HỒN AN – XÁC MẠNH
Lời Chúa: Gr 23, 1-6; Ep 2,
13-18; Mc 6, 30-34
Truyện cổ tích Việt Nam "Hồn Trương Ba da hàng
thịt" kể rằng: Anh Trương Ba là 1 người đánh cờ tướng rất giỏi và nổi
tiếng, lao động cần cù, có vợ không có con nhưng vẫn hạnh phúc. Còn gia đình
anh Hàng thịt thì giàu có, có con nhưng không hạnh phúc và thậm chí thường
xuyên đánh vợ con vì chuyện làm ăn, tranh dành hơn thua tiền của với vợ con và người
đời. Có người tên là Như Kỵ ở bên nước Tàu nghe tiếng Trương Ba đánh cờ xuất
chúng, bèn sang nước Nam, để tranh kỳ hùng địch thủ với Trương Ba. Trương Ba
dồn Như Kỵ vào thế bí, Như kỵ vò đầu bức tóc suy nghĩ. Trong lúc đó Anh Trương Ba
nói: "Nước cờ này dù có Đế Thích
xuống đây cũng không gỡ nỗi” (Đế thích là thần cờ trên thiên đình). Đế
Thích nghe thấy liền giáng trần để chơi cùng với Trương Ba và tặng 1 nén nhang
để khi nào muốn chơi cờ với ông thì cứ đốt nhang thì ông xuống (Bán đảo sơn trà
có bàn cờ ông tiên cổ). Thình lình, Trương Ba chết thì vợ của Trương Ba rất
buồn và thắp nhang cho ông. Khi thấy khói hương bay lên, Đế Thích giáng trần
thì thấy Trương Ba đã chết 1 tháng. Vì thương bạn mình mất sớm nên ông hứa với
vợ Trương Ba sẽ làm cho ông sống lại. Ngay hôm đó có ông Hàng Thịt chết. Đế Thích
cho hồn Trương Ba nhập vào xác ông Hàng Thịt sống lại. Khổ thay, khi sống lại
thì vợ Trương Ba cho là chồng bà, và Vợ ông Hàng thịt cũng cho đó là chồng bà.
Hai bà cải vả nhau đánh đập um củ tỏi, rồi kiện ra Quan. Quan hỏi cách làm heo
bán thịt thế nào? Anh ta nói không biết, hỏi đến cách đánh cờ tướng, anh ta trả
lời rất thạo. Quan cho anh về ở với vợ mình là Trương Ba. Còn người vợ anh bán
thịt đành phải chịu mất chồng cả hồn lẫn xác.
Hồn luôn đi với xác, hồn nào xác nấy, hồn an thì xác mới
mạnh. Cho nên, nhịp sống của con người là nhịp động và tĩnh: động là lao động và
hoạt động, còn tĩnh là nghỉ ngơi, cầu nguyện. Hai nhịp này chi phối đời sống
vật chất cũng những tinh thần của người Kitô hữu chúng ta. Vì vậy, bài Tin Mừng
Chúa nhật tuần trước, ta thấy Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng và
hoạt động bác ái để cứu độ con người. Hôm nay, khi các ông về tường trình lại
những việc đã làm. Người bảo các ông tìm chỗ vắng vẻ mà nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi để
xác mạnh khỏe cường tráng và hồn an nhàn thư thái và lắng động nhờ nghỉ ngơi
với Chúa, bên Chúa và trong Chúa qua cầu nguyện.
Con người gồm có hai phần: phần hồn và phần xác. Đã là
người đòi hỏi chúng ta phải phát triển thân xác này qua việc thể dục, trí dục,
lao động tìm kiếm miếng cơm manh áo để nuôi thân đó là nhiệm vụ bắt buộc vì vậy
người ta nói: “Lao động là vinh quang lang thang là chết đói”. Tuy nhiên, con
người sẽ là thất bại lớn nếu con người chỉ dừng lại đời sống thể xác mãi mê lao
động mà không có giờ nghỉ ngơi phần hồn, có nghĩa là nghỉ ngơi chân chính, nghỉ
ngơi lành mạnh: vui chơi giải trí lành mạnh, tham dự Thánh lễ, đọc kinh cầu
nguyện, thăm viếng bà con, hoạt động tông đồ bác ái… chứ không phải là nghỉ để lao
mình vào thứ ngũ đổ tường: cờ bạc, rượu chè, gái gú, nghiện ngập hút chích và
nghiện game, nghiện thế giới ảo) để rồi thân thì tàn hồn thì ma dại, nên ông bà
ta nói: “Nhàn cư vi bất thiện". Cụ
thể, Anh Hàng thịt kia chỉ biết tối ngày lao động, kiếm tiền giàu nhưng gia
đình thì bất hạnh phúc, con người anh không có tâm: đánh vợ đánh con, mất tha
nhân, cuối cùng mất hồn lẫn xác. Cuộc sống hưởng thụ hôm nay đang lôi cuốn chúng
ta lao vào việc làm giàu đến nỗi quên ngày, quên đêm, làm ngày không đủ tranh
thủ làm đêm; làm ngày thường chưa đủ tranh thủ làm luôn ngày nghỉ (Chúa nhật);
làm luôn giờ đọc kinh, thậm chí cắt bớt giờ lễ, thậm chí bỏ luôn Thánh lễ ngày
Chúa nhật dù biết ngày đó là lễ trọng buộc. Thử hỏi lao động như thế được gì,
mất gì? Chắc chắn được tiền, được của nhưng mất Chúa, mất bà con, bạn bè, và tha
nhân và mất linh hồn. Cho nên, Chúa Giêsu từng nói: “Người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi
gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,26)
Thân xác cần lao động để có lương thực để sống, thì tâm hồn,
tinh thần cần phải nghỉ ngơi bồi dưỡng bởi cầu nguyện, Thánh Thể và Lời Chúa hay
thăm viếng trò chuyện vui cười với nhau vừa lấy lại sức lực cho thân xác, vừa
làm cho tâm hồn an bình mà vui sống thân tình với Chúa và vui với nhau nhờ có
Chúa và Lời Ngài là nguồn an ủi, sức mạnh và bình an cho chúng ta. Cho nên,
Thánh vịnh đáp ca chúng ta vừa ca lên rằng:
“Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì
nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv
23,4). Bên cạnh nghỉ ngơi
trong Chúa, còn nhờ thăm viếng trò chuyện thân tình với anh chị em xung quanh
ta, họ chia vui sẻ buồn khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan khi ốm đau cũng
như lúc mạnh khỏe, thì cuộc đời chúng ta nở hoa chứ không bao giờ bế tắc và vơi
được nỗi sầu vì đời đã là vạn ngày sầu mà. Vì vậy, Sách Giáo lý Hội Thánh Công
giáo dạy: “Cũng như Thiên Chúa “khi làm
xong mọi công việc của Ngài, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi” (St 2,2), đời
sống con người cũng được ghi dấu bằng nhịp luân chuyển giữa lao động và nghỉ
ngơi. Ngày Chúa nhật và các ngày lễ
buộc, các tín hữu phải tránh đừng dấn thân vào các việc lao động hay các hoạt
động nào ngăn cản việc phụng tự phải dành cho Thiên Chúa, ngăn cản niềm vui riêng
trong ngày của Chúa, ngăn cản việc thực thi các công việc từ thiện và ngăn cản
sự thư giãn thích hợp về tinh thần cũng như về thể xác” (số 2184-2185).
Trời có lúc mưa lúc
nắng. Mưa để tưới cho cây lúa mọc nhanh. Nắng để cho hạt lúa trổ bông chín
vàng. Thời gian có ngày có đêm. Ngày để con người làm việc. Đêm để con người
nghỉ ngơi phục hồi sức lực. Con người có đời sống riêng tư những cũng có đời
sống xã hội. Có lúc phải ra ngoài góp mặt với đời. Có lúc phải rút lui vào chốn
riêng tư để nghỉ ngơi và sống cho mình. Hai nhịp lao động và nghỉ ngơi này vừa chi
phối đời sống bên ngoài là lao động vừa chi phối những hoạt động thiêng liêng
của người môn đệ Chúa Kitô chúng ta hôm nay là cầu nguyện, tham dự Thánh lễ và
hoạt động bác ái. Nhưng có lẽ ta thường
chú trọng tới hoạt động mà quên cầu nguyện. Hôm nay, Chúa dạy ta phải biết giữ
quân bình giữa hai nhịp của đời sống. Có hoạt động thì cũng phải có cầu nguyện.
Hoạt động phải là kết quả của những giờ suy nghĩ và cầu nguyện. Cầu nguyện để
tổng kết lượng giá những hoạt động cũ và định hướng những hoạt động mới. Hoạt
động là thân xác, cầu nguyện là tâm hồn. Giữ được quân bình giữa hai nhịp sống,
con người mới phát triển toàn diện: HỒN AN XÁC MẠNH. Và khi hồn an xác mạnh nhờ
ơn Chúa, chúng ta mới có thể duy trì sự ổn định của hai nhịp sống ấy kiên định
trong mọi hoạt động, mọi biến cố, hoàn cảnh của cuộc sống chúng ta được bình an
và thư thái, đúng như Lời Chúa trong bài đọc 2, Thánh Phaolô quả quyết: “Trước kia anh em
là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức Ki-tô đổ
ra, anh em đã trở nên những người ở gần. Chính Người là bình an của chúng ta”. Với niềm tin ấy, mời
quý ông bà anh chị em tuyên xứng đức tin
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét