Trang

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

TĨNH TÂM HỘI CON ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Chủ đề: SỐNG ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM TRONG ĐỜI VÀ TRONG HỘI ĐOÀN

1. Lời Chúa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca,
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận." Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! " Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được." Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi. Đó là Lời Chúa.


2. Quảng diễn Lời Chúa   
Trong lớp học giáo lý, giảng viên hỏi: Trong loài người chúng ta, trước Đức Mẹ Maria, ai là người được đặc ân vô nhiễm nguyên tội? Có em bảo: Thánh Giuse, có em khác nói: Gioan Tẩy Giả, em khác nữa nói: tiên tri Elia vì chết được rước lên trời ngay. Cuối cùng một em nói: Ông Ađam và ba Evà. Cả lớp cười ồ. Tại sao? Các em giải  thích: Vì trước khi phạm tội, Ađam Evà là người được đặc ân vô nhiễm nguyên tội.
Vâng, câu trả lời thật xác đáng. Thiên Chúa muốn cho mọi người được ơn vô nhiễm nguyên tội. Ơn đó được ban trước tiên cho Adam Evà là cố ý cho mọi người, không trừ ai. Qủa thế, Thánh Phaolô xác quyết rằng: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ để trước thánh nhan Người ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1,4).
Vậy, vô nhiễm nguyên tội nghĩa là gì? Đâu là nội dung của đặc ân đó? Vô nhiễm nguyên tội trước tiên là nghe được tiếng Chúa, nghe được Lời Chúa với tâm hồn chưa bị dục vọng quấy phá, nghe được tiếng Chúa và lập tức thi hành. Thứ đến là hiệp thông với Thiên Chúa. Như vậy, nguyên tổ của chúng ta được đặc ân ấy. Rõ ràng Sách Sáng thế kể: “Chiều chiều Thiên Chúa đi dạo và chuyện vãn với hai ông bà” (St 3,8). Nhưng chẳng mấy chốc nguyên tổ đã không nghe Lời Chúa và không đi vào hiệp thông với Chúa nữa vì phạm tội (ST 3,1-24).
Nếu vườn địa đàng là khung cảnh của ơn vô nhiễm nguyên tội đầu tiên, rồi bị đánh mất thì căn nhà Na-da-rét là vườn địa đàng thứ hai, Đức Maria nhận lại ơn vô nhiễm ấy nhờ nghe Lờiđáp lại Lời, “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Rõ ràng, Mẹ Maria vừa nói lên nội dung của ơn vô nhiễm nguyên tội, vừa đại diện cho thế hệ vô nhiễm nguyên tội mới hoàn toàn thuận theo Lời Chúa nhờ công nghiệp của Đức Kitô. Và nếu trước đây Ađam và Evà sống hiệp thông với Thiên Chúa bằng cách đi bên cạnh Ngài, thì giờ đây, Lời là Thiên Chúa hóa thành nhục thể và đi thẳng vào trong cung lòng Mẹ Maria. Vì vậy, nghe Lờihiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa đối với Mẹ Maria giờ đây chỉ là một.
Trong mỗi thánh lễ, chúng ta lắng nghe Lời Chúa và như Đức Maria chúng ta đón nhận Ngôi Lời nhập thể, thì nay chúng ta đón nhận Mình Máu Thánh Chúa, là chính Chúa Giêsu. Vậy, sống đặc ân vô nhiễm nguyên tội là sống trọn vẹn Thánh lễ và kéo dài thánh lễ suốt ngày, suốt đời, kể cả mai sau trên thiên đàng.Vấn đề là chúng ta có thực sự nghe Lời Chúa như Đức Mẹ không, chúng ta có đi vào hiệp thông với Chúa như Đức Mẹ không?

2.1. Sống đặc ân nguyên tội trong đời ta
Ngay từ những thế kỷ đầu, các tín hữu đã tin tưởng Mẹ Maria được hưởng đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội. Rồi qua bao nhiêu thế kỷ tin tưởng, suy tư, cầu nguyện, ngày 8 tháng 12 năm 1854, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội qua Trọng sắc “Ineffabilis Deus” (Thiên Chúa khôn tả). Và rồi, 4 năm sau, tức năm 1858, như để bảo đảm cho tín điều này, Đức Mẹ đã hiện ra với chị Bernadette tại Lộ Đức (nước Pháp) và tự xưng “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.
          Thưa cộng đoàn, ngay từ đầu, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh của Ngài và cho họ sống trong tình thân với Ngài. Mang thân phận thụ tạo, con người chỉ có thể sống trong tình thân đó khi tự do tùng phục Thiên Chúa. Thế nhưng, nguyên tổ loài người đã chọn chính mình thay vì Thiên Chúa, bất chấp những đòi hỏi của tình trạng thụ tạo và do đó bất chấp cả điều tốt lành cho bản thân. Thánh Kinh cho thấy những hậu quả bi đát của sự bất tuân đầu tiên đó. Ađam và Evà đã tức khắc đánh mất sự thánh thiện nguyên thủy. Họ sợ hãi trước vị Thiên Chúa mà họ quan niệm một cách sai lệch : một Thiên Chúa ganh tị, sợ mất các đặc quyền của mình (x. St 3,5). Từ tội đầu tiên này mà cả trần thế bị ngập chìm trong tội lỗi: huynh đệ tương tàn; sự hài hòa với vạn vật bị phá vỡ; thế giới hữu hình trở nên xa lạ và thù nghịch với con người; cuối cùng, sự chết đã xâm nhập vào lịch sử nhân loại.
Thế nhưng, lạ lùng thay! Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người. Trái lại, Ngài đã kêu mời họ và tiên báo cách huyền nhiệm sự chết sẽ bị đánh bại và con người sa ngã sẽ được nâng dậy. Cụ thể Sách Sáng Thế viết: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy ; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ rình cắn vào gót nó” (St 3,15). Rất nhiều giáo phụ và tiến sĩ Hội Thánh đã nhận ra Đức Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế, là người nữ được tiên báo trong đoạn Thánh Kinh trên và xem Mẹ như “E-va mới”. Hơn bất cứ thụ tạo nào khác, Chúa Cha đã thi ân giáng phúc, cho Mẹ “hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần, từ cõi trời, trong Đức Kitô” (Ep 1,3). Mẹ là người đầu tiên đã thừa hưởng cách độc nhất vô nhị chiến thắng của Đức Kitô trên tội lỗi, được cứu chuộc cách diệu kỳ nhờ công nghiệp của Con Mẹ, và nhờ ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa, Mẹ đã không hề nhiễm vết nhơ nguyên tội ngay từ lúc tượng thai nhờ Mẹ luôn lắng nghe và hiệp thông trọng vẹn với Thiên Chúa.
Trong mỗi thánh lễ, khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa và đón nhận Mình Máu Thánh Chúa, là chính Chúa Giêsu cũng chính là lúc chúng ta đó nhận ơn vô nhiễm nhờ Chúa Giêsu Kitô. Cho nên khi về với cuộc sống hằng ngày, lời “xin vâng” của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội vẫn cần được lặp lại trong đời sống Kitô hữu mỗi ngày, tức là sống đặc ân vô nhiễm hằng ngày qua việc sống Đạo của chúng ta. Vậy, noi gương Đức Mẹ, chúng ta thưa “Xin vâng” để thi hành Lời Chúa và sống trọn vẹn thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh hầu được Chúa giải thoát chúng ta  khỏi mọi tính hư tật xấu, lỗi lầm thiếu xót hay tội lỗi của chúng ta gây ra đối với Chúa và tha nhân. Noi gương Đức Mẹ, chúng ta thưa “Xin vâng” với Chúa thật sự yêu Chúa và yêu người qua việc phụng sự Chúa và tin Chúa hết lòng hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn ta đồng thời yêu mọi người như chính thân mình.
Vậy, nhân dịp tĩnh tâm này, chúng ta thử xét mình xem từ khi tôi lãnh Bí tích Rửa Tội, tôi sống đặc ân vô nhiễm này như thế nào:
-         Tôi có thờ phượng Chúa trên hết mọi sự chưa? Nếu rồi thì ở mức độ nào? Giữ đạo vì yêu Chúa hay vì sợ xuống hỏa ngục?
-         Tôi có đặt trọn niềm tin vào Chúa một cách triệt để trong mọi hoàn cảnh không? Nếu gặp khó khăn thất thại tôi có tín thác vào Chúa và sống xin vâng chấp nhận vác thánh giá theo chân Chúa không?
-         Đối với tha nhân, tôi có còn hận thù oán ghét ai không? Khi người ta xúc phạm đến mình, mình có sẵn sàng tha thứ họ không?
-         Tôi có hay yêu thương, thăm viếng và giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh hoạn tật nguyền không? Tôi yêu họ vì thương hại hay vì đó là hình ảnh Chúa Giêsu đau khổ cần được chăm sóc?

2.1. Sống đặc ân nguyên tội trong Hội đoàn chúng ta
          Linh Đạo Hội Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội giáo xứ Takatori Mang tính GIÁO HỘI, GIÁO DÂN, THÁNH MẪU và VINH SƠN đựa theo Linh đạo của Hiệp Hội Con Đức Mẹ Vinh Sơn Quốc Tế, bắt nguồn từ các cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria với Thánh Nữ Catarina Laburê năm 1830, tại nguyện đường Dòng Nữ Tử Bác Ái số 140 Phố Bắc, Paris nước Pháp. Linh đạo ấy là Tôn sùng, yêu mến Đức Mẹ, cùng mọi thành viên trong Hội phục vụ yêu mến người nghèo trong tinh thần cũng như vật chất. 
Đức Mẹ sau khi thưa Lời Vâng, Mẹ đã ra đi sống và thi hành Lời xin vâng ấy nơi cộng đoàn đầu tiên là gia đình bà Êlisabét. Dù đường sá xa xôi, vất vả, qua miền đồi núi, Đức Maria vẫn lên đường viếng thăm vì yêu thương và muốn chia sẻ ơn vô nhiễm ấy cho mọi người. Vì chưng, đối với Mẹ, tình yêu đòi hỏi phải biểu lộ ra, chứ không giữ kín bên trong. Một tình yêu giữ kín, không được biểu lộ thành hành động, không phải là một tình yêu đích thực. Tình yêu phải được biểu lộ ra thành sự quan tâm, chăm sóc, năng tìm cách gặp gỡ, giúp đỡ, hy sinh cho tha nhân, làm cho mọi người trở nên tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Tình yêu đích thực đòi hỏi phải năng gặp nhau, nhất là những lúc những người mình yêu gặp khốn khổ, nghèo nàn hay bệnh tật. Đức Phật nói: “Yêu nhau mà không được ở gần nhau, mà phải xa cách nhau thì sẽ đau khổ”. Ngài gọi cái khổ ấy là “ái biệt ly khổ”. Tục ngữ có câu: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề!” (một ngày không gặp nhau thì dài như ba năm). Do đó, đi thăm viếng nhau là đòi hỏi của tình yêu đích thực, là biểu lộ sự quan tâm đến nhau.
Đức Mẹ là mẫu gương tuyệt vời. Năng thăm viếng những người chúng ta yêu mến. Những người bệnh tật, già cả, những người nghèo hèn, đau khổ, những người khô khan thờ ơ, những gia đình rối rắm bất hoà… Họ rất cần đựơc thăm viếng. Đến thăm nhau là một phương cách tuyệt vời để biểu lộ tình huynh đệ, tình yêu thương của Đạo Chúa. Đến thăm nhau không chỉ là một phương cách biểu lộ tình yêu, nói lên sự quan tâm, mà còn là một dịp thuận lợi để đem Chúa đến cho người mình thăm viếng. Nhờ ta đem Chúa đến, mà niềm vui của người được thăm tăng lên gấp bội, và họ nhận lãnh được Thánh Thần nhờ sự hiện diện của Chúa do ta mang đến. Chính Thánh Thần của Chúa trong ta sẽ thánh hóa, biến đổi họ nên tốt lành, thánh thiện hơn. Đem Chúa đến cho người mình thăm viếng, không có nghĩa là mình nói thật nhiều thật hay về Chúa cho họ nghe. Đức Maria có nói gì về Chúa với Bà Ê-li-sa-bét  đâu! Chúa là tình thương, ta chỉ mang Chúa đến cho tha nhân, khi chính ta thật sự yêu thương họ bằng một tình yêu chân thực. Đến với nhau bằng tình thương, bằng niềm vui là sự gặp gỡ có Chúa hiện diện rồi. Khi người ta mang hận thù oán ghét, ý nghĩ đen tối đến với nhau thì nảy sinh bất hoà chiến tranh và đau khổ. Ta chỉ mang Chúa đến cho tha nhân khi ta đến với ý muốn làm hiện thân của Chúa đối với họ, và coi họ cũng là hiện thân của Chúa đối với mình.
Cho nên, Hội chúng ta có mục đích là chiêm ngắm Chúa Kitô và cái nhìn chăm chú theo gương Đức Maria, sẽ là nguồn nghị lực và sức mạnh giúp các thành viên của Hội đạt những mục đích sau đây:
- Cầu nguyện: sau thánh lễ Chúa Nhật các thành viên cùng nhau cầu nguyện chung trong tâm tình tỏ lòng Tôn Sùng, Yêu Mến Đức Mẹ.........đặc biệt vào Chúa Nhật đầu tháng Hội sẽ cầu nguyện trước Thánh Lễ trong tâm tình chuẩn bị những ngày lễ Đặc Biệt của Giáo Hội dành cho Mẹ Maria – cũng như chị em cùng hiệp ý cầu nguyện cho các chị em mừng Bổn Mạng và Sinh Nhật trong tháng.- Đặc biệt mừng sinh nhật các chị bước vào tuổi 60 và trong dịp lễ bổn mạng của Hội sẽ xin Cha Chúc Lành cho các chị.
- Chia sẻ Lời Chúa để giúp thành viên cảm nghiệm sống Đức Tin.
- Lần chuỗi Mân Côi để  giữ mối dây liên kết với Mẹ Maria qua việc siêng năng Lần Chuỗi Mân Côi và cùng hiệp ý cầu cho mỗi thành viên của Hội qua tràng chuỗi liên kết mà chị em đã lãnh nhận trong tháng Mân Côi.
- Thăm và giúp đỡ người bệnh tật, già yếu, những người đang gặp khó khăn và cuối cùng là các thành viên của Hội luôn cố gắng yêu thương, hiệp nhất, quan tâm lẫn nhau trong tình yêu của Chúa.
          Đó là những cách thế của Hội giúp chúng ta sống đặc ân vô nhiễm cách trọn hảo trong Hội của chúng ta. Vậy, nhân dịp tĩnh tâm này, chúng xét xem.
-       Tôi đã thực hiện những mục đích này được bao nhiêu? Ở mức độ nào?
Ước gì qua giờ tĩnh tâm này, xin Mẹ Vô Nhiễm giúp chúng con biết sống đặc ân vô nhiễm hằng ngày qua việc siêng năng lắng nghe và lãnh nhận Thánh Thể Chúa đồng thời biết thực hành Lời Chúa và mục đích của Hội đoàn chúng ta một cách trọn hảo nhờ đó mà Đạo Chúa được cả sáng và Hội đoàn chúng ta phát triển bền vững.
Hát bài: XIN VÂNG






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét