Trang

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2015

CHÚA NHẬT XXIX - KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

TRUYỀN GIÁO BẰNG VIỆC SỐNG PHÚC ÂM
Lời Chúa: Is 2, 1-5; 1Tm 2,1-8; Mt 28,16-20
      
Kết quả hình ảnh cho CHÚA GIÊSU SAI CÁC MÔN ĐỆ Tại Ðại hội loan báo Tin Mừng toàn quốc lần III vào đầu tháng 9-2015, Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam với bài thuyết trình Canh tân hoạt động loan báo Tin Mừng tại Việt Nam ngày nay”, Ngài nói rằng cho đến nay hiệu quả truyền giáo tại Việt Nam chưa cao. Căn cứ vào các thống kê thường niên của HÐGMVN, con số tín hữu Công Giáo tại Việt Nam không gia tăng mà lại có chiều hướng thụt lùi:
- Năm 1960, số giáo hữu tại Việt Nam là 2,000,000 / 30,000,000 người, tỷ lệ 6.93%.
- Năm 2000, số giáo dân là 5,200,000 / 77,000,000 người, tỷ lệ 6.70% .
- Năm 2008, con số này là 6,100,000 / 86,100,000 người, tỷ lệ 7.18%.
- Năm 2014, tổng số giáo dân là 6,606,495 / 95,247,775 người, tỷ lệ 6.93%

Kết quả là sau 55 năm (1960-2015), tỷ lệ dân số Công Giáo tại Việt Nam bằng nhau: 6.93%! Thêm vào đó, số người theo đạo không tương xứng với số nhân sự lo việc truyền giáo. Năm 2014, số linh mục cả nước là 4,635 (3,546 linh mục giáo phận và 1,089 linh mục dòng); số chủng sinh là 2,357, số tiền chủng sinh là 2,389; số tu sĩ là 19,717 (2,834 nam tu, 16,883 nữ tu); số giáo lý viên cả nước là 59,448 người. Tổng số các nhân sự gắn liền với việc truyền giáo là 88,546 người. Số người tân tòng gia nhập đạo năm 2014 là 41,395 người. So sánh hai con số 88,546 và 41,395, ta thấy cứ hai tín hữu ưu tuyển chưa đem được một người vào đạo. Ðó là chưa nói đến con số rất lớn các hội viên hội đoàn Công Giáo tiến hành trong cả nước.
Đức Cha nói tiếp: “Tại sao số người tin theo đạo vẫn không gia tăng! Trước hết, do Giáo Hội Việt Nam chưa có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về công cuộc loan báo Tin Mừng. Thứ hai, giáo dân Việt Nam giữ đạo rất tốt cho mình, nhưng lại thiếu nhiệt huyết thông truyền niềm tin ấy cho người khác, họ nghĩ việc truyền giáo là của ai khác, phần mình chỉ lo cho mình được rỗi. Thứ ba, đó là vì thiếu nền tảng Kitô học vững chắc. Thứ bốn, đời sống đạo của người tín hữu chưa đi đôi với niềm tin. Thứ năm, thiếu căn bản về giáo lý, kiến thức sơ sài về đạo làm cho đạo và đời không ăn nhập với nhau trong cuộc sống. Cuối cùng, những thách đố của thời đại như chủ nghĩa duy vật, hưởng thụ, tương đối gây ảnh hưởng khiến cho nhiều kitô hữu chỉ sống đạo vật vờ, như mặc cái áo”.
Hôm nay là ngày Khánh Nhật truyền giáo, Giáo Hội mời gọi chúng ta mỗi người hãy coi lại đời sống đạo của mình đã có ảnh hưởng đến một người nào chưa, nghĩa là cung cách sống đạo của chúng ta có làm cảm động những người khác không? “Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội”, đó chính là lệnh truyền của Chúa Giêsu xưa: “Anh em hãy làm phép rửa cho muôn dân, nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Và hơn hai ngàn năm qua, lệnh truyền đó vẫn còn được Giáo Hội thực hiện cho đến khi Chúa lại đến trong vinh quang.
Truyền giáo là bổn phận của mỗi một người Kitô hữu vì chưng khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, Giáo Hội thay mặt Chúa Giêsu trao cho chúng ta sứ mạng cao quý đó là sứ mạng truyền giáo. Sứ mạng này được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và soi sáng khi chúng ta đến tuổi khôn. Nhờ học hỏi và thực hành Lời Chúa, chúng ta biết cách đem Chúa đến cho mọi người bằng cách ăn nết ở của mình phù hợp với tinh thần Phúc Âm, và siêng năng tham dự hay cử hành các bí tích, đặc biệt là thánh lễ chính là nguồn mạch của ơn Chúa ban cho nhân loại. Cho nên, Thánh Phaolô trong bài đọc 2 khuyên rằng: “Người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc” (1Tm 2,8).
Truyền giáo là gì? Là giới thiệu Chúa Kitô cho người khác. Giới thiệu Chúa Kitô bằng nhiều cách thế khác nhau trong đời sống của mình: lời nói, hành động và việc làm. Truyền giáo chẳng cần đi đâu xa mà có khi ngay trong chính gia đình, xóm đạo, xứ đạo của mình. Nếu trong gia đình còn có một vài thành phần khô khan, sống trong tội lỗi hay có những tính hư nết xấu thì qua cầu nguyện, những cử chỉ hiền từ, lời nói dịu dàng, việc làm tốt đẹp của chúng ta sẽ là phương thế tốt nhất Chúa ban ơn cho họ ăn năn hối cải, trở về đường ngay nảo chính, đó là truyền giáo. Nếu ta có những thái độ đi ngược lại với việc đạo đức, kinh nguyện, đức khiêm nhường, hiền từ, ôn hòa, nhẫn nại, hy sinh chịu đựng… thì ta đang phản lại việc truyền giáo, phản lại lệnh truyền của Chúa Giêsu hôm nay. Vì vậy, trong sứ điệp truyền giáo năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Truyền giáo là niềm đam mê đối với Đức Giêsu và cũng là niềm đam mê đối với dân của Ngài. Khi cầu nguyện trước tượng Chúa chịu nạn, chúng ta thấy được chiều sâu tình yêu của Ngài, tình yêu đó ban cho chúng ta phẩm giá và nâng đỡ chúng ta. Đồng thời chúng ta nhận ra rằng tình yêu tuôn chảy từ trái tim bị đâm thâu mở rộng ra để ôm ấp Dân Chúa và toàn thể loài người. Chúng ta một lần nữa nhận ra rằng Ngài muốn dùng chúng ta để lôi kéo dân yêu dấu của Ngài và tất cả những ai thành tâm tìm kiếm Ngài đến gần Ngài hơn”.
 Người truyền giáo đích thực thì say mê Tin Mừng. Thánh Phaolô nói: "Vô phước cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1 Cr 9,16). Tin Mừng là nguồn mạch niềm vui, sự giải phóng và cứu độ cho mọi người. Xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần đến giúp chúng ta tiếp nối sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Trong tâm tình cầu nguyện của ngày Khánh nhật truyền giáo, chúng ta hãy để cho những lời Chúa về sứ vụ truyền giáo âm vang trong tâm hồn, củng cố niềm tin-cậy-mến của chúng ta đồng thời thúc bách chúng ta truyền giáo bằng việc sống Phúc Âm ngay trong xã hội này. Amen


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét