Trang

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN


CẦN LẮM LÒNG NHÂN
Lời Chúa: Dnl 4,1-2.6-8; Gc1,17-18.21b.22-27;
Mc 7,1-8a.14-15.21-23

Thánh Tử Đạo Việt Nam, Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh đi lính cho hoàng tôn Nguyễn Ánh và được thăng chức Vệ Uý. Sau hai năm, anh giải ngũ về quê, học thêm nghề thuốc và trở thành một lang y nổi tiếng. Với người nghèo, ông chữa bệnh miễn phí mà đôi khi còn cho tiền. Ông nói: “Tôi thấy những ai giúp đỡ người nghèo khó mà túng bấn bao giờ. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta phải coi họ như chi thể của Chúa đó sao? Chúa đã cho chúng ta sống tất sẽ quan phòng cho ta đủ dùng”.  Khi con cái khôn lớn, ông nói: “Cha đã nuôi dưỡng các con từ nhỏ, nay đã lớn khôn, các con sẽ lo tất cả cho gia đình. Cha muốn để dành tiền bán thuốc để chia sẻ với bà con nghèo khổ”. Khi ông Quỳnh bị giam hai năm vì Đạo. Ông Quỳnh biểu lộ đức can đảm và nhẫn nại đáng khâm phục. Ngoài việc đọc kinh cầu nguyện, ông còn giữ các ngày chay và giúp đỡ mọi người. Ngày 10/07/1840, Ông Quỳnh bị điệu ra pháp trường. Giữa tiếng thanh la vang rền, quân lính thi hành án lệnh xử giảo đưa người tôi trung của Đức Kitô về hưởng hạnh phúc trường sinh.

    Với thời xa xưa phong kiến, cuộc sống thân xác và đức tin đầy khổ cực gian nan, bị bách hại dữ dội nhưng vẫn còn đó những con người một lòng giữ vững đức tin theo Chúa và cũng một lòng yêu thương người hết tình hết mình trong đó có Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh. Còn cuộc sống chúng ta hôm nay, thật văn minh và tiến bộ, không bị bách hại Đạo nơi thân xác. Đáng lẽ ra như thế, con người sống vui vẻ thân thiện hơn, hạnh phúc hơn và chan chứa tình thương thật sự với nhau vì biết dành cho nhau cả tấm lòng trong đời thường. Nhưng, thực tế cho thấy, đau khổ, bất hạnh, bất công hay bạo lực vẫn xảy ra khắp đó đây, việc tin Thờ Chúa nhường như thờ ơ không tha thiết mấy. Cụ thể, con người sống bên cạnh nhau mà dường như không thật lòng với nhau, không vui vẻ thân thiện với nhau là mấy,  đang khi đó người ta tin nhau, nói với nhau những lời ngọt ngào tha thiết vui vẻ, dành cho nhau những tình cảm ảo trên thế giới ảo mà thôi.  
     Đồng ý rằng thời đại kỹ thuật số này giúp con người  năng động, giỏi giang hơn trong việc kiếm tiền và hưởng thụ, nhưng nó lại làm cho lòng người ra chai lì trước tội lỗi, và vô cảm trước những nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác . Cho nên, thời đại văn minh kỹ thuật số này làm con người thỏa mãn với những gì mình đang có, an phận trong lớp vỏ bọc của vật chất hiện đại, nhưng lại làm cho lòng người ra vô cảm đồng thời mất những cơ hội lớn lên trong yêu thương khi không còn biết cư xử tử tế và chân thật với nhau và không còn tha thiết trong việc sống Đạo nữa. Cho nên, người ta ngày nay lo làm đẹp nhan sắc, ngoại hình đẹp chuẩn mà lòng bất bao dung, thiếu thật thà; không biết cảm thông chia sẻ; bất thiện và lòng tin vào Chúa quá hững hờ… Như vậy họ có được cái bên ngoài mà mất cái bên trong, mà cái bên trong mới làm nên con người tốt lành thánh thiện. Cho nên, ông bà ta dạy: “tốt gỗ hay tốt nước sơn” hay “cái nết đánh chết cái đẹp” hay “nghèo cho sạch rách cho thơm”. Còn, hôm nay Chúa Giêsu sửa dạy chúng ta rằng: "Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế”. Và “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”. Rõ ràng, Chúa nói cái làm cho con người ra bẩn là ở lòng người, cái này mới đáng sợ!  Vì chưng những hành vi tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng… Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế chứ đâu phải bên ngoài.  
     Vẻ đẹp bên ngoài làm cho con người dễ nhìn, dễ thương nhưng cái đẹp bên trong tức là lòng tốt, tâm thiện làm cho con người dễ sống và nên người. Cho nên, lòng nhân là yếu tố quan trọng cho mọi hành vi luân lý của chúng ta. Vì thế chúng ta có làm được những việc tốt lành, đạo đức thánh thiện mà nếu không có sự góp phần của lòng tin, của cõi lòng, của khối óc này thì chúng ta cũng chỉ là những kẻ đạo đức giả, và vô dụng mà thôi. Vì vậy, người ta nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Còn Lời Chúa trong bài đọc 2 dạy: “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão. Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian”. Mỗi người đừng vội nói, và khoan nóng giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa. Vì vậy, anh chị em hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn; hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh chị em. Anh chị em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Cho nên, Lời Chúa bài đọc một dạy ai giữ và đem ra thực hành Lời Chúa, thì người đó sẽ được coi là khôn ngoan, thông minh, thánh thiện và hoàn hảo (Đnl 4,6). 
             Vậy, chỉ khi thi hành Lời Chúa và sống thân mật với Chúa  thì lòng chúng ta mới thật, mới thiện và thánh trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Vì vậy, trong Thông Điệp ”Laudato sí” (Thông điệp Môi Sinh), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người trên trái đất này hãy ý thức về: “Nền môi sinh học toàn diện này”, Ngài nói rằng trong bối cảnh ngày nay, trong đó có bao nhiêu bất công và ngày càng có nhiều những người bị gạt bỏ, thiếu các nhân quyền căn bản, vì thế chúng ta phải sự dấn thân cho công ích chọn lựa ưu tiên dành cho những người nghèo nhất (158). Đó cũng là cách thức tốt nhất để lại một thế giới lâu bền cho các thế hệ mai sau, không phải qua những lời tuyên bố, nhưng qua sự dấn thân săn sóc người nghèo ngày nay (162).
Ước gì qua Lời Chúa hôm này và noi gương Thánh tử đạo Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh, chúng ta ý thức rằng mỗi lần mình làm đẹp thân xác thì cũng làm sạch và đẹp tâm hồn, tấm lòng khỏi những bợn nhơ tội lỗi, những toan tính bất chính và đam mê thấp hèn. Đồng thời, luôn dành một tấm lòng chân tình cho Chúa qua việc trung tín phụng thờ Chúa trong mọi hoàn cảnh, biết trân trọng, yêu qúy phẩm giá của con người là hình ảnh Thiên Chúa để luôn sống yêu thương, tha thứ, bao dung và phục vụ nhau ngõ hầu bình an và hạnh phúc của Chúa luôn cư ngụ trong cuộc sống từng người chúng ta. Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét