Trang

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

MÙA CHAY THÁNH

YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA YÊU TA
Bạn thân mến,
Với mỗi Kitô hữu, Mùa Chay luôn là một lời mời gọi biến đổi nội tâm hay còn gọi là « hoán cải », với những phương thế quen thuộc như cầu nguyện, chay tịnh và bố thí. Ngoài ra, Mùa chay cũng còn là một lời mời gọi tất cả cùng « lùi lại » - lùi lại giữa những quay cuồng và chao đảo của cuộc sống xã hội, để nghe được tiếng Chúa đang kêu gọi, hối thúc, đụng chạm và hướng dẫn mỗi người, và nhất là để thấy được rằng Lời Chúa có sức giải phóng con người khỏi những ưu tư thường nhật. Đặc biệt Mùa Chay còn là thời gian thuận tiện để trở về với giao ước tình yêu mà chúng ta đã ký kết giao ước với Ngài qua bí tích Thánh Tẩy. Giao ước tình yêu ấy cốt ở điểm này: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 9,11-13). 

   Cho nên, khi sống trọn vẹn tâm tình Mùa Chay, mỗi người sẽ được biến đổi và trở nên tác nhân cho lời loan báo Tin mừng tình yêu. Cuộc sống mới, thái độ mới và với những tương quan mới được thể hiện trong Mùa Chay, sẽ trở nên dấu chỉ rằng Tin mừng tình thương vẫn đang hoạt động trong cuộc sống nhân loại. Vì vậy, chứng tá đời sống đức tin mà mỗi Kitô hữu thể hiện trong Mùa Chay thánh này, sẽ mang lại những luồng sinh khí mới cho bản thân và cho tha nhân. Vì thế, những tâm tình và phương cách, xem ra có vẻ cũ kỹ và nhàm chán nhưng vẫn luôn là việc thực hành không thể thiếu mà Hội thánh luôn mời gọi mỗi kitô hữu. Tuy nhiên, những điều đó sẽ trở nên « mới mẻ » và « hữu hiệu » nếu mỗi người thực thi trong tâm tình yêu thương và thực tâm, nhất là biết đặt dưới sự soi dẫn của Thần Khí và ánh sáng Lời Chúa.
1. Thiên Chúa vẫn trung thành trong tình yêu
Lần giở lại những trang đầu tiên của Kinh Thánh, chúng ta thấy khi Adam - Eva phạm tội không trung thành với Chúa, Thiên Chúa không bỏ mặc con người. Tội lỗi đã ngăn lối con người đến với Thiên Chúa. Cửa địa đàng đã bị đóng lại. Thiên thần đã đóng cửa vườn địa đàng khiến con người xa rời Thiên Chúa ngàn trùng. Từ nay con người sẽ không còn thấy Thiên Chúa diện đối diện. Con người đã đánh mất mọi ân huệ của vườn địa đàng là phúc – lộc – thọ. Con người muốn trở về với tình trạng ban đầu nhưng đã không còn cơ hội. Con người không tự mình mở lối đi về mà chỉ còn trông chờ vào lượng từ bi hải hà của Thiên Chúa. “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51,3-4).
Vâng, tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người muôn ngàn đời mãi tín trung vì “Người có giận thì giận trong giây lát, nhưng yêu thương thì yêu thương đến muôn đời” (Tv 30,6). Chính Ngài đã mở lối đưa đường để con người có cơ hội trở về với Thiên Chúa. Đó là sai Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu nạn, chịu chết và phục sinh để chuộc tội chúng ta. Có nghĩa rằng khi Ngôi Hai Thiên Chúa xuống trần thì cửa trời đã rộng mở để đón con người vào Thiên đàng, vào Nước Chúa hằng sống muôn đời mà Ađam và Evà tổ tông loài người đánh mất. Qủa vậy, Thiên Chúa như người cha nhân lành vẫn giang rộng đôi tay đón nhận từng đứa con trở về với tình thương bao la hải hà.
Thế nên, Mùa chay không đơn thuần là hành vi ăn năn hối cải và trở về, mà trước tiên là nhận ra tình yêu của Thiên Chúa vẫn dành cho chúng ta. Cho dù chúng ta có bỏ Chúa, Chúa không bỏ ta vẫn một lòng yêu thương ta. Vì bản chất của Ngài là tình yêu. “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9). Qủa thế, trọn cuộc sống dương gian của Chúa Giêsu, từ lúc chào đời cho đến chết và phục sinh, được gồm tóm trong hai chữ “YÊU THƯƠNG”. Thứ nhất, vì yêu thương, “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Thứ hai, vì thương yêu, Chúa Giêsu đã mạc khải Chúa Cha (Ga 8,19) và căn tính của mình cho mọi người biết Ngài là Con Thiên Chúa (Ga 10,36), là Đấng Mêsia (Ga 1,36-41) được Chúa Cha sai đến (Ga 3,17a). Ngài còn mạc khải Nước Thiên Chúa để phàm ai tin vào Ngài sẽ được Nước ấy làm gia nghiệp (Ga 3,5) và được sống muôn đời (Ga 3,15). Thứ ba, vì yêu thương, Ngôi Hai Thiên Chúa đến thế gian như người tôi tớ phục vụ và cứu độ hết mọi người (Ga 5,20-27). Cuối cùng, vì yêu thương, Chúa Giêsu đã hiến thân mình trên cây thập giá để cho mọi người được hưởng tình yêu dạt dào của Thiên Chúa (Ga 14,1-3). Vì vậy, Chúa Giêsu dạy: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
2. Hãy nên giống như Ðức Kitô trong tình yêu
Nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy dùng tình yêu đó mà đối xử với nhau. Như vậy, Chúa Giêsu nêu gương cho ta mẫu mực yêu thương: yêu là hy sinh tính mạng cho người mình yêu (Ga 15,13). Một tình yêu đích thực luôn đòi hỏi sự chia sẻ, sự trao ban và ra khỏi chính mình để đến với tha nhân. Chúa Giêsu không giữ hạnh phúc cho riêng mình, Ngài đã trao ban cho con người hạnh phúc của chính Thiên Chúa. Qua Ðức Kitô, từ nay Thiên Chúa cư ngụ giữa chúng ta. Ngài nói với chúng ta bằng tiếng nói của con người là Lời Chúa. Ngài đến với chúng ta bằng bước chân con người và chia sẻ với chúng ta nơi bàn ăn thắm đượm tình người là bàn tiệc Thánh Thể. Từ nay Thiên Chúa ở giữa con người để cùng chia sẻ buồn vui trong kiếp người. Từ nay Thiên Chúa cùng đồng hành với con người để dìu con người bước qua những thăng trầm của giòng đời.
Vì vậy, hôm nay dịp tĩnh tâm này, chúng ta hãy cùng nhìn ngắm tình yêu của Chúa Giêsu, một tình yêu tự hiến chết cho người mình yêu. Ngắm nhìn Chúa Giêsu trên thập giá để cảm nhận tình yêu thẳm sâu của Thầy Chí Thánh Giêsu. Trước hết, ngắm nhìn một tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu. Trong suốt cuộc đời công khai rao giảng, rất nhiều lần, Đức Giêsu đã bày tỏ tấm lòng yêu thương con người: Người đã thực hiện các phép lạ, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, dạy dỗ dân chúng, âu yếm trẻ thơ, và tha thứ cho tội nhân. Và rồi, đoạn cuối của tình yêu, đỉnh cao của dâng hiến là bằng cuộc khổ nạn và cái chết đau thương của Người. Người phải chịu một cơn cám dỗ cuối cùng: Satan nhập vào Giuđa, để người môn đệ bất trung tham của này dùng cái hôn để nộp thầy. Satan sàng Phêrô và các môn đệ như sàng gạo, để Phêrô thì chối Thầy, còn các ông khác thì bỏ trốn. Thế nhưng, Người vẫn nhân từ, thực hiện nghĩa cử yêu thương cuối cùng, trước khi hoàn toàn dâng hiến trên thập giá: Người hiền hòa ra đón Giuđa, và dịu dàng nhắc nhở ông về tình nghĩa thầy trò. Người chữa lành tên đầy tớ bị Phêrô chém đứt tai. Người quay nhìn Phêrô với ánh mắt tha thứ khi ông chối Thầy. Người an ủi những phụ nữ thương khóc Người. Người xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người. Người ban thiên đàng cho tên trộm biết sám hối. Và rồi, Người hoàn toàn dâng hiến trên thập giá để cứu chuộc tất cả muôn người. Cho nên, Thánh Gioan đã thốt lên rằng: "Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về người mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng" (Ga 13,1b).
Sau hết, ngắm nhìn Chúa Giêsu trên thập giá để cảm nhận tình yêu thẳm sâu của Thầy Chí Thánh Giêsu để sám hối tội ta. Đó là cái nhìn sám hối của các môn đệ. Sám hối vì cả một đời theo Thầy, nhận được biết bao ân huệ của Thầy, thế mà chỉ một chút nghi nan đã bán Thầy, chối Thầy, bỏ mặc Thầy cô đơn trong đau đớn tột cùng. Nhìn Chúa chịu đau thương và chết trên thập giá để làm lại cuộc đời. Nhìn để chuộc lại lỗi lầm, để dám chết cho niềm tin của mình. Cụ thể, trong đêm Chúa bị bắt, chịu đánh đòn, Phêrô sau ba lần chối Chúa, Chúa quay lại nhìn ông, ông nhìn Chúa và nhận ra tội lỗi của mình mà khóc lóc thảm thiết (Lc 22,54-61). Rồi, môn đệ Giu-đa, “kẻ đã nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói: "Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan." Nhưng họ đáp: "Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!" Giu-đa ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ” (Mt 27,3-5).
Chúng ta cũng như bao bao người khác vẫn đang sống trong nuối tiếc ân hận, mặc cảm vì một quá khứ lầm lỡ. Mặc cảm vì một lần vô ơn bạc nghĩa đã gieo vãi sầu đau cho tha nhân hay vô cảm với tha nhân. Hãy ngước nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá để sám hối ăn năn, chuộc lại lỗi lầm. Hãy đền đáp tình yêu bằng trao tặng tình yêu của mình cho tha nhân. Vì vậy, Tình yêu chân thật Kitô giáo là tình yêu vì người mình yêu, hạnh phúc và sự phong phú của họ. Tình yêu ấy trở thành một sự từ bỏ dứt khoát, sẵn sàng dâng hiến cái tôi của mình cho người mình yêu (Ga 15,13). Chính lúc chúng ta trao ban, ta gặp lại chính mình trong sự phong phú nhất, đó là chân lý của Tin mừng: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25).
3. Yêu người như Chúa yêu mới là đúng nghĩa nhất
 Đời sống Kitô hữu là cuộc tình của mình với Thiên Chúa. Cuộc sống con người chan chứa tình yêu và hiệp thông với Thiên Chúa đời đời. Vì thế cuộc sống đức tin của chúng ta hành trình thực hiện giao ước tình yêu giữa ta với Chúa. Mà Mùa Chay là mùa của tình yêu, mùa của vui mừng và hy vọng, mùa mà Thiên Chúa mời gọi con người sống lại mối tình đầu của Người với dân Do thái, mùa mà chúng ta theo gót Chúa Giêsu vào sa mạc, dưới sức thúc đẩy của Chúa Thánh Thần để chiến đấu và chiến thắng nhờ vâng phục Chúa Cha trong tình yêu. Qủa thế, ca dao việt nam có câu: “Mẹ thương con ra cầu Ái Tử, Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu”. Nghĩa là mẹ già thương nhớ con, mong con trở về nên không ngại chi nắng mưa đứng nơi cầu Ái Tử chỉ muốn gặp lại người con yêu quí của mình. Còn người vợ kia đã bỏ mọi vui thú hằng ngày, không màn chi đến chuyện son phấn, lụa là, gương lược, điểm trang, để rồi lên núi Vọng Phu, đứng chờ chồng vì chỉ mong gặp lại người chồng thân yêu của mình. Nàng làm như vậy không phải là vì bản thân nàng, nhưng là vì người nàng yêu thương. Cũng vậy, chúng ta hôm nay bước vào mùa chay không phải vì chúng ta muốn tu thân tích đức, cũng không như anh em Phật Giáo để thoát cảnh tham sân si mà vào Niết Bàn; hay như anh em Hồi Giáo vào tháng Râmada để được Đức Ala trọng thưởng. Nhưng chỉ vì chúng ta khao khát Thiên Chúa, muốn được Chúa ở với ta và Ngài hướng dẫn đời sống chúng ta tới nguồn tình yêu và hạnh phúc đích thực.
Để được như thế, mỗi người tín hữu phải là một Kitô khác để có thể hiểu và cảm thông với tha nhân. Một Kitô khác có nghĩa rằng chúng ta đừng khác với Ðức Kitô khi chúng ta sống thiếu vắng tình yêu trong lời nói và việc làm của chúng ta. Chúng ta đừng khác với Ðức Kitô khi chúng ta sống thiếu sự quan tâm với những anh em nghèo đói, với những mảnh đời bất hạnh bên đường. Chúng ta đừng khác với Ðức Kitô khi chúng ta sống trong bùn nhơ của tội lỗi, của sự thiếu trong sạch, thiếu công bình và bác ái với tha nhân. Chúng ta đừng khác với Ðức Kitô khi chúng ta hà khắc, kết án anh em một cách đoạn tuyệt và thiếu lòng bao dung. Chúng ta hãy nên giống Chúa Kitô khi chúng ta hiện diện với ai, là chúng ta đem đến cho họ niềm vui và hạnh phúc. Chúng ta hãy nên giống Chúa Kitô để chúng ta có thể gieo vãi yêu thương, hạnh phúc vào cho nhân thế qua việc phục vụ và dấn thân quảng đại của chúng ta. Chúng ta hãy nên đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô để có thể tha cho kẻ làm hại chúng ta, để có thể quên đi lỗi lầm của anh em và dám hy sinh quên mình mà vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa. Chẳng hạn, Chân Phước Têrêxa Calcutta là Nhà Truyền Giáo của Tình Thương Bác Ái, đã dâng hiến trọn vẹn cuộc đời, để phục vụ những anh chị em nghèo cùng nhất, với sức mạnh múc lấy từ tình thương đối với Chúa Kitô. Sứ mạng của Mẹ Têrêsa bắt đầu mỗi ngày, trước lúc rạng đông, trước Bí Tích Thánh Thể. Trong thinh lặng của sự chiêm ngắm, Mẹ đã lắng nghe vang dội lời nói của Chúa Giêsu trên thập giá: Ta khát. Lời Kêu Vang nầy, được đón nhận trong cỏi thâm âu của tâm hồn, đã thôi thúc Mẹ tiến đi trên các đường phố Calcutta và khắp nơi trên thế giới, để đi tìm Chúa Giêsu trong người nghèo, người bị bỏ rơi, người hấp hối sắp chết.
Để được như thế, mỗi tín hữu Kitô hãy đi con đường Chúa Giêsu đi: đó là hãy ra khỏi chính mình để đến với anh em. Hãy tìm đến những con người khổ đau, nghèo đói đang cần tình thương. Hãy hội nhập với đời để đem Đạo vào đời, để sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc. Hãy mạnh dạn mang Tin Mừng của Chúa thẩm thấu vào trong thế gian nơi đó còn những khiếm khuyết của tình người, của tính lương thiện, của nhân cách và phẩm giá. Chúa đã đi vào đời để gieo chân lý, niềm tin và hy vọng. Là Kitô hữu, chúng ta phải vượt qua mọi trở ngại của tính ích kỷ chỉ sống cho riêng mình, để dấn thân vào mọi môi trường chúng ta đang sống. Đừng dững dưng hay vô cảm trước tha nhân.
Cho nên, trong sứ điệp Mùa Chay năm nay 2015, Đức Thánh Cha Phaxicô dạy chúng ta chí lý rằng: “Tình yêu của Thiên Chúa phá vỡ sự vô cảm ấy, một thái độ khép kín tai hại. Giáo hội trao tặng chúng ta tình yêu này qua giáo huấn, và nhất là qua chứng tá của mình. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm chứng về điều mà chính chúng ta đã cảm nghiệm. Kitô hữu là người để Thiên Chúa mặc cho mình lòng nhân từ và thương xót của Ngài, mặc lấy Chúa Kitô, để giống như Chúa Kitô, trở nên tôi tớ của Thiên Chúa và của người khác. Chúng ta thấy rõ điều này trong Phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh qua nghi thức rửa chân. Phêrô không muốn Chúa Giêsu rửa chân cho ông, nhưng ông đã hiểu ra rằng Chúa Giêsu không muốn chỉ nêu gương về cách thức chúng ta phải rửa chân cho nhau. Chỉ những ai để cho Chúa Giêsu rửa chân mình trước thì người ấy mới có thể phục vụ người khác như thế. Chỉ người nào được “dự phần” với Ngài (Ga 13,8) thì mới có thể phục vụ người khác.
Mùa Chay là thời gian thuận tiện chúng ta để cho Chúa Kitô phục vụ mình - nhờ đó chúng ta trở nên giống Ngài hơn, mỗi khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Nơi đó chúng ta trở thành điều mà chúng ta lãnh nhận: trở nên Thân Mình Chúa Kitô. Trong thân mình này, không có chỗ cho thói vô cảm rất thường chiếm lĩnh tâm hồn chúng ta. Vì ai thuộc về Chúa Kitô thì cũng thuộc về một thân mình duy nhất và trong Chúa chúng ta không được dửng dưng đối với nhau. “Vì nếu một chi thể đau, thì mọi chi thể cùng đau; và nếu một chi thể được vinh dự thì mọi chi thể đều được chia sẻ niềm vui ấy” (1 Cr 12,26), (số 1).
            Và cuối cùng, Ngài mời gọi: “Vô cảm đối với tha nhân và với Thiên Chúa cũng là một cám dỗ thực sự đối với các Kitô hữu chúng ta. Vì thế, hằng năm vào Mùa Chay chúng ta cần nghe lại lời các ngôn sứ lên tiếng thức tỉnh lương tâm chúng ta. Thiên Chúa không dửng dưng đối với thế giới chúng ta, Ngài yêu thương thế giới đến độ ban Con của Ngài để cứu rỗi chúng ta. Trong mầu nhiệm nhập thể, trong cuộc sống trần thế, trong mầu nhiệm sự chết và sống lại của Con Thiên Chúa, cánh cửa giữa Thiên Chúa và con người, giữa trời và đất, đã mở ra một lần và luôn mãi. Giáo hội như bàn tay giữ cho cánh cửa ấy luôn mở, qua việc công bố Lời Chúa, cử hành các bí tích, và làm chứng cho đức tin sống động nhờ đức ái (x. Gl 5,6). Nhưng thế giới lại có xu hướng thu mình lại và đóng chặt cánh cửa mà qua đó Thiên Chúa đi vào thế giới và thế giới đến với Thiên Chúa. Thế nên nếu Giáo hội, như là bàn tay, có bị từ khước, bị nghiền nát và mang thương tích thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Vì vậy Dân Chúa cần canh tân nội tâmđể không trở nên vô cảm và không thu mình lại”.
                       
Hát: Bài Ca Bác Ái 2 – Từ Duyên
                        1. Yêu người như Chúa yêu con, thương người như Chúa thương con, mến thương nhau, thương nhau dài lâu. Như Con Cha đã yêu con, một mình Ngài đã chết thảm sầu, cánh tay kia vẫn rộng mở, dòng máu kia vãn tuôn trào, để cho con theo: Yêu thương trọn đời, yêu thương mọi người. Vì yêu, yêu anh em là yêu ta. Vì thương thưong anh em là thương ta.
                        2. Yêu người như Chúa yêu con, thương người như Chúa thương con, mến thương nhau, thương nhau dài lâu. Như Con Cha đã bên con, trọn đời Ngài mặc lớp khó nghèo , sống bên con kiếp nghèo đói, Ngài sống như kẻ nghèo hèn, để cho con theo: Hy sinh cuộc đời, yêu thương đậm đà. Vì yêu, yêu anh em là yêu ta. Vì thương thưong anh em là thương ta.
                        3. Yêu người như Chúa yêu con, thương người như Chúa thương con, mến thương nhau, thương nhau dài lâu. Như gia nhân sống hèn hạ, Ngài hầu hạ nào có xá gì, đã yêu thương có ngại đâu, Ngài sống như kẻ hầu hạ, dể cho con theo: Ðem thân đời mìh, tôi tớ mọi người. Vì yêu, yêu anh em là yêu ta. Vì thương thưong anh em là thương ta.
                        4. Yêu người như Chúa yêu con, thương người như Chúa thương con, mến thương nhau, thương nhau dài lâu. Như Con Cha đã thứ tha, cả kẻ thù đã giết chết Ngài, Chúa yêu thương vẫn từ nhân, Ngài thứ tha cả kẻ thù, để cho con theo: Quên đi tủi nhục, quên đi hận thù. Vì yêu, yêu anh em là yêu ta. Vì thương thưong anh em là thương ta.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét