2. Theo con đạo nào cũng tốt, hay “Đạo nào cũng như Đạo nào, dạy ăn
ngay ở lành”. Thưa Cha như thế có đúng không?
Thứ
nhất, “Chúng ta không thể phủ nhận việc các Tôn giáo, trong tư cách của mình,
có thể thực thi một chức năng cứu độ nào đó, nghĩa là các Tôn giáo có thể giúp
con người đạt đến cứu cánh tối hậu của mình, mặc dù còn mập mờ thiếu sót”
(Uỷ Ban Quốc Tế Thần Học, Kitô Giáo và Các Tôn Giáo, số 16-19). Vậy, chỉ trong
Mầu Nhiệm Chúa Kitô Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, Người là “Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga
14,6), là mạc khải trọn vẹn về chân lý thần linh đã được ban cho con người: “không ai biết rõ Người Con, trừ Chúa Cha;
cũng không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải
cho’ (Mt 11,27); “không ai thấy Thiên
Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa
Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Thật vậy, tất cả mạc
khải này, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa cũng như về phần rỗi con người, được
sáng tỏ nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất, đồng thời là Đấng Cứu Độ
duy nhất đã hoàn thành công trình cứu độ trần gian và bây giờ không còn chờ đợi
Đấng nào khác. “Ngoài Người ra không ai
đem ơn cứu độ, vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã ban cho nhân
loại, để chúng ta nhờ Danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).
Thứ hai, Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc độc nhất đã thiết lập
Giáo Hội như mầu nhiệm cứu rỗi. Chính Người ở trong Giáo Hội và Giáo Hội ở
trong Người (Ga 15,1tt). Vì mối liên kết không thể phân ly giữa Chúa Kitô là
Đầu, Giáo Hội là thân thể của Người cho nên, Mầu Nhiệm cứu rỗi của Đức Kitô
cũng thuộc Giáo Hội, tất cả những gì của Chúa Kitô, thì Giáo Hội cũng có như
vậy. Chính vì sự kết hiệp với tính độc nhất và phổ quát ơn cứu độ của Chúa
Kitô, Giáo Hội có sự hiện diện đầy đủ của Chúa Kitô, tức cũng có đầy đủ phương
tiện cứu rỗi. Chúa Kitô, Ngài vẫn tiếp tục hiện diện, và công trình cứu độ vẫn
luôn được thực hiện ở trong Giáo Hội bằng những phương thế của Giáo Hội (Cl
1,24-27). Người không bao giờ bỏ Giáo Hội của Người, nhưng ở cùng với Giáo Hội
mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20), cùng một trật hướng dẫn Giáo Hội nhờ Thần
Khí của Người (Ga 16,13). Sau khi Chúa Kitô phục sinh, Ngài trao phó cho Phêrô
và các Tông đồ khác phải phổ biến và quản trị Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô
(Mt 28,18tt). Giáo Hội này không phải là cái gì đó vô hình, nhưng được cấu tạo
bởi những con người và tổ chức như một xã hội trong thế giới, tồn tại trong
Giáo Hội Công Giáo, được quản trị bởi Thánh Phêrô và các Giám Mục hiệp thông
với người.
Giáo Hội lữ hành trần gian này cần thiết cho sự cứu rỗi của mỗi
người, vì chỉ mình Chúa Kitô là Đấng trung gian; con đường cứu độ duy nhất và
phổ quát. Người hiện diện giữa chúng ta hôm nay đây trong thân thể Người là
Giáo Hội; chính Người đã nói: “Ai tin và
chịu Phép Rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16,16), đồng thời ra lệnh cho Giáo Hội
Người rằng: “Anh em hãy đi và làm cho
muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và
Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”
(Mt 20,19).
Tóm lại, Giáo Hội là Bí Tích phổ quát của ơn cứu rỗi,
vì chưng luôn gắn liền một cách mầu nhiệm với Chúa Kitô, Đấng cứu độ trần gian,
là Đầu thân thể mình. Cho nên trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Giáo
Hội có một quan hệ cần thiết đối với sự cứu rỗi loài người. “Chân lý đức tin này không giảm nhẹ lòng
kính trọng chân thành của Giáo Hội đối với các Tôn giáo trên thế giới, nhưng
đồng thời cũng tuyên bố quyết liệt rằng không thể chấp nhận não trạng trung lập
“Đạo nào cũng tốt"; “phải tuyệt đối tránh mọi hình thức giảm thiểu hay đồng ý hời
hợt về đức tin chân thật” (Tuyên Ngôn Dominus Jesus của Thánh Bộ Giáo Lý Đức
Tin, 2000, số 9-10). Bên cạnh đó, Giáo Hội Công Giáo “không hề phủ nhận những
gì là chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống,
những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương
mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng chân lý, chân lý chiếu
soi cho hết mọi người. Tuy nhiên, Giáo Hội rao giảng và có bổn phận kiên trì
rao giảng Chúa Kitô, Đấng là “Đường, Sự
Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6), nơi Người, con người tìm thấy sự sống Tôn
giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hoà mọi sự với mình.
Toàn thể nhân loài muôn sắc tộc ngày
càng trở nên hiểu biết, thân thiện và cảm thông với nhau hơn nhờ giao thông,
thông tin liên lạc hiện đại tân tiến và dễ dàng. Do đó, các dân tộc tiếp xúc,
giao lưu văn hoá với nhau ngày càng sâu rộng và thắm thiết. Khi các văn hoá,
các Tôn giáo xích lại gần nhau hơn nhờ mối giây yêu thương và tôn trọng nhau,
người ta thường có não trạng “Đạo nào cũng tốt” hay “Đạo nào cũng như Đạo nào”.
Tuy nhiên, chúng ta phải luôn xác quyết
rằng chỉ có một Tôn giáo hay một Đạo duy nhất chân thật, chỉ có một Nhiệm Cục
Cứu Rỗi duy nhất và phổ quát do Thiên Chúa ban tặng cho loài người trong Đức
Giêsu Kitô và nhờ Thánh Thần của Người. Tôn giáo này tồn tại trong Giáo Hội
Công Giáo và Tông Truyền, Giáo Hội mà Chúa Kitô Giêsu đã uỷ thác nhiệm vụ
truyền bá cho mọi người. Vậy, tất cả mọi người đều có nhiệm vụ tìm kiếm chân
lý, nhất là những chân lý có liên quan tới Thiên Chúa và Giáo Hội Người, và khi
đã nhận biết rồi, họ phải tin theo và tuân giữ, và đương nhiên họ sẽ được cứu
độ (1Tm 2,4).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét