Trang

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2018

LỄ THĂNG THIÊN


NƯỚC TRỜI Ở QUANH TA
Lời Chúa: Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mc 16,15-20

Chúng ta đang sống trong không gian vũ trụ bao la, nên khi nói lên trời chúng ta nghĩ rằng trời ở đây là không gian vũ trụ, một nơi bên ngoài trái đất này. Vì thế, khi nói “Chúa Giêsu lên trời” chúng ta cũng dễ hình dung Chúa Giêsu như một “phi hành gia” tự động cất bổng mình lên trời ra ngoài quỹ đạo của trái đất? Vậy thì Chúa Giêsu hôm nay lên trời về đâu, phương trời nào? Trong khi đó phi hành gia Mỹ New Amstrong đã đặt chân lên mặt trăng đầu tiên 1930, rồi đến các phi hành gia Liên Xô  khi bay ra ngoài vũ trụ đã nói rằng chúng tôi không thấy Thiên Chúa đâu hết.

      Chúa Giêsu “được rước lên trời”: đó là một lối nói của Thánh Kinh nhằm diễn tả việc Chúa Phục Sinh từ giã trần gian để về cùng Thiên Chúa Cha. Ngài từ Cha mà đến và nay trở về với Cha như Chúa Giêsu đã từng nói: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng đã-từ-trời xuống” (Ga 3,13). Câu chuyện Chúa lên trời được bài đọc 1 kể mà chúng ta vừa mới nghe là một kiểu nói bình dân để diễn tả một mầu nhiệm Chúa Kitô Phục Sinh, tức là nhân tính của Chúa Giêsu được tôn vinh hay nói cách khác, được vào trong vinh quang Chúa Cha, được ngồi bên hữu Chúa Cha. Vì vậy, trong bài đọc 2, Thánh Phaolô quả quyết: “Chúa Cha đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai”.
      Cho nên, lễ Chúa Thăng Thiên không phải là một cuộc chia ly, tiễn đưa Chúa Giêsu vào một phương trời xa lạ và cắt đứt tương quan giữa ta với Ngài. Chúa về trời là có nghĩa rằng ta không còn thấy, đụng chạm, nghe Ngài bằng giác quan tự nhiên. Nhưng chúng ta vẫn có thể gặp gỡ Ngài bằng giác quan siêu nhiên của lòng tin thế nên, Chúa Giêsu nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20) là vậy đó!
Hôm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Thăng Thiên Trước hết, là ngày chiến thắng khải hoàn của Đức Kitô, Ngài được tôn vinh, Ngài được hưởng vinh quang và danh dự của Thiên Chúa, ngự bên hữu Thiên Chúa. Vì vậy, Đức Kitô như một vị chiến thắng và khải hoàn đang tiến lên, theo sau Ngài là tất cả chúng ta, những người đã được Ngài cứu chuộc, đã được thông phần vào niềm hạnh phúc Nước Trời. Chúa Giêsu trở về nhà Cha và giới thiệu những người em mới mà Ngài đã chuộc lấy bằng máu châu báu của Ngài. Tiếp đến, ngày lễ Chúa Lên Trời còn là một ngày vui mừng cho chúng ta, nhờ đó mà bản tính nhân loại chúng ta được nâng lên cao.  Thực vậy, qua biến cố này, bản tính nhân loại của chúng ta được tham dự vào những vinh quang của Thiên Chúa, vì Đức Kitô đã về trời cả thân xác, với cả bản tính nhân loại. Một người như chúng ta giờ đây đang được ngồi bên hữu Thiên Chúa. Ngài là đầu và chúng ta là chi thể, và rồi Ngài về trời để chúng ta được tham dự vào bản tính Thiên Chúa.
Tuy nhiên, để được như vậy, chúng ta phải nâng tâm hồn lên, như lời kinh Tiền Tụng kêu gọi, bởi vì tội lỗi sẽ ngăn trở không cho chúng ta về trời với Chúa. Tội lỗi như một sợi dây xích cột chặt chúng ta lại với trần gian. Hãy phá tan xiềng xích tội lỗi. Hãy khử trừ tội lỗi trung thành bước theo để rồi chúng ta cũng sẽ được về trời với Ngài.
Vì vậy, Nước Trời là đích điểm của đời Kitô hữu. Nhưng Nước Trời đã bắt đầu từ khi chúng ta bước vào vũ trụ của Chúa Giêsu Kitô, qua đức tin và lãnh nhận các bí tích. Qủa  thế, cuộc sống này không có gì là đời đời, không có gì là vĩnh viễn mà chỉ sự sống lại, sự sống hạnh phúc bên Chúa trên Trời mới là đời đời, muôn năm hay vĩnh viễn mà thôi.
Tuy nhiên, Nước Trời không phải xây dựng trên mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian này. Nước Trời không phải là cõi mơ mộng viển vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại. Vì thế, Sứ thần của Chúa hôm nay đã quở trách các môn đệ: “Hỡi người Galilê! Sao cứ đứng đó mà nhìn lên trời?”. Các môn đệ đã hiểu ý nghĩa đó nên các ông đã trở về với nhiệm vụ của mình, hoàn thành công việc dang dở của Chúa ở trần gian, làm chứng về tất cả những gì các ông đã nghe, thấy được: “Các ông đã ra đi khắp nơi, rao giảng Tin Mừng cho mọi người; có Chúa cùng hoạt động với các ông, củng cố lời rao giảng bằng các phép lạ kèm theo” (Mc 16,20).
Rõ ràng, Chúa lên Trời trước mặt các môn đệ và thúc giục các ông lập tức bắt tay vào việc xây dựng Nước Trời ngay ở trần gian khi các ông còn ở trần gian này và sẽ đồng hành với các ông mọi ngày cho đến tận thế. Cũng vậy, đối với chúng ta ngày nay, Chúa lên Trời nhắc chúng ta nhớ rằng quê hương chúng ta ở trên Trời nên chúng ta hãy tìm kiếm những sự trên trời (Pl 3,20; Cl 3,1), hãy ái mộ những sự trên Trời. Nói thế không có nghĩa là chúng ta phải “xuất thế”, phải xa lánh trần gian. Trái lại, cần phải nổ lực dấn thân nhập thế, vào đời, và dương nhiên có Chúa cùng hoạt động với chúng ta để “mở một tuyến đường lên Trời từ mặt đất này” bằng những công việc xây dựng Nước Trời ngày này qua ngày khác; loại trừ những khổ đau, tội lỗi, tạo cho mọi người được sống ấm no, hiệp nhất, yêu thương nhau, cho mọi người được sống xứng đáng phẩm giá con người, có nghĩa là hãy nên thánh thiện mỗi ngày. Đó là con đường lên Trời của chúng ta. Cho nên, trong Tông huấn mới của nhất Đức Thánh Cha Phanxicô về ơn gọi nên thánh của tất cả mọi người trong thế giới ngày nay, Ngài đã kêu gọi rằng: chúng ta phải dựa trên 8 mối phúc thật của Chúa Giêsu dạy để nên thánh thiện hằng ngày, nhưng tôi đặc biệt đề cao mối phúc: 'Phúc cho ai có lòng thương xót' như con đường tuyệt hảo để nên thánh thiện. Phúc thật này chứa đựng qui luật lớn nhất về cách hành xử của các tín hữu Kitô, như được mô tả trong chương 25 của Tin Mừng theo thánh Mathêu về cuộc phán xét chung. Trang Tin Mừng này chứng tỏ rằng ”nên thánh không có nghĩa là mở to đôi mắt trong một tình trạng gọi là xuất thần nhưng là sống với Thiên Chúa qua tình thương đối với những người rốt cùng nhất trong xã hội”. Vì thế, cho đến ngày nay, Giáo Hội cũng đã và đang “vào đời ” để nói về Chúa, sống chứng nhân, sống thánh thiện gương mẫu, làm việc tốt, tha thứ cho người ghét mình, nghĩ tốt về người khác, rao truyền Tình Yêu Chúa, thực thi Lòng Chúa Thương Xót Chúa.
Chúa lên trời, Ngài không bao giời rời bỏ chúng ta nhưng ở với chúng ta mọi ngày, mọi nơi mọi lúc: trong kinh nguyện và hoạt động, trong bí tích và trong anh chị em. Đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, Chúa đến ở trong chúng ta, ban nguồn sinh lực giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nước Trời ở trần gian này là: yêu thương, hy sinh, tha thứ, sống thánh thiện trong đời sống gia đình, giáo xứ hay xã hội và loan báo Tin Vui cứu độ cho mọi người để một khi Nước Trời được hoàn thành Ngài sẽ trở lại trong vinh quang đón tất cả mọi người chúng ta lên trời về với Chúa Cha.  Allêluia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét