Trang

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC THÁNH KINH - TÍN LÝ

 TUẦN I

1. Từ lúc nhỏ con đã được giáo dục: tin có Chúa, tham dự Thánh Lễ, chịu các Bí tích, giữ các giới răn... và sự thật là con đã làm rất tốt nhưng theo bản năng, con thấy nó khô khan quá, xin Cha giúp cho!

Thứ nhất thế nào là bản năng? Hành động bản năng là làm theo thói quen, quán tính (dành cho động vật cấp thấp – chẳng hạn, gõ kẻn cho cá ăn). Còn con người là động vật cấp cáo vì có thân xác, có trí khôn, có tâm (linh hồn), đó là hình ảnh của Thiên Chúa. Cho nên, Đavít từng nói: "Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân: Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng, nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương" (Tv 8,-9).
Chính Thiên Chúa đã mặc khải về phẩm giá con người. Phẩm giá cao quý ấy được bộc lộ trọn vẹn nơi Đức Giêsu, Đấng Thiên Chúa làm người, và đã tự đồng hóa mình với những người nghèo khổ, hèn mọn nhất. Chính vì thế, con người trở thành con của Thiên Chúa, và người Kitô hữu phải biết trân trọng con người, những con người cụ thể ta gặp trong cuộc sống, dù là trẻ thơ hay già cả, giàu có hay nghèo hèn, mạnh khỏe hay yếu đau, bạn hay thù… vì tất cả đều là hình ảnh của Thiên Chúa, và Đức Giêsu đang hiện diện trong họ (Mt 25,40).
Chúa tạo dựng con người có xác và hồn cho nên người Kitô hữu ý thức bản chất và vận mạng cao cả của mình, để biết ngẩng đầu lên và hướng lòng đến những sự trên trời. Phát triển kinh tế và những tiện nghi vật chất là điều cần thiết và hữu ích, nhưng chúng ta cũng dễ bị cám dỗ để quên mất rằng “Nhân linh ư vạn vật” và “mang trong lòng những khát vọng vô biên, được mời gọi tới một cuộc sống cao cả hơn” (MV 10) chứ không phải chỉ là vật chất, chết là hết. Vì thế, phải hướng đến việc phát triển con người toàn diện, chứ không chỉ về thân xác và vật chất mà thôi (tức bản năng).  
2. Theo con đạo nào cũng tốt, hay “Đạo nào cũng như Đạo nào, dạy ăn ngay ở lành”. Thưa Cha như thế có đúng không?
          Thứ nhất, Chúng ta không thể phủ nhận việc các Tôn giáo, trong tư cách của mình, có thể thực thi một chức năng cứu độ nào đó, nghĩa là các Tôn giáo có thể giúp con người đạt đến cứu cánh tối hậu của mình, mặc dù còn mập mờ thiếu sót” (Uỷ Ban Quốc Tế Thần Học, Kitô Giáo và Các Tôn Giáo, số 16-19). Chỉ trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, Người là ‘Đường, là Sự Thật và là Sự Sống’ (Ga 14,6), là mạc khải trọn vẹn về chân lý thần linh đã được ban cho con người: ‘không ai biết rõ Người Con, trừ Chúa Cha; cũng không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho’ (Mt 11,27); ‘không ai thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết’ (Ga 1,18). Thật vậy, tất cả mạc khải này, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa cũng như về phần rỗi con người, được sáng tỏ nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất, đồng thời là Đấng Cứu Độ duy nhất đã hoàn thành công trình cứu độ trần gian và bây giờ không còn chờ đợi Đấng nào khác. “Ngoài Người ra không ai đem ơn cứu độ, vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ Danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).
Thứ hai, Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc độc nhất đã thiết lập Giáo Hội như mầu nhiệm cứu rỗi. Chính Người ở trong Giáo Hội và Giáo Hội ở trong Người (Ga 15,1tt). Vì mối liên kết không thể phân ly giữa Chúa Kitô là Đầu, Giáo Hội là thân thể của Người, cho nên, Mầu Nhiệm cứu rỗi của Đức Kitô cũng thuộc Giáo Hội, tất cả những gì của Chúa Kitô, thì Giáo Hội cũng có như vậy. Chính vì sự kết hiệp với tính độc nhất và phổ quát ơn cứu độ của Chúa Kitô, Giáo Hội có sự hiện diện đầy đủ của Chúa Kitô, tức cũng có đầy đủ phương tiện cứu rỗi. Chúa Kitô, Ngài vẫn tiếp tục hiện diện, và công trình cứu độ vẫn luôn được thực hiện ở trong Giáo Hội bằng những phương thế của Giáo Hội (Cl 1,24-27). Người không bao giờ bỏ Giáo Hội của Người, nhưng ở cùng với Giáo Hội mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20), cùng một trật hướng dẫn Giáo Hội nhờ Thần Khí của Người (Ga 16,13). Sau khi Chúa Kitô phục sinh, Ngài trao phó cho Phêrô và các Tông đồ khác phải phổ biến và quản trị Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô (Mt 28,18tt). Giáo Hội này không phải là cái gì đó vô hình, nhưng được cấu tạo bởi những con người và tổ chức như một xã hội trong thế giới, tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, được quản trị bởi Thánh Phêrô và các Giám Mục hiệp thông với người.
Giáo Hội lữ hành trần gian này cần thiết cho sự cứu rỗi của mỗi người, vì chỉ mình Chúa Kitô là Đấng trung gian; con đường cứu độ duy nhất và phổ quát. Người hiện diện giữa chúng ta hôm nay đây trong thân thể Người là Giáo Hội; chính Người đã nói: “Ai tin và chịu Phép Rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16,16), đồng thời ra lệnh cho Giáo Hội Người rằng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 20,19).
Tóm lại, Giáo Hội là Bí Tích phổ quát của ơn cứu rỗi, vì chưng luôn gắn liền một cách mầu nhiệm với Chúa Kitô, Đấng cứu độ trần gian, là Đầu thân thể mình. Cho nên trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Giáo Hội có một quan hệ cần thiết đối với sự cứu rỗi loài người. “Chân lý đức tin này không giảm nhẹ lòng kính trọng chân thành của Giáo Hội đối với các Tôn giáo trên thế giới, nhưng đồng thời cũng tuyên bố quyết liệt rằng không thể chấp nhận não trạng trung lập “Đạo nào cũng tốt"; “phải tuyệt đối tránh mọi hình thức giảm thiểu hay đồng ý hời hợt về đức tin chân thật” (Tuyên Ngôn Dominus Jesus của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, 2000, số 9-10). Bên cạnh đó, Giáo Hội Công Giáo “không hề phủ nhận những gì là chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng chân lý, chân lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên, Giáo Hội rao giảng và có bổn phận kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Đấng là ‘Đường, Sự Thật và là Sự Sống’ (Ga 14,6), nơi Người, con người tìm thấy sự sống Tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hoà mọi sự với mình”.
          Toàn thể nhân loài muôn sắc tộc ngày càng trở nên hiểu biết, thân thiện và cảm thông với nhau hơn nhờ giao thông, thông tin liên lạc hiện đại tân tiến và dễ dàng. Do đó, các dân tộc tiếp xúc, giao lưu văn hoá với nhau ngày càng sâu rộng và thắm thiết. Khi các văn hoá, các Tôn giáo xích lại gần nhau hơn nhờ mối giây yêu thương và tôn trọng nhau, người ta thường có não trạng “Đạo nào cũng tốt” hay “Đạo nào cũng như Đạo nào”. Tuy nhiên, chúng ta phải luôn xác quyết rằng chỉ có một Tôn giáo hay một Đạo duy nhất chân thật, chỉ có một Nhiệm Cục Cứu Rỗi duy nhất và phổ quát do Thiên Chúa ban tặng cho loài người trong Đức Giêsu Kitô và nhờ Thánh Thần của Người. Tôn giáo này tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo và Tông Truyền, Giáo Hội mà Chúa Kitô Giêsu đã uỷ thác nhiệm vụ truyền bá cho mọi người. Vậy, tất cả mọi người đều có nhiệm vụ tìm kiếm chân lý, nhất là những chân lý có liên quan tới Thiên Chúa và Giáo Hội Người, và khi đã nhận biết rồi, họ phải tin theo và tuân giữ, và đương nhiên họ sẽ được cứu độ (1Tm 2,4). 

3. Trong cuộc sống chúng ta thường nghĩ rằng khi gặp sung sướng, hạnh phúc  đó là hồng ân của Chúa, còn khi ta thất bại, đau khổ đó là lúc Chúa thử thách chúng ta. Con có phải tuyệt đối tin vào điều đó không! Con thấy đó như là một sự ngụy biện vì nếu như vậy thì cần gì đến Chúa, vì lẽ thương thành công là nhờ vào công sức của chính mình và thất bại chỉ đơn giản là do mình chưa chuẩn bị tốt hơn thôi. Đã bao lần con cố gắng gạt phắt đi những suy nghĩ đó nhưng nó cứ mãi luẩn quẩn trong đầu con. Xin cha gỡ rối cho!

- Theo bản tính tự nhiên của con người, khi sức khỏe, công việc, hay mọi biến cố xảy ra tốt đẹp, thành công, bình an và hạnh phúc như ý muốn, chúng ta không cảm thấy cần cậy đến sự giúp đỡ và sức mạnh của Chúa. Vì chưng, chúng ta nghĩ rằng đó là do tài năng, trí khôn và sức lực của mình. Thật là một sai lầm! Vì thân xác, tài trí và sức lực của ta ở đâu chẳng phải là Thiên Chúa ban cho ta. Chính Vua Đa-vít nói: "Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi. Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu. Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự" (Tv 139, 13,16). Và "Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bày, thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là chi là Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân" (Tv 8,4-6).
Cho nên, Sách Huấn Ca dạy: "Hãy tin vào Chúa, thì Người sẽ nâng đỡ con. Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người. Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy trông đợi lòng lân tuất của Người, đừng lìa xa Người kẻo ngã. Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy tin vào Người, và các bạn sẽ không mất phần thưởng đâu. Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy đợi trông ơn lành, niềm vui không cùng và lòng thương xót" (Hc 2,6-9). Như thế, Thiên Chúa yêu chúng ta bằng một tình yêu bền vững và bất diệt. Ngài có rất nhiều điều để ban cho chúng ta và Ngài ao ước được giúp đỡ chúng ta bằng bất cứ cách nào. Ngài muốn dành thời gian cho chúng ta. Ngài mong mỏi chúng ta sống cậy vào Ngài để Ngài dạy chúng ta biết luôn sẵn lòng nhận lấy sức mạnh của Ngài, sức mạnh mà chính bản thân chúng ta chẳng bao giờ có được. Đặc biệt, Chúa luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Vì chưng, chính chúng ta không thấy điều chúng ta đang thiếu, nhưng Thiên Chúa thấy tất cả, Ngài sẵn sàng ban cho, nhưng làm sao Ngài có thể ban nếu chúng ta cứ phớt lờ Ngài hoặc gạt Ngài ra bên ngoài cuộc đời của ta?
Người ta thường nói: “đời là bể khổ”. Điều đó cho thấy kiếp người không tránh khỏi đau khổ, đời người là một hành trình đau khổ triền miên. Nhưng chúng ta không tránh khổ mà phải can đảm chấp nhận nó và đi xuyên qua nó để “hóa giải” đau khổ thành niềm vui và hạnh phúc vô biên nhờ cậy dựa vào Chúa. Chính Chúa Giêsu cũng không tránh khổ; Ngài cỡi lừa vào thành Giêrusalem, được người ta tung hô và chào đón bằng những cành lá thiên tuế. Đó chính là lúc Ngài khởi đầu hành trình đau khổ (Mt 21,1-11). Ngài là Người-Tôi-Tớ-Đau-Khổ Khiêm-Nhường, “ hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:7). Cái chết của Ngài khác thường là “chết trên thập giá”, loại khổ hình nhục nhã nhất. Chính vì Ngài chịu đau khổ đến tột cùng mà “Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2:9). Danh hiệu ấy cao cả và quyền năng đến nỗi “khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2:10). "Và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2:11).
Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy cậy trông vững vàng vào Thiên Chúa và hãy can trường chịu những khó khăn, đau khổ vì ơn Chúa luôn đủ cho chúng mình (2Cr 12,9-10). Nếu chúng ta không gặp những phiền muộn hay đau khổ, chúng ta cảm tạ Ngài vì nhờ Ngài mà chúng ta có mọi sự an lành. Trái lại, nếu gặp đau khổ, chúng ta càng hãnh hiện vì Ngài cho phép chúng xảy ra với mục đích lôi kéo chúng ta đến gần Ngài hơn. Ngài đặt chúng ta đối diện với những khó khăn và thử thách, không phải để hành hạ hay trừng phạt chúng ta nhưng để tăng thêm sức mạnh và lòng cậy trông cho chúng ta. Cho nên, Thánh Phaolô xác tín rằng: “gian truân tạo nên chịu đựng; chịu đựng tạo ra sự trung kiên; và trung kiên tạo ra sự trông cậy” (Rm 5,3-4).
 Vậy, sức mạnh của đức tin là lệ thuộc và trông cậy vào Chúa. Nó sẽ giúp chúng ta kiên vững trước trước những khó khăn và thử thách, đồng thời giúp cuộc sống của chúng ta sẽ triển nở, hạnh phúc viên mãn bởi vì chúng ta ngày càng tiến đến gần Ngài và trở nên giống Ngài hơn. Lòng tin cần thiết cho ơn cứu độ (Mt 10,32-33), thì lòng cậy là vũ khí bảo vệ ta trong cuộc chiến để được ơn cứu độ (1Tx 5,8).
Đời sống Kitô hữu tự bản chất hướng về tương lai, hướng về thiên đàng và hướng về sự sống viên mãn của Thiên Chúa. Cho nên, chúng ta luôn luôn phát triển và kiện toàn đức tin nhờ lòng cậy trông. Đời sống đức tin của chúng ta phải luôn sống động, linh hoạt và triển nở chứ không là quà tặng quí báu Thiên Chúa ban đem chôn cất, giữ kín. Chúng ta là những người đang lữ hành, hành trình đức tin của chúng ta còn lắm gian nan, nên cần phải cậy trông vào Thiên Chúa và sẵn sàng phó mình cho một mình Ngài mà thôi. Vậy, chúng ta phải ra công nỗ lực thực hiện mọi điều Chúa Giêsu dạy ngay từ bây giờ, vì chỉ có Ngài là Đường, Sự Thật và Sự Sống không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Ngài (Ga 14,6).
4. Thưa Cha, cha mẹ đã rửa tội nhưng không giữ và sống đạo, sinh con gái cũng rửa tội khi còn nhỏ lên lên không giữ đạo đến khi lấy chồng không có đạo, sinh con. Đùng một cái, ông ngoại nó muốn rửa tội cho cháu có được không?

·        Thứ nhất, theo giáo luật số điều 868: (1) Ðể một nhi đồng được rửa tội cách hợp pháp, cần thiết phải:
1. có sự đồng ý của cha mẹ, ít là của một trong hai, hoặc của người thế quyền cha mẹ theo luật;
2. có hy vọng vững chắc rằng em bé sẽ được giáo dục trong đạo công giáo. Nếu hoàn toàn không có hy vọng, thì phải hoãn việc rửa tội dựa theo các quy định của luật địa phương, sau khi đã cho cha mẹ biết lý do.
(2) Trong cơn nguy tử, một nhi đồng con của cha mẹ công giáo, và thậm chí không công giáo, có thể được rửa tội cách hợp pháp, cho dù trái ý cha mẹ.
          Như vậy, đứa trẻ kia có được cha mẹ nó đồng ý hay không? Nếu không thì khó mà ban bí tích cho em vì sau này đức tin của em sẽ sống ra sao vì cha mẹ, hay người thay thế quyền cha mẹ không sống đạo như nói ở triệt 2.
·        Thứ hai, Bí tích Rửa tội làm cho con người trở nên một với Đức Ki-tô; được làm con Thiên Chúa; mang hình ảnh Người, được sáp nhập vào Hội thánh và trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa.
         Một trong những bản chất Giáo hội kêu gọi mọi tín hữu, luôn biết sống hiệp nhất nên một với nhau trong Đức Giê-su Ki-tô, đó là dấu chỉ điều răn yêu thương mà Đức Giê-su đã dạy. Sự hiệp nhất được biểu lộ qua Bí tích Rửa tội: “Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta thành chi thể trong Thân thể Đức Ki-tô, bởi thế mọi tín hữu là thân thể của nhau, trong cùng một đức tin, một Phép rửa, chỉ có một Thiên Chúa ngự trong con người” (Ep 4,2-6. 25).
Bí tích Rửa tội tháp nhập chúng ta vào Hội thánh, là Dân Thiên Chúa của Giao ước mới … Tất cả đều đã chịu Phép rửa cùng một Thần Khí để trở nên một Thân thể (1Cr 12, 13). Đức Ki-tô là Đầu, còn chúng ta là chi thể của Người: “quả thế, bất cứ ai trong anh em được Thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô ” (Gl 3, 27).
         Khi Rửa tội, mọi tín hữu được thông phần sứ vụ với Đức Ki-tô, và con người với nhau mọi nơi; mọi lúc. Sự kết hiệp này ràng buộc cùng chiều kích đức tin. Điều cốt yếu hiệp nhất là sự tuyên tín của Giáo hội: Duy nhất – Thánh thiện – Công giáo – Tông truyền, nó hướng tất cả nên một không chia lìa.
         Nhờ Bí tích Rửa tội, ta được tháp nhập vào Giáo hội, nghĩa là: có bổn phận; trách nhiệm và quyền lợi được tham dự vào sứ vụ của Giáo hội, chu toàn những gì Giáo hội trao ban và ủy thác. Bí tích Rửa tội làm cho ta trở thành ki-tô hữu mới và được chia sẻ sự sống với Đức Ki-tô, được cứu thoát khỏi cái chết để vào trong Hội thánh (1Pr 3,20.21).
Giáo hội tuyên tín đặc tính Duy nhất của mình, từ nền tảng đó mà mọi thành phần Hội thánh trở nên một. Đây là sự vượt qua ranh giới của mọi giai cấp; chủng tộc; mọi quốc gia; mọi tầng lớp văn hóa … Khi đã trở nên một trong Giáo hội, ta không thuộc về mình, mà thuộc về Đức Ki-tô Phục sinh, và con người có trách nhiệm; quyền lợi của Hội thánh. Thánh Phao-lô nhắn nhủ: một khi được tháp nhập vào Hội thánh, người tín hữu được mời gọi ăn ở khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại, hãy lấy tình bác ái mà cư xử với nhau, hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, để cùng trao nhau tình yêu thương như Đức Giê-su đã thi hành.
Nhờ Phép rửa tội, ta bước vào Hội thánh, trở nên thành phần của Giáo hội, vì vậy, mọi tín hữu mang hai chiều kích vừa là thực tại xã hội; vừa là thực tại siêu nhiên trong Thân thể Đức Ki-tô. Đây là mối dây liên kết mật thiết giữa Hội thánh và người thụ tẩy. Phép rửa còn đưa ta vào Hội thánh qua việc hiệp thông với Đức Ki-tô - Ba ngôi; với mọi người. Phép rửa còn là dấu chỉ thuộc về Hội thánh. Mỗi người có thể tham dự hoạt động của Đức Ki-tô đều là thành phần của Hội thánh, đều thông phần dâng lễ tế của Đức Ki-tô, và được sáp nhập vào Hội thánh, đây chính là Hội thánh Công giáo mà Phép rửa hướng ta nên một, cũng như Giáo hội tuyên tín sự “Duy nhất” của mình.
Khi lãnh nhận Phép rửa, không những ta được tháp nhập vào Hội thánh, là Thân thể Đức Ki-tô, mà còn trở nên: “những viên đá sống động để xây nên ngôi đền thờ của Thánh Thần, xây dựng hàng tư tế thánh của Người” (1Pr 2,5).  

5. Con đi lễ và thấy các bài giảng của các cha luân nhắc tới hai từ " luân lý". Thật lòng con vẫn chưa hiểu khái niệm. Xin cha có thể giải thích?
Văn hóa Phương Tây phân biệt luân lí qua hai từ: “morality” và “ethics”. Thứ nhất, “morality” (đạo đức, đạo lý, đạo nghĩa), đó là một thứ luân lí mà dân chúng nên học hỏi hoặc được giáo dục hoặc chịu ảnh hưởng của các tập quán đạo lí của xã hội, ví dụ "Tiên học lễ hậu học văn"; cũng như của gia đình, chẳng hạn đi thưa về trình, tôn ti trật tự. Dân chúng phải tuân hành để sống và thể hiện tinh thần của luân lí đó, qua nhân cách của mỗi người trong cộng đồng.
Thứ hai, “ethics” (đạo đức học) thông thường được hiểu là một môn học đạo đức, được nghiên cứu viết ra và được dùng giảng dạy trong các lớp học đạo đức ở nhà trường, như là một môn học kiến thức để học trò hiểu và biết cách thức phân tích, nhận định về đạo đức. Tuy nhiên, người học trò KHÔNG BỊ RÀNG BUỘC PHẢI CHỌN cho mình một thái độ luân lí nào trong đó. Tức, môn luân lí này không nhất thiết bắt buộc người học phải áp dụng và tuân giữ trong đời sống của mình.
Còn ở Việt Nam thông thường người ta hiểu luân lí như là những nguyên tắc sống hiền hòa, nhân ái, kính trên nhường dưới, hiếu thảo cha mẹ, thuận hòa anh chị em, không trộm cắp, không gian dối, không giết người, v.v…, và thường được cha mẹ và thầy cô giáo khuyên lơn, dạy dỗ, hoặc được nhắc nhở qua ca dao tục ngữ, ví dụ "ở hiền gặp lành"; "chị ngã em nâng"… cũng như qua những tập tục lễ nghi, hội hè. Đặc biệt ở Việt Nam, ngoài ảnh hưởng của Ngũ giới Phật giáo và Mười điều răn Đức Chúa Trời, (không tham lam, không giết người, không trộm cướp, không loạn luân, v.v…, ) người Việt chúng ta còn chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của những điều luân lí chứa đựng trong Ngũ thường “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” của Khổng giáo. Còn Luân lý Kitô giáo là luân lý của sự hoàn thiện Tin Mừng và sự hiểu biết của con người (Tám Mối Phúc Thật).


6. Trong các bài chia sẻ tin mừng con thấy có ba từ" thánh giá" "khổ giá" và "thập giá", xin cha cho con biết: -khái niệm 3 từ trên, 3 từ đó co mối liên hệ gì, khi nào thì ta dùng một trong 3 từ trên? (Trích tài liệu của Cha Huỳnh Trụ)

Thứ nhất ta hiểu từng chữ:
-  Thập  Tiếng hán chữ (thập), nghĩa là dt. (1) Tên số một cộng chín: thập nhân (mười người); tt. (2) Số nhiều: thập mục sở thị (ai ai cũng thấy); pht. (3) Rất; hết mức: thập phân, thập nhị phân (ngoại hạng); (4) Hoàn toàn: thập toàn thập mỹ.
- Tự: chữ Hán, nghĩa là: dt. (1) Chữ, ký hiệu ghi ngôn ngữ: văn tự; tự điển; (2) Biệt danh (tự là tên được đặt khi đủ 20 tuổi làm lễ đội mũ và công khai gia nhập xã hội người lớn): Đức Khổng Tử có “tự” là “Trọng Ni”; (3) Họ Tự ; đt. (4) Người con gái đã hứa hôn.
- Giá:  nghĩa là: dt. (1) Khung để treo: y giá (khung áo); (2) Gác (để đặt đồ vật): thư giá (kệ sách); (3) Cấu trúc của vật: cốt giá; (4) Giàn: Đậu giá (giàn đậu); đt. (5) Bắt cóc: cường hành giá tẩu (Dùng sức mạnh bắt đi); (6) Xây dựng cầu, bắc cầu: giá kiều; (7) Đánh lộn: đả giá; (8) Chống lại: giá bất trú (đấu không lại; không chịu nổi); (9) Tranh cãi: khuyến giá (can đôi bên); (10) Làm điệu, ra vẻ ta đây: bài giá tử; (11) Loại từ (lượng từ): Cỗ, chiếc: Nhất giá phi cơ (một chiếc máy bay).
- Thánh: Có những nghĩa sau đây: dt. (1) Người tu dưỡng nhân cách tới cõi cùng cực; (2) Phàm cái gì mà tới tột bực đều gọi là thánh; (3) Lời nói tôn kính nhất; (4) Người hiểu thấu mọi việc; sáng suốt, cái gì cũng biết rõ; (5) Họ Thánh; (6) Tôn xưng ông vua; (7) Người học thức hoặc đạo đức thâm cao; (8) Nhân vật được tôn thờ hoặc thần linh; (9) Đấng tạo ra trời, đất, chúa tể của muôn loài, theo một số tôn giáo; tt. (10) Cái gì thuộc về nhà vua thời phong kiến; (11) Chữ trong Kitô giáo dùng để gọi Chúa Giêsu và những gì thuộc về Chúa (Ví dụ: tượng thánh, chén thánh, nước thánh, toà thánh...).
- Khổ: Nghĩa là: dt. (1) Trà; (2) Đắng [một trong ngũ vị: điềm (ngọt), toan (chua), khổ (đắng), lạt (cay), hàm (mặn)]; (3) Khó chịu đựng: Đồng cam cộng khổđt. (4) Lao lực; (5) Ghét; (6) Cảm thấy không đủ: Xuân tiêu khổ đoản nhật cao khởi (Đêm xuân chưa thấy gì thì mặt trời đã mọc lên); tt. (7) Gian lao; (8) Vị đắng; (9) U sầu; (10) Buồn sầu; (11) Làm cho người ta buồn; pt. (12) Cố gắng: Mai đầu khổ đọc (cắm đầu cố gắng học).
- Ác: nghĩa là: dt. (1) Việc xấu: Vô ác bất tác (không việc xấu nào mà không làm); (2) Người chuyên làm việc xấu: Thừa thiên tru ác (thừa lệnh trời giết người ác); (3) Bệnh tật; (4) Vấy bẩn; (5) Cứt (phân); (6) Tà khí; (7) Kém hèn; tt. (8) Hung dữ; (9) Không lương thiện; (10) Xấu xa; (11) thô thiển; pt. (12) Rất.
Thứ hai, chúng ta hiểu các từ ghép
- Thập tự giá
Thập là mười; tự là chữ; giá: là đồ dùng để treo cái gì lên. Như vậy, thập tự giá là cái giá có hình chữ thập. Chữ “thập” là chữ thập của chữ Hán, gồm hai nét ngang và dọc: , chỉ số 10. Số mười thường viết là 10. Đây là điểm quan trọng cho thấy muốn hiểu tiếng Việt không thể không biết chữ Hán. Đối với những ai không muốn dùng chữ Hán, có lẽ phải nói là “giá dấu cộng” (+) chứ không thể nói “thập tự giá”.
Thập tự giá là một dụng cụ hành hình tàn nhẫn thời xưa, thịnh hành nhất tại Persia, Damascus, Giuđa, Israel, Carthage, Roma. Thông thường dùng để xử tử những người phản nghịch, dị giáo, nô lệ và những người không có quyền công dân của đế quốc Roma.
Thập tự giá tiếng Anh là cross, bắt nguồn từ chữ Latinh crux. Trong Tân Ước dùng chữ Hylạp là stauros, chữ này có 2 nghĩa: khúc cây bình thường và cây thập tự giá đóng đinh Chúa Giêsu. Một số giáo phái Tin Lành, như “chứng nhân Yehowa”, thì chỉ dịch là khúc cây và họ từ chối nhìn nhận thập tự giá của Chúa Giêsu. Trong tiếng Anh cổ xưa cũng dùng chữ rood (thập tự giá) hay rod (cây). Sách bách khoa Berry kể ra đến 385 loại thập tự giá.
Trong văn học phương Tây, coi thập tự giá như tượng trưng cho sự đau khổ, nhưng đối với Kitô hữu, đó là thể hiện ơn cứu rỗi của Chúa Kitô.
- Thập giá 
Thập là mười; giá là khuôn treo. Thập giá: là mười cái khuôn treo hay mười chiếc, không có nghĩa là cái giá hình chữ thập. Thập tự giá nói tắt thành “thập giá” thì không đúng cho lắm, cũng như chúng ta không thể rút ngắn thuật từ “chữ thập đỏ” thành “thập đỏ”, hay “hồng thập tự” thành “hồng thập”. Thuật từ “thập giá” thay cho thuật từ “thập tự giá” đã có từ lâu và sử dụng quá phổ biển, nên đã trở thành thuật ngữ chuyên biệt của Kitô giáo, đạo Cao Đài thì chỉ dùng thuật từ “thập tự giá”. Đối với Kitô hữu, ai ai cũng chấp nhận “thập giá” đồng nghĩa với “thập tự giá”, cho nên khi ban đầu dùng sai rồi, nay kể như là đúng, mà cũng không ai thắc mắc, được kể như một thuật từ chuyên dùng. Đây là một trong những trường hợp ngoại lệ. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả các thuật từ dùng sai rồi, đã phổ biển, thì đương nhiên trở thành thuật từ đúng, đổi trắng thay đen được. Cũng vậy, thuật từ “tạo vật” nghĩa là Đấng “Tạo Hoá”, không thể vì không hiểu mà trở thành “thụ tạo” được. Về phương diện nghiên cứu, không nên chỉ theo cảm tính, mà phải theo lý trí.
- Thánh giá
“Thánh” nghĩa là thuộc về Chúa, dâng hiến cho Chúa; giá: đồ dùng hay khuôn để treo lên. Thánh giá nghĩa là khuôn được thánh hiến. Thuật từ Thánh giá không nói đến “giá” có hình dáng gì, mà chỉ nói đến cái giá được thánh hiến mà thôi.
Chúng ta biết Chúa Kitô đã bị đóng đinh vào cây giá (Lc 24,39; Ga 20, 25). Nhưng không biết cây giá đó có hình chữ T hay có phần trồi lên trên thanh ngang như hình chữ “thập” (), truyền thống Giáo Hội thì thường là hình chữ thập, tuy nhiên cũng có lưu truyền loại hình chữ T (gọi là crux commissa hay là thánh giá của Thánh Antôn).
Đây cũng là một trường hợp thuật từ thánh giá được sử dụng quá phổ biến mà trở thành một thuật từ riêng biệt của Kitô giáo. Nếu chúng ta muốn dùng thuật từ thánh giá để chỉ cái giá có hình chữ thập theo truyền thống Công giáo, thì thuật từ thập tự thánh giá mới đúng hơn. Bằng không thì thuật từ thánh giá cũng rất hay, vì không cần tranh luận cái giá đóng đinh Chúa có hình dáng gì.
- Khổ giá
Nghĩa là cái giá đau khổ, gây đau khổ cho Chúa Giêsu. Chính vì Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên cái giá đó, nên trở thành khổ giá. Chúa Giêsu đã đem lại cho đau khổ và sự chết một ý nghĩa lớn lao nhờ chia sẻ sâu xa thân phận bi đát của con người. Đau khổ và sự chết của Đức Giêsu trở thành cần thiết cho một mùa màng lớn lao tức là ơn cứu rỗi muôn dân. Để cho rõ nghĩa hơn, nên nói “thâp tự khổ giá”, nhưng chúng ta cũng quen dùng khổ giá để chỉ thập tự khổ giá.
-Thập ác
Thập là mười, ác là việc xấu, thập ác là mười việc xấu hay mười tội ác.
 Cuối cùng, chúng ta để ý đến sự khác biệt của thập giá và thánh giá
 - Thập giá
Trước khi Chúa Giêsu chịu khổ hình trên cây thập tự thì cây thập tự chỉ được gọi là cây THẬP TỰ GIÁ, là một cái giá hành hình có kiểu dáng chữ thập, là một cực hình của thế giới phương Tây. Biểu tượng của cây thập tự giá đối với những người không có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là một biểu tượng của sự chết, là sự ô nhục, điên rồ và ngu xuẩn (1 Cor. 1:23). Thập tự giá cũng là biểu tượng của việc hy sinh hãm mình của Kitô hữu: “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo !” (Lc. 9:23).
- Thánh giá
Sau khi Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết, lên trời vinh hiển thì cây THẬP TỰ GIÁ trở thành một báu vật của nhân loại và được gọi là THÁNH GIÁ bởi vì cây thập giá ấy đã được diễm phúc làm nơi cho Thánh Tử Giêsu yên nghỉ. Đối với những người có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô thì cây thập giá biến thành cây THÁNH GIÁ và là biểu tượng của niềm tin. Khi dâng thánh lễ, trên bàn thờ phải có cây thánh giá.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét