Trang

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

Thứ 4 Lễ Tro - Năm Thánh Lòng Thương Xót

HÀNH ĐỘNG THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA
Lời Chúa Ge 2,12-18; 2Cr 5,20-6,2; Mt 6,1-6.16-18

         Trong sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Mầu nhiệm của lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện trong suốt lịch sử của giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài là It-ra-en. Quả thế, Thiên Chúa luôn tỏ mình giàu lòng thương xót, sẵn sàng thông ban cho dân trong mọi hoàn cảnh sự từ ái và lòng trắc ẩn sâu xa, cách riêng trong những thời điểm bi kịch nhất, khi lòng bất trung phá vỡ mối liên hệ giao ước và giao ước đòi hỏi được thừa nhận một cách vững chắc hơn trong công lý và sự thật. Ở đây, chúng ta đang đứng trước một tấn kịch tình yêu thực sự trong đó Thiên Chúa đóng vai trò người cha và người chồng không được chung tình, và dân It-ra-en đóng vai trò của người con và người vợ bất trung” (số 2). Nhưng “Đức Chúa đã nồng nhiệt yêu thương đất của Người,đã tỏ lòng khoan dung đối với dân Người. Tai ương chấm dứt và dân được giải thoát” (Ge 2,18) bài đọc 1. Cho nên, trong bài đọc 2, Thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta: “Hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5,21). Cụ thể, Tin Mừng kể Chúa Giê-su thấy nhiều người đi theo Ngài đang bị mệt mỏi và kiệt sức, bị bỏ rơi và như đoàn chiên không có chủ chăn, Ngài đã chạnh lòng thương họ với nỗi cảm thông sâu xa trong con tim của Ngài (Mt 9,36). Trong sức mạnh của Tình Yêu cảm thông, Ngài đã chữa lành các bệnh nhân mà người ta mang đến cho Ngài (Mt 14,14), và với một ít chiếc bánh mì và vài con cá, Ngài đã làm cho nhiều người được no nê (Mt 15,37). Điều đã thúc đẩy Chúa Giê-su trong tất cả những tình huống đó, không phải là bất cứ điều gì khác ngoài Lòng Thương Xót, với sự giúp đỡ dành cho con người, Chúa Giê-su đã hiểu để đọc ra những gì đang có trong tâm hồn của những người đang đối diện với Ngài, và điều ấy đã cho phép Ngài đáp ứng lại những nhu cầu chân thực nhất của họ.

Mùa Chay được khởi đầu bằng nghi thức xức tro trên đầu và trong suốt Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta làm ba việc làm cụ thể mà Chúa Giêsu trong Tin Mừng đưa ra và bảo chúng ta phải thực hiện để trở nên công chính dưới ánh mắt của Cha chúng ta ở trên trời. Đức Giêsu nói đến 3 trụ cột làm nên khung sườn đời sống đạo của chúng ta: bố thí, cầu nguyện và chay tịnh.
Đức Giêsu kêu gọi bố thí, nhưng Người tố giác cách làm phô trương. Bố thí không phải để được sự vinh vang do người ta, cũng không để đề cao mình cho người ta thấy nhưng trong nơi kín nhiệm, phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa để một mình Người đánh giá nghĩa cử đó để "Cha ngươi, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho người”. Tại sao tôi phải chia sẻ vật chất cho tha nhân vì đó không chỉ là người với nhau, là anh chị em với nhau mà đó là hiện thân của Chúa. Chúng ta phải có cái nhìn như thế thì việc chúng ta làm mới đẹp lòng Chúa. Qủa thế, trong Tông Sắc Dung Nhan Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha muốn rằng đôi tay của chúng ta có thể nắm lấy đôi tay của người nghèo khổ cũng như có thể kéo họ lại gần với chúng ta, hầu cho họ cảm nghiệm được hơi ấm từ sự hiện diện, từ tình bằng hữu, từ tình huynh đệ của chúng ta. Tiếng kêu của họ có thể trở thành tiếng kêu của chúng ta, và chúng ta có thể cùng nhau giật sập mọi hàng rào ngăn cách của tính thờ ơ lãnh đạm mà chúng ta ưa thích tự nguyện trao thân cho nó hầu che giấu thói giả hình và sự ích kỷ của chúng ta. Đức Thánh Cha mong muốn một cách khẩn khoản rằng trong năm Toàn Xá này, các Ki-tô hữu phải thực hiện công việc của Lòng Thương Xót bằng Thương Người Có Mười Bốn Mối. Việc đó sẽ trở thành một hình thức nhằm đánh thức lương tâm của chúng ta, mà lương tâm ấy thường hay bị ngủ thiếp đi trước tấn bi kịch của sự nghèo túng, cũng như càng ngày càng tiến vào trong trung tâm của Tin Mừng, mà trong đó, người nghèo chính là những người được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa ưu ái hơn (số 15§2).
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Chúng ta không thể lẩn tránh khỏi những Lời của Thiên Chúa, mà sẽ có ngày chúng ta sẽ bị kết án dựa trên những Lời đó: Chúng ta có cho những con người đang đói cái gì đó để họ ăn, và chúng ta có trao nước cho những người đang khát để họ uống không? Chúng ta có đón tiếp những người khách lạ vào nhà cũng như có trao quần áo cho những người ăn mặc rách rưới để họ mặc không? Chúng ta có dành thời gian để thăm viếng các bệnh nhân cũng như các tù nhân không? (Mt 25,31-45). Giống hệt như thế, chúng ta cũng sẽ bị tra vấn về việc chúng ta có giúp đỡ người khác để họ vượt qua những nỗi nghi nan hay không, mà những nỗi nghi an ấy có thể khơi lên nỗi sợ hãi cũng như thường gây ra nỗi cô đơn? Chúng ta có khả năng chiến thắng sự thiếu hiểu biết mà hàng triệu người đang sống trong đó, đặc biệt là các em nhỏ, chúng đang thiếu những trợ giúp cần thiết để có thể thoát ra khỏi sự nghèo đói hay không? Chúng ta có đến gần với những con người mà họ đang bị cô đơn và đang bị phiền não hay không? Chúng ta có kiên nhẫn theo gương của Chúa, Đấng luôn rất kiên nhẫn với chúng ta không? Và sau cùng, chúng ta có trao phó những người anh em và những người chị em của chúng ta cho Chúa trong lời cầu nguyện không? Chúa Ki-tô đang hiện diện trong bất cứ một con người nào trong số “những người nhỏ bé nhất” ấy. Thân xác của Ngài đang tái trở nên rõ ràng trong bất cứ thân xác nào đang bị hành hạ, đang bị gây tổn thương, đang bị đánh đập, đang bị thiếu dinh dưỡng và đang bị ép buộc phải trốn chạy…, để chúng ta nhận ra Ngài, đụng chạm được tới Ngài và giúp đỡ Ngài một cách chu đáo. Chúng ta đừng quên những lời của Thánh Gio-an Thánh Giá: “Vào lúc cuối đời, chúng ta sẽ bị kết án theo Đức Ái(số 15§3).
Ước gì, Mùa Chay này mỗi người chúng ta hãy hành động thương xót với những người nghèo khổ để được Chúa xót thương. Ước gì lời Thánh Phaolô trong bài đọc hai đánh thức tâm hồn và thúc bách chúng ta hành động ngay trong cuộc sống hằng ngày: “Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét