Trang

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

GIÁO LÝ VỀ KINH TIN KÍNH- Tuần VII

Mục 6
Chúa Giêsu “lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng”

          Kính thưa quý ÔBACE,
          Tin Mừng Máccô kể về sự kiện Chúa Giêsu lên trời:  “Sau khi nói với họ, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19). Thân thể Đức Kitô đã được vinh hiển ngay khi Người sống lại có nghĩa là thân thể Chúa Giêsu đích thực vừa là thân xác trần gian của Ngài vừa là thân xác vinh hiển: thân xác đó không còn bị ràng buộc trong không gian và thời gian nữa, nhưng có thể tự do hiện diện ở đâu và lúc nào Người muốn từ khi sống lại và mãi mãi về sau. Cho nên, sau khi sống lại và trong bốn mươi ngày trước khi về Trời, Chúa Giêsu hiện ra ăn uống thân mật với các môn đệ của Người, và dạy dỗ họ về Nước Trời. Lần hiện ra cuối cùng của Chúa Giêsu được kết thúc bằng việc nhân tính của Người tiến vào vinh quang thần linh một cách vĩnh viễn; vinh quang này được tượng trưng bằng đám mây và trời, và từ nay Người ngự bên hữu Thiên Chúa (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, số 659).

 Biến cố Lên Trời, vừa có tính lịch sử đồng thời vừa có tính siêu việt, đánh dấu sự chuyển đổi từ vinh quang phục sinh này đến vinh quang ngự bên hữu Chúa. Bước cuối cùng này vẫn liên kết chặt chẽ với bước đầu tiên, nghĩa là chỉ có Đấng “từ Chúa Cha mà đến” mới có thể “trở về cùng Chúa Cha”: đó là Đức Kitô. Cho nên, Chúa Giêsu nói: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13). Con người, với sức tự nhiên của mình, không thể vào được “Nước Trời”, không thể đạt tới sự sống và vinh phúc của Thiên Chúa, chỉ có Đức Kitô mới có thể mở lối cho con người tiến vào. Cho nên, Trong Kinh Tiền Tụng Lễ Chúa Thân Thiên, chúng ta đọc:  “Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Đầu và là Thủ lãnh của chúng con đã đến trước”.
Khi tuyên xưng Chúa Giêsu ngự bên hữu Chúa Cha, Hội Thánh muốn nói đến danh dự và vinh quang thần tính của Chúa Giêsu, trong đó Con Thiên Chúa, với tư cách là Thiên Chúa và đồng bản thể với Chúa Cha, đã hiện hữu từ trước muôn đời, nay sau khi trở thành xác phàm, Người ngự bên hữu Đức Chúa Cha bằng chính con người Phục sinh ấy (Sđd, số 665).
Vậy ước gì mỗi khi tuyên xưng Chúa Giêsu “lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng”, chúng ta tin rằng  Chúa Giêsu Kitô, là Đầu của Hội Thánh, đã đi trước chúng ta vào Nước vinh hiển của Chúa Cha, để chúng ta, là chi thể của Thân Thể Người, sống trong niềm hy vọng một ngày kia sẽ được vĩnh viễn ở với Người (Sđd, số 666).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét