện, vẹn toàn, vô tội” (Dt 7,26), nhờ hy lễ duy nhất trên thập giá, đã vĩnh
viễn làm cho những người được thánh hiến trở nên hoàn hảo” (Dt 10,14). (GL
HTCG, số 1544).
Thứ ba, Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1551 dạy tiếp:
“Chức tư tế được thiết lập để phục vụ.
Chức tư tế này có là vì Đức Ki-tô và vì con người, hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa
Ki-tô và chức tư tế duy nhất của Người, được thiết lập để mưu ích cho con người
và cộng đoàn Hội Thánh. Bí tích Truyền Chức thông ban “quyền thánh chức”, chính
là quyền của Đức Ki-tô. Phải sử dụng quyền bính theo gương Đức Ki-tô, Đấng vì
yêu thương đã trở nên rốt hết và đầy tớ của mọi người (x. Mc 10,43-45; 1Pr
5,3). Chúa đã tuyên bố rõ ràng việc chăm sóc đoàn chiên là bằng chứng tình yêu
đối với Người”.
Vì vậy, Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số
1554 khẳng định rằng có BA CẤP BẬC CỦA BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC. “Thừa tác vụ do Thiên Chúa thiết lập trong
Hội Thánh được thi hành bởi những người có chức vụ khác nhau mà từ xưa được gọi
là: giám mục, linh mục và phó tế” (x. LG 28). Giáo lý Công Giáo được diễn
tả trong Phụng Vụ, Huấn Quyền và cách thực hành liên tục trong Hội Thánh thừa nhận có hai cấp bậc tham dự như thừa tác
viên vào chức tư tế của Đức Ki-tô: hàng giám mục và hàng linh mục. Hàng phó tế có nhiệm vụ giúp đỡ và phục vụ
các giám mục và linh mục. Vì thế từ “Sacerdos” (tư tế) hiện nay được dùng
để chỉ các giám mục và các linh mục, nhưng không chỉ các phó tế. Tuy nhiên,
giáo lý Công Giáo dạy rằng những cấp bậc tư tế thừa tác (giám mục và linh mục)
và cấp bậc phục vụ (phó tế) cả ba đều được trao ban qua một hành vi bí tích
được gọi “Ordinatio”, nghĩa là qua bí tích Truyền Chức Thánh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét