Trang

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

GIÁO LÝ VỀ KINH TIN KÍNH- Tuần II

Mục 1
“Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng, dựng nên trời đất”.

Các bạn thân mến,
a. Khi tuyên xưng “Tôi tín kính Đức Chúa Trời”, người Công giáo tin có Một Thiên Chúa duy nhất hay còn gọi là Đức Chúa Trời nhưng có Ba Ngôi. Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ hai là Con và Ngôi thứ ba là Thánh thần.. Ba Ngôi cùng một bản tính, một bản thể, và quyền năng như nhau không có Ngôi nào lớn hơn Ngôi nào và cũng không có Ngôi nào có trước, không có Ngôi nào có sau. Thiên Chúa là Đấng hiện hữu từ muôn thuở cho đến muôn đời và chỉ mình Thiên Chúa là Đấng hiện hữu. Vì vậy, “Đức tin vào Thiên Chúa duy nhất quy hướng chúng ta về một mình Ngài, như về nguồn gốc đầu tiên và về cùng đích tối hậu của chúng ta, và không quý trọng sự gì hơn Ngài, hoặc không để một sự gì thay chỗ cho Ngài(Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo -GLHTCG, số 229).

b. Đức Chúa Trời là Cha
          Giáo lý Hội Thánh dạy: “Các Kitô hữu được rửa tội “nhân danh” Cha và Con và Thánh Thần, chứ không “nhân các danh” của các Ngài, bởi vì chỉ có một Thiên Chúa, Cha toàn năng, Con duy nhất của Ngài và Thánh Thần: Đó là Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh” (sđd, số 233). Như vậy, mỗi khi đọc Đức Chúa Trời là Cha, chúng ta hiểu Cha là đây là Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.
          Thế thì tại sao gọi Thiên Chúa là Cha? Bởi vì, “Trong dân Israel, Thiên Chúa được gọi là Cha, với tư cách là Đấng tạo dựng trần gian. Hơn nữa Thiên Chúa còn là Cha vì Ngài đã lập Giao ước và ban Lề luật cho dân được gọi là “Israel con đầu lòng của Ta” (Xh 4,22). Ngài cũng được gọi là Cha của vua Israel. Và đặc biệt hơn nữa, Ngài là “Cha của người nghèo”, của cô nhi, quả phụ, những kẻ được Ngài thương yêu che chở” (Sđd, số 238). Cho nên, khi tuyên xưng Thiên Chúa là Cha, đức tin dạy chúng ta: “Thiên Chúa là nguồn gốc thứ nhất và là Đấng uy quyền siêu việt trên hết mọi sự, đồng thời là Đấng nhân hậu và yêu thương chăm sóc mọi con cái của Ngài. Tình phụ tử này của Thiên Chúa cũng có thể được diễn tả qua hình ảnh tình mẫu tử. Vì vậy, phải nhớ rằng, Thiên Chúa siêu việt hẳn trên sự phân biệt phái tính của phàm nhân. Ngài không là nam mà cũng không là nữ. Ngài là Thiên Chúa. Ngài cũng siêu việt hẳn trên sự làm cha làm mẹ của người phàm mặc dù Ngài là nguồn gốc và là chuẩn mực của chức năng làm cha làm mẹ: không ai là cha như Thiên Chúa là Cha” (sđd, số 239).

c. Phép tắc vô cùng (Toàn năng)       
          Khi tuyên xưng rằng Thiên Chúa Toàn Năng, chúng ta tin rằng sự toàn năng của Ngài ở chốn trời cao cùng nơi đất thấp, bởi vì Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng mọi sự từ không ra có, Ngài điều khiển và làm được mọi sự; toàn năng của Thiên Chúa tràn đầy tình yêu, bởi vì Ngài là Cha chúng ta (sđd, số 268). Thiên Chúa đã cho thấy sự toàn năng đầy tình Cha của Ngài qua cách Ngài chăm lo cho những nhu cầu của chúng ta; qua việc Ngài nhận chúng ta làm nghĩa tử, và sau hết, Ngài bày tỏ rõ ràng quyền năng của Ngài qua lòng khoan dung vô tận, khi Ngài tự ý tha thứ các tội lỗi (sđd, số 270).

d. Dựng nên trời đất (muôn vật hữu hình và vô hình)
          Tuyên xưng Thiên Chúa dựng nên trời đất, chúng ta tin Thiên Chúa tạo dựng trời đất mà không cần chất liệu có trước, cũng không cần một sự trợ giúp nào. Có nghĩa rằng Thiên Chúa tạo dựng trời đất từ hư vô. “Đất” ở đây là thế giới của con người (vạn vật, muôn loài). “Trời” hoặc “các tầng trời” có thể chỉ bầu trời, nhưng cũng có thể chỉ “nơi” riêng của Thiên Chúa, là Cha chúng ta, Đấng “ngự trên trời” (Mt 5,16). Sau hết, “trời” chỉ “nơi” của các thụ tạo thiêng liêng – tức là các Thiên thần – là những vị thần hầu cận Thiên Chúa. Thiên thần là những tôi tớ, sứ giả tốt lành của Thiên Chúa, đang được hưởng phúc bên Chúa. Nhưng, có một thiên thần sa ngã, gọi là Satan, nó kéo theo một số thiên thần khác sa ngã chối bỏ Thiên Chúa và Nước của Ngài. Thiên thần sa ngã đó ta gọi là Satan và quỷ dữ. 
- Loài người được dựng nên theo "hình ảnh" Chúa, nghĩa  là: - Có khả năng tự nhận biết, làm chủ mình, tự trao tặng và liên kết với các người khác,  nhận biết Thiên Chúa, yêu mến Chúa, và tham dự vào cuộc sống Chúa. -Loài người có xác và linh hồn linh thiêng (chỉ hình bóng Thiên Chúa). Hồn làm cho xác thành người, thành đền thờ Chúa, hồn là mô thể của xác, nghĩa là nhờ linh hồn thiêng liêng mà thân xác, vốn cấu tạo bằng vật chất trở thành thân xác nhân linh và sống động. Hồn kết hợp với xác thành một bản tính người. Hội Thánh dạy rằng mỗi linh hồn thiêng liêng được tạo dựng trực tiếp bởi Thiên Chúa chứ không phải do cha mẹ “sinh sản”; linh hồn thì bất tử; linh hồn không hư hoại khi lìa khỏi xác trong giờ chết, và sẽ tái hợp với thân xác trong ngày sống lại sau hết (sđd, số 366).
- Chúa dựng nên con người có nam có nữ, hoàn toàn bình đẳng nhưng khác biệt nhau. Có nghĩa rằng: “Người nam, và người nữ được tạo dựng “người này cho người kia”: không phải Thiên Chúa đã tạo dựng họ “chỉ có một nửa” và “không đầy đủ”; Thiên Chúa đã tạo dựng họ để họ hiệp thông các ngôi vị, trong đó mỗi người có thể thành “sự trợ giúp” cho người kia, bởi vì một đàng, họ là những nhân vị bình đẳng với nhau (“xương bởi xương tôi…”) và đàng khác, là người nam và là người nữ, họ bổ túc cho nhau” (sđd, số 372).

- Con người đầu tiên là ông Ađam và bà Evà được Thiên Chúa tạo nên rất tốt lành, được sống trong tình thân nghĩa với Đấng Tạo Hóa của mình, hài hòa với chính mình và với vạn vật xung quanh, không phải chết, không phải đau khổ, làm chủ mình, làm chủ vạn vật. Nhưng con người đã làm mất đi những ơn đó vì đã tự ý phạm tội. Ông Ađam và bà Evà nghe lời dụ dỗ của Satan, muốn trở nên như Chúa nên đã lạm dụng tự do, bất tuân lệnh Chúa, phạm điều Chúa cấm. Đó là tội đầu tiên của con người, hay còn gọi là tội tổ tông. Hậu quả của tội tổ tông là: mất ơn thánh thiện ban đầu, không còn sống thân tình với Chúa, phải đau khổ, phải chết đời đời và không được hưởng hạnh phúc đời. Nhưng Chúa đã không bỏ mặc con người, Ngài đã hứa ban Đấng Cứu Thế đến trần gian, sinh xuống làm người, rao giảng, chịu nạn, chịu chết để chuộc tội cho con người.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét