Trang

Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN

BỆNH TẬT LÀ THÔNG PHẦN ĐAU KHỔ VỚI CHÚA
Lời Chúa: Lv 13,1-2.44-46; 1Cr 10,31 – 11,1; Mc 1,40-45
Bệnh là một hiện tượng hiển nhiên trong cuộc đời. Có mang thân người là có bệnh. Cho nên, ông bà ta dạy: “sinh lão bệnh tử” là qui luật của con người. Mỗi chúng ta có thể trải qua một hay nhiều lần bệnh, không lúc này thì khi khác, không nặng thì nhẹ. Nếu người nào, đến giây phút này vẫn chưa một lần bệnh thì đó là một hạnh phúc lớn. Nhưng ít ra, người đó cũng chứng kiến người thân của mình bị bệnh và biết chắc rằng, đến một lúc nào đó, mình có thể bị bệnh. Do đó, bệnh là một hiện tượng rất gần gũi với con người trực tiếp hoặc gián tiếp dù người đó giàu, nghèo, chức quyền hay dân thương. Người đời khi nói đến bệnh, là người ta nghĩ đến sự đau đớn, khổ sở, khó chịu, buồn bã, âu lo, sợ hãi, tủi hổ, xấu xa. Hễ bệnh là đau. Điều này không ai phủ nhận. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào, dù đau (về thân), chúng ta đừng có khổ (về tâm). Chúng ta  nói rằng bệnh làm sao mà không buồn không khổ? Tôi đã từng thắc mắc như nhưng sau khi bệnh, tôi nghiệm ra rằng lúc mình bệnh là bệnh là cơ hội để nhận biết tín hiệu cơ thể mình yếu ớt lắm, vì Lời Chúa nói: Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi . Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng. Một cơn gió thoảng là xong. Chốn xưa mình ở cũng không biết mình!” (TV 103,15-16). Thứ đến, bệnh là dấu hiệu cho bạn biết rằng bạn cần điều chỉnh cho cuộc sống trở nên thoải mái hơn. Vì chưng, Chúa nói: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu" (Lc 12,5). Rồi khi bệnh, chúng ta thấy nhu cầu cho đời sống tâm linh trở nên cần thiết hơn vì chưng có Chúa ta nào sợ chi, có Chúa làm cho ta hoan lạc và bình an.

Qủa thế, Thánh Kinh kể Ông Gióp, là một người hiền đức nhưng gặp căn bệnh quái ác, bà con ai cũng bỏ đến nỗi ông kêu than rằng: “Xin Chúa nhớ cho: đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ không được thấy lại hạnh phúc bao giờ” (G 7,7). Tuy thế, tuyệt đối ông không bao giờ coi bệnh tật như là dấu chỉ hay hình phạt của tội lỗi.  Bản thân ông Gióp không tài nào hiểu được: Tại sao người hiền đức lại phải bệnh hoạn?  Đối với ông, bệnh tật thật là một huyền nhiệm khôn dò.  Tốt hơn hết là tin chắc vào Chúa, hướng về Ngài và xin Ngài ban ơn cho. Đức Giêsu đến trần gian không thuyết giảng về đau khổ bệnh tật nhưng Ngài quan tâm, lo lắng cho những người đau khổ, cảm thông và chữa lành kẻ ốm đau, tật nguyền, hoặc bị quỷ ám.  Cụ thể, hôm nay Tin Mừng kể: “Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi!
Người đời coi đau khổ là một cái gì đó xấu, tội chẳng ai muốn đón nhận.  Còn với Đức Giêsu, cần phải chấp nhận đau khổ bệnh tật để chiến đấu và chiến thắng. Cho nên Đức Giêsu đến trong trần gian không phải để xóa đi mọi đau khổ bệnh tật nhưng để đem lại cho đau khổ một ý nghĩa cứu độ, cho người đau khổ một niềm vui giải thoát.  Ngài đã giải thoát họ khỏi những chán chường thất vọng và đưa họ vào lại trong sự hiệp thông tình yêu với Thiên Chúa cũng như với mọi người trong xã hội.  Vì vậy, Chúa Giêsu còn hơn một Thầy Thuốc, Đức Giêsu là Vị Cứu Tinh của cả nhân loại.  Bởi vì Ngài đã không những chữa lành những nỗi đau nơi thân xác mà còn chiến thắng cả cái chết và quyền lực của tội lỗi đang tác động trong đau khổ, để đem đến cho con người một sự giải thoát toàn diện, đưa họ vào trong vinh quang và sự sống.  Đây mới thật là mối bận tâm sâu xa của Đức Giêsu: bận tâm rao giảng Tin Mừng hay mạc khải tình thương cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người.  Nhờ đó, đau khổ thay vì là sự vắng mặt của Thiên Chúa, sẽ là sự hiện diện của một tình yêu, chính là bình an của Chúa.
Đức Giêsu đem Tin Mừng đến cho loài người bằng những thái độ cụ thể, rõ ràng: Ngài ra tay cứu chữa những ai đau ốm bệnh tật, cho họ được lành mạnh, thuyên giảm, hầu làm chứng một cách thỏa đáng tin rằng, quả thật Thiên Chúa yêu thương người ta, dùng con người cứu chữa con người, để ốm đau không thành đau khổ, tật nguyền không phải tất nhiên đau khổ. Cho nên, Đức Giaó Hoàng Phanxicô nói rằng: “Hoạt động cứu độ của Đức Ki-tô không chỉ diễn ra cùng với con người và cuộc sống tại thế của Ngài nhưng vẫn còn tiếp diễn thông qua Giáo Hội, bí tích của tình yêu và sự âu yếm của Thiên Chúa dành cho con người. Sai phái những môn đệ của mình trong các sứ mạng, Đức Giêsu ban cho họ một sự ủy thác kép: loan báo Tin Mừng cứu độ và chữa lành những bệnh tật (Mt 10, 7-8). Tin vào giáo huấn này, Giáo Hội đã luôn dành sự quan tâm hỗ trợ hết mình đối với những ai bệnh tật trong sứ mạng của mình. Những người nghèo khó và những người đau khổ lúc nào cũng ở bên cạnh các ngươi”, Đức Giêsu cảnh báo như thế (Mt 26,11), và Giáo Hội tiếp tục tìm kiếm họ trên các ngả đường, quan tâm đến những ai yếu đau như một phương thế đặc quyền để gặp gỡ Đức Ki-tô, để đón nhận Ngài và phục vụ Ngài. Quan tâm đến một người yếu đau, đón nhận người đó, phục vụ người đó là phục vụ Đức Ki-tô: người yếu đau là thịt của Đức Ki-tô(Bài giảng trong Giờ kinh truyền tin 08-2-2015). 
Trong suốt dòng lịch sử, Giáo Hội đã luôn quan tâm chăm sóc và cứu chữa các bệnh nhân, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo và khó chữa, những người khuyết tật.  Sự tận tụy của các tu sĩ, các đội ngũ bác sĩ, y tá Công giáo tại các trại phong cùi, các bệnh viện luôn được xã hội ghi nhận và đã là nguồn an ủi không nhỏ đối với những con người đau khổ.  Nhiều giáo dân tại các họ đạo, các đoàn thể, có thói quen thăm viếng, chăm sóc những người già cả tại gia đình, tại các viện dưỡng lão… Như vậy, sự quan tâm của Chúa Giêsu đối với những con người đau khổ vì bệnh tật được tiếp tục trong xã hội hôm nay của chúng ta.

Ước gì, qua Lời Chúa hôm nay, mỗi khi đứng trước nỗi đau khổ của kẻ khác, nhiều khi chúng ta cảm thấy bất lực, không biết phải nói gì, không biết phải làm gì.  Những lúc đó, trong giới hạn của mình và đầy tình thương, chúng ta vẫn có thể làm một cái gì đó để xoa dịu tinh thần cũng như trợ lực cho thể xác của họ.  Rất có thể người ấy chỉ cần chúng ta im lặng và cảm thông với nỗi đau của họ, hoặc lắng nghe họ tâm sự.  Cũng có thể họ chờ đợi được nghe một tin vui, chờ đón một nụ cười… Ngay cả khi không thể thực hiện các việc đó, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện cho họ.  Bằng tất cả những việc yêu thương nhỏ bé của đời thường đó, chúng ta nói với họ về Chúa Giêsu của chúng ta.  Đó cũng là cuốn Tin Mừng sống động viết bằng chính cuộc đời chúng ta vậy.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét