Trang

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

GIÁO LÝ VỀ KINH TIN KÍNH - Tuần VI

Mục 5
Chúa Giêsu Kitô “xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại”

          Kính thưa quý ÔBACE,
Thứ nhất, lời rao giảng của các Tông Đồ về việc Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông, có ý nghĩa như sau: Chúa Giêsu đã chết giống như mọi người, và linh hồn Người đã xuống nơi ở của những người chết trước Chúa Giêsu. Chúa Giêsu xuống đó với tư cách là Đấng Cứu Độ, để loan báo Tin Mừng cho các vong linh bị cầm giữ ở đó.Thánh Kinh gọi nơi ở của những người chết mà Đức Kitô khi chết đã xuống là âm phủ hay ngục tổ tông và những kẻ ở ngục tổ tông không được nhìn thấy Thiên Chúa dù họ công chính hay xấu xa nhưng số phận của họ thì khác nhau. Cho nên, Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông không để giải thoát những kẻ đã bị kết án hoặc để phá hủy địa ngục đọa đày, nhưng để đem những người công chính đã chết trước Người về thiên đàng. Vì vậy, việc Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông là sự hoàn thành một cách sung mãn việc loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người thuộc mọi thời và mọi nơi bởi vì tất cả những ai được cứu độ đều được tham dự vào công trình Cứu Chuộc của Chúa Giêsu (Sách giáo lý Hội Thánh Công giáo (632-635).

          Kính thưa quý ÔBACE,
Chúng ta bước sang câu “ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại”. Sự Phục sinh của Chúa Giêsu được Thánh kinh thuật lại như sau: “Ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ. Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: "Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay. Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: "Chào chị em! " Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: "Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó" (Mt 28,1-10).
Như vậy, kính thưa quý ÔBACE,
Mầu nhiệm Sống lại của Đức Kitô là một biến cố có thật, với những cuộc tỏ hiện đã được kiểm chứng theo lịch sử, như Tân Ước đã làm chứng. Sự Sống Lại của Chúa Giêsu là chân lý cao cả nhất của đức tin chúng ta vào Đức Kitô. Nó cũng là một chân lý trung tâm đã được tin và thể hiện trong cuộc sống bởi cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi và đã được lưu truyền bởi Thánh Truyền như chân lý nền tảng đã được xác lập bởi các văn kiện của Tân Ước và được rao giảng.  Cho nên, các Tông đồ, cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi mãi là những chứng nhân của Đấng Phục Sinh của Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng, Đức tin của cộng đoàn các tín hữu tiên khởi được xây dựng trên lời chứng của những con người cụ thể mà các Kitô hữu quen biết và phần đông lúc đó còn sống giữa họ. Những chứng nhân về cuộc Phục Sinh của Đức Kitô, trước hết là ông Phêrô và Nhóm Mười Hai, rồi ông Phaolô, ông Giacôbê và với tất cả các Tông Đồ khác (Sđd, số 639-642).
Bây giờ chúng ta xét xem tình trạng con người của Đức Kitô sau khi phục sinh như thế nào? Sau khi Phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra cùng ăn uống với các Tông đồ, các tông đồ đã đụng chạm vào thân thể phục sinh của Ngài và nhận thấy Ngài là một con người đang sống bình thương không phải là ma. Như vậy thân thể phục sinh của Chúa Giêsu đang hiện diện với các ông, chính là thân thể đã bị hành hạ và bị đóng đinh vào thập giá bởi vì thân thể đó vẫn còn mang các dấu vết của cuộc khổ nạn của Người. Tuy nhiên, thân thể đích thực và hiện thực này đồng thời có những đặc tính mới của một thân thể vinh hiển: thân thể đó không còn bị ràng buộc trong không gian và thời gian nữa, nhưng có thể tự do hiện diện ở đâu và lúc nào Người muốn, bởi vì nhân tính của Chúa Giêsu không còn bị ràng buộc ở trần thế nữa và chỉ thuộc về quyền năng thần linh của Chúa Cha. Điều đáng chú ý là sự Phục Sinh của Đức Kitô không phải là việc trở lại với cuộc sống trần thế, giống như trường hợp của những kẻ Người đã cho sống lại: con gái ông Giairô, người thanh niên Naim, anh Lazarô. Nhờ quyền năng của Chúa Giêsu, họ sống lại với cuộc sống trần thế “thông thường”, mai ngày họ sẽ lại chết. Còn sự phục sinh của Đức Kitô thì hoàn toàn khác hẳn. Trong thân thể phục sinh của Người, Người chuyển từ trạng thái phải chết sang một sự sống khác vượt trên thời gian và không gian, có nghĩa là Ngài sẽ không chết nữa. Thân thể của Chúa Giêsu Phục Sinh đầy tràn quyền năng của Chúa Thánh Thần và tham dự vào sự sống thần linh trong trạng thái vinh quang của Chúa Giêsu.
Ước gì mỗi lần tuyên xưng: Chúa Giêsu Kitô “xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại”, chúng ta xác tín rằng sự phục sinh của Đức Kitô là nguyên lý và nguồn mạch cho chúng ta ngày sau được sống lại như Chúa Giêsu Kitô vì chưng “Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.... Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,20-22).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét