Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC TÍN LÝ VÀ LUÂN LÝ - TUẦN XII

    Thưa Cha, theo Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, sự sống con người thực sự bắt đầu từ lúc nào? Và khi nào có linh hồn?

 Trả lời

Thánh Bộ Giáo Lý và Đức Tin, Huấn thị Donum Vitae dạy rằng: “Ngay từ giây phút thụ tinh, sự sống của mỗi người phải được tôn trọng cách tuyệt đối, vì con người là thụ tạo duy nhất trên trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính nó và linh hồn của mỗi người được Thiên Chúa trực tiếp ban cho” (Thánh Bộ Giáo Lý và Đức Tin, Huấn thị Donum Vitae (ơn ban sự sống), 22-2-1987, số 5).

Như thế, ngay từ khi tinh trùng gặp trứng là sự sống mới đã hình thành. Mầm sống ấy cần được trân trọng, bảo vệ và nâng niu- một sản phẩm đặc biệt do sự kết hợp của người chồng, người vợ và cả Thượng đế nữa. Vì thế, Huấn thị Donum Vitae và Tuyên ngôn của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin về vấn đề phá thai đã khẳng định: “Ngay từ khi trứng được thụ tinh, một sự sống mới được bắt đầu mà sự sống ấy không phải cha, cũng chẳng phải mẹ, nhưng đúng hơn đó là một sự sống mới của một con người và nó có thể tự mình phát triển” (Thánh Bộ Giáo Lý và Đức Tin, Tuyên ngôn về việc phá thai, L’Osservatore Romano, 29-5-1974). Cũng tuyên ngôn về Việc Cố Ý Phá Thai, số 12, khẳng quyết rằng: “Trứng thụ tinh đã khởi đầu cho một sự sống mới… Nó sẽ không bao giờ trở thành người, nếu nó không là người ngay lúc ấy”. Vì vậy, Huấn thị Donum Vitae số 79 và thông điệp Evangelium Vitae số 60, khẳng định: “Con người phải được đối xử như một nhân vị kể từ khi thụ tinh, và vì vậy cũng từ đó nhân quyền của nó phải được thừa nhận, trước hết là quyền sống bất khả xâm phạm của một con người vô tội”. Và Giáo Hội xác tín rằng sự sống con người hiện hữu ngay từ giây phút thụ tinh, tức là khi một tinh trùng kết hợp với một trứng.
    Linh hồn có từ khi nào?
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 362-366 dạy rằng được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người là một hữu thể vừa thể xác vừa tinh thần. Trình thuật Thánh Kinh diễn tả thực tại đó với một ngôn ngữ biểu tượng khi khẳng định rằng “Thiên Chúa lấy đất sét nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật"(St 2,7). Con người toàn diện được dựng nên do ý muốn của Thiên Chúa. Thánh Kinh thường dùng thuật ngữ linh hồn để chỉ sự sống con người (x. Mt 16,25-26; Ga 15,13) hoặc toàn diện con người (Cv 2,41). Nhưng cũng dùng để chỉ cái thâm sâu nhất (Mt 26-38), giá trị nhất nơi con người (x. Mt 10,28; 2Mca 6,30), nhờ đó con người là hình ảnh Thiên Chúa cách đặc biệt: “linh hồn” là nguyên lý thuần linh nơi con người.
Thân xác cũng được dự phần vào phẩm giá của con người là “hình ảnh của Thiên Chúa". Nó là thân xác con người chính vì được linh hồn thiêng liêng làm cho sinh động. Và chính con người toàn diện được đặt định trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần, trong Thân Thể Chúa Ki-tô (x. 1Cr 6,19-20; 15, 44 - 45). Tuy gồm xác và hồn, nhưng là một thực thể duy nhất, con người, nhờ có thể xác, qui tụ nơi mình những yếu tố thuộc thế giới vật chất. Nơi con người, các yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng và có thể tự do dâng lời ca tụng Đấng Tạo Hóa. Vậy con người không được khinh miệt đời sống thể xác, nhưng trái lại, con người phải coi thân xác mình là tốt đẹp và đáng tôn trọng vì thân xác ấy do Thiên Chúa tạo dựng và phải được sống lại ngày sau hết.
Sự thống nhất xác hồn thâm sâu đến độ ta phải coi linh hồn như là “mô thể” của thân xác; nghĩa là, nhờ linh hồn thiêng liêng mà thân xác được cấu tạo từ vật chất, thành một thân xác của con người sống động. Trong con người, tinh thần và vật chất không phải là hai bản tính được nối kết lại, nhưng sự kết hợp của chúng tạo thành một bản tính duy nhất. Hội Thánh dạy rằng mỗi linh hồn thiêng liêng được Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng chứ không phải do cha mẹ “sản sinh". Hội Thánh cũng dạy rằng, linh hồn bất tử, không hư mất khi lìa khỏi xác trong giờ chết, và sẽ tái hợp trở lại với thân xác trong ngày phục sinh cánh chung.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét