Trang

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC - PHỤNG VỤ - TUẦN II



     Thưa cha, xin cha giải thích  BÍ TÍCH THÁNH THỂ LÀ GÌ VÀ QUAN TRỌNG RA SAO?

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Thánh Công Đồng Vaticanô II, trong  Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium  (SC)  đã nói rõ  như sau về Phụng Vu Thánh nói chung và Thánh lễ Tạ Ơn nói riêng:
“Phụng Vụ là tột đỉnh mà hoạt động của Giáo Hội qui hướng về, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội… Vì thế, Phụng Vụ, nhất là Thánh lễ Tạ Ơn, như là nguồn mạch từ đó ân sủng tuôn tràn trong chúng ta và làm cho con người được thánh hóa trong Chúa Kitô một cách vô cùng hứu hiệu; đồng thời Thiên Chúa được tôn vinh: đây cũng là cứu cánh của mọi công việc khác của Giáo Hội” ( x. SC, số  10).
Nói rõ hơn, Phụng Vụ Thánh là toàn bộ việc thờ phương, tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa  mà Giáo Hội cử hành nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi), Đấng đã tự hiến mình làm của lễ hoàn hảo và đẹp lòng Chúa Cha nhất để xin ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý ( 1Tm 2, 4).

Trong Bữa Ăn cuối cùng với Nhóm Mười Hai Tông Đồ, trước khi bị trao nộp, Chúa Giêsu đã thiết lập hai Bí tích rất quan trọng là Bí Tích Thánh Thể và Truyền Chức Thánh để Thầy ở lại cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). 
 Trước hết, Người cầm bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra  trao cho các  các Tông Đồ hiện diện và nói “ anh  em cầm lấy  mà ăn, đây là mình Thầy”.  Sau đó,  Chúa cũng trao chén rưoụ cho các ông và nói: “Đây là máu Thầy, máu giao ước, đổ ra vì muôn người”. Sau  khi trao Mình và Máu Người cho các Tông Đồ, Chúa Giêsu nói tiếp: “Anh  em hãy làm như Thầy vừa làm để  tưởng nhớ đến Thầy”. Đây là Bí Tích truyền Chức  Thánh để Giáo Hội tiếp tục cử bành Bí tích Thánh Thể để diễn lại  Bữa ăn cuối cùng của Chúa (Mt 26,26-28; Mc 14,22-24; Lc 22, 19-20; 1 Cor  11, 23-25).
 Thánh lễ Tạ Ơn không những diễn lại cách bí tích Bữa Ăn cuối cùng của Chúa Giêsu mà  quan trọng hơn nữa là diễn lại Hy Tế thập giá của Người một lần  trên đồi Can-vê xưa kia, khi Người bị treo trên thập giá và đổ máu mình ra. Và đây là  “máu giao ước” đổ ra để cứu chuộc cho muôn người được  sống mỗi lần hy tế đền tội này được tái diễn cách bí tích trên bàn thờ ngày nay.
Bởi thế, khi tham dự Thánh lễ Tạ Ơn, chúng ta được tham dự  Bữa Ăn của Chúa và nhất là được lãnh ơn cứu chuộc của Người, vì “mỗi lần Hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó Chúa Kitô, Chiên vượt qua của chúng ta chiu hiến tế (1 Cor 5,7) thì  công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện” (x. Lumen Gentium số 3).
Nghĩa là mỗi lần Thánh Lễ Tạ Ơn được cử hành trên Bàn thờ ở bất cứ nơi nào trong Giáo Hôi, thì Chúa Kitô lại hiện diện cách bí tích (bí nhiệm) nơi các thừa tác viên con người là linh mục hay giám mục để diễn lại Bữa ăn và Hy tế thập giá của Chúa Kitô  để cho chúng ta, những người sốt sắng tham dự Thánh lễ với tâm hồn trong sạch, được ăn và uống Mình Máu Thánh Chúa như các Tông Đồ xưa trong Bữa tiệc ly cuối cùng. Hơn thế nữa là được lãnh ơn cứu chuộc của Chúa, cùng một ơn mà Chúa đã ban cho những người đã sống  ngay lành và chết đi trước khi Chúa xuống trần gian làm Con Người  và hy sinh mang sống mình “làm giá chuộc cho muôn người”(Mt 20,28). Vì  “ngoài Người ra (Chúa Kitô) không ai đem lại ơn cứu độ, vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta  phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” ( Cv 4,12).
Như vậy, không có việc đạo đức nào trong Giáo Hội lại có giá trị thiêng liêng lớn hơn Thánh Lễ Tạ Ơn (Eucharist) vì Thánh Lễ không phải là việc cử hành  một biến cố đã qua, mà thực chất là diễn lại – hay làm sống lại (make present) cách bí tích Bữa ăn và Hy Tế thập giá của Chúa Kitô trên bàn thờ ngày nay, đúng  như khi xưa chính Chúa đã lập phép Thánh Thể trong bữa ăn sau cùng và dâng mình tế lễ Đức Chúa Cha sau đó  trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại.
Chỉ có sự  khác biệt nhỏ là xưa kia khi dâng Hy Tế Thập giá trên đồi Can-ve, Chúa Kitô vừa là Linh Mục thượng phẩm, vừa là của lễ cử hành trên bàn thờ là cây thập giá. Ngày nay, Chúa mượn tay và miệng lưỡi của các  thừa tác viên con người là linh mục hay giám mục đã được chịu chức thánh thành sự (validly) và hợp pháp (licitly) trong Giáo Hội để dâng lại Hy Tế thập giá trên bàn thờ cho đến ngày mãn thời gian để tiếp tục ban phát ơn cứu độ của Chúa Kitô cho những ai  tin và nhận biết Chúa là  “Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người… Đấng đã tự hiến làm giá chuộc  mọi người” (1Tm 2,5-6).
Ơn cứu chuộc của Chúa được ban phát từ Hy Tế thập giá căn cứ vào chính lời Chúa Giêsu đã nói với các Tông Đồ khi Người trao chén máu Người cho các ông uống:
Anh  em hãy nhận lấy mà uống, vì này là chén máu Thầy
Máu giao ước mới và vĩnh cửu
Sẽ đổ ra cho anh  em và nhiều người được tha tội
Anh  em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Kinh Nguyện Thánh Thể  I, II, III, IV).
Như thế mỗi lần Hy tế thập giá được tái diễn trên bàn thờ trong Thánh Lễ Tạ Ơn, thì Chúa Kitô lại đổ máu cách bí nhiệm để ban ơn cứu chuộc của Người cho chúng ta ngày nay như xưa ơn này được ban cho những người đương thời với Chúa và cho  cả những người đã chết trước khi Chúa chịu hiến tế cũng như  còn cho những người sinh ra trong tương lai cho  đến ngày mãn thời gian.
Cũng cần phải nói thêm là chỉ có linh mục hay giám mục trong Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo Đông Phương (Easter Orthodox Churches) mới có thể dâng Thánh Lễ Tạ Ơn cách hữu hiệu mà thôi. Sở dĩ thế, vì nơi các Giáo phái chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo như  các nhánh Tin Lành và Anh Giáo (Anglican Communion) đều không có Bí Tích Truyền Chức thánh hữu hiệu, vì họ không có truyền thống Tông Đồ (Apostolic succession) nên họ  không có Chức Linh mục hữu hiệu để cử hành hữu hiệu bí tích Thánh Thể và Hy tế thập giá của Chúa Kitô, mặc dù họ có diễn lại bữa ăn của Chúa và cũng bẻ bánh và uống rượu.
Chính vì lý do này mà sau khi các mục sư Tin Lành hay  các cựu linh mục và giám mục Anh Giáo trở lại với Giáo Hội Công Giáo, phải được học thêm và chịu chức linh mục của Giáo Hội, nếu họ muốn tiếp tục làm linh mục. Chỉ có một đặc ân cho họ là họ được phép tiếp tục sống với vợ con sau khi chịu chức để làm mục vụ trong Giáo Hội Công Giáo.
Trở lại với Bí tích Thánh Thể cử hành trong khuôn khổ Thánh Lễ Tạ Ơn, cần nhấn mạnh thêm một lần nữa là theo lời dạy của Thánh Công Đông Vaticanô II, Thánh Lễ là “nguồn mạch và là chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo” (LG, số 11).
Giáo lý của Giáo Hội cũng dạy rằng: “Thánh Thể là trung tâm điểm và là đỉnh cao của mọi sinh hoạt Giáo Hội, vì trong Bí tích này Chúa Kitô  liên kết Giáo Hội và các chi thể của Giáo Hội vào Hy tế ngợi khen và cảm tạ của Người, được hiến dâng một lần là đủ trên thập giá cho Chúa Cha. Nhờ Hy tế này, Chúa Kitô ban xuống tràn đầy các ân sủng của ơn cứu độ cho Thân thể Người  là Giáo Hội(x. SGLGHCG số 1407).
 Nói khác đi, tất cả đời sống và hoạt động của Giáo Hội đều phải được bổ dưỡng bởi ơn Chúa xuất phát từ Hy tế thập giá của Chúa Kitô để giúp Giáo Hội chu toàn sứ vụ được trao phó là tiếp tục rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô cho mọi dân trên khắp địa cầu để đạt  mục đích mà chính Thiên Chúa mong muốn là “cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1Tm 2, 4).
Riêng về phần tín hữu giáo dân, ơn sủng của Thánh Lễ Tạ Ơn  còn cần thiết hơn nữa vì sống giữa  thế gian, người tín hứu Chúa Kitô rất cần ơn thánh để sống đức tin  giữa bao thách đố và làm chứng nhân cho Chúa Kitô trước mặt người đời để họ thấy những công việc tốt đẹp anh  em làm, mà tôn vinh Cha của anh  em, Đấng ngự trên trời (Mt 5,16).
 Quả thật, Thánh lễ là nguồn ban phát mọi ơn lành của Thiên Chúa, Cha chúng ta ở trên trời, nhất là ơn cứu rỗi của Chúa Kitô, Đấng đã đỏ máu ra trên thập giá  để cứu chuộc cho toàn thể nhân loại khỏi phải chết đời đời vì tôi. Nhưng cho được lãnh ơn cứu chuộc của Chúa Kitô, con người phải có  thiện chí cộng tác với ơn Chúa để quyết tâm xa tránh tội lỗi và sống theo đường lối của Chúa và qua “của hẹp mà vào sự sống vĩnh cửu  trên Nước trời mai sau.
Vì thế, mọi tín hữu trong Giáo Hội đều được mời gọi tích cực tham dự Thánh lễ Tạ Ơn cách sốt săng và với tâm hồn trong sạch để trước hết nghe lời Chúa trong phần Phung vụ lời Chúa (Liturgy of the word) và rước Chúa Kitô vào lòng trong phần Phụng vụ Thánh Thể (Liturgy of Eucharist)
Phải nhấn mạnh điều kiện sách tội, nhất là tội trọng vì nếu ai đang mắc tội này và chưa được tha qua bí tích hòa giải  thì không được phép  làm lễ (linh mục) và rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô (giáo dân) trong Thánh Lễ (x.SGLGHCG số 1415; Giáo luật số 916).
Lời Chúa và Mình Máu thánh Người là của ăn nuôi linh hồn chúng ta và cho ta hy vọng được sống muôn đời như Chúa Giêsu đã hứa:
 Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta
Thì được sống muôn đời
Và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54).
Khi tham dự Thánh lễ, mọi tín hữu dâng mọi vui buồn, sướng khổ của mình kết hợp với sự đau khổ của Chúa Kitô xưa trên thập giá để cùng dâng lên Thiên Chúa làm của Lễ xin ơn tha thứ và cứu chuộc cho chúng ta mỗi khi tham dự Thánh lễ.
Đây  cũng là cách thức thi hành chức vụ Tư Tế chung hay thông thường của các tín hứu (ordinary or common priesthood of the laity) khác với chức tư tế thừa tác hay phẩm trật  của hàng giáo sĩ (ministerial or hierarchical priesthood of the clerics). Hàng giáo sĩ đây là các linh mục và giám mục họp  thành hàng tư tế (Sacerdos) để dâng Hy tế Thập giá trên bàn thờ nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi)  là “Thượng Tế theo  phẩm theo phẩm trật Men-ki-xê-đê”  (Dt 5,10).
Tóm lại, Thánh Lễ Tạ Ơn quả thực là suối nguồi tuôn chảy ơn Chúa cho mọi người tham dự với lòng sốt sắng và ý thức đầy đủ về những lợi ích thiêng liêng to lớn của việc thờ phượng, ca ngợi, tạ ơn và xin ơn  Chúa mỗi khi cử hành và tham dự Thánh Lễ này.
Chúng ta cùng cảm tạ Chúa Kitô đã biến mình làm của ăn của uống nuôi sống linh hồn chúng ta và nhất là đã hiến mạng sống mình, đã đổ máu ra một lần xưa kia trên thập giá và tiếp tục dâng Hy tế  đền tội này ngày nay trên bàn thờ ở khắp mọi nơi trong Giáo Hội, là Hiền thể và là Thân thể nhiệm mầu của Chúa trên trần gian.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét