Trang

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI – LỄ II

THƯƠNG XÓT LINH HỒN: CẦU NGUYỆN CHO KẺ CHẾT
Lời Chúa: Is 25,6a.7-9; Rm 8,14-23; Lc 23,33.39-42

Đã là người, ai ai dù vô thần hay hữu thần cũng tin rằng chết không phải là hết mà có một đời sống khác, gọi là kiếp sau. Cụ thể, nhà thờ Nguyễn Công Trứ viết: “Ngồi buồn mà trách ông xanh. Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười. Kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo. Còn nhà thơ Nguyễn Trọng Trí, bút danh là Hàn Mạc Tử với bài hát Hàn Mạc Tử ca rằng: “Đường lên dốc đá nhớ xưa hai người đã một lần đến. Tình yêu vừa chớm xót xa cho chàng cuộc sống phế nhân. Tiếc thay cho thân trai, một nửa đời chưa qua hết. Trách thay cho tơ duyên chưa thắm nồng đã vội tan. Hồn ngất ngư điên cuồng cho trời đất cũng tang thương, mà khổ đau niềm riêng. Hàn Mạc Tử xuôi về quê cũ, giấu thân nơi nhà hoang. Mộng Cầm hỡi thôi đừng thương tiếc, tủi cho nhau mà thôi. Tình đã lỡ xin một câu hứa, kiếp sau ta trọn đôi. Còn gì nữa thân tàn xin để một mình mình đơn côi”. Còn trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng “tôi tín xác sống lại, tôi tin hằng sống vậy”. Nhưng thật ra, từ xa xưa Thánh kinh đã dạy rằng có sự sống lại. Cụ thể, trong bài đọc 1, Ngôn sứ Isaia tuyên bố: “Trên núi này, Thiên Chúa sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần”. Còn trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với tên trộm lành rằng: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng". Vì vậy, giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy rằng bởi biết rất chắc chắn rằng có sự hiệp thông trong toàn Nhiệm Thể của Chúa Giêsu Kitô, nên ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Hội Thánh vẫn kính nhớ người quá cố và dâng lời cầu nguyện cho họ, nhất là dâng Hy lễ Thánh Thể, để một khi đã được thanh luyện trong luyện ngục họ có thể được vinh phúc hưởng kiến Thiên Chúa. Hội Thánh cũng khuyên chúng ta hãy làm việc bố thí, hưởng các ân xá và làm các việc đền tạ để cầu cho những người đã qua đời (Số 1032). Và đó là việc làm đầy ý nghĩa đạo đức và thánh thiện chúng ta (GLHTCG, số 958).

Là tín hữu, chúng ta càng xác tín mạnh mẽ vào lời của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu chuộc chúng ta, khi Người nói: “Ý của Đấng sai tôi là tất cả những kẻ Ngài đã ban cho tôi, tôi không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 39). Không để mất một ai nghĩa là thế nào? Không để mất một ai là “bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng. Ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Ngài vẫn để Con Ngài Chúa Giêsu Kitô phải chết để cứu chúng ta khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, bằng cách mà cho chúng ta được sống lại nhờ máu Đức Kitô đổ ra (Rm 5, 6-11). Cho nên, Thánh Phaolô trong bài đọc hai giải thích rõ ràng rằng “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng sống với Người” (Rm 8,17).
Vì vậy, cầu nguyện cho những người đã khuất là một bổn phận không thể xao lãng của chúng ta. Giáo Hội luôn dạy chúng ta có tinh thần hiệp thông là người sống và người chết có nhau trong đời này nên ta phải cầu nguyện cho mọi tín hữu đã qua đời. Vì chưng, Công đồng Vatican II nhắc lại mầu nhiệm các thánh thông công như sau: “Trong số những môn đệ Chúa, có những kẻ tiếp tục cuộc hành trình nơi dương thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này nhưng đang được tinh luyện và có những người đang được chiêm ngưỡng rõ ràng Thiên Chúa Ba Ngôi vinh hiển. Cả ba thành phần đều hiệp thông với nhau trong đức mến và truyền thông cho nhau những của cải thiêng liêng. Nhận biết đúng đắn sự hiệp thông này trong toàn Nhiệm thể Chúa Kitô, ngay từ buổi đầu, Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, cầu nguyện cho những người đã qua đời. Vì chưng, người tín hữu đã qua đời trong ơn nghĩa Chúa, nhưng chưa sạch hết mọi tội, và chưa đền tội bằng những hình phạt tạm thời đời này, thì không thể vào thẳng Thiên đàng được, vì chưa xứng đáng hưởng Thánh Nhan Chúa. Nên cần có một thời gian thanh luyện nơi luyện ngục”.
Bởi thế, Hôm nay và trong suốt tháng 11 này, Giáo Hội dâng lễ nài xin ơn tha thứ cứu độ của Chúa Giêsu cho các linh hồn. Giáo Hội kêu gọi chúng ta luôn nhớ về và sốt sắng cầu nguyện cho những người đã khuất. Cầu nguyện là góp phần mình vào mở kho ân xá, nhường cho các linh hồn nơi luyện ngục, khi họ không thể làm được việc lành cứu mình. Giáo Hội còn khuyến khích đi viếng nghĩa địa, sửa sang mồ mả và cầu nguyện cho các linh hồn, vì: “Mồ thật chôn các người chết là trái tim của người sống” (Tục ngữ). Thế nên, người sống phải nhớ đến thắp hương cầu nguyện người đã qua đời, làm việc lành phước đức dành cho họ…thì người qua đời mới mau lên Thiên Đàng hạnh phúc thanh nhàn. Thật ra, không phải cầu cho người “chết”. Nếu chết là hết đời, hết chuyện thì cầu nguyện làm gì và ích lợi gì? Nhưng là cầu cho những người qua đời, tức là vượt qua cõi chết, đi vào cõi sống muôn đời. Cho nên, Nhạc sĩ Phanxicô nói rằng: “Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi, lúc con người nằm yên giấc ngủ, mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai. Trọn kiếp người nay không còn nước mắt nụ cười, nhưng con tin rằng ngày mai trong Chúa, chẳng có nỗi buồn, đẹp mãi niềm vui. Sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay, đã qua bao ngày trọn một kiếp này. Dù sống hay chết tin vào ngày mai, sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay. 
Trong tâm tình đó mời cộng đoàn cùng nhau cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời bằng câu kinh: Chúng con cậy vì danh Chúa….. Amen. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét