Trang

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI

YÊU THƯƠNG VÀ HIỆP NHẤT

NHƯ BA NGÔI THIÊN CHÚA


Lời Chúa: Dnl 4,32-34.39-40; Rm 8,14-17; Mt 28,16-20

Mùa Phục Sinh kết thúc với đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Giáo hội nhìn lại chương trình cứu độ được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử nhân loại và nhận ra rằng: nguồn ơn cứu độ chính là Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần Thánh hóa. Vì thế, chúng ta hiểu tại sao ngày Chúa nhật mùa Thường niên tiếp ngay sau lễ Hiện Xuống, Giáo hội phải mừng kính và suy niệm về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Hơn thế nữa, Giáo Hội là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo hội được Chúa Cha tập hợp chung quanh Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Là con người lữ hành, Giáo hội phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Chúa Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần. Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô, được xây dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần (GLCG số 772). Vì vậy, Chúa Giêsu ngày xưa sai các Tông đồ và chúng ta ngày nay rằng tiên vàn anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

           Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm quan trọng nhất và trung tâm của Đạo Công giáo vì chưng Mầu nhiệm này thuộc đời sống thâm sâu của Thiên Chúa mà con người không thể hiểu thấu, chỉ nhờ Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết mà thôi. Qủa vậy, từ đời đời, Chúa Cha yêu thương và hiệp nhất với Chúa Con. Tình yêu ấy lớn lao đến nỗi Chúa Cha đã sinh ra Chúa Con giống hệt như mình: cùng bản tính, quyền năng như Chúa Cha. Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo và nguyên tuyền sự sống của Cha. Cho nên Đức Giêsu nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9) và “Tất cả những gì của Cha đều là của Con” (Ga 16,15). Ngược lại, Chúa Con đáp lại tình yêu và sự hiếp nhất của Chúa Cha cũng nồng nàn tha thiết không kém. Cho nên, Ngài đã kết hợp làm một với Chúa Cha và vui lòng dâng hiến toàn vẹn cho Chúa Cha qua việc vâng lời Cha xuống thế làm người, chịu chết và sống lại để cứu chuộc nhân loại. Vì vậy, tình yêu và sự hiệp nhất đã nối kết Chúa Cha và Chúa Con sinh ra Chúa Thánh Thần, Ngài đến trần gian để tiếp tục công trình của Thiên Chúa là thánh hóa con người cho đến ngày tận thế. Vì vậy, Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là Mầu nhiệm hiệp thông sự sống, tình yêu và hiệp nhất nên một cho nên trước khi về với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những mọi người còn ở thế gian, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,20-21).
        Chúng ta có thể hiểu mầu nhiệm Ba Ngôi theo kiểu gia đình: Chồng yêu thương vợ nên trao hiến trọn vẹn, kết hợp nên một, chung thủy suốt đời và đó nhận con cái vì vậy mà ta thường nói: "mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai, tình yêu nối kết chúng ta, ta yêu nhau qua nên hai hóa ra thành một". Và cũng từ tình yêu vợ chồng đó nó cũng gắn chặt với con cái, nên "ba là cây nến vàng mẹ là cây nến xanh con là cây nến hồng ba ngọn nến lung linh thắp sáng một gia đình". Ba là một! Vâng, chỉ có hiệp thông sự sống, tình yêu và hiệp nhất mới làm cho cha mẹ, con cái thành một gia đình máu mủ với nhau, một đức tin và một Phép rửa cho nên sự gì Thiên Chúa đã liên kết con người không được phân ly là vậy. Rồi, Ba là một! Vâng, chỉ có hiệp thông sự sống, tình yêu và hiệp nhất mới làm mọi người trong giáo xứ tuyụ, khác dòng tộc, khác chức vụ, khác hoàn cảnh sống, khác thân phận… nhưng chúng ta trở thành anh chị em với nhau cùng gọi Chúa là Cha, là con cái Thiên Chúa vì chưng, Lời Chúa trong bài đọc hai, Thánh Phaolô xác tín rằng phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận Thần Khí khiến chúng ta trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho chúng ta nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi!" Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Cho nên, không lạ gì Thánh nữ Têrêxa Calcutta hiến dâng cả đời để chăm sóc, yêu thương, vỗ về và anh ủi biết bao anh chị em khốn khổ, khuyết tật, bệnh hoạn, sắp chết bên lề đường phố dù họ là khác da màu, khác tôn giáo hay khác văn hóa...
        Vì thế, khi mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội không chỉ nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này, nhưng còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương và hiệp nhất. Như tình yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa đã trào tràn trên mọi thụ tạo, thì tình yêu thương của chúng ta cũng vậy, phải mở ra cho hết mọi người từ gia đình ra xã hội, từ cộng đoàn giáo xứ ra xã hội. Vì vậy, sống yêu thương hiệp nhất là cách diễn tả đúng và đầy đủ ý nghĩa cuộc sống của Chúa Ba Ngôi sống động nhất và làm con Chúa của chúng ta
       Vậy, là vợ chồng phải yêu thương nhau, hy sinh cho nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe. Là cha mẹ và con cái hãy hòa thuận, hiệp nhất và yêu thương nhau dù phải hy sinh mạng sống vì “gia đình kitô hữu được mời gọi sống mầu nhiệm hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi, đón nhận và thông truyền ơn cứu rỗi” (GL Hôn Nhân Và Gia Đình). Cuối cùng là tha nhân với nhau, chúng ta hãy yêu thương, chia sẻ và đón nhận nhau vì như Thánh Phaolô trong bài đọc 2 dạy rằng tất cả chúng ta con cái Thiên Chúa Ba Ngôi, là anh chị em với nhau, cùng gọi Chúa là Cha mà, sao lại không thương nhau! Cho nên, Thánh Gioan tông đồ khẳng định như đinh đóng cột rằng: “Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa "mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối ”(1Ga 4,20). Vì vậy, dù tha nhân đó tội lỗi, có khuyết tật, có ốm đau bệnh hoạn, có trẻ con hay già nua hay nghèo mấy đi nữa cũng phải yêu thương, giúp đỡ họ vì như họ là Chúa Kitô đau khổ đang cần tôi yêu thương chăm sóc.
Ước gì, qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy biết sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi. Mọi người trong gia đình, giáo xứ chúng ta biết sống hiệp nhất với nhau. Biết dâng hiến bản thân mình, biết chia sẻ, sống hiệp nhất yêu thương hòa thuận với nhau trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Để thực hiện những điều ấy, ta phải biết bỏ mình, bỏ sở thích riêng, bỏ của cải và nhất là phải biết bỏ ý riêng, hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa Ba: mến Chúa và yêu người bằng cách đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu, đặc biệt là biết tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. 
Vinh danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét