Mục 15
“Tôi tin hằng sống vậy”
Những người lành và kẻ dữ đã chết trước ngày tận thế, họ đã chịu phán xét
riêng số phận họ thế nào? Và những người đang sống đến ngày tận thế họ sẽ chết
và chịu phán xét chung như thế nào? Tất cả họ được sống lại không?
PHÁN
XÉT RIÊNG
Mỗi người, ngay sau khi chết, lãnh nhận trong linh
hồn bất tử của mình sự trả công muôn đời
cho mình trong một cuộc phán xét riêng, cuộc phán xét đó quy chiếu đời sống họ
với Đức Kitô để hoặc họ phải trải qua việc thanh
luyện (nơi luyện ngục), hoặc họ lập tức được vào hưởng vinh phúc trên trời
(Thiên đàng) hoặc họ lập tức bị luận phạt muôn đời (Hỏa ngục) (Sách Giáo lý Hội
Thánh Công giáo, số 1022).
1, Thiên đàng. Những ai chết trong ân sủng và tình
bằng hữu của Thiên Chúa, và những ai đã được thanh luyện trọn vẹn, thì được sống
muôn đời với Đức Kitô. Muôn đời họ sẽ giống như Thiên Chúa, bởi
vì họ thấy Ngài “như Ngài là” (1 Ga 3,2), “mặt giáp mặt” (1 Cr 13,12). Đời sống
trọn hảo này với Ba Ngôi Chí Thánh, việc hiệp thông sự sống với Ngài, với Đức
Trinh Nữ Maria, với các Thiên thần và tất cả các Thánh, được gọi là “thiên
đàng”. Thiên đàng là mục đích tối hậu và là sự hoàn thành các nguyện vọng sâu
xa nhất của con người, là tình trạng vinh phúc tuyệt hảo và vĩnh viễn (Sđd, số
1023-1024).
2, Luyện ngục. Những người
chết trong ân sủng và tình thân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện
hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ
còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu
tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng. Hội Thánh gọi sự thanh luyện cuối cùng này
của những người được chọn là Luyện ngục, sự thanh luyện này khác hẳn với hình
phạt của những kẻ bị luận phạt (Hỏa ngục). Truyền thống của Hội Thánh, dựa trên
một số bản văn của Thánh Kinh, nói đến lửa thanh luyện: “Đối với một số tội nhẹ,
phải tin là trước phán xét chung có lửa thanh luyện, theo điều Đấng là Chân lý
đã nói rằng nếu ai nói phạm đến Chúa Thánh Thần, người đó sẽ chẳng được tha cả
đời này lẫn đời sau (Mt 12,32).
Trong lời đó, chúng ta có thể hiểu là một số tội có thể được tha ở đời này, còn
một số tội có thể được
tha ở đời sau” (Sđd, số 1030 –
1031).
3, Hỏa ngục. Chúng ta không thể được kết hợp với
Thiên Chúa, nếu chúng ta không tự nguyện yêu mến Ngài. Nhưng chúng ta không thể
yêu mến Ngài, nếu chúng ta phạm tội trọng chống lại Ngài, chống lại người lân cận
của chúng ta hoặc chống lại chính chúng ta: “Kẻ không yêu thương thì ở lại
trong sự chết. Phàm ai ghét anh
em mình, ấy là kẻ sát nhân, và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1 Ga 3,15). Chúa chúng ta cảnh cáo rằng chúng ta sẽ bị tách biệt khỏi Người,
nếu chúng ta bỏ qua không đáp ứng những nhu cầu
khẩn thiết của người nghèo và những người
bé mọn, là các anh em của Người. Chết
trong tội trọng
mà chúng ta không thống hối và không đón nhận tình yêu thương xót của Thiên
Chúa, có nghĩa là chúng ta bị tách biệt khỏi Ngài
đến muôn đời, vì sự chọn lựa
tự do riêng của chúng ta. Tình trạng chính mình tự loại trừ mình cách vĩnh
viễn như vậy (“autoexclusio”) khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và với các
Thánh, được
gọi bằng từ “hoả ngục”. 1034. Chúa Giêsu
thường nói về lửa không hề tắt của “hoả ngục”,
dành cho những ai cho đến chết vẫn không tin và không chịu hối cải, ở đó cả linh hồn và thân xác có thể bị hư mất. Chúa
Giêsu dùng những lời nghiêm khắc loan báo: “Con Người sẽ sai các Thiên thần của Người tập trung… mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi
quăng chúng vào lò lửa” (Mt 13,41-42),
và chính Người sẽ công bố lời kết án: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời!” (Mt 25,41). Đạo lý của Hội Thánh khẳng định có hỏa ngục
và tính vĩnh cửu của hoả ngục. Linh hồn của những kẻ chết trong tình trạng tội lỗi,
ngay sau khi chết, sẽ xuống chịu hình phạt hoả ngục, chịu “lửa muôn đời”.
Hình phạt chủ yếu của hoả ngục cốt tại việc muôn đời bị tách biệt khỏi Thiên Chúa, Đấng mà chỉ nơi Ngài con người mới có thể có sự sống và sự vinh phúc, là những mục đích của việc con người được tạo dựng, và là những
điều con người hằng khát vọng. Những khẳng định của Thánh Kinh và đạo lý của Hội
Thánh về hỏa ngục là lời kêu gọi lãnh trách nhiệm qua đó con người phải sử dụng
sự tự do của mình liên quan đến số phận muôn đời của mình. Đồng thời là lời kêu
gọi khẩn thiết phải hối cải: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường
thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó; còn cửa hẹp và
đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt
7,13-14):1037. Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục; điều này đòi sự
tự ý thù ghét Thiên Chúa (tội trọng) và cố chấp trong tình trạng đó đến cùng. Hội
Thánh, trong phụng vụ Thánh Thể và trong kinh nguyện hằng ngày của các tín hữu,
khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng không muốn “cho ai phải diệt vong,
nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2 Pr3,9) (Sđd, 1033-1036).
Như vậy, rõ ràng, những người ở trong Hỏa ngục ngày sau không sống lại để mà chịu
phán xét chung và họ sẽ không có sự sống lại vĩnh hằng, muôn đời.
PHÁN XÉT CUỐI CÙNG
Việc phục sinh của tất cả mọi người đã chết, “người
lành và kẻ dữ” (Cv 24,15), đi trước cuộc Phán Xét cuối cùng. Đó sẽ là “giờ mọi
kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng … Con Người và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành,
thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án”
(Ga 5,28-29). Lú c đó Đức Kitô sẽ đến “trong vinh quang của Người, có tất cả các
thiên sứ theo hầu…. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người; và Người
sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê, Người sẽ cho chiên
đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái…. Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn
kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt
25,31.32.46) (Sđd, số 1038).
HY VỌNG TRỜI MỚI ĐẤT MỚI
Lúc cùng tận thời gian,
Nước Thiên Chúa sẽ đạt tới sự viên mãn của mình. Sau cuộc Phán Xét chung, những
người công chính, được tôn vinh cả xác cả hồn, sẽ hiển trị muôn đời với Đức
Kitô, và chính toàn thể trần gian sẽ được đổi mới: Lúc đó Hội Thánh “sẽ được
hoàn tất trong vinh quang thiên quốc, khi … cùng với nhân loại, cả toàn thể trần
gian, được kết hợp mật thiết với con người và nhờ con người mà đạt tới mục đích
của mình, cũng được canh tân trọn vẹn trong Đức Kitô” 1043. Thánh Kinh gọi sự
canh tân huyền diệu này, nó sẽ biến đổi nhân loại và trần gian, là “trời mới đất
mới” (2 Pr 3,13). Đó sẽ là sự hoàn thành chung cuộc kế hoạch của Thiên Chúa:
“Quy tụ muôn loài trong trời đất… trong Đức Kitô” (Ep 1,10). Trong trần gian mới,
trong thành Giêrusalem thiên quốc, Thiên Chúa sẽ có nơi cư ngự của Ngài giữa
con người. “Ngài sẽ lau sạch nước mắt họ, sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn
tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4). Đối
với con người, sự hoàn tất này sẽ là sự thực hiện vĩnh viễn việc hợp nhất nhân
loại mà Thiên Chúa đã muốn từ tạo thiên lập địa, và Hội Thánh lữ hành đã “như
là bí tích” của sự hợp nhất ấy. Những ai được kết hợp với Đức Kitô sẽ làm thành
cộng đoàn những người được cứu chuộc, “Thành thánh” của Thiên Chúa (Kh 21,2),
“Hiền thê của Con Chiên” (Kh 21,9). Cộng đoàn này sẽ không còn bị tổn thương bởi
tội lỗi, bởi các điều ô uế, bởi tính ích kỷ từng hủy diệt hoặc làm tổn thương cộng
đồng nhân loại nơi trần thế. Sự hưởng kiến vinh phúc (visio beatifica) trong đó
Thiên Chúa tỏ mình ra cách vô tận cho những người được chọn, sẽ là nguồn mạch
vĩnh cửu của vinh phúc, của bình an và của sự hiệp thông với nhau (Sđd, 1042-1045).
ĐỌC THÊM
Thánh Tôma Aquinô giải thích mục: “Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Kẻ sống và kẻ chết
đây là ai?
1 . Nên ghi nhận vài từ ngữ.
- Về bản dịch tiếng Việt. Nếu muốn dịch sát thì phải nói
rằng: (Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng), “từ nơi đó Người sẽ đến phán xét những
người sống và những người chết”.
- Trong bài này, hai động từ: “phán xét” hoặc “xét xử” đều đồng nghĩa.
Tuy nhiên, theo nghĩa thông thường, “xét xử” gợi lên cho ta hình ảnh của một
quan tòa (thẩm phán); còn trong Kinh thánh, “xét xử” là một hành vi cai quản.
Vì vậy những nhà lãnh đạo của dân Israel sau thời ông Giosuê được gọi là các
“pháp quan” (judges),
và Nhóm Giờ kinh Phụng vụ dịch là các “thủ lãnh”.
2. Dựa theo khái nhiệm thông thường của “phán xét”, thánh
Tôma sẽ suy nghĩ về ba điều liên quan đến sự xét xử: 1) chính sự xét xử; 2) nỗi
sợ hãi gây ra trong tâm hồn chúng ta; 3) làm cách nào thắng vượt nỗi sợ hãi ấy.
“Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét
kẻ sống và kẻ chết”
Việc phán xét là vai trò
chính của các vua chúa. Chúng ta đọc trong sách Châm ngôn: Đức vua ngự trên ngai xét xử, đưa mắt sàng lọc mọi xấu xa”
(Cn 20,8). Như thế, bởi vì Đức Kitô đã lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa như
là Chủ tể vạn vật cho nên rõ ràng nhiệm vụ của Người là xét xử. Chính vì vậy mà
đức tin Công giáo tuyên xưng rằng “Người
sẽ đến xét xử kẻ sống và kẻ chết”. Các thiên sứ cũng đã nói lúc
Chúa lên trời: “Đức Giêsu,
Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã
thấy Người lên trời” (Cv 1,11). Chúng ta sẽ xem xét ba yếu tố liên
quan đến việc phán xét: (1) hình thức phán xét; (2) nỗi sợ gây ra cho chúng ta;
(3) chúng ta phải chuẩn bị thế nào.
I. HÌNH THỨC PHÁN XÉT
Liên quan đến hình thức phán xét, ba câu hỏi được đặt lên:
ai xét xử? ai chịu xét xử? xét xử về điều gì?
A. Người xét xử là Đức Kitô
“Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm
phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết” (Cv 10, 42). Chúng ta có thể
giải thích “kẻ chết” ở đây là các tội nhân và “kẻ sống” là những người công
chính; hay cũng có thể hiểu “kẻ sống” là những người đang sống vào thời điểm
phán xét và “kẻ chết” là những người đã qua đời. Đức Kitô là Thẩm phán (người
xét xử) không chỉ vì Người là Thiên Chúa nhưng còn vì Người là con người. Có ba
lý do:
1) Những người bị
xét xử cần phải nhìn thấy Vị Thẩm phán. Tuy nhiên thần tính của Thiên Chúa
thì quá tuyệt diệu đến nỗi không ai có thể nhìn thấy mà không ngây ngất; vì thế
những kẻ bị luận phạt không được
phép nhìn thấy Vị Thẩm phán thì cũng không được thưởng thức điều này. Vì lý do
ấy Đức Kitô cần xuất hiện trong hình dáng con người ngõ hầu mọi người có
thể nhìn thấy. Thật vậy Đức Giêsu đã nói với người Do thái: “Chúa Cha đã ban cho Con quyền xét xử
vì Người là Con Người” (Ga 5,27).
2) Thứ đến, chức vụ xét xử muôn loài xứng đáng với
Đức Ki-tô xét như là con người bởi vì trong tư cách là con người mà Đức Ki-tô
đã bị xét xử cách bất công; do đó Thiên Chúa đã đặt Người làm kẻ xét xử toàn
thể thế giới, như chúng ta đọc trong sách Gióp: “Vụ án của ông đã bị xét xử như là của một ác nhân; vì vậy
ông sẽ nhận được xét xử công minh” (G 36,17).
3) Sau cùng, loài người sẽ không tuyệt vọng nếu họ được
xét xử bởi một con người. Thật vậy loài người sẽ kinh hoàng khiếp vía nếu họ bị
Thiên Chúa xét xử. Do đó sách Tin mừng nói: “Bấy
giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21,
27).
B. Ai chịu xét xử?
Đức Kitô sẽ xét xử tất
cả mọi người đã, đang và sẽ có, như thánh Tông đồ đã nói: “Tất cả chúng ta đều phải được đưa ra
ánh sáng, trước toà Đức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với
các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5,10).
Về những hạng người bị
xét xử, thánh Grêgôriô nêu lên bốn sự khác biệt. Trước hết sự khác biệt giữa
những người lành và những người dữ. Kế đến, trong các người dữ có những người bị luận phạt mà không bị xét xử,
đó là trường hợp những người không chịu tin, bởi vì hành vi của họ sẽ không
phải xét xử như thánh Gio-an đã nói: Những kẻ không tin thì đã bị xét xử
rồi” (Ga 3,18). Những người khác thì vừa bị xét xử vừa bị luận
phạt; đó là những người đã tin nhưng lại chết trong tội trọng, theo như lời
thánh Tông đồ: “Vì lương
bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết” (Rm 6,23). Thật vậy
họ sẽ bị xét xử do đức tin mà họ đã lãnh nhận.
Đối với những người tốt cũng vậy, một số sẽ được cứu mà
không phải xét xử; đó là những người có tinh thần khó nghèo vì yêu mến Chúa.
Thay vì bị xét xử thì họ sẽ xét xử người khác, như Chúa đã dạy: Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy,
thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự
trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel” (Mt 19,28).
Điều này không chỉ áp dụng cho các tông đồ mà thôi nhưng còn cho tất cả những
ai có tinh thần nghèo khó, chẳng hạn như thánh Phaolô, một người đã nỗ lực hoạt
động hơn các môn đệ khác mặc dù Người không ở trong số họ. Vì thế những lời này
cũng nhắm đến những người đi theo các tông đồ và các môn đệ khác, như thánh
Phaolô đã viết cho các tín hữu Corintô: “Nào
anh em chẳng biết rằng chúng ta sẽ xét xử các thiên thần sao?” (1Cr 6,3). Và có lời trong sách Isaia
rằng “Chúa sẽ đến xét xử xét
xử cùng với hàng kỳ mục và những kẻ lãnh đạo dân Người” (Is 3,14).
Những người còn lại thì sẽ bị xét xử và sẽ được cứu. Đó
là những người đã chết trong tình trạng công chính. Thật vậy tuy dù họ đã kết
thúc cuộc đời này trong công chính, nhưng họ đã phạm vài sai lầm trong các công
việc ở trần thế, do đó họ sẽ bị xét xử nhưng sẽ được cứu.
C.
Xét xử về điều gì?
Người ta sẽ bị xét xử về tất cả những hành động tốt và
xấu của mình. Sách Giảng viên viết: Bạn
cứ chiều theo ước muốn của lòng mình đi, nhưng bạn hãy biết rằng: về tất cả
những điều đó, Thiên Chúa sẽ gọi bạn ra xét xử” (Gv 11,9), và tác
giả thêm rằng: “Vì Thiên
Chúa sẽ đưa ra xét xử tất cả mọi hành vi, kể cả những điều tiềm ẩn, tốt cũng
như xấu” (Gv 12,14). Thậm chí ngay cả những lời vô bổ cũng sẽ bị
xét xử: “Tôi nói cho các
người hay: đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình
đã nói” (Mt 12,36), cũng vậy các tư tưởng của chúng ta cũng bị xét
xử: “Mưu đồ kẻ ác sẽ bị thẩm
tra” (Kn 1,9). Như vậy, hình thức xét xử thì đã rõ ràng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét