Trang

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN - B

Lời Chúa: Cn. 9, 1-6; Ep. 5, 15-20; Ga. 6, 51-58
HIẾN MẠNG VÌ YÊU
Nếu hôm nay có ai đến nói chúng ta rằng: Bạn hãy ăn thịt và uống máu tôi đi, bạn sẽ sống mãi không chết bao giờ, thì chắc chắn chúng ta bảo “đồ điên”. Chính người Do Thái ngày xưa, kể cả các môn đệ, khi nghe Chúa Giêsu nói những lời lẽ tương tự cũng đã bảo nhau: “Lời ấy chướng tai quá, ai mà nghe cho nổi” (Ga 6,60).
Thực ra chẳng điên, chẳng chói tai gì bởi vì Đời Xuân Thu Chiến Quốc, Giới Tử Thôi là người nước Tần, là bầy tôi trung thành của công tử Trùng Nhĩ. Khi công tử Trùng Nhĩ phải lưu vong nơi đất khách quê người, lương thực đã cạn kiệt, công tử lại không thể ăn những loại rau hoang cỏ dại trong rừng. Giới Tử Thôi đã lén cắt thịt đùi của mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn. Về sau Trùng Nhĩ khôi phục lại cơ nghiệp, làm vua nước Tần. Đó! Giới Tử Thôi vì vua, vì trung thần và vì yêu vua cho nên hiến thịt đùi cứu người. Thật đáng khen ngợi đời này tới đời kia chứ điên dại gì!

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, xuống thế làm người đã hiến dâng không chỉ bắp đùi mà cả thân mình và mạng sống cho chúng ta được hạnh phúc và sống dồi dào. Qủa thế, “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Ep 2,6-8). Vì vậy, Chúa Giêsu hôm nay nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống", là thật, chẳng điên và cũng chẳng có gì là chói tai.
Nói đến máu thịt là nói đến những gì thâm sâu nhất trong con người, vì Máu thịt chính là sự sống; máu huyết thuộc hệ di truyền. Cho nên, người ta thường nói: “Máu huyết của cha, thịt xương của mẹ”. Như thế, máu thịt không những làm thành con người thể lý bên ngoài mà còn làm thành con người ở chiều sâu tinh thần nữa. Cho nên, ông bà có câu: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống như chúng một giàn”.
Máu thịt là những thứ làm cho thành người và có sự sống. Cho nên, lấy chúng ra khỏi con người thì đau đớn và chết liền. Vì vậy, ai cũng yêu quí chúng, yêu mạng sống mình. Chúa Giêsu cũng yêu quí mạng sống mình chứ, muốn giữ nó lắm chứ. Chúng ta nhớ lại trong vừa cây dầu Ngài cầu xin Cha Cha nếu được xin cất con khỏi chén đắng, tức cái chết này nhưng vì yêu Cha, theo thánh ý của Cha nên Con xin tự hiến sống này để ban cho trần gian để họ được sống. Điều đáng nói ở đây Chúa Giêsu không chỉ ban Máu Thịt mà còn ban cho ta cốt lõi của bản tính Thiên Chúa, đó chính là Tình Yêu vì “Thiên Chúa là tình yêu”. Vậy không chỉ ban cho ta Máu Thịt, Chúa Giêsu ban cho ta chính tình yêu của Người.
Mạng sống là quý nhất. Nhưng Chúa Giêsu yêu quí chúng ta còn hơn yêu mạng sống của mình, vì như lời Người nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Cho nên, Người sẵn lòng chịu tiêu hủy mình đi để ở và sống với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Khi hiến mình làm lương thực, Người chấp nhận chịu nghiền tán, chịu đớn đau để trở thành thịt máu của ta và để ta sống kết hiệp mật thiết với Người. Cho nên, khi rước Mình máu Thánh Chúa thì Chúa ở trong ta và ta được ở trong Chúa. Đây là một biến đổi sâu xa. Chúa Giêsu đã làm người để ở với ta, làm tấm bánh để ở lại trong ta. Vì thế khi rước lễ, ta phải biến đổi đời sống cho xứng đáng và phù hợp với Chúa. Ở trong Chúa không phải là ở trong không gian vật lý nhưng ở trong không gian thiêng liêng, trong tư tưởng, lời nói, việc làm và đường lối của Chúa, trong tình yêu của Chúa và trong lề luật của Chúa. Như thế, ở trong Chúa có nghĩa là sống như Chúa, suy nghĩ như Chúa, hành động như Chúa, yêu thương như Chúa. Cho nên, trong THƯ MỤC VỤ NĂM 2015, Hội Đồng Giám Mục kêu gọi mọi thành phần dân Chúa phải  “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”, nghĩa là tham dự Thánh Lễ và cử hành phụng vụ. Vì chưng, càng tham dự những cử hành phụng Thánh Thể một cách ý thức và sống động, không những để chu toàn lề luật mà còn để gặp gỡ Chúa và để Chúa biến đổi đời sống chúng ta nên giống Chúa. Như thế, Phụng vụ Thánh Thể sẽ trở thành nguồn lực thánh hóa bản thân, đồng thời đem tinh thần Phúc Âm vào môi trường sống trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội (số 2).

         Vậy, ước gì trong khuôn khổ cùa Năm Phúc Âm hóa giáo xứ và cộng đoàn và qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta xác tín rằng mỗi lần chúng ta rước Chúa là được đón nhận chính sự sống và tình yêu của Chúa. Giờ đây tôi sống không phải là tôi sống như là Chúa sống trong tôi. Cho nên, trong bài đọc 2, Thánh Phaolô dạy “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối. Vì thế, anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa. Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí” (Ep 5,15-15-19). Nhờ đó, chúng ta sẵn sàng hiến dâng chính mình vì Chúa và tha nhân: là biết hy sinh cho nhau, và biết kiến tạo hạnh phúc cho nhau qua việc yêu thương, tha thứ và phục vụ. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét