Trang

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Lễ Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô Tông đồ

HAI CON NGƯỜI, MỘT CHÍ HƯỚNG
Lời Chúa: Cv 12,1-11; 2Tm 4,6-8.16b.17-18; Mt 16,13-16
 
          Con người sinh ra ở trên đời ai ai cũng có “nhân tính”  (đức tính, tính chất, bản tính của con người) là do Trời (Thiên Chúa) ban tặng. Cho nên, ai cũng như ai sinh ra ra là nhân chi sơ tính bản thiện. Nhưng môi trường mà hạt giống “nhân tính” đó được gieo vào thì mỗi người mỗi khác và vì thế nhân tính thì giống nhau nhưng nhân cách, nhân phẩm và nhân đức có thể khác nhau. Tuy nhiên, có 2 con người được sống ở 2 môi trường khác nhau, được giáo dục bởi 2 chiều hướng khác nhau, nhưng lại có chung một nhân cách, một nhân phẩm: Đó là Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô, mà Giáo Hội mừng lễ hôm nay. 

Thánh Phê-rô, một người nhà quê, ít học, nghề đánh cá, tính tình bộc trực, thấy sao nói vậy, nghĩ sao nói vậy, thẳng thắn, chính trực. Cụ thể, khi Chúa lên Giê-ru-sa-lem để bước vào cuộc thương khó, nhưng vì thương Thầy ông cản Chúa, Chúa đã quở trách ông cho là Satan! Rồi, khi quân dữ tới bắt Thầy, cũng vì yêu thương Thầy,  tức giận quá nên chém đứt tai của một tên lính. Cũng thế, khi Thầy bị bắt đi, vẫn theo Thầy, rất mực yêu thương, kính trọng Thầy nhưng vẫn chối Thầy. Phê-rô là một con người với bản tính 100% là người, mà đã là con người thì ai chẳng sợ sự dữ. Sợ bị bắt như Thầy nên Phêrô phải chối, trong lòng nghĩ chối là thượng sách nên “nghĩ sao nói vậy” mà! Đó là tấm chân tình người của Thánh Phê-rô. Nhưng, bản tính rất người ấy của ngài đã được củng cố, phát triển và thật sự thăng hoa sau khi Đức Giê-su Ki-tô phục sinh. Thánh Thần Chúa phục sinh đã biến đổi bản tính của ngài trở nên thánh nhân, vị thủ lãnh đầu tiên của Hội Thánh, người sống can trường trong thử mọi thử thách, đặc biệt can đảm sống và làm chứng cho Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài dù có tử Đạo.
Còn Thánh Phao-lô tuy xuất thân và môi trường sống khác với Thánh Phê-rô, con nhà giàu, có học thức uyên thâm, nhưng tính cách thì rất giống Thánh Phêrô. Ngài cũng thấy sao nói vậy, nghĩ sao nói vậy, thẳng thắn, bộc trực. Chỉ có một điều khác là Thánh Phê-rô thì theo Đức Giê-su, còn Phao-lô thì lùng giết Giê-su và những kẻ theo Người. Nhưng sau khi được Chúa phục sinh hiện ra với ông, ông đã đổi đời thay vì lùng giết Chúa thì lại rao giảng đạo Chúa một cách mạnh mẽ và hùng hồn nhất. Cụ thể trong bài đọc 2, Ngài nói một cách hùng hồn rằng: “Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng chấp họ.Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2Cr 4,16b-17).
Tuy 2 thánh Phêrô và Phaolô có những hoạt động và hành động đối nghịch nhau ngay từ ban đầu, nhưng cùng chung một điểm xuất phát đó là lòng yêu mến Thiên Chúa. Phê-rô vì yêu mến Thiên Chúa nên tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật nên theo Ngài và sống chết cho Ngài mà thôi. Còn Phao-lô – mà trước đó là Sao-lô – cũng yêu mến Thiên Chúa hết lòng, nhưng vì bị ảnh hưởng bởi giáo lý sai lạc của Giáo quyền Do thái thời đó, không những không tin Đức Giê-su là Thiên Chúa mà còn cho Người là kẻ phản nghịch, phạm thượng. Chung quy cũng chỉ vì yêu mến Thiên Chúa, đồng thời muốn bảo vệ Do thái Giáo, nên thánh nhân mới quyết tâm bách hại Ki-tô Giáo. Nhưng qua biến cố Đa-mát, ngài đã được chính Đức Ki-tô Phục cho biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật. Từ đó, ngài đã trở thành một Tông đồ dân ngoại kiệt xuất, thành lập nhiều Giáo đoàn, mở mang phát triển Hội Thánh một cách quang minh chính đại, khiến bản thân phải ra toà, ngồi tù, vất vả trăm đường. Cuối cùng, trong bài đọc 2, ngài kể Ngài đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa Ngài vào vương quốc của Người ở trên trời.
Thánh Phêrô và thánh Phaolô là những “người rất người”, sống rất thực, sống hoàn toàn như mình nghĩ, các ngài có chung một nhân cách: rất nhiệt thành, năng nổ, dễ bức xúc, thuộc vào hạng người “máu nóng”; nhưng lại có tinh thần phục thiện (biết sai thì hối cải, sửa chữa), không cố chấp; đặc biệt là cùng có chung một lòng mến Chúa sắt son. Các ngài có đủ cả sự yếu đuối của con người, nhưng đồng thời cũng có đủ cả những đức tính cao thượng của một bậc “chính nhân quân tử”. Các ngài đã nêu gương sáng cho nhân loại, cho Hội Thánh, cho từng Ki-tô hữu về lòng nhiệt thành, sự can đảm và ý chí quyết tâm thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa cho muôn dân. Các ngài còn cho nhân loại thấy dù yếu hèn, tội lỗi, dù tài năng kém cỏi, Chúa vẫn luôn dùng tới nếu con người biết tin, cậy và quay trở về với Chúa.
Mỗi một con người đều có chỗ đứng trong trái tim Chúa. Chúa thương yêu con người không chung chung, ước lệ, nhưng Người gọi tên từng người một vì “Ta biết chiên của Ta và chiên của Ta biết Ta” (Ga 10,14). Chúa dùng mọi người, dùng mỗi người với tất cả những gì họ đang có, kể cả những khuyết điểm, những yếu kém của con người. Chúa không chê con người bất toàn, mà Người lại luôn luôn dùng sự bất toàn của con người để công bố Lời Toàn Năng, dùng miệng lưỡi nhơ uế của con người để nói Lời Chí thánh.
          Cúi xin Chúa củng cố niềm tin nơi mỗi tâm hồn chúng con, đừng để một biến động nào có thể làm cho chúng con nao núng. Ước gì cuộc đời các ngài soi sáng cho chúng con, để chúng con không bao giờ thất vọng về lỗi lầm của mình. Nhưng qua những yếu đuối bản thân, chúng con càng nhận ra tình thương bao la của Chúa và cũng biết noi gương các ngài trở thành chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa thế gian. Amen. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét