BÁT ĐẠO THƯỜNG
TRƯỞNG THÀNH NHÂN CÁCH KITÔ GIÁO
THEO GƯƠNG CHÚA GIÊSU KITÔ
Bạn thân mến,
Cuộc sống con người là một tiến trình hội nhập, phân hoá, tăng trưởng và hoàn
thiện không ngừng trong ơn gọi làm người. Ai cũng mong muốn mình trở nên con người
có nhân cách trưởng thành và hoàn hảo. Đặc biệt, người Kitô hữu phải sống làm
sao để mọi người nhận biết chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu (Ga
14,35). Sống ơn gọi làm người Kitô hữu là tiếp tục phát huy nhân cách của mình để
đạt tới nhân cách viên mãn theo mẫu gương Đức Kitô, trở nên đồng hình, đồng dạng
với Người, có những tâm tình và tâm trạng như Người. Chúng ta luôn ý thức rằng ơn
gọi làm người Kitô hữu là một hành trình xuyên qua cái chết, chết đi cho tội
lỗi để đi đến một sự sống mới, sự sống tự do và tràn đầy Thần Khí nhờ Chúa
Giêsu Kitô. Vậy, chúng ta hãy cương quyết bước theo Đức Kitô chịu Khổ Nạn, chịu
chết và Phục Sinh là con đường duy nhất để kiện toàn nhân cách Kitô giáo nơi
mỗi người chúng ta.
Vậy, xin mời các bạn cùng với tôi đi Tám
Con Đường: YÊU THƯƠNG, THA THỨ, KHIÊM NHƯỜNG, PHỤC VỤ, CHIA SẺ, CÔNG CHÍNH, THẢO KÍNH VÀ LƯƠNG THIỆN để Trưởng Thành Nhân Cách
theo Gương Chúa Giêsu Kitô.
THỨ NHẤT
CON ĐƯỜNG YÊU THƯƠNG
Bạn thân mến,
Trọn cuộc sống dương gian của Chúa Giêsu, từ lúc chào đời cho đến chết và
phục sinh, được gồm tóm trong hai chữ “YÊU THƯƠNG”. Thứ nhất, vì yêu thương, “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không
phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút
bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần
thế” (Pl 2,6-7). Thứ hai, vì thương yêu, Chúa Giêsu đã mạc khải Chúa Cha
(Ga 8,19) và căn tính của mình cho mọi người biết Ngài là Con Thiên Chúa (Ga
10,36), là Đấng Mêsia (Ga 1,36-41) được Chúa Cha sai đến (Ga 3,17a). Ngài còn mạc
khải Nước Thiên Chúa để phàm ai tin vào Ngài sẽ được Nước ấy làm gia nghiệp (Ga
3,5) và được sống muôn đời (Ga 3,15). Thứ ba, vì yêu thương, Ngôi Hai Thiên Chúa
đến thế gian như người tôi tớ phục vụ và cứu độ hết mọi người (Ga 5,20-27). Thứ
tư, vì yêu thương, Chúa Giêsu đã hiến thân mình trên cây thập giá để cho mọi người
được hưởng tình yêu dạt dào của Thiên Chúa (Ga 14,1-3).
Vì vậy, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng yêu là hy sinh tính mạng cho người mình
yêu (Ga 15,13); yêu là hoà thuận với mọi người, sống con thảo với Chúa (Mt
5,21-26; Mt 7,1-2), yêu hết mọi người không trừ một ai (Lc 6,27-42), tha thứ
cho nhau (Lc 23,33-34) và phục vụ tha nhân (Mt 20,24-28). Từ bài học đó Thánh
Phaolô xác tín: “Giả như tôi nói được các
thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì
tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được
ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được
tất cả đức tin đến chuyển núi đời non, mà không có đức mến, thì tôi chẳng là gì.
Giả như tôi có đem hết gia tài bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt,
mà không có đức mến, thì chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,1-3).
Từ yêu bản năng và yêu
trưởng thành
Hãy
nhìn tình yêu từ cuộc sống này để nhìn tình yêu của Cha trên trời! Đức Giáo
Hoàng Bênêditô XVI trong Thông điệp Deus
Caritas Est, nói rằng cần phân biệt tình yêu có hai chiều kích và hướng tới
của nó hoàn toàn khác nhau. Khi yêu ai, chúng ta chỉ muốn thoả mãn cho riêng
mình; người yêu chỉ là phương tiện để tôi sử dụng và trục lợi cho mình. Và như
thế, khi người yêu không đáp ứng nổi những đòi hỏi của mình, không làm mình
thoả mãn, chúng ta dễ dàng “sa thải” họ ngay không thương tiếc. Ngài gọi tình
yêu này là tình ái (eros). Con người thường trải qua tình yêu ích kỷ này để rồi
đụng chạm với những khác biệt trong đời sống, những hy sinh, từ bỏ, những thập
giá, ngõ hầu tình yêu mỗi ngày được chữa trị và thanh luyện dẫn đến một tình
yêu trọn vẹn hơn gọi là tình bạn hữu (philia). Tình yêu chân thật Kitô giáo là
tình yêu vì người mình yêu, hạnh phúc và sự phong phú của họ. Tình yêu ấy trở
thành một sự từ bỏ dứt khoát, sẵn sàng dâng hiến cái tôi của mình cho người
mình yêu (Ga 15,13). Chính lúc chúng ta trao ban, ta gặp lại chính mình trong
sự phong phú nhất, đó là chân lý của Tin mừng: “Ai yêu quý mạng sống mình,
thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho
sự sống đời đời” (Ga 12,25). Đây mới là tình yêu đích thực (agape). Cho
nên, Thánh lễ chúng ta cử hành chính là bữa tiệc agape mà Thiên Chúa thiết đãi
chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô.
Nhờ
gắn bó với Chúa Kitô Phục sinh, chúng ta được Kitô hoá trong Ngài. Vì: “Chúng ta được hiện hữu trong Đức Kitô Giêsu
(1Cr 1,30), được kêu gọi hiệp thông với Đức Kitô (1Cr 1,9), được Chúa Cha tiền
định trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng
tử giữa một đoàn em đông đúc” (Rm 8,29). Vì vậy, Chúa Giêsu đã lập Bí tích
Thánh Thể, như phương cách để con người được hiệp thông với Ngài và hiệp thông
với nhau trong Ngài cách thiết thực nhất: “Ai
ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy… Kẻ ăn
tôi sẽ nhờ tôi mà được sống (Ga 6,56-57), được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người
ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54).
Hơn nữa, mỗi lần cử hành Thánh Thể, chúng ta loan truyền
Chúa chịu chết và tuyên xưng Ngài sống lại, cho đến khi Ngài lại đến. Bởi thế,
trong mỗi Thánh lễ, cuộc Thương khó của Chúa Giêsu được hiện tại hoá, và chúng
ta được lôi kéo lên với Chúa Giêsu, để lại được đón nhận Lời của Ngài với tất
cả nội dung hàm chứa trong đó. Chính trong cử hành Thánh Thể, chúng ta có sự
hiện diện thiết thực của Chúa Giêsu Kitô thụ nạn và phục sinh, Đấng tham dự
trọn vẹn vào kiếp người để cứu con người, và đồng thời vẫn là Con Thiên Chúa
làm trọn Thánh ý yêu thương cứu độ của Thiên Chúa Cha. Chính nhiệm tích Thánh
Thể là bí tích tình yêu, Thiên Chúa trao ban mình cách sung mãn, trong đó bao
gồm các thực tại của Nhập thể và Cứu chuộc qua Khổ nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu
(x.1Cr 11,26), cùng với Thánh Thần được thông ban (x.Ga 14,16.19). Đó là tất cả
kho tàng của Giáo hội, cũng là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu.
Tình yêu vị kỷ và vị tha
Đời sống Kitô hữu là cuộc tình của mình với Thiên
Chúa. Cuộc sống con người chan chứa tình yêu và hiệp thông với Thiên Chúa đời
đời. Vì thế cuộc sống đức tin của chúng
ta phải nỗ lực thực hiện cuộc cách mạng yêu thương để làm sao mình không phải
là tâm điểm mà chính Chúa và tha nhân là tâm điểm, và mình phải xoay quanh chứ
đừng bắt Chúa và tha nhân phải xoay quanh mình. Nhưng Chúa ở đâu bây giờ và lúc
này? Tha nhân là ai? Chúa ở nơi những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày (Mt
25,40).
Mỗi người tín hữu phải là một Kitô khác để có thể hiểu và
cảm thông với tha nhân. Một Kitô khác có nghĩa rằng chúng ta đừng khác với Ðức
Kitô khi chúng ta sống thiếu vắng tình yêu trong lời nói và việc làm của chúng
ta. Chúng ta đừng khác với Ðức Kitô khi chúng ta sống thiếu sự quan tâm với
những anh em nghèo đói, với những mảnh đời bất hạnh bên đường. Chúng ta đừng
khác với Ðức Kitô khi chúng ta sống trong bùn nhơ của tội lỗi, của sự thiếu
trong sạch, thiếu công bình và bác ái với tha nhân. Chúng ta đừng khác với Ðức
Kitô khi chúng ta hà khắc, kết án anh em một cách đoạn tuyệt và thiếu lòng bao
dung. Chúng ta hãy nên giống Chúa Kitô khi chúng ta hiện diện với ai là chúng
ta đem đến cho họ niềm vui và hạnh phúc. Chúng ta hãy nên giống Chúa Kitô để
chúng ta có thể gieo vãi yêu thương, hạnh phúc vào cho nhân thế qua việc phục
vụ và dấn thân quảng đại của chúng ta. Chúng ta hãy nên đồng hình đồng dạng với
Ðức Kitô để có thể tha cho kẻ làm hại chúng ta, để có thể quên đi lỗi lầm của
anh em và dám hy sinh quên mình mà vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa. Chẳng
hạn, Chân Phước Têrêxa Calcutta là Nhà Truyền Giáo của Tình Thương Bác Ái, đã dâng hiến trọn vẹn cuộc
đời, để phục vụ những anh chị em nghèo cùng nhất, với sức mạnh múc lấy từ tình
thương đối với
Chúa Kitô. Sứ mạng của Mẹ Têrêsa bắt đầu mỗi ngày, trước lúc rạng đông, trước
Bí Tích Thánh Thể. Trong thinh lặng của sự chiêm ngắm, Mẹ đã lắng nghe vang dội
lời nói của Chúa Giêsu trên thập giá: Ta khát. Lời Kêu Vang nầy, được đón nhận
trong cỏi thâm âu của tâm hồn, đã thôi thúc Mẹ tiến đi trên các đường phố
Calcutta và khắp nơi trên thế giới, để đi tìm Chúa Giêsu trong người nghèo,
người bị bỏ rơi, người hấp hối sắp chết.
Cho nên, mỗi tín hữu Kitô hãy đi con đường Chúa Giêsu đi: đó
là hãy ra khỏi chính mình để đến với anh em. Hãy tìm đến những con người khổ
đau, nghèo đói đang cần tình thương. Hãy hội nhập với đời để đem Đạo vào đời,
để sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc. Hãy mạnh dạn mang Tin Mừng của Chúa thẩm
thấu vào trong thế gian nơi đó còn những khuyến khuyết của tình người, của tính
lương thiện, của nhân cách và phẩm giá. Chúa đã đi vào đời để gieo chân lý,
niềm tin và hy vọng. Là Kitô hữu, chúng ta phải vượt qua mọi trở ngại của tính
ích kỷ chỉ sống cho riêng mình, để dấn thân vào mọi môi trường chúng ta đang
sống. Hãy đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăm nhục, và đem
chân lý vào chốn lỗi lầm. Đặc biệt đem bình an của Chúa đến với anh chị em thất
vọng.
Nhìn
chung, tình yêu thuở ban đầu thường nhiễm màu vị kỷ, chúng ta phải tập luyện để
thoát ra khỏi tình trạng ấu trí ấy, để tiến đến một tình yêu vị tha, một tình
yêu trưởng thành, đó là chúng ta sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, để
làm vui lòng người mình yêu. Chúng ta không đòi người yêu đáp ứng nhu cầu của
chúng ta mà là chính chúng ta luôn sẵn lòng đáp ứng nhu cầu người mình yêu.
Tình yêu vị tha còn là tình yêu hiến dâng, bất chấp mọi trở ngại để đến được
với nhau. Ðó chính là tình yêu cao qúy mà Thiên Chúa đã
dành cho chúng ta. Ngài đã thi thố tình thương của mình ngay cả khi chúng ta
còn là tội nhân. Ngài đã quan phòng gìn giữ cuộc đời chúng ta bằng biết bao ơn
lành hồn xác. Ngài sẵn lòng chết để cứu độ chúng ta.
Vì
thế, chúng ta cũng phải có một tình yêu vị tha để chúng ta đến với Chúa không
cầu mưu lợi cho bản thân mà mong cho danh Cha cả sáng. Chúng ta yêu mến Chúa
hết lòng hết sức không phải vì Chúa ban cho chúng ta lợi lộc này, lợi lộc nọ mà
vì Chúa là lẽ sống, là hơi thở của chúng ta. Yêu mến Chúa cũng mời gọi chúng ta
có lòng vị tha với tha nhân để chúng ta loại trừ những hình thức lợi dụng,
nhưng toan tính tầm thường mà sống cao thượng hơn với anh em. Chẳng hạn, Thánh
Gioan Phaolô II Giáo Hoàng chứng nhân của lòng tha thứ cho kẻ thù. Vào ngày
13.5.1981, tên khủng bố Mehmet Ali Agca, người Thổ Nhĩ Kỳ, đã cố ý giết chết
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bằng ba phát súng lục trong một cuộc tiếp kiến
chung tại quảng trường Thánh Phêrô ở Roma.
Sau khi bình phục, chính Ngài đã đến thăm và tha thứ cho tay súng Mehmet
Ali Agca đang bị giam trong tù.
Ước gì
Mùa Chay thánh năm này tất cả mọi người chúng ta thật sự được tình yêu Chúa
đong đầy và thúc bách chúng ta hãy ra đi làm khí cụ bình an của Chúa “Để
con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nới lăng nhục, đem an hòa
vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi
nghi nan chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm
đem niềm vui đến chốn u sầu. Biết tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm
hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến
yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc
gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi
là khi vui sống muôn đời.
Lạy Chúa, xin mở rộng lòng chúng
con, xin thương ban xuống cho chúng con lòng đầy thiện chí, ơn an bình”.
3. Tự vấn và quyết tâm thực hành
1. Nhìn lại đời mình, từ khi sinh ra cho đến giờ, Chúa
yêu tôi như thế nào?
2. Nhìn lại đời làm con Chúa, từ khi chịu Phép Rửa Tội
cho đến giờ, tôi yêu Chúa như thế nào?
3. Giáo lý viên tôi yêu tha nhân thật sự chưa? Ở mức độ
nào? Cụ thể như thế nào?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét