THÁNH THỂ- MẦU NHIỆM TÌNH YÊU
Gia đình
: Nhiệm thể của Đức Kitô
Khai mạc: Làm
dấu- Hát kinh Chúa Thánh Thần
THÁNH THẦN HÃY ĐẾN
1.Thánh Thần, khấn xin ngự đến. Hồn con đang mong chờ Ngài. Suối nguồn
thánh ân hiện xuống, này dương gian, xin Ngài đổi mới. Ngài ơi, xin Ngài hãy
đến, chiếu sáng thấ gian u mê, tối tăm. Ngài ơi, xin Ngài hãy đến, hiển linh,
Ngài ơi.
Đk: Lạy Ngài xin đến, dẫn dắt chúng con trên
đời. Cầu Ngài liên kết, chúng con nhất tâm trong Ngài. Cầu Ngài ban ơn thêm
sức, kiên vững không thay. Sống sao lên người Con Chúa, chứng nhân tình yêu.
I. THỜ LẠY
Một người:
Cộng
đoàn thân mến, họp nhau trước Chúa Giêsu Thánh Thể trong tối thứ Năm Tuần Thánh
hôm nay, trong bầu khí thật đặc biệt này, chúng ta cùng nhau chiêm ngắm Chúa
Giêsu Thánh Thể, Đấng hiến thân mình cho chúng ta ngay cả khi chúng ta chúng ta
chẳng yêu Người, khi chúng ta chẳng dành cho Người một chỗ đứng quan trọng
trong trái tim chúng ta, và ngay cả khi chúng ta phản bội Người. Những giây
phút ngắn ngủi này/ cũng là giây phút mà chúng ta muốn dâng lên Chúa tâm tình sám
hối chân thành của chúng ta/ về thái độ ơ hờ, lãnh đạm của chúng ta đối với
Thánh Thể Chúa, về sự phản bội của chúng ta, và về cách sống của chúng ta.
Lạy Chúa, Chúng con xin dâng lên Chúa tâm
tình mến yêu của chúng con lúc này/ để xin được cảm nhận sâu hơn tình yêu hy
hiến mà Chúa đã dành cho chúng con, nhờ đó mà chúng con được ơn biến đổi và mỗi
ngày trở nên môn đệ Chúa hơn và nên con Chúa hơn. Đặc biệt chúng con xin dâng
lên Chúa gia đình của chúng con trong năm Phúc Âm hóa các gia đình này. Xin
Chúa thánh hóa từng thành viên trong gia đình của chúng con nên những người
biết yêu Thánh Thể Chúa đồng thời biết yêu thương nhau như Chúa yêu chúng con.
Amen.
Hát : CON MẾN YÊU
1.
Con mến
yêu tin thờ trong lòng. Cùng chút tình ngây thơ ngắm trông. Trong Thánh Thể
Chúa đổ ngàn ơn, Ngài hiến thân nuôi dưỡng đoàn con.
Đk: Giờ đây hạnh phúc độc nhất đời con. Êm đềm Chúa nhìn hạnh phúc nào
hơn. Lòng con ngây ngất, tin Chúa, yêu Chúa. Trong tình Chúa yêu, con phó dâng
tâm hồn.
2.
Con phó
dâng tâm hồn thật thà, cùng với lòng đội ơn thiết tha. Nơi Thánh Thể Chúa ở
cùng con, hằng xót thương trợ giúp ủi an.
Đọc Chung:
Lạy Chúa Giêsu Thánh thể,
chúng con sấp mình thờ lạy Chúa là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng con.
Chúng con tin Chúa đang ngự thật trong tấm bánh nhỏ bé của Bí Tích Tình yêu
này.
Nam: Chúng con chúc tụng và ngợi khen tình yêu vô biên của Chúa đã dành cho
chúng con.
Nữ: Chúng con biết rằng Chúa đang chờ chúng con
như người cha nhân hậu chờ đợi người con đi hoang trở về. Chúa luôn mở rộng
cánh tay, sẵn sàng ôm lấy chúng con và nói rằng: “Chúa Cha yêu mến Thầy thế
nào, Thầy cũng yêu mến các con như vậy.”
Nam: Xin Chúa ban Thánh Thần trên
chúng con/ để nhờ Thần Khí Chúa chúng con biết tôn vinh và cảm tạ Chúa.
Nữ: Xin Chúa hãy
tỏ lộ tình yêu Chúa ra cho chúng con/ và
nhận chìm chúng con trong đại dương tình yêu của Chúa ngay giây phút này. Xin
hãy dạy chúng con đường lối Chúa, sửa sai những lỗi lầm. Chúng con muốn nên
thánh thiện hơn, muốn là những người con đẹp lòng Chúa / nên giống Chúa hơn.
Nam: Xin cho chúng con cảm nghiệm được
bằng trái tim xác thịt của chúng con rằng: “Chúa đang ở đây. Chúa đang sống,
đang nghe chúng con nói. Chúa đang nhìn chúng con bằng con mắt yêu thương.
Đọc Chung: Lạy
Chúa Giêsu Thánh Thể/ chúng con dâng những giờ phút này để hoàn toàn thuộc về
Chúa. Như cô Maria xưa bên chân Chúa, chúng con cũng đến bên Chúa để nghe Lời
hằng sống. Lạy Chúa Giêsu Thánh thể / Chúa chính là nguồn hạnh phúc và niềm
hoan lạc của chúng con. Chúng con yêu mến Chúa, chúng con thờ lạy Chúa.
II. TÂM TÌNH VỚI LỜI CHÚA
1.Công Bố Lời
Chúa:
Lời
Chúa trong thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô,
“Thật
vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ
phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy.
Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta
đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả
chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. Thật vậy, thân thể gồm nhiều
bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi. Giả như chân có nói: "Tôi không phải là tay, nên tôi không
thuộc về thân thể", thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể.
Giả như tai có nói: "Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân
thể", thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như toàn
thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì
mà ngửi?
Nhưng
Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ
phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân
thể chỉ có một. Vậy mắt không có thể bảo tay: "Tao không cần đến
mày"; đầu cũng không thể bảo hai chân: "Tao không cần chúng
mày." Hơn nữa, những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết
nhất; và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả.
Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn hết. Còn
những bộ phận trang nhã thì không cần gì cả. Nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt
các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn.
Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho
nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào
được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung.
Vậy
anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội
Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các
ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được
những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ
tiếng lạ. Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là
thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ, ai cũng được ơn chữa bệnh
sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng
lạ sao?” (1Cr
12, 12-30).
Đó là Lời Chúa.
Mời cộng đoàn ngồi. và Thinh lặng trong ít phút
2. Suy niệm
Người dẫn 1: Gia đình hiệp nhất
yêu thương
trong Chúa Giêsu
- Cũng như Hội
Thánh là Thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu, gia đình Kitô hữu là Hội Thánh tại
gia cũng diễn tả mầu nhiệm ấy. Điều đó không những diễn tả qua một sự qui tụ quanh
Đức Kitô nhưng còn là nên một trong Người, trong Thân Thể của Người
(x.GLHTCG 789). “Trong
thân thể đó, sự sống của Đức Kitô được truyền thông cho các tín hữu là những
kẻ, nhờ các bí tích, đã được kết hợp một cách bí nhiệm và thật sự với Đức Kitô
chịu nạn và được tôn vinh” (LG, số 7). Nhờ bí tích Rửa Tội chúng ta được kết
hợp với cái Chết và sự Sống lại của Đức Kitô (x. Rm 6,4-5; 1Cr
12,13). Nhờ bí tích Thánh Thể, chúng ta được nâng lên đến sự hiệp thông với
Người và với nhau.
Bởi
thế, vợ chồng, cha mẹ, con cái, ông bà còn yêu thương nhau và hiệp nhất bằng ân
sủng Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha, ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần. Sự hợp nhất của
Nhiệm Thể làm phát sinh và phát triển đức mến giữa các thành viên là tín hữu.
Đức mến là dây liên kết trọn hảo. “Từ đó, nếu một chi thể đau khổ, thì tất cả
các chi thể đều đau khổ; còn nếu một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi
thể đều chung vui” (LG, số 7). Sự hợp nhất ấy chiến thắng mọi chia rẽ phàm nhân
(x. Gl 3,27-28).
Giáo Hội chính là thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô hay còn gọi
là nhiệm thể Chúa Kitô. Ngài chính là đầu của Giáo hội. Các tín hữu là chi thể
của Giáo hội, và cũng là chi thể của Chúa Kitô.
Hình ảnh thánh Phaolô dùng để mô tả về Giáo Hội chính là
thân thể con người. Một hình ảnh cụ thể, thân thiết, nhưng chứa đựng nhiều ý
nghĩa sâu xa. Thánh Phaolô cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa các phần tử
trong Giáo Hội. Mỗi tín hữu đều là một bộ phận liên kết chặt chẽ với nhau nhờ
vào sự liên kết với Chúa Kitô. Như thế, mọi người tuy khác nhau nhưng đều được
kêu gọi để liên kết chặt chẽ với nhau và cùng nhau xây dựng Giáo hội.
Trong Giáo hội, chính Chúa Thánh Thần làm công việc thánh
hóa, tức là biến đổi Giáo hội càng ngày càng thánh thiện hơn. Chúa Thánh Thần
ban cho mỗi cá nhân ơn lành và khả năng khác nhau. Nhưng tất cả đều nhằm một
mục đích là xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô. Khả năng nào cũng quan trọng vì mọi
khả năng đều cần thiết cho mục đích chung. Ngay trong đời sống riêng của cá
nhân cũng vậy. Tất cả những gì mình có như: thời giờ, sức khỏe, tiền bạc, tài
sản, công danh sự nghiệp không phải chỉ để dùng riêng cho mình mà thôi, nhưng
còn để phục vụ tha nhân và tập thể.
Mỗi gia đình là một Giáo hội, là một Giáo hội thu nhỏ. Đã là
một Giáo hội thu nhỏ thì mỗi gia đình phải lập lại hình ảnh Chúa Ba Ngôi: Chúa
Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi hiệp nhất, yêu dấu và chia sẻ mọi sự
với nhau thế nào, thì mỗi gia đình cũng phải đoàn kết trong tình yêu thương lẫn
nhau giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái như vậy. Mỗi người không còn ích kỷ, tìm
lợi riêng cho mình, nhưng quên mình để làm sao cho những người khác trong gia
đình được nâng đỡ, được hạnh phúc vui tươi trong bầu khí yêu thương đó. Nếu mọi
người trong gia đình biết sống như thế thì gia đình thật là một Giáo hội nhỏ,
sống trong tình thương, và dâng lên Thiên Chúa những của lễ thiêng liêng là
những hoạt động hằng ngày của gia đình. Như thế, dù chúng ta ở đâu, gần nhà thờ
hay xa nhà thờ, gia đình chúng ta vẫn là một đền thờ tốt đẹp quí
báu.
Gia đình là một trường rất tốt để dạy đức tin cho con cái.
Có nhiều người trong gia đình chỉ lo làm ăn và nuôi dưỡng phần tự nhiên cho con
cái. Điều đó tốt thôi, nhưng nếu xao lãng không quan tâm một chút nào đến việc
dạy dỗ đức tin cho con cái thì là một thiếu sót lớn. Đàng khác, có nhiều gia
đình cũng quan tâm đến việc ấy nhưng lại ỷ vào người khác như các cha, các tu
sĩ, các giáo lý viên, các hội đoàn. Như vậy cũng không được. Đã đến lúc những
người làm cha mẹ phải ý thức: công việc đó trước tiên là công việc của mình và
chính mình phải chịu trách nhiệm về đức tin của con cái trước mặt Thiên Chúa
sau này, như trong Hiến Chế về Giáo Hội, Công Đồng Vaticanô II đã nói: "Những người đầu tiên phải lấy lời nói và gương
sáng mà dạy dỗ đức tin cho con cái chính là cha mẹ" . Thực
vậy, gia đình là trường dạy đức tin cho con cái tốt nhất, vì không phải chỉ dạy
một tuần một hai giờ mà dạy hằng ngày, luôn luôn. Nếu các người làm cha mẹ có
lòng tin vững chắc, biết truyền lại cho con cái niềm tin của mình, bằng lời dạy
dỗ, bằng gương sáng trong cách ăn ở hằng ngày, thì con cái chắc chắn sẽ theo
đường lối ấy.
Người dẫn 3: Gia đình là tế bào sống động của quốc gia, của nhân loại,
cũng như của Hội Thánh. Tế bào căn bản này có khỏe mạnh và phát triển, thì toàn
thể thân xác mới khỏe mạnh và phát triển. Sức khỏe và sự ổn định của gia đình
ảnh hưởng tới sức khỏe và sự ổn định của quốc gia và Giáo Hội. Chính vì thế
chúng ta phải đem vào trong gia đình một tinh thần Kitô giáo đích
thực. Một gia đình đích thực phải hiệp nhất và trở nên một: Một tư
tưởng, một ước muốn, một cõi lòng, một con tim. Người cha tìm kiếm cơm áo,
người mẹ phân phát cơm áo và con cái thì lãnh nhận máu huyết và sự sống nơi cha
mẹ. Người cha thì giống với Đức Kitô là đầu nhiệm thể. Người mẹ thì giống với
Giáo Hội, còn con cái thì giống những chi thể trong nhiệm thể
ấy.
Hãy đón nhận và thực thi tinh thần hợp nhất. Là con cái, hãy
nhìn thấy Đức Kitô nơi người cha, hãy yêu mến và trọng kính Đức Kitô nơi người
cha của mình. Trong khi đó, những người cha hãy sống như Đức Kitô và điều hành
gia đình của mình trong tinh thần yêu
thương.
Hãy xây dựng gia đình mình trong tinh thần hợp nhất như các
chi thể hợp nhất với nhau và nhất là như Đức Kitô hợp nhất với Giáo Hội của
Ngài. Tình yêu gia đình là tình yêu tự nhiên nhất, sớm sủa nhất và lành mạnh
nhất. Gia đình phải là một tổ ấm tình yêu, để rồi lại trở thành nền tảng cho
mọi thứ tình yêu khác. Tuy nhiên, tình yêu nào mà lại chẳng có hy sinh. Tình
yêu thiếu hy sinh là tình yêu dỏm. Hy sinh thiếu tình yêu là hy sinh thừa. Tình
yêu trong tổ ấm gia đình không phải là một luật trừ, cho dù gia đình gồm toàn
những người rất thánh, cũng khó tránh khỏi những chuyện làm buồn lòng nhau. Vì
thế, điều quan trọng không phải là tránh được hết mọi chuyện không vui, nhưng
là biết lợi dụng tất cả những vui buồn để dắt nhau về cõi phúc. Nếu biết hiểu
như thế, nhất là nếu biết thực hiện như thế, thì gia đình sẽ vừa là tổ ấm tình
yêu, vừa là nơi đặt nền cho mọi tình yêu thương, hiệp nhất.
III. TẠ ƠN VÀ DÂNG HIẾN
Một người:
Lạy
Chúa Giêsu, chỉ vì yêu mà Chúa ước ao, khát khao ăn lễ Vượt Qua này/ và thiết
lập một lễ Vượt Qua mới đó là bí tích Thánh Thể/ để ở lại mãi với mọi người
chúng con.
Cộng đoàn hát:
Con
xin tin kính sấp mình thờ lạy Chúa và dâng tiến lên niềm yêu mến trung thành.
Từ nay con quyết sống tình yêu Chúa. Ở nơi thế gian và trên chốn thiên đình
Một người:
Chỉ
vì yêu/ mà Chúa muốn kết hợp với chúng con như cây liền cành, như đầu kết hợp
với toàn thân qua việc Người tự nguyện trở nên của ăn của uống, để đến tận cùng
tế bào máu thịt của chúng con . Không phải một của ăn sẽ biến đi nhưng là của
ăn đem lại sự sống đời.
Cộng đoàn hát:
Con
xin tin kính sấp mình thờ lạy Chúa và dâng tiến lên niềm yêu mến trung thành.
Từ nay con quyết sống tình yêu Chúa. Ở nơi thế gian và trên chốn thiên đình
Một người:
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết tìm và nhận ra tình yêu thương cứu
độ mà Chúa muốn dành cho chúng con qua Bí tích Thánh Thể/ để chúng con năng
chạy đến với Người trong mọi biến cố vui buồn trong cuộc sống.
Cộng đoàn hát:
Con
xin tin kính sấp mình thờ lạy Chúa và dâng tiến lên niềm yêu mến trung thành.
Từ nay con quyết sống tình yêu Chúa. Ở nơi thế gian và trên chốn thiên đình
Một người:
Vì
tình yêu/ mà Chúa đã thí mạng sống vì ta, thì ta cũng phải thí mạng sống vì anh
em. Chúa ơi! Chúng con khát khao yêu mến cha mẹ con, anh chị em con,bạn bè con
và hết mọi người như Chúa đã yêu.
Cộng đoàn hát:
Con
xin tin kính sấp mình thờ lạy Chúa và dâng tiến lên niềm yêu mến trung thành.
Từ nay con quyết sống tình yêu Chúa. Ở nơi thế gian và trên chốn thiên đình
Một người:
Chúng
con khao khát được nên giống Chúa, trao tặng chính mình cho những người trong
gia đình con, những người sống xung quanh con. Trao tặng lời cầu nguyện, thời
giờ, sức lực, vật chất và chính sự sống của chúng con.
Đọc Chung:
Lạy
Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con cảm tạ Chúa vì tình yêu cao cả Chúa đã bạn tặng
cho chúng con. Người không chỉ diễn tả tình yêu qua khổ nạn, chết và phục sinh
mà thôi. Tình yêu ấy còn tiếp diễn cho đến hôm nay, khi Người biến tấm bánh hư
hèn thành thân mình phục sinh của Người, để ai lãnh nhận bánh ấy cũng được biến
đổi từ sự chết đến sự sống.
Vạn
lạy Chúa, xin cho chúng con không chỉ cảm tạ bằng lời nói suông, mà bằng chính
cuộc sống của mình, khi biết sống vâng lời, sống trung thực, khi chúng con biết
sống yêu thương. Xin hãy thắp sáng tình yêu Chúa nơi chúng con/ hầu chúng con
có thể hiến thân cho anh chị em/ như Chúa đã hiến thân cho chúng con. Amen.
IV.KẾT
THÚC
ĐỌC KINH DÂNG GIA ĐÌNH
Lạy Chúa là Cha chúng con,/ chúng con tin thật Chúa là Đấng dựng nên mọi
sự và hằng thương yêu chăm sóc mọi loài./ Xin Chúa nhậm lời gia đình chúng con
cầu nguyện./ Chúa đã muốn cho chúng con làm thành một gia đình Công giáo,/ một
cộng đoàn yêu thương,/ để làm bằng chứng tình thương của Chúa đối với mọi gia
đình.
Xin Chúa cho mọi người trong gia đình chúng con sốt sắng thờ phượng kính
mến Chúa,/ và hết lòng hòa thuận thương yêu nhau./ Xin Chúa cho chúng con nhiệt
thành sống đức tin,/ hôm sớm cầu nguyện chung với nhau,/ làm cho gia đình trở
thành một đền thờ sống động của Chúa,/ siêng năng tham dự phụng vụ của Hội
Thánh,/ chuyên cần học hỏi lời Chúa và đem ra thực hành./ Trong khi mỗi người
chúng con ra sức làm việc,/ cũng như lúc gia đình được vui mừng hoặc gặp thử
thách,/ xin Chúa cho chúng con biết luôn luôn tin tưởng vào Chúa quan phòng./ Đối
với mọi gia đình xung quanh,/ xin Chúa cho chúng con biết thật tình yêu mến/
sẵn sàng chia sẻ vật chất cũng như tinh thần,/ nhất là chia sẻ Tin Mừng tình
thương của Chúa.
Lạy Chúa,/ chúng con xin dâng gia đình chúng con cho Chúa./ Chúng con
nguyện xin luôn sống theo gương Thánh Gia Thất mỗi ngày./ Xin Chúa chúc lành
cho mọi người trong gia đình chúng con,/ có mặt cũng như vắng mặt,/ còn sống
hay đã qua đời,/ hầu bây giờ chúng con trở nên ánh sáng tình thương của Chúa, /
và ngày sau được phước sum họp với Chúa muôn đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét