CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN
Cha Giuse Nguyễn Văn Thú
BÀI 1: LỜI MỞ ĐẦU
Các
gia đình trẻ thân mến,
Theo
chương trình mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, năm 2018 là năm
“đồng hành với gia đình trẻ.” Vì thế, Hội Đồng Giám Mục (HĐGM) đã
viết thư chung vào ngày 13/10/2017 gởi đến cộng đoàn dân Chúa, cách
riêng cho các giáo xứ, để mọi người và mọi đoàn thể khích lệ các
gia đình trẻ trong giáo xứ tin yêu và sống với Chúa Giê-su Ki-tô. Trong
thư chung, sau khi nhìn nhận những nỗ lực của các giáo xứ trong năm
2017 đã dạy giáo lý, tìm hiểu và có sáng kiến giúp người trẻ hiểu
biết về hôn nhân và gia đình theo giáo huấn của Hội Thánh, HĐGM mở
đầu mục vụ gia đình trẻ trong năm 2018 bằng lời thúc giục mọi tín
hữu quan tâm đến những thách đố của các gia đình trẻ và đồng hành
với họ.
Những thách đố mà gia đình trẻ
đang đối diện bao gồm: “ảnh hưởng trào lưu hưởng thụ, sống ảo, sống
gấp và quan niệm lệch lạc về hôn nhân, một số không nhỏ những tiêu
cực vẫn tồn tại và có nguy cơ phát triển, ngay trong cộng đồng Công
Giáo như: phá thai, sống thử, kết hôn đồng tính, ly dị, lựa chọn
giới tính. Những hiện tượng này đang làm mất đi những giá trị
truyền thống của gia đình Việt Nam, đi ngược lại với ý muốn của
Đấng Tạo Hóa, để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ mới.”
Trước
những thách đố đó, HĐGM nêu cao gương sống chứng nhân của nhiều gia
đình trẻ. “Họ chấp nhận những hy sinh lớn lao, vượt qua mọi khả năng
thử thách để sống trung thành với giao ước hôn nhân. Nhiều cặp vợ
chồng đã can đảm giữ mầm sống trong mọi hoàn cảnh. Có những đôi bạn
chấp nhận son sẻ suốt đời, vượt qua cám dỗ muốn sử dụng những
phương pháp trợ giúp Giáo Hội không cho phép, đồng thời đón nhận và
thực thi tình phụ mẫu thiêng liêng qua việc đảm nhận những hoạt động
tông đồ, bác ái xã hội với lòng nhiệt thành hân hoan. Nhiều bậc cha
mẹ dù nghèo về kinh tế, vẫn cố gắng chu toàn bổn phận chăm lo cho
con cái được giáo dục toàn diện về thể dục, trí dục, cũng như đức
dục và tâm linh.”
Tuy nhiên, đời sống chứng nhân của gia đình trẻ cần được khích lệ hơn
nữa qua việc trân trọng, gìn giữ và phát huy các giá trị của hôn
nhân Công Giáo. Vì thế, dựa trên hoàn cảnh xã hội đầy thách đố đối
với các gia đình trẻ, HĐGM kêu gọi các mục tử và mọi thành phần Dân
Chúa cần có những hành động cụ thể giúp đỡ và đồng hành cùng các
gia đình trẻ sống đời chứng nhân. HĐGM đưa ra một số hoạt động và một
trong những hoạt động cụ thể đó là tạo thành những nhóm nhỏ gia
đình trẻ theo mô hình “Cộng Đoàn
Giáo Hội Cơ Bản” để các gia đình trẻ giúp nhau sống đức tin và
sống chứng nhân.
Vì
thế, cộng đoàn giáo xứ chúng ta sẽ tận dụng năm 2018 để tìm hiểu
Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản theo bố cục: Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản
là gì? Tại sao cần Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản? Làm thế nào để tạo lập
Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản?
Với
điều kiện tài liệu giới hạn, có lẽ sẽ không đáp ứng đầy đủ nhu
cầu kiến thức của mọi thành phần, nhưng giáo xứ vẫn hy vọng trình
bày được những nét chính yếu và cần thiết để có thể đóng góp ít
nhiều cho việc hình thành các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản tại giáo
xứ.
I. CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN LÀ
GÌ?
Chúng
ta đã nghe nói nhiều về Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản. Vậy Cộng Đoàn
Giáo Hội Cơ Bản là gì?
Một trong những hoạt động khai
phá trong Giáo Hội sau Công Đồng Vatican II là sự nổi bật của Cộng
Đoàn Giáo Hội Cơ Bản trên khắp thế giới, đặc biệt ở Châu Mỹ-La tinh.
Riêng ở vùng Đông Nam Á, Công Nghị của Giáo Hội Philippines II (PCP II)
đã phát động khai mở Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản khắp đất nước
Philippines để phục vụ cho công cuộc truyền giáo.
1. Thuật ngữ:
Có nhiều tên gọi khác nhau để
gọi về cộng đoàn này như:
- Cộng Đoàn Ki-tô hữu cơ bản
(viết tắt BCC [Basic Christian Community])
- Cộng Đoàn Nhỏ Giáo Xứ (viết
tắt SPC [Small Parish Community])
- Cộng Đoàn Đức Tin (viết tắt FC
[Faith Community])
- Cộng Đoàn Ki-tô (viết tắt CC
[Christian Community])
- Cộng Đoàn Ki-tô Nhỏ (viết tắt
SCC [Small Christian Community])
- Cộng Đoàn Cơ Bản (viết tắt BC
[Basic Community])
- Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản
(viết tắt BEC [Basic Ecclesial Community])
Trong các tên gọi trên,
tên gọi “Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản” được Giáo Hội sử dụng chính
thức trong văn kiện, chẳng hạn trong Tông Huấn Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II đã
sử dụng từ này (số 51). Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu cũng đã sử
dụng từ này trong bản tường trình của hội nghị (5-15/11/1996) về mục
tiêu mục vụ tại Châu Á. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chỉ dùng tên gọi
“Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản” trong thư chung ngày 13/10/2017.
Thực vậy, tên gọi “Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản” mô tả rõ
ràng tính chất của cộng đoàn này[1].
Cộng Đoàn: từ “cộng đoàn” nhấn mạnh bản chất cộng đoàn của Cộng
Đoàn Giáo Hội Cơ Bản. Đây không phải là các nhóm, hiệp hội, nhưng là
một cộng đoàn địa phương, trong đó các thành viên sống gần nhau và
thương xuyên giao tiếp với nhau.
Giáo Hội: từ “Giáo Hội” nhấn mạnh tính giáo hội của Cộng Đoàn
Giáo Hội Cơ Bản. Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản là cách thế hiện diện
mới của Giáo Hội, một Giáo Hội hiện diện và chia sẻ thực trạng xã
hội trong khu vực mình hiện diện và làm chứng đức tin trong môi
trường xã hội đó. Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản không chỉ là đơn vị
hành chánh trong giáo xứ, mà thực sự là mô hình Giáo Hội thu nhỏ,
đến nỗi điều gì nói về Giáo Hội nói chung, thì cũng có thể áp
dụng thích hợp cho Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản.
Cơ Bản: từ “cơ bản” vừa đề cập đến chiều kích và vị trí xã
hội của Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản. Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản là
cộng đoàn nhỏ đủ để mọi thành viên hiểu biết nhau tốt và liên kết
với nhau trong tình huynh đệ, chứ không quá nhỏ trở thành một nhóm
đại biểu đến nỗi mất tính cách cộng đoàn. Mỗi Cộng Đoàn Giáo Hội
Cơ Bản bao gồm 5 đến 10 gia đình.
[1] Amado L. Picardal,
CSsR, Building Basic Ecclesial
Communities (Davao City: Redemptoris Publications, 1999), 3-4.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét