NGÔN HÀNH HỢP NHẤT
Lời Chúa: G 7,1-4.6-7; 1Cr 9,16-19.22-23; Mc 1,29-39
Kinh nghiệm của những
lần đi thăm viếng bệnh nhân tại bệnh viện cho tôi thấy: Nhiều lúc, mình chỉ cần
ngồi thinh lặng, lắng nghe họ kể những tâm sự buồn, từ chuyện gia đình đến
chuyện con cái, từ chuyện buôn bán đến chuyện đau ốm thế là ta đã làm được điều
mà người bệnh muốn và cần đó là sẻ chia, cảm thông và cầu nguyện. Bởi vì, để
cho bệnh nhân nói hết là họ đã giải tỏa được những tâm sự buồn ấy, họ cảm thấy
nhẹ nhõm và tìm lại được niềm vui sống vì còn có người đồng hành với họ.
Chúa
Giêsu hôm nay đã làm được điều đó. Ra khỏi Hội đường, Chúa Giêsu vào nhà ông
Simon. Bà nhạc mẫu của ông đang bị sốt. Chúa Giêsu đến bên giường, cầm tay và
chữa bà khỏi bệnh. Thực ra Chúa chỉ cần đứng ngoài cửa phán một lời cũng có thể
chữa bệnh cho bà. Hơn nữa, vào thời phong kiến với quan niệm “nam nữ thọ thọ
bất thân”, việc cầm tay phụ nữ có thể bị dị nghị. Nhưng Chúa Giêsu đã đến tận
giường cầm tay bà. Điều này nói lên lòng yêu thương kính trọng. Chúa không chỉ
chữa bệnh mà còn muốn bày tỏ tình người, sự quan tâm âu yếm, sự kính trọng đối
với phụ nữ nhất là đồng hành với người bệnh những lúc bệnh tật gây ra những cơn
đau xé lòng.
Người ta nói: “Lời
nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Quả thế, lời nói phải luôn đi đôi với
việc làm. Đó chính là yếu tố làm cho lời nói có sức thuyết phục nhất. Các Sách
Phúc âm cũng như bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu là con người nhất
quán, vì việc làm của Chúa luôn song hành với lời Ngài rao giảng; Ngài chữa trị
cho người bị quỷ ám giữa cử tọa đông đúc ở hội đường, cũng như chữa lành cho bà
nhạc mẫu ông Simon trong căn nhà nhỏ bé, ban ngày đi rao giảng, chiều tối người
chữa lành bệnh cho biết bao nhiêu kẻ ốm đau đến với người. Chúa Giêsu làm được
như thế bởi vì Ngài chính là Thiên Chúa quyền năng và là Người đầy lòng nhân
ái. Còn với chúng ta thì sao?
Dĩ nhiên chúng ta
không thể làm phép lạ để cứu chữa lành bệnh cho bệnh và cho người khác. Tuy
nhiên chúng ta có thể dự phần vào việc chữa lành của Chúa Giêsu, cũng như vào
việc xoa dịu phần nào nỗi đớn đau của bệnh nhân bằng cách thăm viếng an ủi họ.
Đây cũng là điều Chúa Giêsu hằng mong mỏi chúng ta thực hiện. Và nếu chúng ta
thực hiện được, hẳn Ngài sẽ chúc phúc cho chúng ta. Chúng ta còn nhớ, Lời Chúa
mô tả về ngày phán xét rằng đến ngày ấy, Ngài phán với những người bên hữu: "Nào những kẻ Cha
Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở
tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã
cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã
cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi
han" (Mt 25,34-26).
Trong
kinh “Thương người có mười bốn mối,
thương xác bảy mối”, chúng ta đọc: “Thứ bốn: viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc”.
Đọc mãi kinh này, có bao giờ chúng ta đã viếng thăm một bệnh nhân nào đó chưa?
Nếu có, chúng ta thăm bệnh nhân ấy vì cái gì? Vì trách nhiệm và bổn phận hay vì
“hòn đất ném đi hòn chì ném lại”? Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy noi
gương Chúa Giêsu siêng năng thăm viếng, an ủi, trao bình an và tình yêu Tin
Mừng của Chúa đến người bệnh nhân hầu chúng ta được chúc phúc ngay đời này và
đời sau. Cho nên, Lời Chúa trong bài đọc hai, Thánh Phaolô quả quyết: “Khốn cho thân tôi, nếu tôi không rao giảng
Tin Mừng”.
Đây quả là một nghệ
thuật, bởi vì nó đòi hỏi chúng ta phải kiên trì và chịu đựng, nhất là trước
những câu chuyện chúng ta đã nghe đi
nghe lại nhiều lần về bệnh tình, đau khổ và buồn khổ. Ngoài ra, chúng ta còn có
thể đem đến cho họ một tin vui, một câu chuyện lượm lặt, một nụ cười cảm thông,
một thái độ ân cần và chăm sóc. Bên cạnh đó, chúng ta còn có thể mang theo
những quà tặng như trái cây và các loại đồ ăn thức uống cũng giúp bệnh nhân
phần nào vơi đi cơn đau và nỗi sầu trong lúc chờ đợi bệnh bình phục. Thêm vào
đó, một cú điện thoại, một bức thư, một tin nhắn thăm hỏi cũng sẽ giúp cho bệnh
nhân cảm thấy phấn khởi và vui vẻ hơn nhiều.
Ước gì qua Lời Chúa
hôm nay vào những ngày cuối năm, chúng ta thường lo sắm sửa đủ thứ cho gia đình
mình thì cũng nhớ để dành chút thời gian thăm viếng, biếu quà nếu được cho
người ông bà cha mẹ hay bà con của chúng ta đang trong tuổi già yếu đau. Và nếu
được trong phạm vi và khả năng của mình, hãy quan tâm giúp đỡ ngay những người
đau yếu khác như ngày xưa Chúa Giêsu đã làm. Anh chị em ơi, Đừng để: 1) “Khi tôi lầm lỡ, mới biết sớt chia với người
lỡ lầm. Khi tôi nghèo đói, tôi sẽ hiểu nỗi đau người lầm than. Khi tôi gian nan
mới biết sớt chia với người khốn cùng. Khi tôi đau khổ, đời tôi mới biết cảm
thông”. Như vậy, khi tôi thánh thiện, tôi giàu, tôi sung sướng, tôi chưa
làm được cho họ, tôi quá hỡ hờ với việc bác ái này. Anh chị em ơi, đừng để: 2) “Khi tôi buồn chán mới biết nỗi đau nơi người
thất vọng. Khi tôi mù lòa tôi sẽ hiều bóng đêm bao sợ hãi. Khi tôi cô đơn mới
biết xót xa với người cô hoạnh. Khi tôi thất vọng đời tôi hay nỗi chờ mong”.
Như vậy, khi tôi vui, tôi sáng đôi mắt, tôi hạnh phúc, tôi chưa làm được cho họ,
tôi quá hỡ hờ với việc bác ái này. Anh chị em ơi, đừng để: 3) “Khi tôi quỵ ngã mới biết đỡ nâng những người
sa đọa. Khi tôi òa khóc tôi sẽ hiểu nước mắt sao buồn quá. Khi tôi lang thang
mới biết đắng cay với người không nhà. Khi tôi đơn độc thì thương ai mất mẹ cha”.
Như vậy, khi tôi đứng vững, khi tôi hạnh phúc và đầy đủ nhà cửa, tôi chưa làm
được cho họ, tôi quá hỡ hờ với việc bác ái này
ĐK: Lạy Chúa ban yêu
thương vào trái tim con, đã bao lần con đây hờ hững. Lạy Chúa dạy con yêu thương,
dạy con yêu thương cho hòa binh sáng ngời muôn phương.
Lạy Chúa, xin mở trí con, mở miệng con, mở
tim con, mở tay và đôi chân con để con đến với anh chị em yếu đau để họ nhận
được sự tình thương Chúa và của chúng con bây giờ và mãi mãi. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét