Trang

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

LỜI TỤNG CA VỀ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT TRONG THÁNH LỄ



LỜI TỤNG CA VỀ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
TRONG THÁNH LỄ
                                         Lm. Antôn Hà Văn Minh

Phụng ca trong thánh lễ là những lời tụng ca được cất lên để ca tụng, ngợi khen Thiên Chúa trong việc cử hành Thánh Lễ, đỉnh cao của mọi hoạt động thuộc đời sống Giáo Hội. Việc cử hành Thánh Lễ không gì hơn là cử hành việc Tạ ơn (eucharistia). Thật vậy, việc cử hành Phụng vụ chính là chính là lời tạ ơn  về ân sủng cứu độ mà Giáo hội nhận được như là qùa tặng từ trên ban xuống. Cuốn Giáo huấn – 12 Thánh Tông đồ (xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ 2 tại Syria) có ghi: “Vào ngày của Chúa, anh em qui tụ lại, bẻ bánh, dâng lời tạ ơn và thú nhận những lỗi lầm của anh em, nhờ đó hiến lễ của anh em đựơc tinh tuyền! Những ai gây bất hòa với tha nhân, họ không được hội họp với anh em, cho đến khi họ thực sự giao hoà với nhau, nhờ đó mà hiến lễ của anh em không bị xúc phạm” (Did 14, 1tt).

Vì là hành vi tạ ơn nên cấu trúc của Thánh lễ ngập tràn những tâm tình mà Thánh vịnh 91 đã cất lên: “Thú vị thay được tạ ơn Chúa. Được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng tối cao. Được tuyên xưng tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm. Và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya”.
Qua hiến lễ của Chúa Giêsu dâng tiến trên Thập Giá Giáo Hội nhận ra đó quả thực là một biến cố hồng ân (Eulogia), vì thế lời tụng ca trong Thánh lễ được thể hiện theo một tiến trình phù hợp với biến cố ân huệ nầy bao gồm: lời khẩn cầu (epiklese), tưởng niệm (anamnese), hiệp thông (communio), ngợi ca (phosphora):

1- Ca nhập lễ
Khởi đầu Thánh Lễ là ca nhập lễ như là lời khẩn cầu (epiklese) của Giáo Hội van xin Chúa Thánh Thần ngự đến như là nguồn động lực để lời tạ ơn của Giáo Hội thực sự mang lại hiệu quả cứu độ. Nếu không có tác động của Chúa Thánh Thần, lời tạ ơn của Giáo Hội không mang lại một ý nghĩa gì. Bởi kinh nguyện tạ ơn trong Thánh Lễ không là lời nói suông, nhưng với lời khẩn cầu của Giáo Hội, Chúa Thánh Thần thánh hóa để kinh nguyện tạ ơn có sức mạnh hiện tại hóa hành vi cứu chuộc của Thiên Chúa qua hiến lễ Thập giá của Đức Giêsu Kitô, một hiến lễ biểu tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người đạt tới tột đỉnh. Chính trong kinh nguyện tạ ơn chúng ta nhận ra  trong cái chết thập tự của Đức Giêsu Kitô, việc ''Thiên Chúa quay lại chống đối chính mình đạt đến mức tuyệt đỉnh, khi Người tự hiến chính mình, để nâng con người lên và cứu độ họ - đó là tình yêu trong hình thức triệt để nhất. Nhìn vào cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giêsu, chúng ta có thể chiêm ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa, để từ đó chúng ta tìm được con đường để sống và để yêu (X. Đức Beneđictô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu, số 12).
Vì thế, ca nhập lễ trước tiên là lời khẩn cầu của Giáo Hội, và từ lời khẩn cầu này Giáo Hội mang lấy tâm tình tin thác vào lòng thương xót của Chúa để mời gọi con cái của mình hân hoan cử hành biến cố tình yêu. Quả thực, qua việc cử hành Thánh lễ  Giáo Hội đón nhận “Bí Tích Thánh Thể là hồng ân của tình yêu, tình yêu của Thiên Chúa Cha, Ðấng đã sai xuống Con Một mình, ngõ hầu thế gian được cứu rỗi (x. Gn 3,17); tình yêu của Chúa Kitô, Ðấng đã yêu thương chúng ta cho đến cùng (x. Gn 13, 1); tình yêu của Thiên Chúa được đổ xuống trong tâm hồn chúng ta nhờ qua Chúa Thánh Thần (x. Roma 5,5), Ðấng thốt lên trong chúng ta: "Abba, Lạy Cha" (Gn 4,6). Khi cử hành Hy Tế Thánh, chúng ta vui mừng loan báo sự cứu rỗi thế gian và chúng ta tuyên xưng cái chết chiến thắng của Chúa, cho đến khi Chúa lại đến. Khi thông hiệp vào Mình Chúa, chúng ta lãnh nhận "phần bảo đảm" cho chính sự sống lại của chúng ta.”( Sứ Ðiệp Gởi Dân Chúa của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Bí Tích Thánh Thể, ngày 21-10-2005, số 7).

2- Ca dâng lễ
Đỉnh cao của kinh nguyện tạ ơn là hướng tới bữa ăn Thánh Thể. Lời Tạ ơn được cất lên vì của ăn của uống được trình bày qua hình bánh và hình rượu. Chính qua của ăn này, toàn thể lịch sử cứu chuộc mà Thiên Chúa thực hiện vì lòng xót thương Dân Ngài được biểu tỏ và từ đó lời tạ ơn được cất lên.  Vì thế, lời tạ ơn (Eucharistia) là yếu tố thuộc về bản chất của việc bẻ bánh trong Tân ước (Mc 8, 6tt;  14,  23 tt; 1 Cr 11, 24; Lc 24, 30; Ga 6, 11; Cv 27, 35).
Do đó, ca dâng lễ được nhìn đến như là việc hướng tới hành vi tưởng niệm (anamnese), tường thuật về bữa ăn chiều cuối cùng của Chúa. Trong bữa ăn chiều này Chúa lập Bí tích Thánh thể, Bí tích của lòng xót thương, qua đó Thiên Chúa đã tỏ bày tình yêu của Ngài trong việc cứu độ con người cách mãnh liệt. Lòng thương xót được bày tỏ qua thân xác chịu đóng đinh của Chúa Giêsu, nơi đó “Tự do của Thiên Chúa và tự do của con người đã gặp nhau cách trọn vẹn qua một hiệp ước không thể loại bỏ, có hiệu lực một cách vĩnh viễn, và tội lỗi con người cũng được cứu chuộc một lần cho tất cả… Khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã nói về ‘giao ước mới và vĩnh cửu’ được ghi dấu bằng máu của Người. Chúa Giêsu là con chiên vượt qua đích thực đã tự nguyện hiến mình để cứu chuộc chúng ta, và vì thế đã thực hiện giao ước mới và vĩnh cửu( Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Bí tích tình yêu, số 9).
Bí tích Thánh Thể sẽ được thực hiện qua của lễ Giáo Hội dâng tiến “Lạy Chúa chúc tụng đã rộng ban cho chúng con bánh nầy, rượu này, là hoa màu ruộng đất, là công lao của con người, là sản phẩm của cây nho, chúng con dâng lên Chúa để trở nên của ăn của uống cho chúng con”. Như thế  bài ca dâng lễ khẳng định lời tạ ơn là tưởng niệm tới những ân ban có sẵn mà con  người được mời gọi tham dự vào, và từ ân ban đó con người đặt ra qui luật cho việc dự phần vào ân ban đó, để rồi con ngừoi nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa luôn quan tâm tới con người, vì biết rằng con người hoàn toàn bất xứng, nhưng Chúa lại dùng cái bất xứng đó biến nó thành chất thể cho hiến lễ tạ ơn, mang lại sự sống cho con người. Thật lạ lùng lòng Chúa xót thương.
Và chính của lễ Giáo Hội dâng tiến trở thành hành vi tưởng niệm làm cho chuyện “hôm qua” và việc “hôm nay” quyện lẫn trong nhau, cho nên việc cử hành Lễ tạ ơn là một cuộc gặp gỡ đích thật với Chúa Giêsu Kitô và lịch sử của Người. Chính Chúa Kitô với tất cả những gì Người đã hòan tất vì chúng ta và vì tòan thể thụ tạo được hiện tại trong việc tưởng nhớ nầy, và với lòng Chúa xót thương, qua quyền năng Thánh Thần của lễ dâng tiến này sẽ trở thành niềm hoan lạc cho con người.

3- Ca hiệp lễ
Trong Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô đến để dẫn đưa cộng đòan đang qui tụ cử hành Lễ Tạ ơn vào trong họat động hiến lễ tình yêu của Người. Họ sẽ được Người biến đổi  để được lớn lên trong lịch sử cuộc đời của người. Vì vậy việc dự phần vào bữa tiệc tức là “dự phần vào Máu Đức Kitô” (1 Cr 10, 16), Hiến lễ của Đức Kitô trở thành Hiến lễ Tạ ơn của cộng đòan đang cử hành.
“Hiến tế” của tín hữu chính là đón nhận hiến lễ của Đức Kitô với lời tạ ơn, sự thông dự vào hiến lễ của Người và qua đó họ thông phần vào hiến lễ đời sống của Người được dâng tiến cho Chúa Cha vì loài người. Chính Đức Kitô là chủ thể hành động trong việc hiến dâng nầy, ngay cả trong lễ hiến dâng của cộng đoàn.
Vì thế ca hiệp lễ như là lời ca tụng của Giáo Hội trình bày sự hiệp thông Thánh Thể (communio), một sự hiệp thông nhằm dẫn đưa con người đi vào tận đáy của lòng Chúa thương xót, bởi qua sự hiệp thông Thanh Thể, con người được thông dự vào hiến lễ tình yêu của Chúa Kitô. Qua sự hiệp thông này người ta nhận ra một sự liên kết nội tại giữa bữa tiệc và hiến lễ, và khám phá ra mối liên kết giữa tình yêu và cái chết. Tình yêu là động lực thúc đẩy đến việc giao nộp chính mình, hiến dâng mạng sống. Từ đó sẵn sàng đón nhận cái chết. Cái chết đựơc hiểu như là hậu qủa của việc hiến dâng vì yêu. Bữa tiệc là dấu chỉ của qùa tặng tình yêu, từ ngữ “hiến tế” nói đến lễ hy sinh được kết nối bởi tình yêu và cái chết.
Ca hiệp lễ là lời tụng ca của Giáo Hội hướng tới việc hiệp thông Thánh thể như  là tâm điểm của đức tin Kitô giáo: Sự hiến tặng của Thiên Chúa đựơc thực hiện trong cuộc gặp gỡ giữa con ngừơi. Đỉnh cao của sự hiến tặng chính là Thiên Chúa tự tỏ mình trong Đức Giêsu Kitô, hiệu qủa của sự hiến tặng nầy là sự hiếp nhất bởi tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Và qua sự hiệp thông này, chúng ta, những người Kitô hữu được mòi gọi tiếp tục thể hiện lòng thương xót của Chúa đến với tha nhân.         

4- Ca kết lễ
Thánh Lễ được kết thúc với lời ca kết lễ minh xác về lòng thương xót của Chúa ban tặng qua Bí tích Thánh Thể như một quà tặng vô giá, và giờ đây người tín hữu có trách nhiệm phải loan báo về quà tặng của lòng thương xót này. Thật vậy “Tình yêu chúng ta cử hành trong Thánh Lễ không phải là một điều gì đó chúng ta có thể giữ riêng cho riêng mình. Bởi chính bản chất của nó, tình yêu đòi được chia sẻ với mọi người. Điều mà thế giới cần chính là tình yêu của Thiên Chúa; thế giới cần gặp Chúa Kitô và tin vào Người. Như thế, Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và đỉnh cao không chỉ cho đời sống của Giáo Hội, nhưng còn cho công cuộc loan truyền của Giáo Hội. Chúng ta cũng phải có thể nói với anh chị em chúng ta rằng: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi” (1 Ga 1, 3). Thật vậy, không có gì tốt đẹp hơn là biết Chúa Kitô và làm cho người khác nhận biết Người( Đức Bênêđicrtô XVI, Tông huấn Bí tích tình yêu, số 84). Chúng ta không thể tiến đến bàn tiệc Thánh Thể mà không bị cuốn lôi vào việc loan báo lòng thương xót của Chúa, mở đầu từ chính Trái Tim của Thiên Chúa, nhằm đến với mọi người. Như thế, thực hiện lòng thương xót là một phần thiết yếu của hành vi Thánh Thể trong đời sống Kitô hữu.

Tuy nhiên phụng ca trong Thánh Lễ không chỉ dừng lại ở tâm tình ca tụng của Giáo Hội dành cho lòng thương xót của Chúa, nhưng nơi đó Giáo Hội còn được mời gọi gặp gỡ với chính lòng thương xót qua phần phụng vụ “Đáp Ca”.
Đáp ca là lời đáp lại Thiên Chúa bằng tiéng hát lời kinh sau khi nghe các bài sách Thánh là lời Thiên Chúa nói với Dân của Người” (PV, số 33). Vì thế, đáp ca được Giáo Hội thực hiện qua các Thánh Vịnh. Bởi nói như Đức Bênêđictô XVI: “Lời Chúa lôi cuốn mỗi người chúng ta bước vào cuộc đàm thoại với Chúa: Đấng Thiên Chúa đang nói dạy ta cách để nói với Người. Ở đây, dĩ nhiên ta nghĩ tới Sách Thánh Vịnh, trong đó, Thiên Chúa ban cho ta lời dùng để nói với Người, để đặt đời sống ta trước mặt Người, và do đó, biến chính đời sống trở thành nẻo đường đưa ta tới Thiên Chúa (Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Lời Chúa, số 24). Cho nên thật là thích đáng khi Giáo Hội dùng ngay Lời Chúa để đối thoại với Chúa, và trong cuộc đối thoại này không môt ai được phép thay thế bằng các lời khác.
Quả thật, chính trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa qua các Thánh vịnh, chúng ta gặp gỡ một vị Thiên Chúa qúa đỗi nhân từ, đầy bao dung, chúng ta “Hiểu được chính chúng ta và tìm được câu trả lời cho các vấn nạn sâu xa nhất của trái tim chúng ta” Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Lời Chúa, số 3), để từ đó chúng ta nhận ra rằng, chúng ta chỉ có thể tồn tại được chính là nhờ lòng xót thương của Thiên Chúa, không có lòng xót thương này chúng ta không thể hiện hữu, và không thể được cứu độ.

Tóm lại, các lời tụng ca trong Thánh Lễ là lời tạ ơn vì lòng thương xót của Chúa dành để cho con người. Lời tụng ca được cất lên là để tuyên xưng và công bố về lòng thương xót này của Chúa.  “Đức Giêsu Kitô đã dạy chúng ta rằng con người không những lãnh nhận và cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, mà còn được kêu gọi ‘có hành động thương xót’ đối với kẻ khác: ‘Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương’” (Thándh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Thiên Chúa Giàu lòng thương xót, số 14). Vì thế, phụng ca trong Thánh Lễ chỉ thực sự nói lên hết ý nghĩa của lời tạ ơn khi chúng ta phải nỗ lực thực thi lòng thương xót đối với tha nhân. Vì chỉ có lòng thương xót mới có thể kiến tạo một vương quốc an bình mà Đức Kitô đã loan báo và thiết lập qua cái chết vì yêu trên Thập Giá và đang được hiện thực mỗi ngày qua hiến lễ trên bàn thờ. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét