Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC TÍN LÝ VÀ LUÂN LÝ - TUẦN XI

 Thưa Cha, một người con gái không có đạo và cô ta đã phạm tội phá thai, cô ấy có được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và tội đã phá thai đã phạm có được tha không? Và nếu được tha thì cô ấy phải làm gì để đền bù lại tội.
Con thân mến,
Câu hỏi của con khá mập mờ, mập mờ ở chỗ rằng cô này đang học giáo lý dự tòng hay chưa? Cô này đang sống trong tình trạng bình thường hay đang nguy tử (hấp hối). Bây giờ chúng ta giải quyết vấn đề:
a. Được Rửa Tội hay không? 
- Xét trường hợp cô này nguy tử (hấp hối), thì cô này được vì Giáo luật điều 865 khoản 2 dạy “Trong trường hợp nguy tử, người lớn có thể được rửa tội khi đã biết phần nào về các chân lý chính yếu của Ðức Tin, đã bày tỏ cách nào đó ý muốn lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và hứa sẽ tuân giữ các điều răn của đạo công giáo”. Như vậy cô này nếu sau khi Rửa Tội được Chúa gọi về ngay thì cô không làm việc đền bù tội lỗi của cô, nhưng chắc chắn cô sẽ đến trước Tòa Chúa để chịu phán xét thưởng hay phạt, đền bù hay không tùy thuộc vào công trạng hay tội của cô khi còn sống trên trần gian.
- Xét cô này đang sống bình thường. Nếu cô này chưa học giáo lý dự tòng hay bất cứ giáo lý Công Giáo thì thôi đừng nói tới chuyện lãnh bí tích Rửa Tội vì theo Giáo luật Ðiều 851 khoản 1 dạy rằng “Người lớn muốn lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, phải được nhận vào lớp dự tòng và tùy mức độ có thể, được hướng dẫn khai tâm Bí Tích qua nhiều giai đoạn khác nhau; dựa theo đúng nghi thức khai tâm do Hội Ðồng Giám Mục đã thích nghi cũng như các quy luật riêng do Hội Ðồng Giám Mục ban hành”. Còn Ðiều 865 khoản 1 dạy thêm: “Ðể có thể được rửa tội, người lớn phải tỏ ý muốn lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, phải được giáo dục đầy đủ về các chân lý Ðức Tin và các nghĩa vụ Kitô giáo, được thử luyện vào đời sống Kitô giáo qua thời gian dự tòng; ngoài ra, phải khuyên nhủ họ thống hối về tội lỗi của mình”.

b. Bí Tích Rửa Tội tha những tội nào?
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1263- 1264 dạy rằng: “Nhờ bí tích Thánh Tẩy, mọi tội lỗi đều được tha: nguyên tội, mọi tội riêng cũng như mọi hình phạt do tội. Những người đã được tái sinh sẽ được vào Nước Thiên Chúa và không còn gì ngăn cản họ, dù là tội A-đam, tội riêng của họ, những hậu quả của tội, kể cả hậu quả trầm trọng nhất là xa lìa Thiên Chúa. Tuy nhiên, người đã được rửa tội còn phải chịu một số hậu quả tạm thời của tội như: đau khổ, bệnh tật, chết chóc hay những bất toàn trong cuộc sống như tính tình yếu đuối... và một sự hướng chiều về tội mà Truyền Thống quen gọi là dục vọng hay nói cách ẩn dụ là “bùi nhùi nhóm lửa của tội”.Dục vọng được để lại để chúng ta chiến đấu, không có khả năng làm hại những ai không chiều theo nó mà còn mạnh mẽ chống lại nó nhờ ân sủng của Đức Ki-tô. Hơn nữa, không đoạt giải nếu không thi đấu theo luật lệ” (2 Tm 2,5). Cho nên, Nếu cô này học giáo lý dự tòng xong, lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, lập tức tội cô này được tha và hình phạt cũng được tha nhưng việc đền bù tội lỗi mình phải làm. Cũng như Bí Tích Hòa Giải, trong tòa giải tội hối nhân được Thiên Chúa tha tội qua lời xá giải của Linh mục, nhưng vẫn làm việc đền tội tùy theo yêu cầu làm những việc gì mà Linh mục giải tội bảo phải làm. Chú ý, việc đền tội là phải làm nếu không làm thì mắc tội chưa làm việc đền tội, lần sau phải xưng lại. Vì chưng, đền tội là đền bù những thiệt hại đã gây ra cho người khác đó là lẽ công bằng.
Giáo luật dạy về vấn đề phá thai rằng phá thai là trực tiếp tiêu diệt sự sống một người vô tội bao giờ cũng là một hành vi xấu từ bản chất. Phá thai tự bản chất của nó là xấu, chứ không phải là xấu bởi vì Giáo Hội cấm đoán. Giáo Hội chỉ cấm phá thai bởi vì tự bản chất phá thai là xấu. Cho nên, Công đồng Vativcan II đã khẳng định phá thai là tội ác ghê tởm chống lại sự sống: “Sự sống ngay từ lúc thụ thai đã phải được giữ gìn hết sức cẩn thận: phá thai và giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê tởm” (GS 51). Còn, Giáo huấn luân lý Kitô giáo luôn luôn coi phá thai là một trọng tội: “Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi. Việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân lý” (GLHTCG. số 2271). Theo Giáo luật hiện hành, Hội Thánh phạt vạ tuyệt thông cho những ai đã phá thai thành công: “Người nào thi hành việc phá thai và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết” (Điều 1398).
-  Cho nên, cô này nên tự làm những việc đền tội sau khi Rửa Tội như: xin lễ cho chính thai nhi mình phá, làm việc lành phước đức nhiều, nếu biết chỗ chôn thai nhi thì xây mộ, hương ngói đàng hoàng… như sự hối lỗi ăn năn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét