Trang

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN

TỪ BỎ ĐỂ LÀ TÔNG ĐỒ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
Lời Chúa: Kn. 9,13-18; Plm. 9-10.12-17; Lc 14,25-33

Điều răn thứ 4 trong 10 điều răn Đức Chúa Trời dạy ta phải: “Thảo kính cha mẹ” vì cha mẹ là đấng sinh thành và cho chúng ta vào đời làm người. Hơn thế nữa, Sách Lêvi nói cha mẹ có uy lực đặc biệt giống như uy quyền của Thiên Chúa để dạy tôn giáo và luân thường đạo lý cho con cái để thành người và thành thánh nữa cho nên “Bất cứ người nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Lv 20,9). Vâng, người Việt nam chúng ta cũng rất coi trọng việc hiếu thảo với cha mẹ, vì “công cha nghĩa mẹ cao vời, làm con thảo kính trọn đời chớ quên”. Ấy vậy, hôm nay Chúa Giêsu bảo: "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ (Tin Mừng Mác-cô nói là ghét bỏ) cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Tôi được”. Mới nghe qua, ai trong chúng ta nhủ thầm rằng Lời Chúa hôm nay sao khó nghe quá, nghịch lý quá.

Xin thưa, trong tiếng Do thái không có thể văn so sánh hơn, kém, nhiều hơn, ít hơn… cho nên cụm từ dứt bỏ hay ghét bỏ, hàm ý là yêu hơn, tức là “Ai đến với Ta mà không yêu Ta hơn cha mẹ….”. Thử hỏi, Chúa Giêsu là ai, nhân danh cái gì, quyền lực nào mà bắt tôi phải yêu Người hơn cha mẹ. Chúa Giêsu dựa vào đâu mà dám mời gọi chúng ta quyết liệt như thế? Xin thưa, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, Ngài dựa vào sức mạnh của chân lý, đó là Thiên Chúa cội nguồn mọi tạo dựng, Đấng thương xót mọi người nên ban phát mọi ơn lành, cứu chuộc và thánh hóa và làm cho con người sống viên mãn trong tình yêu thương xót của Chúa Ba Ngôi. Cho nên, Chúa Giêsu xác quyết “Ai đến vối Tôi mà không yêu mến Chân Lý hơn cha mẹ….”. Chân lý đó chính là “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Rõ ràng, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Đấng ban sự sống vì thương xót nhân loại nên đã xuống thế làm người, chịu nạn, vác thập giá và chịu chết để cho con người được sống dồi dào và viên mãn. Còn cha mẹ chỉ là người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh ra và dưỡng dục cho ta nên người. Thiên Chúa mới chính là nguồn mạch mọi ơn lành, là Đường, là Sự thật và là Sự sống cho chúng ta nên chúng ta phải yêu Chúa hơn cha mẹ là vậy.  Vì vậy, Đức Cha Fulton Sheen nói rằng trong lịch sử thế giới nhiều vị sáng lập các tôn giáo dạy điều hay lẽ phải, sự thật nhưng không có vị tôn giáo nào tự xưng mình là Đường, Sự thật, và Sự sống như Chúa Giêsu. Các ngài dạy chân lý, chứ không là chân lý, còn Chúa Giêsu là chân lý,  là Thiên Chúa thực, thương xót và yêu thương con người một cách chân thực nhất. Đây là nét độc đáo và là niềm tin quyết liệt của Đạo Công giáo vì vậy Chúa Giêsu là trung tâm của niềm tin, lẽ sống của chúng ta.
          Thiên Chúa là cội nguồn của tình yêu thương xót, vì vậy chúng ta là con cái của Chúa đương nhiên phải đặt tình yêu thương xót của Chúa lên trên hết mọi thứ tình yêu. Nói cách khác, tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu: tình yêu gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cái bạn bè, tha nhân và ngay cả chính mình. Cho nên, là môn đệ của Người, chúng ta vẫn phải yêu mến người thân, gia đình, mọi người hay ngay chính bản thân mình và cũng phải quí trọng của cải mình có vì chúng là những ơn lành Chúa ban nhưng tiên vàn phải yêu mến Chúa hết linh hồn, trí khôn. Có nghĩa rằng là môn đệ của Chúa và theo Chúa suốt đời, sống như Chúa trong mọi sự. Chính vì thế, phải từ bỏ tất cả, không chỉ người thân mà từ bỏ cả chính bản thân với những ý nghĩ riêng tư để không những đi theo Chúa, sống như Chúa: nói lời yêu thương và thi hành lòng thương xót mọi người như Chúa Giêsu. Là Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã từ bỏ địa vị làm Thiên Chúa để xuống thế làm người, tự nguyện sống nghèo khổ, tự nguyện nhận lấy tội lỗi của loài người và tự nguyện chết thay loài người. Khốc liệt nhất là Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng theo ý Chúa Cha là thương xót và cứu độ hết mọi người. Người môn đệ của Chúa, khi chúng ta hoàn toàn từ bỏ chính mình để nên một với Chúa Kitô, cộng tác vào công cuộc cứu độ của Chúa bằng cách thương xót mọi người bằng việc làm cụ thể.
          Hôm nay, quảng trường Thánh Phêrô, Đức giáo Hoàng Phanxicô long trọng tuyên phong Chân Phước Teresa Calcutta lên bậc hiển Thánh. Vì chưng, trong tâm hồn Thánh Teresa Calcutta luôn tràn đầy ánh sáng Chúa Kitô, một tâm hồn bừng cháy tình yêu thương xót thôi thúc Thánh Nữ một điều duy nhất là: "Đem tình yêu thương xót của Thầy đến cho người khốn khổ". Mẹ được giao phó sứ mạng công bố tình yêu thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa đối với nhân loại, đặc biệt đối với người nghèo, hận hoạn và khuyết tật. Vì thực thi lòng thương xót Chúa, Mẹ đã sống âm thầm, giản dị và khó nghèo. Mẹ đã xóa mình đi đến nỗi, ít ai còn nhớ đến cái tên Agnes Gonxha Bojaxhiu mà chỉ biết Mẹ Teresa Calcutta, một Kitô hữu, một Nữ tu có một đức tin vững bền, một đức cậy bất chấp phong ba và một đức ái vượt mọi biên thùy để trở thành một “người Mẹ của người nghèo”. Thực vậy, Mẹ Teresa Calcutta đã giã từ cuộc sống an toàn chốn Viện tu để tông đồ của lòng thương xót Chúa. Mẹ đã đon đả ra đi để băng bó vết thương của bao con tim rạn vỡ. Mẹ đã làm cho bao người nhận ra được tình yêu Thiên Chúa đang tuôn chảy trên cuộc đời họ và giúp họ cảm nhận được tình thương yêu thương xót vẫn còn ngự trị trong tâm hồn con người. Mẹ Têrêsa chính là nhịp cầu nối kết con người với trái tim thương xót của Chúa Giêsu. Toàn bộ cuộc đời Mẹ là một chứng từ cho niềm vui phục vụ người nghèo khổ, bệnh tật hết tình và hết mình.

Mỗi người có hoàn cảnh riêng, khả năng riêng, và một sở thích riêng… không ai giống ai, nhưng mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa mời gọi từ bỏ để dấn thân bước theo Ngài làm môn đệ của Lòng Thương Xót Chúa. Chắc chắn Chúa không đòi hỏi chúng ta làm gì vượt quá sức của chúng ta. Điều mà Thiên Chúa muốn mỗi chúng ta hãy sống tốt giây phút hiện tại của đời mình bằng cách sống và thi hành lòng thương xót Chúa cho tha nhân qua việc làm thương xác và linh hồn người ta một chân thành và cụ thể nhất. Amen. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét