Chủ
đề: THÁNH
THỂ CHÚA ĐỒNG HÀNH
VỚI CÁC
GIA ĐÌNH GẶP KHÓ KHĂN

1. KHAI MẠC
v Hát Kinh Chúa Thánh Thần
v Lời nguyện mở:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, giờ đây,
chúng con hồi tưởng lại trong bữa tiệc Vượt Qua năm xưa, vì yêu thương nhân
loại, Chúa đã ban Mình và Máu cho chúng con để đồng hành và ở với chúng con cho
đến tận thế. Vâng, giờ phút này, chúng con tin Chúa đang ở đây với chúng con.
Chúng con chiêm ngắm và thờ lạy, thần phục suy tôn và yêu mến Chúa. Xin Chúa ban
thêm đức tin và kiện toàn đức tin cho chúng con, để chúng con luôn luôn xác tín
rằng: Tấm Bánh vừa được truyền phép đặt trước mặt chúng con nói về quyền năng
vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho
chúng con về sự hạ mình của Chúa để chấp nhận mất tất cả hầu chiếm được chúng
con cho Chúa Cha.
Lạy Thiên Chúa Tình
Yêu, Đấng đầy lòng trắc ẩn, chậm bất bình và rất mực khoan dung. Xin Chúa lấy
tình thương mà ôm tất cả chúng con giờ đây đang thờ lạy Chúa, trong tình yêu vô
biên của Chúa. Tình yêu vĩnh cửu mà Chúa Cha dành cho Chúa Con, cũng như chính
Chúa Con dành cho Chúa Cha, tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con đối với Chúa
Thánh Thần, và tình yêu của Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha và Chúa Con.
Lạy Chúa Giêsu
Thánh Thể, giờ đây, chúng con cùng nhau suy gẫm tình yêu thương đồng hành của
Chúa dành cho chúng con với chủ đề: THÁNH
THỂ CHÚA LUÔN ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC GIA ĐÌNH GẶP KHÓ KHĂN. Xin ân sủng Thánh thể
Chúa giúp mỗi gia đình trong Giáo xứ chúng con được giao hòa với Chúa, và lấy lại
nhịp sống thánh thiêng trên đường đời luôn khó khăn này. Vâng, lạy Chúa, Chúng
con xác tín rằng: Thánh Thể Chúa luôn yêu
thương, phục vụ và sẻ chia cho chúng con. Vì vậy, chúng con nguyện bước
theo Chúa để chữa lành, đồng hành sẻ chia trong các gia đình, nhất là những gia
đình đang gặp khó. Xin Chúa ban cho chúng
con biết suy niệm sâu sa mầu nhiệm Tình Yêu này. Nhờ đó, chúng con bớt
đi những lối sống và cách cư xử thiếu bác ái, thô bạo, đã gây biết bao tổn
thương tình yêu gia đình và đã gây nên nguyên cớ khó khăn, làm đổ vỡ cho các
gia đình nói chung, đặc biệt trong gia đình của các bạn trẻ hôm nay. Amen.
Hát bài: ĐÂY PHÉP NHIỆM MẦU
1. Đây phép nhiệm mầu cực linh khôn sánh. Thiên Chúa cao quang bởi nơi thiên đình. Ngự trong hình bánh để nuôi trần gian. Chúng con ngày đêm mến yêu thành tâm.
ĐK.
Ôi Cha nhân lành đoàn con kính thờ. Cha là thần lương ban cho con cái. Qua nơi
lưu đầy về nơi mong chờ. Say nguồn tình Cha thiết tha suốt đời.
2.
Con cái trên đời cùng ăn một bánh, thân xác Giêsu xuống muôn ơn lành. Đoàn con
âu yếm kết hợp cùng nhau. Sống trong tình Cha đến muôn đời sau.
2. LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM
a) Thánh Thể Chúa luôn yêu thương (cầu cho các
gia đình di dân)
v
Công bố lời Chúa – (Người dẫn mời mọi người đứng)
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô
Tông đồ gửi tín hữu Côrintô,
Anh em thân mến, phần
tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa
Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con
hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc
này mà nhớ đến Ta. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, và
phán: “Chén này là Tân ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm
việc này mà nhớ đến Ta”. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em
loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến (1Cr 11, 23-26). Ðó
là lời Chúa.
v
Suy Niệm (Người dẫn mời mọi người ngồi)
Yêu thương đích thực đòi hỏi tận tụy, hy sinh như
bà mẹ với các con thơ. Bí tích Thánh thể là tình yêu vượt xa hơn thế nữa. Nó
vượt xa khả năng và quyền thế nhân loại. Chẳng người trần nào có thể ban thân
mình cho người khác cách tuyệt hảo như Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh thể. Ngài
đến với nhân loại bằng mình máu Ngài, linh hồn và thân xác gồm luôn bản tính
Thiên Chúa. Ngài trao ban cho chúng ta trái tim yêu thương của Ngài, không tính
toán, so đo. Chúng ta được hưởng trọn vẹn Ngôi Lời nhập thể, nguồn mạch khôn
ngoan, thánh thiện, thượng trí, hạnh phúc, thiên đàng, quyền năng, sự sống vĩnh
cửu.
Qủa thế, trọn cuộc sống dương gian của Chúa Giêsu, từ lúc chào đời cho đến chết và
phục sinh, được gồm tóm trong hai chữ “YÊU THƯƠNG”. Thứ nhất, vì yêu thương, “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không
phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn
trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người
trần thế” (Pl 2,6-7). Thứ hai, vì thương yêu, Chúa Giêsu đã mạc khải Chúa
Cha (Ga 8,19) và căn tính của mình cho mọi người biết Ngài là Con Thiên Chúa (Ga
10,36), là Đấng Mêsia (Ga 1,36-41) được Chúa Cha sai đến (Ga 3,17a). Ngài còn mạc
khải Nước Thiên Chúa để phàm ai tin vào Ngài sẽ được Nước ấy làm gia nghiệp (Ga
3,5) và được sống muôn đời (Ga 3,15). Thứ ba, vì yêu thương, Ngôi Hai Thiên
Chúa đến thế gian như người tôi tớ phục vụ và cứu độ hết mọi người (Ga
5,20-27). Cuối cùng, vì yêu thương, Chúa Giêsu đã hiến thân mình trên cây thập
giá để cho mọi người được hưởng tình yêu dạt dào của Thiên Chúa (Ga 14,1-3). Vì
vậy, Chúa Giêsu dạy: “Không có tình
thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của
mình” (Ga 15,13).
Nhận ra sự yêu thương của Chúa Giêsu dành cho chúng ta, Ngài cũng mời gọi
chúng ta hãy yêu thương nhau như Chúa: yêu là hy sinh tính mạng cho người mình
yêu (Ga 15,13). Một tình yêu đích thực luôn đòi hỏi chúng ta ra khỏi chính mình
để đến với tha nhân bằng yêu thương, chia sẻ, đồng hành và trao ban chính mình.
Chúa Giêsu không giữ hạnh phúc cho riêng mình, Ngài đã trao ban cho con người hạnh
phúc của chính Thiên Chúa. Qua Ðức Kitô, từ nay Thiên Chúa cư ngụ giữa chúng
ta. Ngài nói với chúng ta bằng tiếng nói của con người là Lời Chúa. Ngài đến với
chúng ta bằng bước chân con người và chia sẻ với chúng ta nơi bàn ăn thắm đượm
tình người là bàn tiệc Thánh Thể. Từ nay Thiên Chúa ở giữa con người để chia sẻ
buồn vui trong kiếp người. Từ nay Thiên Chúa cùng đồng hành với con người để
dìu con người bước qua những thăng trầm của giòng đời.
v
Cầu nguyện (đọc chung –
quỳ)
Lạy Chúa Giêsu, Chúa
đã yêu thương nhân loại chúng con biết là chừng nào. Chúa đã yêu chúng con bằng
một tình yêu trao ban, hy sinh và tận hiến. Khi lập Phép Thánh Thể, Chúa hiến
chính thân mình làm lượng thực nuôi dưỡng chúng con, ở với chúng con mọi ngày
cho đến tận thế. Không những thế, Chúa còn cho chúng con tham dự vào sự sống
của chính Chúa khi rước Mình và Máu Thánh Chúa để được sống đời đời. Chúng con
cảm tạ Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, ngày nay vì hoàn cảnh kinh
tế, rất nhiều gia đình phải rời bỏ làng quê để tìm kế sinh nhai trong những
thành phố lớn. Chỉ một số ít thành công, còn đa số gặp nhiều khó khăn trong việc
làm ăn, sinh hoạt gia đình, giáo dục con cái. Về mặt đức tin, họ cũng gặp khó
khăn trong việc hội nhập cộng đoàn giáo xứ mới. Vì thế, xin Chúa ban ơn cho
chúng con biết mở rộng vòng tay đón tiếp yêu thương họ, để các gia đình di dân
cảm nhận cộng đoàn giáo xứ chúng con là nhà của họ, nơi đây đức tin được nuôi
dưỡng, lòng mến được vun trồng, và hy vọng được triển nở giữa những khó khăn thử
thách.
Amen.
Hát bài: NIỀM TÂM SỰ
ĐK. Thầy
yêu chúng con lời ai nói cho cùng. Thầy yêu chúng con Thầy sinh xuống gian
trần. Thầy yêu chúng con Thầy ban trót thân mình. Để nuôi chúng con ngày lưu ký
trần gian.
1. Thầy
là cây nho chúng con là ngành. Ngành nào kết hợp cùng cây sẽ trổ sinh hoa trái.
Ngành nào lìa cây, sẽ khô héo liền. Chúng con hãy hợp trong tình yêu Thầy.
2. Này
hỡi đoàn con yêu dấu của Thầy. Thầy cho chúng con bình an vững bền. Sầu buồn
chi nữa đoàn con dấu yêu. Hãy tin Cha Thầy cũng là Cha của chúng con.
3. Yêu
nhau chính là giới răn riêng Thầy. Yêu nhau như Thầy yêu dấu chúng con. Để cho
thế gian hiểu biết rằng: chúng con chính là môn sinh của Thầy.
b) Thánh Thể Chúa
luôn sẻ chia (cầu cho các gia đình hôn nhân khác đạo)
v
Công bố lời Chúa – (Người dẫn mời mọi người đứng)
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan,
Trước ngày Lễ Vượt
Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha,
Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu
thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con
Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay
mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người
chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân
cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông
này thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?” Chúa Giêsu đáp:
“Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. Phêrô thưa lại:
“Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”. Chúa Giêsu bảo: “Nếu Thầy không rửa
chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”. Phêrô liền thưa: “Vậy xin
Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa”. Chúa Giêsu nói: “Kẻ
mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng
không phải hết thảy đâu”. Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: “Không
phải tất cả các con đều sạch đâu”. Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc
áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa
làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng
thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con,
thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để
các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13, 1-15). Ðó là
lời Chúa.
v
Suy niệm (Người dẫn mời mọi
người Ngồi)
Chúa Giêsu coi việc phục vụ là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống với
Thiên Chúa và tha nhân. Qủa thế, Chúa Giêsu được Thiên Chúa sai đến để thi hành
ý muốn của Thiên Chúa: mạc khải Thiên Chúa cho nhân loại để ai tin vào Người sẽ
được sống đời đời (Ga 3,31-36) và đền bù sự chối từ phục vụ Thiên Chúa của ông
bà nguyên tổ chúng ta (St 3,6) qua cái chết đau thương trên thập giá (Mt
16,21). Chúa Giêsu là Chúa, là Thầy nhưng “Người
không đến để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và ban sự sống mình làm
giá cứu chuộc cho muôn người” (Mc 10,45). Cho nên, cả đời Ngài là một chuỗi
hành vi phục vụ con người. Ngài phục vụ như một người nô lệ, một tôi tớ: cúi
mình xuống thật sâu để mặt mình ngang hàng với chân của học trò và thậm chí kẻ
phản bội mình để rửa chân cho họ.
Rửa chân là bổn phận
phục vụ và là công việc của tôi tớ (hoặc nô lệ). Ngày xưa, tôi tớ phải rửa chân
cho chủ. Việt Nam không tục “lệ” rửa chân này, nhưng thay vì rửa chân thì tôi tớ
lại phải khom lưng hoặc nằm xuống cho chủ bước qua. Chúa Giêsu là Thầy và là
Chúa nhưng Ngài đã hạ mình để làm việc của tôi tớ mà rửa chân cho người khác,
dù Ngài đã xác định: “Tôi tớ
không trọng hơn chủ” (Ga 13,16a; Ga 15,20) và “kẻ được sai đi không lớn hơn người
sai đi” (Ga 13:16b). Vì vậy, hành vi Chúa Giêsu rửa chân mời gọi
chúng ta phải bắt chước và làm như Ngài mới xứng đáng là người môn đệ Chúa
Giêsu.
Cầu nguyện (đọc chung – quỳ)
Lạy Chúa Giêsu, chiều
nay chúng con vừa cử hành Bí tích Thánh Thể do Chúa thiết lập vào sau bữa tối
cuối cùng với các Tông Đồ trong nhà Tiệc Ly, trước đêm hấp hối trong vườn Cây
Dầu, để muôn đời tưởng nhớ tới sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa giữa chúng con. Giờ
đây, chúng con đến bên Chúa trong Giờ chầu đặc biệt của tối Thứ Năm Tuần Thánh
lịch sử này, hầu cảm nghiệm sự phục vụ của Chúa như Thánh Gioan đã thuật lại
trong Bữa Tiệc Ly. Chúng con cũng muốn được ở bên Chúa như ba người môn đệ thân
tín đã được Chúa kêu mời đi vào vườn Cây Dầu, cùng Chúa canh thức để đón nhận
thánh ý Chúa Cha (Mt 26,36) mà vâng phục cho nỗi bằng lòng chịu chết.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin thật rằng
mọi người đều được tạo dựng nên giống hình ảnh Chúa. Chúa đã mời gọi chúng con
bước vào cuộc sống hôn nhân và gia đình, xin giúp chúng con khao khát xây dựng
gia đình chúng con theo thánh ý Chúa. Xin nâng đỡ và củng cố tình yêu đầy những
giới hạn của chúng con. Chúng con cầu nguyện cách riêng cho những anh chị em
lập gia đình với người không cùng một đức tin với mình. Xin gửi Thánh Thần Tình
yêu đến liên kết họ, giúp họ vượt qua những khác biệt để họ có thể trở thành
không những là người bạn đời, mà còn là người bạn đạo của nhau. Amen
Hát bài: ĐOÀN CON ĐẾN ĐÂY
1.
Ðoàn con đến đây dâng lời ước nguyện, ngày đêm mến Cha cho trọn khối tình con.
Ðược yêu mến Cha bao là êm đềm. Hồn con sướng vui, tháng năm hết ưu
phiền.
2.
Nguyện xin Thánh Tâm thương người thế trần, giờ đây xuống ơn ban lại phúc bình
yên, và soi lối cho bao đoàn chiên lầm. Ðồng tâm thiết tha mến yêu Chúa nhân
hiền
ÐK:
Kính dâng Cha tình yêu chúng con, vững tin Cha niềm tin sắt son. Ðem hết tâm
hồn dẫn dắt chiên lạc đường về cùng Cha hưởng bao mối tình thương. Kính dâng
Cha tình yêu chúng con, vững tin Cha niềm tin sắt son. Cho đến khi nào ly thoát
khỏi cõi đời, về cùng Cha hưởng vinh phúc trên đời
c) Thánh Thể Chúa luôn hy sinh (cầu cho các
gia đình bị đỗ vỡ)
v Công bố lời Chúa – (Người dẫn mời mọi người đứng)
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan,
Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì
sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ
nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. Thật, tôi bảo thật các
ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông
đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống,
để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh
này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để
cho thế gian được sống (Ga 6,45-51). Đó là Lời Chúa.
v
Suy Niệm (Người dẫn mời mọi người ngồi)
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao Chúa Giê-su không hóa thân thành một khối
vàng hay kim cương quý giá mà lại là tấm bánh? Chúa trở thành tấm bánh là thứ
lương thực cần thiết như khí trời, nước uống... để con người được sống, để gần
gũi với loài người, để đồng hành với con người trong mọi sinh hoạt đời thường.
Ngược lại, con người cũng dễ dàng đến với Ngài, tiếp nhận Ngài để được sống và
sống dồi dào. Chúa Giêsu tự nhận mình là Bánh bởi trời, và hoá thân mình trong
tấm bánh đó, Ngài muốn nói rằng Ngài yêu con người tha thiết, sẵn sàng chia sẻ
thân mình, sẵn sàng chịu nghiền nát, chịu chết để trở thành bánh nuôi sống
chúng ta muôn đời.
Vâng, Ðức Giêsu không chỉ ban
cho ta Tấm Bánh (Ga 6,51) mà Ngài còn tự nhận mình là Tấm Bánh (Ga 6,48). Tấm
Bánh có sự sống và Tấm Bánh ban sự sống. Ngài là Bánh có sự sống mà không giữ lại
cho mình, không sống cho chính mình, nhưng sẻ chia cho người khác. Chấp nhận
mình là bánh, có nghĩa là chấp nhận mất đi chính mình, mà chỉ khi mất đi chính
mình như thế, bánh mới thật sự là bánh, mình mới thật sự là mình. Vì vậy,
Ðức Giêsu là Tấm Bánh đặc biệt. Khi ta ăn Tấm Bánh, Ngài biến thành ta, và Ngài
biến ta thành Ngài. Một sự ở lại hai chiều, một sự hiệp thông sâu thẳm.
"Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong
người ấy " (Ga 6, 56). Rước lễ là đón lấy sự sống, là chấp
nhận sống nhờ. Ðức Giêsu sống nhờ Chúa Cha và ta sống nhờ Ðức Giêsu (Ga
6,57) như cành nho sống nhờ thân cây nho, ta cũng sống nhờ Đức Giêsu.
v
Cầu Nguyện (Đọc chung – quỳ)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
là vua tình thương của gia đình, Chúa đã sáng tạo nên gia đình khi dựng nên
nguyên tổ loài người chúng con. Vì gia đình là nền tảng của Giáo hội và xã hội,
cho nên Chúa đã chúc phúc và thánh hoá gia đình, khi đi dự tiệc cưới tại Cana
Chúa đã sống trong một gia đình gương mẫu. Ðức Maria và Thánh cả Giuse đã hứa
ban tràn ngập ơn lành cho những gia đình biết tôn kính thờ lạy trái tim Chúa và
Chúa đã tuyên bố: "Sự gì Thiên Chúa
đã liên kết, không ai có quyền phân ly". Như thế là Chúa đã yêu thương
các gia đình cách đặc biệt, và Chúa khát khao cho mọi gia đình chúng con được
hạnh phúc thật trên cõi đời và trong Nước Trời, và còn muốn cho gia đình chúng
con được an vui hạnh phúc bền vững, nên Chúa đã dạy chúng con phải xây dựng và
thánh hoá gia đình trên nền tảng vững chắc là tinh thần Phúc âm.
Lạy
Chúa Giêsu Thánh Thể, một thực tế nhức nhối nữa và nó là nỗi đau của chồng, vợ, con cái và của cả xã hội đó là gia đình tan
vỡ. Xin
Chúa đồng hành chúng con trong những thách đố của cuộc sống hôn nhân gia đình để
nhờ ơn Chúa chúng con biết cách khắc phục những khó khăn và tìm ra được những
phương thế thích hợp để bảo và thăng tiến mọi thành viên trong gia đình được
hòa thuận thương yêu nhau nhờ biết phải đặt Chúa làm chủ, làm trung tâm của đời sống
cũng như gia đình chúng con và nhất là siêng năng gặp gỡ chạy đến với Ngài nơi Thánh
Lễ, nơi các bí tích đặc biệt là Bí tích Giải Tội. Chính nơi đây, Chúa sẽ
hướng dẫn cho chúng con, gia đình chúng ta biết phải làm gì và cũng chính nơi
đây sức mạnh tình thương và sự tha thứ sẽ đổ xuống cho gia đình, đó là cứu cánh
để gia đình sum họp hạnh phúc và bình an. Xin cho chúng con biết
đem bình an, sự an ủi của Chúa đến với các gia đình đang bị đỗ vỡ để họ được
Chúa yêu thương, đồng hàng và hàn gắn mọi người hiệp nhất với nhau trong tình
yêu Chúa. Amen.
Hát bài: BÀI
CA HIỆP NHẤT
ÐK: Xin hiệp nhất chúng con
nên một trong tình yêu Chúa, xin hiệp nhất chúng con như Ngài liên kết với Cha.
Xin giải thoát chúng con xa điều bất hòa chia rẽ, xin kết liên muôn người trong
lòng mến Chúa Cha trên trời.
1. Vì Ngài được sai đến để
tìm chiên khắp nơi xa xôi, vì rằng Cha sai đến, đến đưa về đoàn chiên duy nhất.
Thì này nguyện xin Chúa hãy thương ban Thánh Linh của Ngài hiệp nhất chúng con
trong Chúa.
2. Tựa ngàn hạt lúa miến xay
thành nên bánh thơm ngon lành. Tựa ngàn chùm nho chín, ép nên thành rượu nho
tinh khiết. Thì nay nguyện xin Chúa hãy thương ban Thánh Linh của Ngài hiệp nhất
chúng con trong Chúa.
3. KẾT
v
Trông Cậy
v
Hát: LÒNG MẸ TỪ NHÂN
1. Mẹ ơi, con biết lòng Mẹ từ nhân, Mẹ lắng nghe con cầu khấn. Và xưa
nay chưa từng thấy ai kêu cầu, mà Mẹ ngoảnh mặt làm ngơ.
2. Mẹ ơi, con muốn Mẹ là của con, Mẹ chở che trong đời sống. Mẹ yêu
thương đưa dìu bước con trên đời, và ngày cuối cùng đời con.
ĐK. Mẹ Mẹ ơi con dâng lên Mẹ, gia đình con và giáo xứ con. Mẹ cầu Chúa
xuống ơn lành cho mọi người vui sống an bình. Mẹ Mẹ ơi con dâng lên Mẹ, gia
đình con và giáo xứ con. Mẹ cầu Chúa xuống ơn lành cho mọi người sống trong an
bình.
Mùa Chay 2019
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét