Trang

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC TÍN LÝ VÀ LUÂN LÝ -Tuần VII




 Con đi lễ và thấy các bài giảng của các cha luôn nói đến hai từ " luân lý". Thật lòng con vẫn chưa hiểu khái niệm. Xin cha có thể giải thích? 


Văn hóa Phương Tây phân biệt luân lí qua hai từ: “morality” và “ethics”. Thứ nhất, “morality” (đạo đức, đạo lý, đạo nghĩa), đó là một thứ luân lí mà dân chúng nên học hỏi hoặc được giáo dục hoặc chịu ảnh hưởng của các tập quán đạo lí của xã hội, ví dụ "Tiên học lễ hậu học văn"; cũng như của gia đình, chẳng hạn, “đi thưa về trình, tôn ti trật tự”. Dân chúng phải tuân hành để sống và thể hiện tinh thần của luân lý đó qua nhân cách của mỗi người trong cộng đồng.

Thứ hai, “ethics” (đạo đức học) thông thường được hiểu là một môn học đạo đức, được nghiên cứu viết ra và được dùng giảng dạy trong các lớp học đạo đức ở nhà trường, như là một môn học kiến thức để học trò hiểu và biết cách thức phân tích, nhận định về đạo đức. Tuy nhiên, người học trò KHÔNG BỊ RÀNG BUỘC PHẢI CHỌN cho mình một thái độ luân lý nào trong đó. Tức, môn luân lý này không nhất thiết bắt buộc người học phải áp dụng và tuân giữ trong đời sống của mình.


Còn ở Việt Nam thông thường người ta hiểu luân lý như là những nguyên tắc sống hiền hòa, nhân ái, kính trên nhường dưới, hiếu thảo cha mẹ, thuận hòa anh chị em, không trộm cắp, không gian dối, không giết người, v.v…, và thường được cha mẹ và thầy cô giáo khuyên lơn, dạy dỗ, hoặc được nhắc nhở qua ca dao tục ngữ, ví dụ "ở hiền gặp lành"; "chị ngã em nâng"… cũng như qua những tập tục lễ nghi, hội hè. Đặc biệt ở Việt Nam, ngoài ảnh hưởng của Ngũ giới Phật giáo và Mười điều răn Đức Chúa Trời, (không tham lam, không giết người, không trộm cướp, không loạn luân, v.v…, ) người Việt chúng ta còn chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của những điều luân lý chứa đựng trong Ngũ thường “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” của Khổng giáo.

Luân lý Kitô giáo là gì? Con người không chỉ là một hợp thể nhân - linh, nhưng Kinh thánh dạy con người được Thiên Chúa tạo thành giống hình ảnh Chúa (St 1,26-28): linh hồn bất tử, trí khôn biết suy nghĩ phân biệt điều tốt-xấu, ý chí tự do có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng Tạo thành và được Chúa trao quyền cai quản vạn vật và sử dụng chúng mà ngợi khen Thiên Chúa (St 1, 30; GS 12). Như thế, con người có tương quan mật thiết với Thiên Chúa, một tương quan tùy thuộc, nhờ đó mà con người đạt được hạnh phúc đích thực. Do đó, con người phải hoàn toàn tùy thuộc Thiên Chúa từ khi sinh đến lúc tử. Tất cả cuộc sống con người quy hướng về Thiên Chúa. Không thể giải thích đầy đủ về con người nếu không quy chiếu về Thiên Chúa. Luân lý kitô giáo tìm hiểu những nguyên nhân động lực chi phối đời sống con người, tức đời sống theo ý của Thiên Chúa về tư cách làm con của Thiên Chúa. Luân lý kitô giáo nghiên cứu lẽ sống và cách sống xứng phận con người và con Chúa. Làm người và làm con Thiên Chúa không hề đối nghịch nhau, dù động cơ thúc đẩy sống đạo làm người và đạo làm con Chúa có khác nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét