Trang

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Tuần VI


Thưa Cha, Lời dạy của Chúa Giêsu có gì khác so với các bậc tiền nhân trong  lịch sử? Xin Cha giúp con, con cám ơn Cha.
          
 Con thân mến,
          Trong câu hỏi của con có khá nhiều vấn đề chúng ta cần so sánh: (1)con người của người dạy, (2) cách người đó dạy, (3) nội dung người ấy dạy, (4) uy quyền của người dạy, và (5) hiệu quả việc thi hành lời người đó dạy.
          Thứ nhất, chúng ta cùng xem con người của người dạy. Các bậc tiền nhân trong lịch sử ở đây chúng ta hiểu đó là các bậc hiền triết như: Khổng Tử, Lão Tử hay Triết gia Aristote, tổ tiên ông bà… Còn các Ngôn Sứ, các thánh thì chúng ta không bàn tới vì các ngài khác nữa. Vậy, các bậc tiền nhân là những con người bình thường nhưng tri thức của các ngài uyên bác, thâm sâu đồng thời rất giàu kinh nghiệm trong cuộc sống nê họ đưa ra những lời dạy chí lý. Xét về mặt tâm linh, các ngài quả thật là hiền lành nhưng chưa thánh vì các ngài vẫn có tội và phạm tội. Còn Chúa Giêsu, Ngài là con người bình thường giống như các bậc tiền như: khôn ngoan, đầy nhân đức và từng trải nghiệm cuộc sống, Ðức Giêsu, càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 52); nhưng Ngài còn là Thiên Chúa làm người giống chúng ta mọi đàng trừ tội lỗi (Pl 2,6-7), Ngài là cội nguồn của sự sống, của khôn ngoan và mọi nhân đức, “Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết” (Kn 6,13).
 
          Thứ hai, các bậc tiền nhân dạy người bằng sách vỡ, bằng kiến thức khoa học thực nghiệm hay bằng kinh nghiệm. Chẳng hạn, Lão Tử dạy quân tử trong phép xử thế rằng “Bậc thượng thiện giống như nước, nước thì hay làm lợi cho vạn vật mà không tranh, ở chỗ nào mà người ta không ghét, nên gần với đạo. Ở thì hay lựa chỗ thấp; lòng thì chịu chỗ thâm sâu, xứ thế thích dùng đến lòng nhân. Vì vậy, hãy lấy nhu thắng cương, nhược thắng cường. Lấy cường xử hạ, nhu nhược thắng xử thượng” (Đạo Đức Kinh, chương 66. và 76). Hay Aristote dạy nếu muốn biết việc gì đúng thì phải dựa trên phép tam đoạn luận: “1. Mọi người đều chết. (đại tiền đề) 2. Socrates là người. (tiểu tiền đề) Do đó, Socrate cũng chết. (kết luận)”  Còn Chúa Giêsu, Ngài thường dùng dụ ngôn và dùng hành động cụ thể để dạy chúng ta. Tại sao Ngài dùng dụ ngôn bởi vì Chúa Giêsu muốn không chỉ mạc khải về Nước Trời mà còn dạy phương thế để đạt được Nước Trời ấy. Mà Nước Trời một thực tại không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ loài người, và nếu có diễn tả được, thì con người cũng không thể hiểu nổi vì nó vượt khỏi thế giới khả giác này, hay nói như thánh Phaolô, đó là thực tại mà mắt con người chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng người chưa từng cảm nghiệm được. Thực tại ấy không thể thu hẹp trong một vài câu định nghĩa, mà phải diễn tả bằng dụ ngôn, vì cách diễn tả này không giới hạn, nhưng tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu sâu xa hơn. Thực tế hơn, Ngài đã cùng chính hành động, những phép mầu, điềm thiêng, dầu lạ (Cv 2,22) để dạy chúng ta phương thế tốt nhất, gần nhất và chắc chắn nhất để đạt tới Nước Trời và Nước Trời đang hiện diện nơi Người. Chẳng hạn, để dạy đức tính khiêm nhường và phục vụ: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su.3 Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? "Đức Giê-su trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu." Ông Phê-rô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu! " Đức Giê-su đáp: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy." Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa." Đức Giê-su bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu! " Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch".  Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy" (Ga 13,12-20). Tóm lại, kèm theo lời dạy, Chúa Giêsu làm những hành động, những
  Thứ ba, chúng ta xét đến nội dung của người dạy. Nội dung dạy của các tiền nhân rất đa dạng và phong phú nhưng nội dung ấy giúp con người trưởng thành nhân cách và kiến thức thôi. Như vậy, nội dung giảng dạy của các bậc tiền nhân chưa thấm sâu bên trong, bền vững và chắc chắn. Cái gì làm cho chúng ta nên hoàn thiện và sống dồi dào mãi mãi muôn đời, đó chính lời dạy của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu “là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Cho nên, “Ai tin và làm theo Lời Chúa dạy là và Lời Ngài là được đón nhận vào Nước Chúa”. Như vậy, nội dung lời dạy của Chúa Giêsu là chân lý, lời hằng sống chứ không phải là những kiến thức hay những chữ chết. Nội dung này giúp chúng ta trưởng thành cả nhân cách lẫn tâm linh, tức là không chỉ giúp ta sống thánh thiện ngay đời này mà đạt đời sống vĩnh hằng nữa. Vì thế, Công Đồng Vaticanô II khẳng định rằng “Sau khi phán dạy nhiều lần, nhiều cách qua các Tiên Tri, "nay là thời cuối cùng, Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua Chúa Con" (Dth 1,1-2). Thực vậy, Ngài đã sai Con Ngài là Ngôi Lời vĩnh cửu, Ðấng sáng soi mọi người, đến sống giữa loài người và nói cho họ nghe những điều kín nhiệm nơi Thiên Chúa. Bởi vậy, Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể "là người đã được sai đến với loài người" , "nói tiếng nói của Thiên Chúa" (Gio 3,34) và hoàn thành công trình cứu rỗi của Chúa Cha đã giao phó cho Ngài thực hiện. Vì thế, chính Ngài, Ðấng mà ai thấy, tức là thấy Chúa Cha, đã đến bổ túc và hoàn tất mạc khải, bằng tất cả sự hiện diện và tỏ mình qua lời nói cũng như việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cái chết và sự sống lại vinh quang từ kẻ chết, sau cùng bằng việc phái Thần Chân Lý đến, bằng chứng tích của một Thiên Chúa, Ngài xác nhận Thiên Chúa hằng ở với chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, rồi phục sinh chúng ta để được sống đời đời” (Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa, số 4).
      Thứ tư là vấn đề uy quyền của lời dạy. Lời dạy của các bậc tiền nhân có sức biến đổi nhưng chưa trọn vẹn, có uy quyền nhưng chưa mạnh mẽ vì chưng thế giá của các ngài không cao trọng bằng Chúa Giêsu. Chúa Giêsu thật sự hoàn hảo, tốt lành, thánh thiện, vô tội và là Thiên Chúa nữa. Đương nhiên, lời dạy của Ngài đầy uy quyền. Qủa thế, mọi người sống trong thời Ngài cũng công nhận điều đó, “Người xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng. Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền” (Lc 4,31-32). Chẳng hạn, một người bất toại đã lâu năm, nay chỉ mong có thể cử động đi lại. Khi gặp gỡ Chúa và Chúa phán một lời  ông đã trở nên khoẻ mạnh, không chỉ đi lại được như mọi người, mà ông còn vác chõng mà đi, trước sự kinh ngạc của mọi người (x. Mc 2,3-12). Rồi, một người mù từ bẩm sinh, chỉ ước mong con mắt mình sáng để được nhìn thấy mọi người và mọi vật xung quanh. Chúa cũng nói một lời anh không chỉ sáng con mắt thể xác, mà còn sáng cả con mắt tâm hồn. Anh được Ngài soi lòng mở trí để hiều biết những điều cao siêu. Những suy tư về sự thánh thiện và tội lỗi của người mù vừa được chữa lành, xem ra còn khôn ngoan hơn cả những người biệt phái và luật sĩ (x. Ga 9,1-41). Và một phụ nữ tội lỗi cả thành đều biết tiếng, qua cuộc gặp gỡ với Chúa, chị đã sám hối ăn năn và trở nên con người mới nhờ Chúa nói một lời tội chị được tha (x. Lc 7,48). Đặc biệt, chỉ một Lời của Chúa Giêsu, người chết sống lại (Mc 5,41) và cũng chỉ một lời của Chúa Giêsu mà anh trộm lành được lên thiên đàng cả hồn lẫn xác (Lc 23,43).
          Cuối cùng là hiệu quả của việc thi hành lời dạy. Thi hành lời dạy của các tiền nhân nó giúp chúng trưởng thành con người nhưng chưa toàn diện vì thiếu mặt tâm linh. Mà con người có hồn và xác, có vật chất có tinh thần. Cho nên, “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4,4). Vì vậy, những ai nghe và thi hành lời của Chúa Giêsu dạy không chỉ nên trọn lành, đầy nhân đức mà còn được sự sống đời đời nữa. "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa! " là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành" (Mt 7,21-27).  


       Tóm lại, các bậc tiền nhân là những người được Thiên Chúa sai đi trước Chúa Giêsu để dạy dỗ, giúp chúng ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta hầu chúng ta sống đúng với những gì tốt đẹp Thiên Chúa ban cho ta khi ta làm người. Vì chưng, Lời Chúa trong Thư Do thái khẳng định “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời. Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu” (Dt 1,1-4).

1 nhận xét: