Trang

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

KHƯỚT TỪ TÌNH YÊU CHÚA LÀ TỰ KẾT ÁN MÌNH
Lời Chúa: 2Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21
 
        Bài đọc 1, Sách Biên Niên Sử hôm nay mô tả dân Israel bị lưu đầy ở bên Babilon. Khi vua nước Batư đã đánh hạ ngục Babilon, ông ta ra chiếu chỉ giải phóng dân Israel, một cuộc xuất hành mới và cho phép họ tái thiết lại đền thờ. Ông vua này không có đạo, không biết Thiên Chúa là ai? Ông giải phóng dân Israel là hành động mang tính chính trị. Ông muốn lấy lòng dân tộc để việc cai trị ông được vững vàng hoặc lý do kinh tế xã hội nào đó. Trái lại, dân Israel nhìn sự giải phóng bằng một đức tin là do Chúa thúc dục lòng nhà vua để hành động. Một cái nhìn của đức tin như vậy không phải là Chúa xa lạ mà là sự thật trong những bước đi của lịch sử khi Ngài gởi Con Một của Ngài. Thiên Chúa Kitô giáo không ở trong lý luận, Thiên Chúa hiện hữu trong đời người tất cả mọi người. Chúa đóng ấn tình yêu của Ngài khi Ngài ban tặng Con Một của Ngài. Giờ đây, Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử bằng tình thương, đó chính là Chúa Giêsu, Con của Thiên Chúa “đến thế gian, không phải để lên án thế gian. Nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ.”
        Qủa thế, Thiên Chúa không lên án ai. Người muốn cứu độ tất cả vì Người yêu thương hết mọi người. Chính con người tự xét xử và lên án mình, khi nó cố chấp khước từ tình của Thiên Chúa, là Chúa Giêsu và Lời Người. Như thế, việc "lên án" không phải là một hành vi ở bên ngoài con người. Nhưng trớ trêu thay, nó lại là sự việc của chính con người đó, khi họ có thái độ khước từ tình yêu Thiên Chúa, được biểu lộ trong việc "Con Một của Người hiến thân" cho đến hy sinh thập giá. Như vậy, Thánh giá đã trở thành dấu chỉ ơn cứu độ cho những ai tin vào Ngài và hễ “Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án; những kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào Danh của Con Một Thiên Chúa.
     Điều này có nghĩa rằng tin vào Chúa Giêsu Kitô bao gồm sự dấn thân dứt khoát, từ bỏ tội lỗi, thi hành ý Chúa và thực thi Lời Người dạy ngay trong cuộc sống. Đức tin mà chúng ta lãnh nhận khi chịu phép Thanh Tẩy và giữ mãi cho đến hôm nay thực sự nó đã cứu tôi, có nghĩa rằng tôi nắm chắc sự sống lại mà Chúa Giêsu chịu chết và phục sinh ban cho tôi. Nhưng từ khi Rửa Tội cho đến ngày cuối hết đó, đức tin của tôi như thế nào? Hành vi đạo đức của tôi trong cuộc sống như thế nào? Nói cách khác, tôi sống và thi hành Lời Chúa ở mức độ nào? Vì vậy, đức tin của chúng ta hôm nay có tầm mức rất quan trọng đến cuộc hội ngộ mai ngày của chúng ta cùng Thiên Chúa, vì chưng Thánh Phaolô nói trong bài đọc 2 rằng: “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa” (Ep 2,8). Vì vậy, mỗi ngày thực thi Lời Chúa của chúng ta là công trạng trong ngày sau hết của chúng ta. Lời Chúa đòi hỏi chúng ta dấn thân sống trong ánh sáng, nghĩa là trong sự thẳng thắn, trung thành và hành động theo gương yêu thương Chúa Giêsu, hy sinh cho người mình yêu.
     Đứng trước thập giá Đức Kitô, hôm nay chúng ta phải có thái độ nào? Nếu ta tin vào tình yêu Thiên Chúa thì được ân sủng, được Chúa và cả tha nhân, còn nếu ta chối từ tình yêu của Ngài? Ta tự kết án mình, xa lìa Thiên Chúa và trở thành người vô cảm.
      Lời Chúa hôm nay mời gọi ta hãy đón lấy thập giá Chúa Kitô để thấy được tình yêu bao la của Chúa, đồng thời thấy ta tội lỗi vô ngần. Tình yêu Chúa luôn chịu đựng, phục vụ, hiền hòa, khiêm nhường, nhịn nhục và không ngừng tha thứ, và hy sinh chết cho ta. Còn tình yêu của ta dành cho Chúa và tha nhân như thế nào? Có thờ phượng Ngài trên hết mọi sự không? Hay có còn thờ thần đôla, thần danh vọng hay dục vọng mà bỏ Chúa ra bên lề, thích thì đọc kinh dâng lễ không thích thì thôi. Còn đối với nhân thì sao? Ta có yêu ngươi như Chúa yêu ta không? Có tha thứ cho tha nhân như Chúa không hay kết án anh chị em, cha mẹ mình mãi, “sống để bụng, chết mang theo”. Thiên Chúa không kết án luận phạt chúng ta, sao ta lại kết án luận phạt anh em mình? Hãy nhớ Lời Chúa dạy: “Hãy tha thứ để được Chúa tha thứ. Đừng xét đoán để khỏi bị Chúa xét đoán” (Lc 6, 36-37). Vậy, nhìn lên thập giá Chúa Kitô thì biết phép công thẳng của Chúa là thế nào! Hãy xem đó thì biết tội nặng nề gớm ghiếc là chừng nào! Hãy xem đó thì rõ biết lòng Chúa quá yêu thương ta là dường nào! (Đàng Thánh Giá, chặng 13). Cho nên, trong Sứ Điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi đừng vô cảm với tha nhân vì “Tình yêu của Thiên Chúa phá vỡ sự vô cảm ấy, một thái độ khép kín tai hại. Giáo hội trao tặng chúng ta tình yêu này qua giáo huấn, và nhất là qua chứng tá của mình. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm chứng về điều mà chính chúng ta đã cảm nghiệm. Kitô hữu là người để Thiên Chúa mặc cho mình lòng nhân từ và thương xót của Ngài, mặc lấy Chúa Kitô, để giống như Chúa Kitô, trở nên tôi tớ của Thiên Chúa và của người khác. Chúng ta thấy rõ điều này trong Phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh qua nghi thức rửa chân. Phêrô không muốn Chúa Giêsu rửa chân cho ông, nhưng ông đã hiểu ra rằng Chúa Giêsu không muốn chỉ nêu gương về cách thức chúng ta phải rửa chân cho nhau. Chỉ những ai để cho Chúa Giêsu rửa chân mình trước thì người ấy mới có thể phục vụ người khác như thế. Chỉ người nào được “dự phần” với Ngài (Ga 13,8) thì mới có thể phục vụ người khác” (số 1).
      THƯ MỤC VỤ NĂM 2015 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam viết rằng: “Giáo xứ là gia đình của những người con cái Thiên Chúa, trong đó tất cả là anh chị em với nhau. Gia đình giáo xứ cần được Phúc-Âm-hóa, nghĩa là thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và làm chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh, đến với muôn dân. Ước gì, trong mùa Chay thánh này, mỗi người chúng ta thấm đẫm tinh thần Phúc Âm hôm nay là sống và trao ban tình yêu Chúa đã dành cho mọi người trong giáo xứ và mọi người trong môi trường sống chúng ta ngõ hầu đức tin của chúng ta thật sự sống động và đem lại ân phúc thay vì luận phạt. Vì chưng, “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2,10). Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét