Trang

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

LỄ TRUYỀN TIN 25-3



 
1. LỊCH SỬ
Lễ Truyền Tin là biến cố Thiên sứ truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria rằng  Trinh nữ Maria rằng cô sẽ thụ thai qua quyền năng của Chúa Thánh Thần để trở thành mẹ của Con Thiên Chúa. Trong sự kiện này, Gabriel đã bảo Maria hãy đặt tên cho con trai mình là Giêsu, có nghĩa là "Đấng Cứu Thế". Câu chuyện đã được tác giả Luca ghi lại nơi chương 1, 26-38.
Lễ Truyền tin được mừng đầu tiên tại Giáo hội Đông phương vào Chúa nhật I mùa Vọng từ thế kỷ IV để kính nhớ mầu nhiệm Nhập Thể. Đến thế kỷ VII, lễ này lan sang Giáo hội Tây phương để kỷ niệm Đức Trinh Nữ Maria chịu thai Ngôi Lời Nhập Thể, đồng thời kỷ niệm Chúa Kitô được xức dầu làm Thượng Tế và làm Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người.
Đức Thánh Sergiô I lập bốn lễ: Lễ Đức Mẹ tịnh tẩy, dâng Con vào đền thờ, lễ Truyền tin, lễ Sinh nhật Đức Mẹ, và lễ Đức Mẹ lên trời. Mỗi dịp lễ này, Ngài truyền dạy tổ chức cuộc rước Đức Mẹ từ nhà thờ Thánh Adrianô về đền thờ Đức Bà Cả tại Rôma. Thánh Phêrô Kim ngôn đã giảng nhiều trong lễ Truyền tin.
Thánh Augustinô đã đề nghị mừng lễ Truyền tin vào ngày 25 tháng 3 cho đúng chín tháng trước lễ Giáng sinh, nhưng Giáo hội Tây Ban Nha không đồng ý, nên Công đồng Toleđô năm 656 ấn định mừng tám ngày trước lễ Giáng sinh rồi đổi sang ngày 18 tháng Giêng để tránh mùa Chay. Đức Bênêđictô XIV ra sắc lệnh ấn định khắp Giáo hội mừng lễ Truyền tin vào ngày 25 tháng 3 theo Thánh Augustinô đã đề nghị và như ngày nay.

2. SUY NIỆM

ĐỨC MARIA ĐÃ SỐNG TRỌN VẸN ĐỨC TIN 

VỚI BIẾN CỐ TRUYỀN TIN


                   Qua lời “Xin vâng” mà Đức Mẹ đã thưa với Sứ Thần trong buổi Truyền Tin, Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, Chúa chúng ta, đã nhập thể làm người, đã mang lấy bản tính nhân loại như chúng ta trong cung lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, khởi đầu cho công cuộc cứu độ mà Thiên Chúa đã chuẩn bị từ xưa, ngay sau khi tổ tông loài người sa ngã.
          Thật thế, sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã hứa ban ơn cứu độ cho con người. Và kế hoạch cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa đã được mạc khải dần dần trong Cựu ước, mà những lời tiên báo của ngôn sứ Isaia có thể thấy là rõ ràng hơn cả : “Vì vậy, chính Chúa thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu : này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7, 14). Lời tiên báo đó của ngôn sứ Isaia giờ đây đã được ứng nghiệm, đã được nên trọn nơi Đức Ma-ri-a nhờ lời đáp trả quyết định “Xin vâng” đầy lòng tin và lòng yêu mến của Mẹ trong biến cố Truyền Tin. Toàn thể nhân loại giờ đây cũng vui suớng và tràn đầy hạnh phúc vì lời “Xin vâng” ấy. Bởi lẽ, từ đây, cửa địa đàng lại được mở ra cho con người sau một thời gian bị đóng lại vì tội lỗi của ông bà nguyên tổ; bởi lẽ, giờ đây, một sự sống mới lại được trao ban cho con người, thay cho sự sống mà Ađam và Evà đã đánh mất năm xưa.
          Song, để có thể thốt lên được hai tiếng “Xin vâng” đó, thì chắc hẳn, Mẹ phải là một con người của cầu nguyện liên lỉ, một con người của lắng nghe, một con người luôn sẵn sàng đáp trả tiếng Chúa, và chắc chắn phải là một con người đã sống cách trọn vẹn đức tin đã lãnh nhận từ Thiên Chúa.
          Qủa thế, Đức Ma-ri-a được mời gọi phải thưa “vâng” với một điều mà trước đây chưa bao giờ xảy ra. Bởi đối với Thiên Chúa, thì những điều mà trước đây chưa từng xảy ra, thì bây giờ đã trở thành hiện thực. Mẹ Ma-ri-a cũng phải bước những bước đi trong đêm tối của đức tin. Và trong đêm tối của đức tin đó, Mẹ phải tín thác hoàn toàn vào Đấng đã kêu gọi Mẹ. Bởi thế, bất chấp những nỗi sợ hãi và không chắc chắn, câu hỏi của Mẹ thưa với Sứ Thần : “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” cho thấy Mẹ đã sẵn sàng để thưa “Xin vâng”. Vì Mẹ Ma-ri-a đã không hỏi: liệu lời hứa ấy có thể được thực hiện hay không ? Nhưng chỉ hỏi : làm thế nào lời hứa ấy được nên trọn? Và cho dẫu Sứ Thần đã trả lời cho Mẹ rằng: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà...” (Lc 1, 35), thì thật sự câu trả lời đó cũng không mấy sáng sủa đối với tầm hiểu biết tự nhiên của trí khôn con người. Chỉ với đức tin, một đức tin nhạy bén và trực giác, mà Mẹ đã khiêm tốn nhận lời tryền tin của Sứ Thần, cũng là ý định của Thiên Chúa, và thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ Thần nói” (Lc 1, 38). Với những lời đầy lòng tin và khiêm tốn trên đây, Đức Ma-ri-a đã cho chúng ta thấy rằng, Mẹ quả thật là một người con đã sống và thể hiện đức tin của mình một cách mạnh mẽ và trọn vẹn; và Mẹ đã trở thành Mẹ Chúa Kitô và Mẹ các kẻ tin.
Là người Kitô hữu, ai trong chúng ta cũng được mời gọi phải sống và làm chứng cho đức tin của mình. Tuy nhiên, có lẽ mỗi người chúng ta cũng đều cảm nhận cách sâu xa rằng sống và làm chứng cho đức tin của mình giữa cuộc sống ngày hôm nay thật không phải dễ chút nào. Đôi lúc, chúng ta cảm thấy con thuyền đức tin của chúng ta như thể bị lạc hướng, bị chao đảo trước những cơn sóng gió của cuộc đời. Có nhiều khi, chúng ta lại cảm nhận bầu trời đức tin của mình như thể bị che phủ bởi những đám mây u ám và xám xịt.
          Thế nhưng, trong những lúc như thế, chúng ta hãy bình tâm và nhìn ngắm Đức Ma-ri-a, vị thầy dạy cho chúng ta biết sống đức tin là như thế nào? Cách đặc biệt, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ Ma-ri-a - một người Mẹ luôn yêu thương và đồng hành với con cái mình, để xin Mẹ dạy cho chúng ta biết noi gương Mẹ mà sống đức tin một cách mạnh mẽ và trọn vẹn giữa cuộc sống đầy những khó khăn và thử thách này. Đồng thời, cũng xin Mẹ giúp chúng ta biết thưa lên hai tiếng “Xin vâng” với Thiên Chúa trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh của cuộc đời, cho dẫu là vui hay buồn, sướng hay khổ, may mắn hay rủi ro. Để nhờ đó, chúng ta trở nên xứng đáng là con của Mẹ Ma-ri-a và nhất là xứng đáng làm con của Cha trên trời.

3. CẦU NGUYỆN
Lạy Mẹ Maria, có những lúc con cũng thắc mắc, bâng khuâng, lo lắng và buồn bã vì những trái ý, những khó khăn tại sao xảy đến trong đời con?! Những lúc ấy, con như chẳng tin Chúa vì Chúa chẳng thương con, cứu con. Con không còn tín thác, cậy trông vì quá khổ. Xin Mẹ giúp con, đồng hành với con và chỉ dạy con biết vững tin như Mẹ. Nhìn lại đời Mẹ, Mẹ khổ hơn con nhiều, Mẹ cay đắng hơn con nhiều nhưng Mẹ vẫn thưa “xin vâng” để cho ý Chúa được trọn vẹn. Xin cho con cũng thưa xin vâng như Mẹ để ý Chúa thực hiện nơi con người và cuộc đời của con. Amen.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét